Thẩm phán thu thập chứng cứ trong vụ án dân sự

Thẩm phán thu thập chứng cứ trong vụ án dân sự. Thu thập chứng cứ để giải quyết của tòa án thông qua hoạt động thu thập chứng cứ của thẩm phán và hoạt động thu thập chứng cứ của đương sự. Khi vụ án được thụ lý, thẩm phán phải nắm vững các thuộc tính của chứng cứ, đồng thời xác định chính xác yêu cầu của đương sự (yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan), quan hệ pháp luật phát sinh tranh chấp trong vụ án, những vấn đề cần phải chứng minh, các chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ án và các chứng cứ đang được lưu giữ ở đâu, nghĩa vụ chứng minh của đương sự, quy phạm pháp luật nội dung, từ đó áp dụng các biện pháp phù hợp để thu thập chứng cứ.

Kỹ năng thu thập chứng cứ của Thẩm phán trong giải quyết vụ án dân sự

Xây dựng hồ sơ vụ án là nhiệm vụ hết sức quan trọng của thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án. Khi lập hồ sơ vụ án, tòa án có nhiệm vụ ra thông báo thụ lý vụ án; yêu cầu đương sự nộp tài liệu, chứng cứ cho tòa án; thực hiện những biện pháp để thu thập chứng cứ theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015). Theo đó, thẩm phán được tiến hành các hoạt động tố tụng để thu thập chứng cứ sau đây:

1. Thông báo về việc thụ lý vụ án; yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập.

Sau khi được phân công giải quyết vụ án, thẩm phán tiến hành nghiên cứu hồ sơ khởi kiện và tiến hành hoạt động tố tụng đầu tiên là thông báo về việc thụ lý vụ án theo quy định tại Điều 196 BLTTDS 2015. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, tòa án phải thông báo bằng văn bản cho bị đơn, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, viện kiểm sát cùng cấp về việc tòa án đã thụ lý vụ án. Đối với vụ án do người tiêu dùng khởi kiện thì tòa án phải niêm yết công khai tại trụ sở tòa án thông tin về việc thụ lý vụ án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án. Trong nội dung thông báo thụ lý vụ án có nêu thời hạn người được thông báo phải có ý kiến bằng văn bản nộp cho tòa án đối với yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu có.

BLTTDS 2015 không có quy định mẫu văn bản cụ thể thông báo yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Song, để bảo đảm nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự cũng như tính công khai, minh bạch trong việc giải quyết vụ án và để tiến hành thu thập chứng cứ thì thẩm phán, sau khi đã chấp nhận xem xét yêu cầu phản tố của bị đơn; yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (thụ lý yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập), phải thực hiện việc thông báo các yêu cầu đó cho nguyên đơn, bị đơn biết để các đương sự này thực hiện việc cung cấp chứng cứ cho tòa án (có ý kiến bằng văn bản đối với yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ, liên quan và nộp cho tòa án tài liệu, chứng cứ kèm theo). Thời hạn, mẫu thông báo yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập có thể áp dụng tương tự thời hạn, mẫu thông báo thụ lý vụ án.

2. Xác định các tài liệu, chứng cứ cần làm rõ các vấn đề về tố tụng và các tài liệu, chứng cứ giải quyết nội dung vụ án, gồm:

2.1. Các tài liệu để xác định các vấn đề về tố tụng:

– Tư cách đương sự và người tham gia tố tụng: các tài liệu để chứng minh tư cách chủ thể của đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

– Xác định thẩm quyền giải quyết vụ án: các tài liệu để xác định chính xác quan hệ pháp luật tranh chấp giữa các bên. Những giấy tờ, tài liệu nhằm xác nhận căn cứ pháp lý làm phát sinh quyền và nghĩa vụ mà các bên đang tranh chấp như hợp đồng, phụ lục hợp đồng, biên bản thanh lý; tài liệu xác định địa chỉ của bị đơn.

– Xác định thời hiệu khởi kiện: tài liệu, chứng cứ nào xác định thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ, nội dung cụ thể.

– Nêu những đặc thù về chứng cứ trong vụ án dân sự để xác định các vấn đề tố tụng.

– Nêu những đặc thù về chứng cứ trong vụ án kinh doanh – thương mại để xác định các vấn đề tố tụng.

– Nêu những đặc thù về chứng cứ trong vụ án lao động để xác định các vấn đề tố tụng.

