Luật sư tư vấn luật thương mại điện tử. Thương mại điện tử ngày càng phổ biến đối với hoạt động kinh doanh. Việc hiểu biết các quy định của pháp luật về thương mại điện tử giúp cho doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đúng luật, vừa hạn chế được rủi ro pháp lý không đáng có.
Mục lục bài viết
Luật sư tư vấn luật thương mại điện tử
1. Hoạt động thương mại điện tử
Hoạt động thương mại điện tử là hoạt động thương mại được thực hiện thông qua phương tiện điện tử. Khác với thương mại truyền thống là thương mại được thực hiện dựa trên các tài liệu bằng giấy (hợp đồng bằng văn bản giấy, chứng cứ bằng văn bản giấy), thương mại điện tử sử dụng các phương tiện điện tử để giao dịch và lưu trữ thông tin.
2. Luật giao dịch điện tử
Luật Giao dịch điện tử được thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực từ ngày 1/03/2006. Phạm vi điều chỉnh của luật khá rộng: Giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và giao dịch điện tử trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại.
Luật này bao gồm nhiều các quy định về:
– Thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử
– Giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử
– An ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử
– Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong giao dịch điện tử
3. Phương tiện điện tử
Phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kĩ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự (Điều 4 Luật Giao dịch điện tử năm 2005). Các phương tiện điện tử được sử dụng trong thương mại điện tử rất đa dạng. Một số loại phương tiện điện tử được sử dụng phổ biến là:
– Các loại phương tiện viễn thông như điện thoại, telex, fax;
– Phát thanh, truyền hình;
– Thiết bị kĩ thuật thanh toán điện tử;
– Hệ thống trao đổi dữ liệu và internet.
Luật Giao dịch điện tử ghi nhận nguyên tắc giao dịch điện tử: Tự nguyện, được tự thoả thuận về việc lựa chọn công nghệ để thực hiện giao dịch, trung lập về công nghệ, bảo đảm sự bình đẳng và an toàn.
Điều đáng lưu ý là chữ ký điện tử là một nội dung được đề cập đến trong Luật Giao dịch điện tử. Luật công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, quy định nghĩa vụ của bên ký, bên chấp nhận chữ ký và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử.
4. Những hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử
Các hành vi bị cấm trong hoạt động thuơng mại điện tử được quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, bao gồm các hành vi sau:
4.1. Vi phạm về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử
a) Tổ chức mạng lưới kinh doanh, tiếp thị cho dịch vụ thương mại điện tử, trong đó mỗi người tham gia phải đóng một khoản tiền ban đầu để mua dịch vụ và được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc vận động người khác tham gia mạng lưới;
b) Lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh;
c) Lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để huy động vốn trái phép từ các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác;
d) Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử khi chưa đăng ký hoặc chưa được cấp phép theo các quy định của Nghị định này;
đ) Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử không đúng với thông tin trong hồ sơ đăng ký hoặc cấp phép;
e) Có hành vi gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi thực hiện các thủ tục thông báo thiết lập website thương mại điện tử, đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, đăng ký hoặc xin cấp phép các dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử.
4.2. Vi phạm về thông tin trên website thương mại điện tử
a) Giả mạo thông tin đăng ký hoặc không tuân thủ các quy định về hình thức, quy cách công bố thông tin đăng ký trên website thương mại điện tử;
b) Sử dụng biểu trưng của các chương trình đánh giá tín nhiệm website hoạt động thương mại điện tử khi chưa được những chương trình này công nhận;
c) Sử dụng các đường dẫn, biểu trưng hoặc công nghệ khác trên website thương mại điện tử để gây nhầm lẫn về mối liên hệ với thương nhân, tổ chức, cá nhân khác;
d) Sử dụng đường dẫn để cung cấp những thông tin trái ngược hoặc sai lệch so với thông tin được công bố tại khu vực website có gắn đường dẫn này.
4.3. Vi phạm về giao dịch trên website thương mại điện tử
a) Thực hiện các hành vi lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử;
b) Giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động thương mại điện tử;
c) Can thiệp vào hệ điều hành và trình duyệt Internet tại các thiết bị điện tử truy cập vào website nhằm buộc khách hàng lưu lại website trái với ý muốn của mình.
4.4. Các vi phạm bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử khác
a) Đánh cắp, sử dụng, tiết lộ, chuyển nhượng, bán các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác hoặc thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thương mại điện tử khi chưa được sự đồng ý của các bên liên quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Giả mạo hoặc sao chép giao diện website thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để kiếm lợi hoặc để gây nhầm lẫn, gây mất lòng tin của khách hàng đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân đó.
Luật sư tư vấn luật thương mại điện tử. Nếu quý khách có thắc mắc về pháp luật thương mại điện tử xin liên hệ: