Ủy quyền nộp đơn ly hôn như thế nào? Để trả lời câu hỏi ủy quyền nộp đơn ly hôn được hay không? Luật sư xin cung cấp thông tin tư vấn về vấn đề ủy quyền, phạm vi của việc ủy quyền, trường hợp nào nên ủy quyền để giải quyết việc ly hôn, mẫu giấy ủy quyền ly hôn.
Mục lục bài viết
Ủy quyền nộp đơn ly hôn như thế nào?
1. Chủ thể có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn bao gồm những ai?
Theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân gia đình 2014 về Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn thì những người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn bao gồm:
“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ”.
Căn cứ khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.”
Theo quy định trên, pháp luật chỉ cấm đương sự ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng trong vụ án ly hôn nhưng không cấm đương sự ủy quyền cho người khác nộp thay đơn.
2. Trường hợp được ủy quyền nộp đơn ly hôn
Theo khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì họ là người đại diện”.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, không cho phép vợ/ chồng ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng trong việc giải quyết ly hôn dù là đơn phương hay thuận tình. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chỉ cấm việc ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ án ly hôn mà những vấn đề, thủ tục xung quanh việc ly hôn thì pháp luật không cấm. Trong đó có nộp đơn ly hôn.
Khi ly hôn, vợ/ chồng hoàn toàn có thể ủy quyền cho người khác nộp đơn ly hôn đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án chấm dứt quan hệ vợ chồng cũng như giải quyết việc cấp dưỡng, chia tài sản (nếu có) được quy định tại khoản 1 Điều 190 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Như vậy, đương sự có thể ủy quyền cho người khác đại diện mình nộp đơn ly hôn đến Tòa án có thẩm quyền và có rất nhiều bước cần thực hiện thủ tục ly hôn.
- Chuẩn bị đơn ly hôn;
- Chuẩn bị hồ sơ;
- Nộp đơn tại Tòa án có thẩm quyền;
- Nhận kết quả xử lý đơn từ Tòa án;
- Lên Tòa theo thông báo hoặc Giấy triệu tập của Tòa án……
3. Mẫu giấy ủy quyền nộp đơn ly hôn
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
GIẤY ỦY QUYỀN
– Căn cứ vào Bộ luật dân sự 2015;
– Căn cứ vào nhu cầu của các bên.
Hôm nay, ngày…. tháng …. năm ….. , tại ………………………
Bên ủy quyền: Ông (bà) ………………………
CMND số: …………………………. do Công an …………………………. cấp ngày ……………….
Hộ khẩu thường trú: ……………………………………………………………………………………………
(Gọi tắt là bên A)
Bên nhận ủy quyền: Ông (bà) ………………………….
CMND số: …………………………. do Công an ………………. cấp ngày …………………….
Hộ khẩu thường trú:…………………………………………………………………………………………….
(Gọi tắt là bên B)
Nội dung ủy quyền:
Bên B được quyền và thay mặt tôi (bên A) và nhân danh tôi liên hệ với Tòa án nhân dân có thẩm quyền và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc thực hiện thủ tục ly hôn theo quy định của pháp luật để:
– Nộp; rút đơn khởi kiện, nhận thông báo tạm ứng án phí, nộp tạm ứng án phí, bổ sung hồ sơ, ký nhận bản chính, các văn bản, giấy tờ liên quan thay tôi;
– Thực hiện các thủ tục hành chính với các cơ quan có thẩm quyền, viết, nộp, ký các văn bản, giấy tờ, thu thập tài liệu, chứng cứ, giấy tờ chứng minh, nộp đơn, nộp phí, lệ phí và nhận thông báo liên quan đến hồ sơ ly hôn của tôi.
Thời hạn ủy quyền:
Thời hạn ủy quyền kể từ ngày ký giấy ủy quyền này đến khi hoàn thành xong công việc ủy quyền nêu trên.
Cam đoan:
– Bên A cam đoan chịu trách nhiệm về mọi việc do bên B thực hiện theo nội dung trong giấy ủy quyền này.
– Bên B đồng ý nhận việc thực hiện việc ủy quyền nói trên của bên A.
– Bên B cam đoan chỉ nhân danh bên A để thực hiện việc ủy quyền nêu trong giấy ủy quyền này.
Ký kết:
Bên A và Bên B từng người một đã đọc lại nguyên văn giấy ủy quyền này, hiểu rõ nội dung và cùng kí tên dưới đây làm bằng chứng.
Bên A | Bên B |
4. Giấy ủy quyền ly hôn có phải công chứng?
Hiện nay, theo quy định của Luật công chứng thì không có thủ tục công chứng giấy ủy quyền mà chỉ đề cập đến hợp đồng công chứng. Tuy nhiên, Nghị định số 23/2015/NĐ- CP quy định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng giao dịch. Cụ thể tại điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ – CP quy định các trường hợp chứng thực chữ ký có đề cập đến giấy ủy quyền như sau:
Chứng thực chữ ký trong giấy ủy quyền đối với trường hợp không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, sử dụng bất động sản. Pháp luật hiện hành chưa quy định về giấy ủy quyền, tuy nhiên có thể xem giấy ủy quyền là giao dịch dân sự (hành vi pháp lý đơn phương) quy định tại Điều 116 Bộ luật dân sự năm 2015.