– Các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để xác định các vấn đề tố tụng đã đầy đủ chưa? Có phải yêu cầu đương sự xuất trình bổ sung không?

2.2. Chứng cứ để giải quyết vụ án về mặt nội dung:

– Xác định yêu cầu của đương sự: yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn căn cứ vào nội dung đơn khởi kiện và yêu cầu bổ sung (nếu có); yêu cầu của bị đơn căn cứ vào đơn phản tố (nếu có) hoặc ý kiến phản bác; yêu cầu của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan căn cứ vào yêu cầu độc lập của họ (nếu có)…

– Xác định các vấn đề cần chứng minh, nghĩa vụ chứng minh của đương sự và các chứng cứ để chứng minh.

– Xác định những vấn đề cần chứng minh trong vụ tranh chấp:

+ Đối với nguyên đơn: những vấn đề nguyên đơn phải chứng minh; chứng cứ mà nguyên đơn xuất trình để chứng minh cho những yêu cầu của mình; chứng cứ nguyên đơn cung cấp có ý nghĩa cho việc chứng minh (giá trị của chứng cứ); theo hồ sơ vụ án, chứng cứ mà nguyên đơn cung cấp đã đầy đủ chưa?

+ Đối với bị đơn: những vấn đề bị đơn phải chứng minh; những tài liệu, chứng cứ bị đơn đã xuất trình được; những chứng cứ bị đơn cung cấp có ý nghĩa cho việc chứng minh theo yêu cầu của mình; theo hồ sơ vụ án, chứng cứ mà bị đơn cung cấp đã đầy đủ chưa?

+ Đối với người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (nếu có): tương tự như đối với nguyên đơn và bị đơn.

3. Hướng dẫn đương sự cung cấp bổ sung chứng cứ để thực hiện nghĩa vụ chứng minh của mình. 

Theo hồ sơ vụ án, xác định các tài liệu, chứng cứ cần thu thập bổ sung để hoàn chỉnh hồ sơ vụ án, để từ đó yêu cầu đương sự cung cấp bổ sung chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình hoặc để phản đối yêu cầu của đương sự khác. Khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho tòa án thì họ phải sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác.

Đối với tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 BLTTDS 2015 hoặc tài liệu, chứng cứ không thể sao gửi được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác. Thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự theo quy định của BLTTDS 2015. Trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự, đương sự mới cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ mà tòa án đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó.

Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó tòa án không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, phiên họp giải quyết việc dân sự hoặc các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ việc dân sự.

4. Thực hiện các biện pháp thu thập chứng cứ theo quy định của BLTTDS 2015. 

Về nguyên tắc, đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình. Tòa án có trách nhiệm xem xét mọi tình tiết của vụ án, căn cứ vào pháp luật để giải quyết yêu cầu của đương sự. Trong trường hợp xét thấy tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc chưa đủ cơ sở để giải quyết thì thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Trong trường hợp do BLTTDS 2015 quy định, thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp để thu thập tài liệu, chứng cứ [1]…

Do đó, để bảo đảm có đủ căn cứ để giải quyết vụ án, tìm ra sự thật khách quan của vụ án, bảo đảm quyền và các lợi ích hợp pháp của đương sự, thẩm phán cần cân nhắc để tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ, cụ thể như sau:

Một là, lấy lời khai của đương sự, người làm chứng. Các đương sự là những người có quyền lợi và nghĩa vụ gắn liền với vụ án, họ trực tiếp liên quan và biết rõ các tình tiết trong vụ việc.

Vì vậy, việc lấy lời khai của các đương sự có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc làm sáng tỏ nội dung vụ án, yêu cầu của các đương sự. Về nguyên tắc, đương sự phải tự viết bản khai và ký tên vào bản tự khai. Thẩm phán chỉ tiến hành lấy lời khai của đương sự khi đương sự không thể tự viết được bản tự khai hoặc nội dung bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng.

