Khi nào được hủy hợp đồng ủy quyền công chứng?

Khi nào được hủy hợp đồng ủy quyền công chứng? Hủy hợp đồng ủy quyền đã được công chứng như thế nào? Trong đời sống hằng ngày, việc thỏa thuận ủy quyền cho nhau diễn ra rất thường xuyên và để đảm bảo giá trị pháp lý nên các bên trong hợp đồng ủy quyền thường thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền. Vậy, hợp đồng ủy quyền đã được công chứng thì có được yêu cầu hủy bỏ không? Pháp luật quy định vấn đề này như thế nào? 

Tư vấn hủy bỏ hợp đồng ủy quyền đã được công chứng như thế nào?

1. Hợp đồng ủy quyền là gì?

Hợp đồng ủy quyền tại Căn cứ Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 được hiểu là sự thỏa thuận giữa người ủy quyền và người được ủy quyền. Trong đó, người được ủy quyền sẽ thay mặt người ủy quyền thực hiện một hoặc một số công việc thuộc phạm vi ủy quyền trong thời hạn ủy quyền. Thỏa thuận ủy quyền này có thể có thù lao (hợp đồng ủy quyền có đền bù) hoặc ủy quyền không có thù lao (hợp đồng ủy quyền không có đền bù).

Các bên trong hợp đồng ủy quyền có thể đến tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền. Lúc này, hợp đồng ủy quyền có giá trị chứng cứ không phải chứng minh. Nghĩa là khi các bên trong hợp đồng ủy quyền xảy ra tranh chấp và khởi kiện ra Tòa án thì hợp đồng ủy quyền là căn cứ trực tiếp mà Tòa án xem xét giải quyết vụ án mà các bên không phải chứng minh về nội dung trong hợp đồng ủy quyền. Bởi vì điều đó nên việc hủy bỏ hợp đồng ủy quyền đã được công chứng phải tuân thủ theo pháp luật về công chứng, không thể dễ dàng hủy bỏ như những hợp đồng ủy quyền không được công chứng.

2. Điều kiện để hủy bỏ hợp đồng ủy quyền công chứng

Căn cứ khoản 1 Điều 51 Luật Công chứng 2014, hợp đồng ủy quyền đã được công chứng chỉ được hủy bỏ khi đáp ứng điều kiện là có sự thỏa thuận và văn bản cam kết của tất cả những người đã tham gia hợp đồng ủy quyền đó.

Lưu ý: Trường hợp một trong các bên trong hợp đồng ủy quyền chứng minh được việc công chứng hợp đồng ủy quyền vi phạm pháp luật thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng ủy quyền đã được công chứng này vô hiệu mà không cần đáp ứng điều kiện có sự thỏa thuận và văn bản cam kết của tất cả những người tham gia hợp đồng ủy quyền (Điều 52 Luật Công chứng 2014).

3. Thẩm quyền hủy bỏ hợp đồng ủy quyền công chứng

Căn cứ khoản 2 Điều 51 Luật Công chứng 2014, thẩm quyền hủy bỏ hợp đồng ủy quyền đã được công chứng là tổ chức hành nghề công chứng – nơi đã thực hiện công chứng hợp đồng ủy quyền và được tiến hành bởi công chứng viên.

Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền hủy bỏ hợp đồng ủy quyền đã được công chứng đã chấm dứt hoạt động hoặc chuyển đổi hoặc chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hợp đồng ủy quyền đã được công chứng thực hiện việc hủy bỏ hợp đồng ủy quyền đã được công chứng.

4. Thủ tục hủy bỏ hợp đồng ủy quyền công chứng

Căn cứ khoản 3 Điều 51 Luật Công chứng 2014 quy định thủ tục công chứng việc hủy bỏ hợp đồng ủy quyền đã được công chứng thực hiện tương tự như thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền. Như vậy, để thực hiện hủy bỏ hợp đồng ủy quyền đã được công chứng, các bên phải lập hợp đồng hủy bỏ hợp đồng ủy quyền và thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng hủy bỏ này.

