Những điểm mới của luật cư trú người dân cần biết

Những điểm mới của luật cư trú người dân cần biết. Luật Cư trú được ban hành ngày 29/11/2006 và có hiệu lực từ 01/07/2007 với 42 Điều đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013, quy định về quyền tự do cư trú trong nước của công dân.

Dưới đây là những điểm mới của luật cư trú người dân cần biết:

1. Địa phương tự quy định lệ phí đăng ký cư trú từ năm 2017

Khoản 3 Điều 11 Luật Cư trú 2006 quy định công dân có trách nhiệm nộp lệ phí đăng ký cư trú. Tại Mục B Phụ lục 1 Luật Phí và Lệ phí 2015, lệ phí đăng ký cư trú do Bộ Tài chính quy định đối với hoạt động do cơ quan trung ương cấp; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với hoạt động do cơ quan địa phương thực hiện.

Cụ thể, điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư 250/2016/TT-BTC quy định mức lệ phí đăng ký cư trú là khoản thu đối với người đăng ký cư trú với cơ quan đăng ký, quản lý cư trú theo quy định của pháp luật về cư trú.

– Lệ phí đăng ký cư trú đối với việc đăng ký và quản lý cư trú gồm: Đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú cả hộ hoặc một người nhưng không cấp Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú; Cấp mới, cấp lại, cấp đổi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú cho hộ gia đình, cho cá nhân; Điều chỉnh những thay đổi trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú; Gia hạn tạm trú.

– Tùy thuộc vào điều kiện thực tế của địa phương mà quy định mức thu cho phù hợp, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc sau: Mức thu đối với việc đăng ký cư trú tại các quận của thành phố trực thuộc trung ương, hoặc phường nội thành của thành phố cao hơn mức thu đối với các khu vực khác.

2. Đăng ký thường trú tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thế nào?

Điều kiện đăng ký thường trú:

Để được nhập hộ khẩu tại hai thành phố này, người đăng ký phải thuộc những trường hợp quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú 2013; Luật Thủ đô 2012 và một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Theo đó, đầu tiên người đăng ký phải đáp ứng điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương được quy định cụ thể tại Điều 8 Nghị định 31/2014/NĐ-CP:

– Có chỗ ở hợp pháp tại thành phố trực thuộc trung ương;

– Thời gian tạm trú liên tục từ 01 năm trở lên đối với trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã trực thuộc; từ 02 năm trở lên nếu đăng ký vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương;

– Nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.

Thời hạn đăng ký thường trú là 12 tháng kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới. Ngoài ra, một số trường hợp sẽ không được chấp nhận đăng ký thường trú, bao gồm: Chỗ ở thuộc địa điểm cấm; Diện tích nhà nằm toàn bộ trên đất lấn chiếm trái phép; Chỗ ở tái định cư, đã có phương án bồi thường; Chỗ ở đang có tranh chấp; Chỗ ở bị kê biên, tịch thu; Nhà đã có quyết định phá dỡ của cơ quan có thẩm quyền.

Hồ sơ đăng ký thường trú:

Căn cứ Điều 6 Thông tư 35/2014/TT-BCA, hồ sơ bao gồm: Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; Bản khai nhân khẩu (đối với trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu); Giấy chuyển hộ khẩu (đối với các trường hợp phải cấp giấy chuyển hộ khẩu quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Cư trú); Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp quy định tại Điều 6 Nghị định 31/2014/NĐ-CP…

Một số trường hợp cụ thể phải có thêm giấy tờ khác: Trẻ em đăng ký thường trú theo quy định tại Điều 13 Luật Cư trú 2006, khi đăng ký thường trú phải có giấy khai sinh; Giấy tờ, tài liệu chứng minh thuộc một trong các điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương theo quy định tại Điều 7 Thông tư 35/2014/TT-BCA…

Nơi nộp hồ sơ đăng ký thường trú

Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã.