Việc lấy lời khai của đương sự cần tập trung làm rõ nội dung sự việc, yêu cầu của đương sự và các căn cứ chứng minh cho yêu cầu của đương sự, tập trung vào những tình tiết mà đương sự khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Trước khi lấy lời khai của đương sự, thẩm phán phải nắm chắc các tình tiết có ý nghĩa quan trọng của vụ án, các quy định của pháp luật nội dung cần áp dụng giải quyết vụ án, các vấn đề cần làm rõ, đặc biệt là các vấn đề còn mâu thuẫn trong bản khai của đương sự và giữa bản khai của các đương sự. Khi lấy lời khai của đương sự, cần lưu ý làm sáng tỏ những nội dung chưa rõ ràng hoặc có sự mâu thuẫn, dùng chứng cứ vật chất để đối chứng [2]…

Về địa điểm lấy lời khai, tòa án phải tiến hành lấy khai của đương sự tại trụ sở tòa án. Trong những trường hợp vì lý do khách quan, chính đáng như đương sự đang bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù, ốm đau, đương sự không có mặt tại tòa án…, tòa án không thể lấy lời khai của đương sự tại trụ sở thì thẩm phán, thư ký tòa án có thể lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở. Theo quy định, việc lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở tòa án phải bảo đảm có người làm chứng hoặc xác nhận của UBND, công an xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức đang quản lý người lấy lời khai. Trong trường hợp lấy lời khai của đương sự chưa đủ 18 tuổi hoặc người mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải có mặt người đại diện hợp pháp của họ và người đại diện hợp pháp phải ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào biên bản lấy lời khai.

Việc lấy lời khai của đương sự phải do thẩm phán tiến hành; thư ký tòa án chỉ có thể giúp thẩm phán ghi lời khai của đương sự vào biên bản. Khi ghi biên bản lấy lời khai của đương sự, tòa án phải thể hiện rõ ngày, giờ, tháng, năm ghi biên bản, địa điểm lấy lời khai, người tiến hành lấy lời khai, họ tên, tuổi, địa chỉ nghề nghiệp của người được lấy lời khai. Biên bản phải ghi đầy đủ chính xác nội dung khai báo. Nếu là những lời khai quan trọng phải ghi đúng cả lời văn của người khai. Mỗi chữ, mỗi câu thêm vào hoặc bỏ đi trong biên bản phải được người lấy lời khai và người khai xác nhận, những dòng trống phải gạch đi; biên bản lấy lời khai được người khai tự đọc hoặc đọc lại cho họ nghe, đương sự có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản ghi lời khai; chữ viết trong biên bản phải rõ ràng, dễ đọc, không được viết tắt.

Biên bản lấy lời khai phải được người khai ký tên xác nhận, nếu người khai không biết chữ thì cho họ điểm chỉ xác nhận và có người chứng kiến, trường hợp người khai không ký thì yêu cầu họ phải ghi rõ lý do vì sao không ký. Nếu đã giải thích họ vẫn không ký, không ghi lý do vì sao không ký thì thẩm phán yêu cầu mời người làm chứng đến xác nhận sự việc và ký tên vào biên bản.

Khác với đương sự, người làm chứng không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gì trong vụ án nhưng họ là người biết những tình tiết có liên quan đến vụ án. Lời khai của người làm chứng chứa đựng nhiều chứng cứ về những tình tiết cần chứng minh nhằm giúp tòa án tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Tuy vậy, lời khai của người làm chứng cũng có thể bị sai lệch và không phù hợp với sự thật khách quan như trong trường hợp người làm chứng bị mua chuộc, dụ dỗ, đe dọa, cố tình khai báo sai sự thật hoặc không nhớ kỹ đúng sự việc đã chứng kiến. Trong các trường hợp đó, lời khai của nhân chứng không mang tính khách quan và lời khai đó phải được đánh giá cùng với các chứng cứ khác trong vụ án.

Về phương pháp, thủ tục lấy lời khai của người làm chứng và cách ghi biên bản lấy lời khai của người làm chứng được tiến hành như đối với lấy lời khai của đương sự theo Điều 98 BLTTDS 2015. Ngoài ra, có một số điểm cần chú ý khi ghi biên bản: Nếu người làm chứng là thân thích, gần gũi với đương sự như cha, mẹ, vợ, con… thì trong biên bản cũng phải ghi rõ quan hệ đó. Trước khi lấy lời khai, thẩm phán phải giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của người làm chứng và yêu cầu người làm chứng cam đoan khai báo trung thực, cam đoan chịu trách nhiệm về lời khai của mình. Nội dung cam đoan phải được ghi vào biên bản.