4.1. Thành phần hồ sơ hủy bỏ hợp đồng công chứng

  • Hồ sơ công chứng hợp đồng hủy bỏ hợp đồng ủy quyền đã được công chứng gồm các loại giấy tờ sau:
    • Phiếu yêu cầu công chứng tại trụ sở hoặc Phiếu yêu cầu công chứng ngoài trụ sở (nếu có) (theo mẫu của tổ chức hành nghề công chứng);
    • Dự thảo Hợp đồng hủy bỏ hợp đồng ủy quyền đã được công chứng (nếu có);
    • Bản chính Giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu còn thời hạn và giá trị sử dụng hoặc giấy tờ khác của các bên;
    • Bản chính giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của các bên: Giấy đăng ký kết hôn, Giấy xác nhận tình trạng độc thân…;
    • Sổ hộ khẩu của các bên;
    • Bản chính Hợp đồng ủy quyền đã được công chứng.

4.2. Các bước thực hiện huye bỏ hợp đồng

  • Bước 1: Nộp hồ sơ:
    • Người yêu cầu công chứng hoàn thiện 01 bộ hồ sơ nêu trên và nộp trực tiếp tại trụ sở tổ chức hành nghề công chứng (Phòng Công chứng hoặc Văn phòng Công chứng) – nơi đã thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền đã được công chứng.
    • Ngoại lệ: người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, là người đang bị tạm giam, tạm giữ hoặc đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác mà không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền thì việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng đó.

Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:

    • Công chứng viên (người đã thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền đã được công chứng) kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, phù hợp với quy định pháp luật thì công chứng viên thụ lý và ghi vào sổ công chứng.
    • Công chứng viên giải thích cho các bên hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ hợp đồng ủy quyền đã được công chứng.

Bước 3: Thực hiện công chứng:

    • Trường hợp các bên có dự thảo hợp đồng hủy bỏ hợp đồng ủy quyền đã được công chứng: Công chứng viên kiểm tra dự thảo; nếu trong dự thảo có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, không phù hợp với quy định của pháp luật thì các bên sửa chữa theo yêu cầu của công chứng viên. Nếu không sửa chữa thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng.
    • Trường hợp các bên không có dự thảo hợp đồng hủy bỏ hợp đồng ủy quyền đã được công chứng: Công chứng viên soạn thảo hợp đồng theo yêu cầu các bên trong trường hợp nội dung, ý định giao kết hợp đồng là xác thực, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
    • Các bên tự đọc lại dự thảo hợp đồng hoặc công chứng viên đọc cho các bên nghe theo đề nghị của các bên.
    • Các bên đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng thì ký vào từng trang của hợp đồng.
    • Công chứng viên ghi lời chứng, ký và đóng dấu.

Bước 4: Trả kết quả:

    • Công chứng viên thu phí, thù lao công chứng, trả hồ sơ cho người yêu cầu và lưu trữ hồ sơ công chứng.
    • Thời hạn công chứng: không quá 02 ngày làm việc; trường hợp hợp đồng hủy bỏ hợp đồng ủy quyền đã được công chứng có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.

5. Hiệu lực thi hành của hợp đồng hủy bỏ hợp đồng ủy quyền công chứng

Căn cứ khoản 1 Điều 5 Luật Công chứng 2014, hợp đồng hủy bỏ hợp đồng ủy quyền đã được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên trong hợp đồng ủy quyền kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

Như vậy, sau khi thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng hủy bỏ hợp đồng ủy quyền đã được công chứng thì hợp đồng ủy quyền ban đầu giữa người ủy quyền và người được ủy quyền không còn giá trị thi hành đối với các bên, các bên không còn mối quan hệ ủy quyền.

» Dịch vụ tư vấn luật công chứng

» Khi nào văn bản công chứng bị tuyên vô hiệu?