Ngoài những quy định chung kể trên, việc nhập hộ khẩu tại Hà Nội cần lưu ý tại Điều 19 Luật Thủ đô 2012 bổ sung trường hợp cho phép cá nhân đăng ký thường trú nếu đã tạm trú liên tục tại nội thành từ 03 năm trở lên, sở hữu nhà ở hoặc thuê nhà ở nội thành được chủ nhà chấp thuận cho đăng ký thường trú. Điều 1 Nghị quyết 21/2016/NQ-HĐND, diện tích nhà thuê, mượn, ở nhờ tối thiểu đạt 15m2 sàn/đầu người theo quy định tại Nghị quyết 11/2013/NQ-HĐND sẽ được áp dụng đến hết năm 2020.

3. Phải đăng ký tạm trú trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đến

Theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật Cư trú 2006, người đang sinh sống, làm việc, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại công an xã, phường, thị trấn.

Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định các mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú, như sau:

– Phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng: Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú;

– Phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng: Tẩy, xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú;

– Phạt tiền từ 2 – 4 triệu đồng: Khai man, giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được đăng ký thường trú, tạm trú, cấp Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú; Cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi hoặc trong thực tế người đăng ký cư trú không sinh sống tại chỗ ở đó…

4. Phân biệt “Tách khẩu” và “Chuyển khẩu”

Tách Sổ hộ khẩu – Sổ hộ khẩu mới khác ra đời:

Khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú 2006 quy định, trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách Sổ hộ khẩu bao gồm: Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách Sổ hộ khẩu; Người đã nhập vào Sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách Sổ hộ khẩu bằng văn bản. 

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách Sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách Sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Chuyển hộ khẩu – Chuyển từ Sổ hộ khẩu này sang Sổ khác:

Chuyển hộ khẩu là việc một người đang có tên trong Sổ hộ khẩu này, làm thủ tục xóa tên để chuyển sang một Sổ hộ khẩu khác, không có Sổ hộ khẩu mới nào ra đời. Việc này thường xảy ra khi chuyển nơi thường trú.

Theo quy định tài Điều 28 Luật Cư trú 2006, hồ sơ cấp giấy chuyển hộ khẩu bao gồm Sổ hộ khẩu và Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp giấy chuyển hộ khẩu cho công dân.

5. Cách ghi Bản khai nhân khẩu (Mẫu HK01)

Bản khai nhân khẩu (ký hiệu là HK01) được sử dụng để công dân từ 14 tuổi trở lên kê khai trong các trường hợp: Khi làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; Đã đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nhưng chưa khai Bản khai nhân khẩu lần nào. Điều 8 Thông tư 36/2014/TT-BCA hướng dẫn cách ghi bản khai nhân khẩu như sau:

– Mục “Trình độ học vấn”: Ghi rõ trình độ học vấn cao nhất (Tiến sỹ, Thạc sỹ, Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, tốt nghiệp phổ thông trung học, tốt nghiệp phổ thông cơ sở…; nếu không biết chữ thì ghi rõ “không biết chữ”);

– Mục “Trình độ chuyên môn”: Ghi rõ chuyên ngành được đào tạo hoặc trình độ tay nghề, bậc thợ, chuyên môn kỹ thuật khác được ghi trong văn bằng, chứng chỉ;

– Mục “Trình độ ngoại ngữ”: Ghi rõ tên văn bằng, chứng chỉ cao nhất được cấp (Anh A, Anh B hoặc Pháp A, Pháp B hoặc Nga A, Nga B …);

– Mục “Tóm tắt về bản thân (từ đủ 14 tuổi trở lên đến nay ở đâu, làm gì)”: Ghi rõ từng khoảng thời gian (từ tháng, năm nào đến tháng, năm nào) thay đổi về chỗ ở và nghề nghiệp, nơi làm việc;

– Mục “Tiền án, tiền sự”: Ghi rõ tội danh, hình phạt theo bản án số, ngày, tháng, năm của Tòa án; đã được xóa án tích hay chưa hoặc đang trong giai đoạn bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; đã hoặc đang chấp hành hình phạt; bị kết án phạt tù được hưởng án treo; hình phạt bổ sung; đã hoặc đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn của tố tụng hình sự hoặc bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng. Thời gian bị áp dụng biện pháp đó.

Bạn đọc tham khảo Hướng dẫn chi tiết cách ghi Bản khai nhân khẩu mẫu HK01 tại đây.

6. Đi học xa nhà có cần khai báo tạm vắng?