Pháp luật không quy định hình thức giấy ủy quyền, nhưng từ thực tiễn cho thấy giấy ủy quyền cần lập thành văn bản. Tòa án khi tiếp nhận hồ sơ có giấy ủy quyền nộp đơn ly hôn vẫn yêu cầu phải có chứng thực để đảm bảo tính chính xác của văn bản. Do đó, các bên khi thực hiện ủy quyền nộp đơn ly hôn nên yêu cầu thực hiện thủ tục chứng thực chữ ký của người ủy quyền tại phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng.
5. Ủy quyền ly hôn hết bao nhiêu tiền?
Làm giấy ủy quyền giải quyết ly hôn tại Tòa án hết bao nhiêu tiền?
Tùy từng trường hợp ủy quyền ly hôn; thỏa thuận của các bên; sự kiện phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục ly hôn mà chi phí này có thể khác nhau. Chi phí khi thực hiện thủ tục ủy quyền ly hôn có thể bao gồm những khoản sau:
Chi phí soạn văn bản ủy quyền ly hôn:
Để có thể thực hiện ủy quyền ly hôn tại Tòa án, các bên cần phải xuất trình được văn bản ủy quyền. Văn bản này thường là do các bên tự soạn dựa trên nội dung công việc hai bên thỏa thuận. Tuy nhiên, có thể do không có điều kiện thường xuyên tiếp xúc với các văn bản mang tính pháp lý nên nhiều người còn bỡ ngỡ, không biết cách soạn thảo văn bản sao cho đúng.
Để có được văn bản ủy quyền đúng chuẩn mẫu được Tòa án tiếp nhận, nhiều người chấp nhận bỏ thêm ra một khoản chi phí để yêu cầu văn phòng công chứng; phòng công chứng; hoặc công ty Luật soạn thảo văn bản ủy quyền ly hôn. Cách này sẽ giúp cho các bên không mất quá nhiều thời gian để làm văn bản ủy quyền ly hôn. Khoản phí bỏ ra trong để các văn phòng soạn thảo ủy quyền giải quyết ly hôn cũng rất hợp lý, mà công việc các bên cần thực hiện lại đạt hiệu quả cao.
Chi phí thù lao cho người nhận ủy quyền trong vụ việc ly hôn:
Đối với Hợp đồng ủy quyền giải quyết ly hôn tại Tòa án:
Chi phí cao hay thấp có thể dựa trên sự thỏa thuận của các bên. Pháp luật không có quy định cụ thể cũng như đặt ra giới hạn đối với khoản chi phí này. Do đó, bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền có thể tự quyết định chi phí hợp lý để bên nhận ủy quyền thực hiện những công việc trong phạm vi được phép giúp bên ủy quyền ly hôn.
Đối với chi phí ủy quyền:
Phần đa khi việc ủy quyền ly hôn được thực hiện bằng giấy ủy quyền thì việc ủy quyền này không có chi phí. Các bên thực hiện công việc ủy quyền giải quyết ly hôn trên cơ sở hỗ trợ, giúp đỡ nhau là chính. Việc ủy quyền này thường diễn ra giữa những người có mối quan hệ quen biết với nhau trước đó.
Chi phí công chứng, chứng thực ủy quyền ly hôn:
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện thủ tục ly hôn các bên sẽ còn mất thêm một khoản phí liên quan đến việc công chứng, chứng thực Hợp đồng ủy quyền ly hôn, giấy ủy quyền ly hôn. Khoản phí này ít hay nhiều sẽ tùy thuộc vào quy chế hoạt động và biểu phí của từng văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng. Chi phí này có thể sẽ giao động trong khoảng 300,000 đồng đến 1,000,000 đồng, phụ thuộc vào số bản công chứng.
Chi phí thu thập tài liệu, giấy tờ để làm ủy quyền ly hôn:
Nhiều trường hợp khi thực hiện thủ tục ly hôn bên có yêu cầu ly hôn bị thiếu hồ sơ ly hôn. Do đó, không chỉ ảnh hưởng đến quá trình thực hiện thủ tục ly hôn mà việc ủy quyền còn bị ảnh hưởng. Để thu thập hồ sơ nên nội dung công việc ủy quyền khi ly hôn có thể bị ghi nhận sai thông tin. Điều này khiến cho việc ủy quyền ly hôn gặp nhiều khó khăn, các bên tham gia ủy quyền ly hôn có thể phải mất thời gian, công sức đi lại để chỉnh sửa nội dung ủy quyền.
Do đó, để tránh trường hợp này các bên nên chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, nắm chắc thông tin liên quan đến vụ việc trước khi ký với nhau thỏa thuận ủy quyền giải quyết ly hôn. Quá trình thu thập, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ sẽ phát sinh thêm những chi phí liên quan.
Như vậy, để thực hiện việc ly hôn tại Tòa án cần phải làm rất nhiều bước và có nhiều trường hợp chuẩn bị hồ sơ không kỹ thì phải lên thêm lần nữa bổ sung hồ sơ sẽ khiến bạn mất nhiều thời gian. Chính vì vậy, có rất nhiều người đã lựa chọn giải pháp là ủy quyền cho người khác đi nộp đơn và tạm ứng án phí. Sau khi Tòa án thụ lý và thông báo hoặc có giấy mời thì đương sự mới lên Tòa án.