Tòa án gia đình và người chưa thành niên tại Việt Nam xét xử những vụ án gì?
Theo quy định tại Điều 30, 38 và 45 của Luật tổ chức tòa án nhân dân, thì trong cơ cấu của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện có Tòa gia đình và người chưa thành niên. Việc tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên ở cấp tỉnh và cấp huyện sẽ căn cứ vào yêu cầu công việc và thực tế xét xử của mỗi tòa án; đồng thời tùy thuộc vào biên chế Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký của từng tòa án và do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định. Việc thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên không chỉ là sự sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân theo hướng hợp lý hơn mà còn là thiết chế mới tạo điều kiện để chuyên môn hóa công tác giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng và rút ngắn thời hạn giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên tại Tòa án nhân dân.
Tòa Gia đình và người chưa thành niên
Căn cứ vào Điều 40 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định về nhiệm vụ của Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh như sau:
“Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
1. Sơ thẩm những vụ việc theo quy định của pháp luật;
2. Phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.”
Bên cạnh đó, Điều 3 Thông tư 01/2016/TT-CA do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành quy định về thẩm quyền của các Tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh như sau:
Thẩm quyền của các Tòa chuyên trách
1. Tòa hình sự xét xử các vụ án hình sự, trừ các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa gia đình và người chưa thành niên; xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân trong trường hợp tại Tòa án đó không tổ chức Tòa xử lý hành chính, trừ trường hợp việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa gia đình và người chưa thành niên.
2. Tòa dân sự giải quyết các vụ việc dân sự; giải quyết các vụ việc kinh doanh thương mại, phá sản, lao động, hành chính trong trường hợp tại Tòa án đó không tổ chức Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa hành chính.
3. Tòa kinh tế giải quyết các vụ việc kinh doanh thương mại, phá sản.
4. Tòa hành chính giải quyết các vụ án hành chính.
5. Tòa lao động giải quyết các vụ việc lao động.
6. Tòa gia đình và người chưa thành niên giải quyết các vụ việc như sau:
a) Các vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc các vụ án hình sự mà bị cáo là người đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác;
b) Xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân đối với người chưa thành niên;
c) Các vụ việc hôn nhân gia đình theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
7. Tòa xử lý hành chính xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, trừ những việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Như vậy, Tòa Gia đình và người chưa thành niên giải quyết các vụ việc như sau:
– Các vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc các vụ án hình sự mà bị cáo là người đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác;
– Xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân đối với người chưa thành niên;
– Các vụ việc hôn nhân gia đình theo quy định của Bộ luật tố tụng Dân sự 2015.