Khi nào chứng cứ được coi là hợp pháp trong vụ án hình sự? Bị cáo hoặc người bào chữa đều có quyền cung cấp chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án, nhưng chứng cứ ấy phải đảm bảo 3 điều kiện gồm tính xác thực, liên quan và hợp pháp.
Chứng cứ là gì, khi nào tòa án bác bỏ chứng cứ?
Chứng cứ theo điều 86 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định:
“Điều 86. Chứng cứ
Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.”
Tại khoản 1 điều 87 Bộ luật TTHS quy định thêm:
“Điều 87. Nguồn chứng cứ
1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:
a) Vật chứng;
b) Lời khai, lời trình bày;
c) Dữ liệu điện tử;
d) Kết luận giám định, định giá tài sản;
đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;
g) Các tài liệu, đồ vật khác.”
Như vậy, chứng cứ có vai trò rất quan trọng, có thể dùng để chứng minh hành vi có tội (buộc tội), không có tội (gỡ tội) hoặc tính chất, mức độ hành vi phạm tội. Tuy nhiên, như các quy định đã dẫn chiếu, chứng cứ bắt buộc phải thỏa mãn 3 điều kiện, gồm: xác thực, liên quan và hợp pháp; nghĩa là chứng cứ đó phải đảm bảo tính khách quan, có ý nghĩa liên quan đến vụ án và được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định; thiếu một trong 3 điều kiện này thì sẽ không được coi là chứng cứ.
Tại khoản 2 điều 87 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nêu rõ:
“Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.”