Việc lấy lời khai là cách thức thu thập chứng cứ được tòa án áp dụng phổ biến nhất trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, giúp tòa án nắm bắt một cách nhanh nhất nội dung vụ án, có được chứng cứ sinh động, thực tế của vụ kiện. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều khi hoạt động này chưa mang lại hiệu quả chứng minh như mong muốn, vì pháp luật tố tụng dân sự không quy định hậu quả hay chế tài của việc người được lấy lời khai nhưng khai không đúng sự thật, hay từ chối khai khi có yêu cầu của tòa án. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều vụ án bị kéo dài khi không lấy được lời khai của đương sự hay của người làm chứng.

Hai là, biện pháp đối chất. Đối chất trong tố tụng dân sự được hiểu một cách đơn giản là hai bên trực tiếp gặp nhau, trình bày và chất vấn nhau về những vấn đề mà hai bên trước đó có lời khai mâu thuẫn, khác biệt nhau. Tuy nhiên, việc đối chất có được tiến hành hay không là do tòa án (thẩm phán) quyết định thực hiện và nội dung đối chất phải được lập thành văn bản gọi là “biên bản đối chất”. Trên thực tế, không phải khi nào có sự mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự thì tòa án cũng chủ động tiến hành đối chất.

Do vậy, các bên cần hiểu về quy định trên, và có thể áp dụng như một “vũ khí” để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách tốt nhất. Khi đương sự có yêu cầu hoặc khi xét thấy có sự mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự, người làm chứng, thẩm phán tiến hành đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng, hoặc giữa những người làm chứng với nhau theo thứ tự hợp lý. Tùy từng trường hợp cụ thể mà tiến hành đối chất về từng vấn đề một hoặc để từng người trình bày về các vấn đề cần đối chất theo thứ tự. Cách ghi biên bản đối chất về cơ bản được thực hiện như đối với trường họp ghi biên bản lấy lời khai của đương sự, người làm chứng.

BLTTDS 2015 không quy định hoặc không có hướng dẫn cụ thể về địa điểm tiến hành đối chất. Nhưng trên thực tế, đối chất chỉ được thực hiện tại trụ sở tòa án, vì đương sự trong các vụ án dân sự thường có những mâu thuẫn, tranh chấp rất căng thẳng, đôi khi họ chỉ gặp mặt nhau, hay ngồi lại với nhau tại tòa án mà không chịu đến bất cứ địa điểm nào, đồng thời cũng phần nào tạo sự thuận tiện cho tòa án khi giải quyết vụ án. Nhưng cũng có trường hợp đối chất được tòa án thực hiện tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn hay chính nơi làm việc của đương sự. Vì vậy, việc đối chất thực hiện ngoài trụ sở tòa án cần có điều kiện gì để bảo đảm tính khách quan, song vấn đề này pháp luật còn bỏ ngỏ chưa có quy định rõ ràng, dẫn đến mỗi nơi áp dụng một cách khác nhau.

Ba là, biện pháp xem xét, thẩm định tại chỗ. Những vụ án mà đối tượng tranh chấp là bất động sản, vật không thể di chuyển hoặc trường hợp thẩm phán cần nắm vững hiện trường xảy ra sự việc tranh chấp nhằm bảo đảm cho bản án, quyết định của tòa án được chính xác và bảo đảm khả năng thi hành án, nếu đương sự có yêu cầu xem xét, thẩm định tại chỗ và xét thấy cần thiết thì thẩm phán tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ. Khi tiến hành biện pháp xem xét, thẩm định tại chỗ, thẩm phán phải ra quyết định và phải gửi cho UBND cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định kèm theo văn bản đề nghị UBND hoặc cơ quan, tổ chức cử đại diện tham gia việc xem xét, thẩm định tại chỗ.

