Trách nhiệm pháp lý trong việc buôn bán và sử dụng đồ chơi tình dục (sextoy), thuốc kích dục trong giới trẻ.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW đã có phần trả lời phỏng vấn chương trình Lăng kính của VTV6 Đài truyền hình Việt Nam về vấn đề Trách nhiệm pháp lý trong việc buôn bán và sử dụng đồ chơi tình dục (sextoy), thuốc kích dục trong giới trẻ, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:
PV: Xin ông cho biết: Hiện nay việc buôn bán đồ chơi tình dục và thuốc kích dục tại Việt Nam đang bị cấm trong những trường hợp nào, được sử dụng trong trường hợp nào?
Trả lời:
- Đối với đồ chơi tình dục:
Trong các văn bản quy định về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện tính đến thời điểm này như Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 và Nghị định số 43/2009/NĐ-CP ngày 7 tháng 5 năm 2009, chưa có quy định cụ thể về việc cấm kinh doanh mặt hàng đồ chơi tình dục (hay gọi cách khác là công cụ hỗ trợ tình dục – Sextoy) hay cho phép sử dụng trong những trường hợp nhất định.
Tuy nhiên, thông thường các cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng đồ chơi tình dục thuộc Đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội (bao gồm các chương trình trò chơi điện tử) thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh quy định tại điểm 6 Phụ lục I Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 để ngăn chặn việc mua bán mặt hàng đó trên lãnh thổ Việt Nam.
- Đối với thuốc kích dục:
Thuốc kích dục được hiểu là một loại thuốc (chất hóa học) làm tăng ham muốn tình dục ở nam và nữ.
Hiện tại, chưa có 1 quy định cụ thể nào điều chỉnh trực tiếp đối tượng là “thuốc kích dục”.
Do vậy, việc xử lý của các cơ quan chức năng sẽ phụ thuộc vào thành phần hóa học để bào chế ra loại thuốc đó. Nếu thành phần bào chế ra thuốc là chất độc hại, bị pháp luật cấm kinh doanh, cấm lưu hành, thì loại thuốc đó bị xếp vào loại hàng hóa bị pháp luật cấm sử dụng. Nếu loại thuốc đó là hàng giả thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về hành vi lưu hành, sử dụng hàng giả (thuốc chữa bệnh giả). Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi, mà người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự (phạt tù).
Thuốc kích dục khác so với thuốc cường dương dành chon am giới – một loại thuốc mà Tây Y và Đông Y đều được phép lưu hành và sử dụng theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
Câu hỏi 2:
Những người tham gia buôn bán và sử dụng các mặt hàng đồ chơi tình dục và thuốc kích dục tại Việt Nam (trong trường hợp vi phạm pháp luật) sẽ bị xử lý ra sao? (các hình thức xử phạt này phụ thuộc thế nào vào: số lượng, người vi phạm trên 18 tuổi hoặc dưới 18 tuổi …. )
Trả lời:
- Đối với đồ chơi kích dục: cơ quan chức năng khi xử lý đưa vào danh mục hàng hóa dịch vụ văn hóa phẩm đồi trụy để cấm sử dụng, cấm lưu hành, cấm buôn bán.
Nên mọi trường hợp sử dụng, buôn bán đều bị pháp luật xử lý.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi, cũng như độ tuổi của người thực hiện hành vi, mà chế tài sẽ khác nhau:
- Nhẹ thì bị xử phạt hành chính, đưa vào cơ sở phục hồi nhân phẩm.
- Nặng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự (phạt tù).
Đối với cá nhân, tổ chức cho lưu hành đối tượng đồ chơi kích dục này, hiện nay, phổ biến là buôn bán thông qua các website thương mại điện tử, nên cơ quan chức năng áp dụng quy định xử lý hành vi vi phạm về thiết lập website thương mại điện tử được quy định tại Điều 81 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ví dụ như: phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi không tuân thủ quy định về hình thức, quy cách công bố thông tin trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử ( đăng tải văn hóa đồi trụy).
- Đối với thuốc kích dục:
Trường hợp thuốc kích dục là hàng giả thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về hàng giả (thuốc chữa bệnh giả).
Trường hợp thuốc kích dục được bào chế từ những chất độc hại bị pháp luật cấm lưu hành thì sẽ bị xử lý về hành vi lưu hành hàng hóa bị pháp luật cấm kinh doanh.
Chế tài xử lý:
- Xử phạt vi phạm hành chính.
- Hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (phạt tù).
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi và nhân thân của người thực hiện hành vi.
>> Trách nhiệm pháp lý khi buôn bán và sử dụng chất gây nghiện