Nhiều biện pháp ngăn chặn việc cung cấp thông tin vi phạm

Nhận định về Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Công ty TNHH SBLAW cho rằng, việc ban hành thông tư này là một nỗ lực nhằm bảo vệ chủ quyền thông tin, nhằm tạo ra hành lang pháp lý để nhà nước quản lý hoạt động của mạng xã hội nước ngoài tại Việt Nam…

Người sử dụng mạng xã hội cần tỉnh táo, không nên đăng tải, chia sẻ các thông tin xấu

Nghiêm cấm đưa thông tin xuyên tạc, vu khống

Trước đó, khoản 1 Điều 5, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý và sử dụng dịch vụ internet đã quy định về các hành vi bị nghiêm cấm. Những hành vi đó bao gồm: Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích chống lại Nhà nước; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Tiết lộ bí mật nhà nước; Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, Nghị định cũng nghiêm cấm việc cản trở trái pháp luật việc cung cấp và truy cập thông tin hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Nhằm cụ thể hóa văn bản trên, Thông tư 38/2016 (có hiệu lực từ 15-2) nêu rõ, Bộ Thông tin và Truyền thông căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 5, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP để xác định các thông tin vi phạm cần gỡ bỏ hoặc chặn không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập đến. Bộ sẽ gửi đề nghị phối hợp bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử thông báo cho tổ chức, cá nhân nước ngoài về các thông tin vi phạm quy định. Sau khi nhận được đề nghị này, trong thời gian 24 giờ, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin công cộng qua biên giới xác định thông tin vi phạm và thực hiện việc xử lý thông tin theo đề nghị. Sau thời hạn trên, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý thông tin vi phạm theo yêu cầu và cũng không phản hồi trở lại, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ gửi thông báo lần 2. Nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài vẫn không xử lý thông tin vi phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực thi các biện pháp kỹ thuật cần thiết.

Trong trường hợp phát hiện thông tin vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, đe dọa đến lợi ích quốc gia Việt Nam thì cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam sẽ thực thi ngay lập tức các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn thông tin vi phạm không được cung cấp tới người sử dụng tại Việt Nam, đồng thời gửi yêu cầu xử lý thông tin vi phạm theo quy trình.

Tạo cơ chế để quản lý mạng xã hội nước ngoài

Liên quan đến một số nội dung trong Thông tư 38/2016, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Công ty TNHH SBLAW cho rằng, với sự phát triển của mạng xã hội, thông tin được cập nhật và chia sẻ một cách nhanh chóng mang lại những lợi ích to lớn cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, mặt trái của nó chính là việc lan truyền những thông tin bịa đặt nhằm mục đích xấu ảnh hưởng tới lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp và an ninh quốc gia. Điều này xảy ra ở nhiều nước và một số quốc gia đã cấm mạng xã hội nước ngoài hoạt động tại lãnh thổ nước mình.

Gần đây, tại Việt Nam, những thông tin sai trái, xuyên tạc, sai sự thật xuất hiện trên mạng xã hội ngày càng nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình an ninh và chủ quyền thông tin. Do vậy, việc Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 38/2016 là một nỗ lực nhằm bảo vệ chủ quyền thông tin của Việt Nam. Thông tư cũng yêu cầu những đơn vị chủ sở hữu của mạng xã hội đặt máy chủ ở nước ngoài phải có sự phối hợp và ngăn chặn việc lan truyền những thông tin xấu, ảnh hưởng tới lợi ích của nhà nước và công dân, vi phạm pháp luật Việt Nam. Điều này nhằm tạo ra một cơ chế và hành lang pháp lý để nhà nước có thể quản lý những hoạt động của các mạng xã hội nước ngoài tại Việt Nam, tạo sự bình đẳng giữa các nhà cung cấp trong và ngoài nước. “Là một Luật sư, đồng thời là người sử dụng mạng xã hội thường xuyên như Facebook, Youtube, tôi hoàn toàn ủng hộ các nội dung của Thông tư này. Chúng ta không cấm các mạng xã hội nước ngoài hoạt động tại Việt Nam nhưng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam” – Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết.

Về vấn đề này, phát biểu tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 2/2017 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã nhấn mạnh, Thông tư 38/2016/TT-BTTTT đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo dư luận, nhưng cũng vấp phải sự chống đối quyết liệt của những kẻ xấu. Một số doanh nghiệp cung cấp nội dung xuyên biên giới như Google, YouTube bước đầu đã gỡ bỏ 16 clip có nội dung độc hại, vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam. Bộ trưởng cũng yêu cầu, thời gian tới các doanh nghiệp viễn thông và cả các doanh nghiệp cung cấp server cũng phải vào cuộc để cùng phối hợp xử lý.

Theo anninhthudo.vn

» Video tư vấn luật

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo thông tư 24/2023/TT-BCA

Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ công…

Kế toán trong lĩnh vực họat động của văn phòng luật sư, công ty luật

Kế toán trong lĩnh vực văn phòng luật sư, công ty luật. Lĩnh tư vấn…

Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ

Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ. Các văn bản luật…

Một luật sư có được tham gia hai tổ chức hành nghề luật sư cùng lúc không?

Một luật sư có được tham gia 2 (hai) tổ chức hành nghề luật sư…

Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng

Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng. Khi có tranh chấp về…

» Luatsubaoho.com - Tư vấn pháp luật: 0768236248 - Chat Zalo