Tuy nhiên, thành phần, số lượng người của UBND cấp xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức tham gia việc xem xét, thẩm định tại chỗ pháp luật lại chưa quy định cụ thể nên ở mỗi địa phương, thậm chí trong cùng một địa phương hay trong từng vụ án khác nhau lại có sự tham gia khác nhau của các cá nhân, cơ quan này. Trên thực tế khi có yêu cầu xem xét, thẩm định tại chỗ, UBND cấp xã thường cử cán bộ địa chính, cán bộ tài chính, công an viên, thậm chí có nơi cử cán bộ tư pháp tham gia xem xét, thẩm định tại chỗ. Chính vì pháp luật không quy định thành phần, số lượng người của UBND, cơ quan, tổ chức tham gia xem xét, thẩm định tại chỗ nên nhiều trường hợp việc xem xét, thẩm định tại chỗ phải hoãn khi vắng một trong những người đã được cử tham gia, gây tốn kém cho đương sự khi phải chi phí xem xét, thẩm định cho nhiều người không cần thiết và kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Vào ngày, giờ đã định trong quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ, nếu chưa có đại diện của UBND hoặc cơ quan, tổ chức thì thẩm phán phải liên hệ để họ có mặt. Trong trường hợp vắng mặt đại diện của UBND hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định, thẩm phán phải hoãn việc xem xét thẩm định tại chỗ. Quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ phải được giao hoặc gửi cho đương sự để họ biết và chứng kiến việc xem xét, thẩm định tại chỗ. Tuy nhiên, nếu đương sự vắng mặt thì việc xem xét, thẩm định tại chỗ vẫn được tiến hành theo thủ tục chung.

Việc xem xét, thẩm định tại chỗ phải được ghi thành biên bản, thẩm phán tự mình hoặc thư ký tòa án ghi biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ. Biên bản phải ghi rõ kết quả xem xét, thẩm định, mô tả rõ hiện trường, có chữ ký của người xem xét, thẩm định và chữ ký hoặc điểm chỉ của đương sự nếu họ có mặt, của đại diện UBND cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định và những người khác được mời tham gia việc xem xét, thẩm định. Sau khi lập xong biên bản, tòa án phải yêu cầu đại diện UBND cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định ký tên và đóng dấu xác nhận.

BLTTDS 2015 quy định trường hợp có đương sự vắng mặt, tòa án vẫn tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ theo thủ tục chung. Vậy tòa án có phải thông báo kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ cho đương sự vắng mặt biết hay không, vì có những tài sản họ là người biết rõ về sự hình thành, giá trị của nó, đồng thời họ có quyền được biết những tài sản đang có tranh chấp mà tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ có đúng và đầy đủ hay không, có quyền khiếu nại đối với biện pháp thu thập chứng cứ mà tòa án đã tiến hành. Do pháp luật không quy định cụ thể nên các thẩm phán có những cách thực hiện khác nhau đối với trường hợp đương sự vắng mặt tại buổi xem xét, thẩm định tại chỗ. Thông thường, sau khi kết thúc buổi xem xét, thẩm định tại chỗ, thẩm phán sẽ thông báo bằng văn bản kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ cho đương sự hoặc triệu tập đương sự đến tòa án để trực tiếp đọc biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ.

Trong trường hợp có người cản trở việc tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ thì thẩm phán yêu cầu đại diện của UBND hoặc cơ quan, tổ chức có biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời để thực hiện việc xem xét, thẩm định tại chỗ. Trường hợp cần thiết, thẩm phán yêu cầu lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc công an nhân dân có thẩm quyền để có các biện pháp can thiệp[3]. Thẩm phán phải lập biên bản về việc đương sự cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ và lưu vào hồ sơ vụ án, đồng thời phải được gửi cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo pháp luật về hành vi chống người thi hành công vụ của đương sự.

Thủ tục tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ cũng như vấn đề xử lý hành vi cản trở của đương sự khi tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đã được Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn tương đối cụ thể trong Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP. BLTTDS 2015 đã quy định nghĩa vụ nộp tiền và nghĩa vụ chịu chi phí tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ tại Điều 156 và Điều 157. Đây là điểm mới của BLTTDS năm 2015, qua đó giải quyết những khó khăn của tòa án trong việc tiến hành xem xét biện pháp thu thập chứng cứ này, đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản thì biện pháp này thường được thẩm phán áp dụng.

Bốn là, biện pháp trưng cầu giám định. Trong trường hợp việc đánh giá chứng cứ cần phải sử dụng các kiến thức chuyên môn như xác định chữ viết, chữ ký, vân tay của một người nào đó hay cần xác định nguyên nhân gây thiệt hại trong xây dựng, xác định ADN… và theo sự thỏa thuận lựa chọn của các bên đương sự hoặc có yêu cầu của đương sự về việc trưng cầu giám định, tòa án cần phải trưng cầu giám định khoa học để làm căn cứ giải quyết vụ án. Biện pháp trưng cầu giám được quy định tại Điều 90 BLTTDS 2015 và được hướng dẫn chi tiết tại Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP.