Tại Điều 32 Luật Cư trú 2006 quy định cụ thể về các trường hợp phải khai báo tạm vắng tại công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú khi cá nhân đi khỏi địa phương từ 03 tháng trở lên, bao gồm:

– Người đi làm nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên đi khỏi địa phương; Bị can, bị cáo tại ngoại; Bị kết án tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; Bị kết án phạt tù nhưng được hưởng án treo; Bị phạt cải tạo không giam giữ; Đang bị quản chế;

– Đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, chữa bệnh, trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành.

Như vậy, việc khai báo tạm vắng khi đi khỏi địa phương chỉ áp dụng đối với những trường hợp nêu trên. Cá nhân đi công tác, học tập tại địa phương khác không cần khai báo tạm vắng tại địa phương mình mà phải đăng ký tạm trú với địa phương nơi chuyển đến.

Đối với những trường hợp khác phải khai báo tạm vắng, khi đến cơ quan công an thực hiện thủ tục khai báo, người khai báo tạm vắng phải mang theo Chứng minh nhân dân, điền thông tin vào Giấy khai báo tạm vắng. Hoàn thành thủ tục, người khai báo được cấp Phiếu khai báo tạm vắng có chữ ký xác nhận của đại diện cơ quan công an.

Thông thường, việc khai báo tạm vắng được giải quyết trong ngày. Trường hợp công an địa phương cần xác minh thêm thông tin, thời hạn có thể kéo dài hơn. Người đến khai báo tạm vắng không phải trả bất kỳ khoản phí, lệ phí nào. Theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP, trường hợp cá nhân, chủ hộ không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm vắng, sẽ bị xử phạt hành chính từ 100.000 – 300.000 đồng.

7. Sổ hộ khẩu KT1, KT2, KT3 có gì khác nhau?

Theo quy định tại Điều 24 Luật Cư trú 2006, Sổ hộ khẩu là sổ có chức năng xác định nơi thường trú của công dân. Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật.

Các ký hiệu “KT” như trên bắt nguồn từ tên các mẫu trong bộ mẫu các giấy tờ về quản lý cư trú do Bộ Công an ban hành và sử dụng từ trước khi Luật Cư trú ra đời. Các sổ hộ khẩu với ký hiệu KT1, KT2 và KT3 có thể được hiểu như sau:

– KT1: Sổ hộ khẩu thường trú của công dân, xác định nơi thường trú lâu dài của công dân. Thông thường, địa chỉ ghi trong sổ trùng với địa chỉ ghi trên Chứng minh nhân dân của mỗi người;

– KT2: Sổ tạm trú dài hạn trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Công dân đăng ký tạm trú tại huyện, quận khác huyện, quận nơi thường trú, nhưng cùng tỉnh, thành phố.

– KT3: Được biết đến là Sổ tạm trú dài hạn ở một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với đăng ký thường trú. Công dân được cấp sổ KT3 là người thường trú tại một tỉnh thành, nhưng đăng ký tạm trú dài hạn ở một tỉnh, thành phố khác.

Theo Thông tư 35/2014/TT-BCA, thời hạn tạm trú được xác định theo đề nghị của công dân nhưng tối đa chỉ 24 tháng. Như vậy, đối với các Sổ tạm trú KT2 và KT3, giá trị tối đa là 24 tháng.

8. Không thông báo khách lưu trú, nhà nghỉ bị phạt đến 2 triệu đồng

Lưu trú là việc cá nhân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình mà không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú như quy định tại Luật Cư trú 2006. Trách nhiệm thông báo lưu trú thuộc về gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, đơn vị cho người lưu trú tại đó.

Cũng theo quy định tại Luật Cư trú 2006, việc thông báo lưu trú phải được thực hiện trước 23 giờ và cũng có thể qua điện thoại. Nếu đến lưu trú sau 23 giờ, việc thông báo có thể được thực hiện vào sáng hôm sau. Cơ quan công an địa phương sẽ tiến hành ghi nhận thông tin thông báo vào sổ tiếp nhận lưu trú.

Hành vi vi phạm các quy định về thông báo lưu trú được quy định chi tiết tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP, bao gồm các mức xử phạt hành chính như sau:

– Phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng: Chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú;

» Tư vấn pháp luật về cư trú