Theo đó, biện pháp thu thập chứng cứ này chỉ được tòa án thực hiện khi có sự thỏa thuận lựa chọn của các đương sự hoặc có yêu cầu của một hoặc các bên đương sự mà pháp luật không dành sự chủ động áp dụng biện pháp này cho tòa án. Để thực hiện biện pháp trưng cầu giám định theo yêu cầu của đương sự thì tòa án phải yêu cầu đương sự thể hiện sự thỏa thuận lựa chọn hoặc yêu cầu bằng văn bản, có thể làm bằng văn bản riêng, ghi trong bản khai, hoặc trong biên bản ghi lời khai, biên bản đối chất. Thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự tại tòa án cho thấy, phần lớn các vụ án có nhiều người tham gia tố tụng và có trường hợp đương sự có biểu hiện mắc bệnh tâm thần hoặc một số bệnh khác làm hạn chế, mất năng lực hành vi dân sự thì cần thiết phải thực hiện giám định tâm thần để tòa án có căn cứ cử người đại diện cho đương sự để bảo đảm giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật.

Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu có chứng cứ bị tố cáo giả mạo thì điều đó có nghĩa là chứng cứ đó đang bị nghi ngờ về tính xác thực. Muốn khẳng định chắc chắn thì phải giám định chứng cứ mới xác định được chứng cứ giả mạo hay không. Xuất phát từ tính chất của các quan hệ dân sự, các bên có quyền quyết định và tự định đoạt trong quá trình giải quyết vụ việc, kể cả việc cung cấp chứng cứ cho tòa án, BLTTDS 2015 cho phép đương sự đưa ra chứng cứ bị tố cáo giả mạo được rút lại chứng cứ đó nhằm bảo đảm cho việc giải quyết nhanh chóng vụ án mà không cần phải giám định, tránh gây lãng phí về thời gian và tiền bạc. Nếu đương sự không rút lại chứng cứ đó thì người tố cáo có quyền yêu cầu tòa án trưng cầu giám định đối với chứng cứ đó để xác minh về tính hợp pháp của chứng cứ. Trong trường hợp việc giả mạo chứng cứ có dấu hiệu tội phạm thì tòa án sẽ chuyển cho cơ quan điều tra hình sự có thẩm quyền xem xét về trách nhiệm hình sự đối với người cung cấp chứng cứ đó và người đưa ra chứng cứ giả mạo có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại nếu việc giả mạo chứng cứ đó gây thiệt hại cho người khác.

Năm là, biện pháp định giá, thẩm định giá tài sản. Định giá tài sản là một biện pháp thu thập chứng cứ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Tòa án có thể tiến hành định giá tài sản khi có yêu cầu của đương sự hoặc chủ động tiến hành mà không cần có yêu cầu của đương sự. Điểm b khoản 1 Điều 92 BLTTDS quy định tòa án chủ động ra quyết định định giá tài sản tranh chấp trong trường hợp các bên thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá theo mức giá thấp nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước. Hội đồng định giá tài sản do tòa án quyết định thành lập theo quy định tại Điều 104 BLTTDS 2015.

Trước khi thành lập hội đồng định giá, tòa án có công văn gửi cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên môn đề nghị cử cán bộ tham gia. Trong công văn cần nêu rõ tài sản cần định giá, yêu cầu cụ thể đối với chủ tịch và ủy viên hội đồng định giá, thời hạn cơ quan chuyên môn có công văn trả lời cho tòa án biết việc cử người tham gia. Sau khi nhận được công văn trả lời của các cơ quan chuyên môn về việc cử người tham gia hội đồng định giá tài sản, thẩm phán phải kiểm tra những người được cử có đáp ứng các yêu cầu cụ thể mà tòa án nêu trong công văn hay không…

Sáu là, biện pháp ủy thác thu thập chứng cứ. Trong quá trình giải quyết các vụ kiện dân sự, có một thực tế phát sinh là tòa án đã thụ lý vụ kiện dân sự xét thấy cần phải thu thập thêm chứng cứ do chưa đủ căn cứ để giải quyết vụ án nhưng việc thu thập chứng cứ gặp trở ngại do phải tiến hành ở địa phương khác hoặc ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Để giải quyết khó khăn này, BLTTDS 2015 đã quy định cơ chế ủy thác thu thập chứng cứ cho các tòa án tại Điều 105.

Theo đó, tòa án đã thụ lý vụ án có thể ủy thác cho tòa án khác trong trường hợp cần thu thập chứng cứ ở địa phương khác trong lãnh thổ Việt Nam hoặc ủy thác thông qua cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc các cơ quan tiến hành tố tụng dân sự của nước ngoài mà nước đó và Việt Nam đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hoặc cùng Việt Nam gia nhập điều ước quốc tế có quy định về vấn đề này đối với trường hợp cần thu thập chứng cứ ở ngoài lãnh thổ Việt Nam thực hiện việc thu thập chứng cứ, xác minh các tình tiết của vụ việc dân sự.

Khi tiến hành việc ủy thác thu thập chứng cứ, thẩm phán phải ra quyết định ủy thác. Trong quyết định ủy thác phải ghi rõ tên, địa chỉ của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, quan hệ pháp luật tranh chấp và những công việc cụ thể ủy thác để thu thập chứng cứ. Tòa án nhận ủy thác có trách nhiệm thực hiện công việc cụ thể được ủy thác trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác và thông báo kết quả bằng văn bản cho tòa án đã ra quyết định ủy thác.

Trường hợp không thực hiện được việc ủy thác thì phải thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do của việc không thực hiện được việc ủy thác cho tòa án đã ra quyết định ủy thác. Để thuận lợi cho việc thực hiện ủy thác, trong nhiều trường hợp, tòa án ra quyết định ủy thác còn phải gửi kèm cả bản sao một số tài liệu liên quan đến nội dung ủy thác. Để bảo đảm thời hạn tố tụng, trong quyết định ủy thác, thẩm phán cần ấn định một thời hạn hợp lý để tòa án được ủy thác thực hiện việc thu thập chứng cứ.

Bảy là, biện pháp yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ. BLTTDS 2015 quy định trong trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể yêu cầu tòa án tiến hành thu thập chứng cứ. Trong trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ, đã sử dụng mọi cách thức và khả năng cho phép để yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức quản lý, lưu giữ chứng cứ cung cấp cho mình chứng cứ mà vẫn không được cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp thì mới có quyền làm đơn yêu cầu tòa án tiến hành thu thập chứng cứ.

Tuy nhiên, thực tiễn nhiều trường hợp cơ quan, tổ chức lưu giữ chứng cứ thường không trả lời bằng văn bản cho đương sự về việc không cung cấp tài liệu, chứng cứ mà chỉ từ chối việc cung cấp bằng lời nói. Do đó, đương sự không có tài liệu cung cấp cho tòa án chứng minh là mình đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể thu thập được.

Vì vậy, khi đương sự có đơn yêu cầu thu thập, tòa án cũng không có cơ sở để tiến hành biện pháp thu thập chứng cứ này. Thậm chí, cả khi tòa án đề nghị cơ quan, tổ chức cung cấp các tài liệu, chứng cứ thì vẫn có những cơ quan, tổ chức không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, không chính xác, không đúng thời hạn. Điều 106 BLTTDS đã quy định biện pháp xử lý cá nhân, cơ quan, tổ chức không thi hành quyết định của tòa án về việc cung cấp chứng cứ cho tòa án, tùy từng trường hợp có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, các quy định hiện hành về hoạt động thu thập chứng cứ của tòa án đã tạo cơ sở pháp lý cho tòa án thực hiện biện pháp nghiệp vụ để xây dựng, hoàn thiện hồ sơ giải quyết vụ án dân sự. Việc thu thập chứng cứ của tòa án được quy định trong BLTTDS 2015 thể hiện trong trường hợp đương sự không thể thu thập được chứng cứ và có đơn yêu cầu, những trường hợp tòa án có quyền chủ động thu thập chứng cứ khi không có yêu cầu của đương sự. Quy định của BLTTDS 2015 về những trường hợp tòa án có quyền chủ động thu thập chứng cứ thể hiện được vai trò hỗ trợ đương sự khi họ thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh.

[1] Xem Điều 97 BLTTDS 2015.
[2] Xem Điều 98, Điều 99 và Điều 100 BLTTDS 2015 và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại các Điều 6, 7, 8 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP.
[3] Xem Thông tư số 15/2003/TT-BCA ngày 10/9/2003 của Bộ Công an hướng dẫn hoạt động hỗ trợ tư pháp của lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc công an nhân dân.

nguồn lsvn.vn

» Luật sư tư vấn khởi kiện vụ án dân sự ra tòa án