Hậu quả pháp lý là gì?

Hậu quả pháp lý là gì?
Hậu quả pháp lý là Kết cục tất yếu sẽ dẫn đến mà cá nhân, tổ chức phải gánh chịu trong trường hợp vi phạm pháp luật.

Tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật mà cá nhân hay tổ chức vi phạm phải gánh chịu những loại trách nhiệm pháp lí khác nhau như: trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, trách nhiệm bồi thường dân sự.

Ví dụ: việc phạm tội sẽ dẫn đến trách nhiệm hình sự, vi phạm hành chính sẽ dẫn đến việc bị xử phạt vi phạm hành chính, vi phạm nghĩa vụ hợp đồng sẽ dẫn đến việc bị phạt bồi thường.

Một số hậu quả pháp lý thường gặp

Trách nhiệm hình sự

Trách nhiệm hình sự được hiểu là trách nhiệm của một người khi đã thực hiện một tội phạm và phải chịu một biện pháp cưỡng chế nhà nước là hình phạt vì hành vi phạm tội của họ.

Hình phạt này sẽ do Toà án quyết định trên cơ sở của luật hình sự, nó thể hiện sự lên án, trừng phạt của nhà nước đối với người phạm tội và là một biện pháp để bảo đảm cho pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh. Đây chính là loại trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất.

Trách nhiệm hành chính

Trách nhiệm hành chính được hiểu là trách nhiệm của một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân đã thực hiện một hành vi vi phạm hành chính, phải gánh chịu một biện pháp cưỡng chế hành chính tuỳ theo mức độ vi phạm của họ.

Biện pháp cưỡng chế này sẽ do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền quyết định trên cơ sở pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Trách nhiệm dân sự 

Trách nhiệm dân sự được hiểu là trách nhiệm của một chủ thể phải gánh chịu những biện pháp cưỡng chế củ nhà nước nhất định khi có các hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tự do, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác hoặc khi vi phạm nghĩa vụ dân sự đối với các bên có quyền.

Biện pháp cưỡng chế phổ biến thường đi kèm trách nhiệm này là bồi thường thiệt hại.

Trách nhiệm kỷ luật

Trách nhiệm kỷ luật được hiểu là trách nhiệm của một chủ thể, cá nhân hay tập thể đã vi phạm kỷ luật lao động, học tập, công tác hoặc phục vụ được đề ra trong nội bộ cơ quan, tổ chức và phải chịu một hình thức kỷ luật nhất định theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm vật chất

Trách nhiệm vật chất được hiểu là trách nhiệm mà người lao động phải gánh chịu khi gây ra thiệt hại cho tài sản của doanh nghiệp như làm hư hỏng hay làm mất dụng cụ, thiết bị, các tài sản khác do doanh nghiệp, giao cho hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép hoặc công chức phải gánh chịu vì trong khi thi hành công vụ gây ra thiệt hại cho tài sản của nhà nước hoặc của chủ thể khác.

Người lao động hoặc công chức phải bồi thường một phần hoặc toàn bộ thiệt hại theo thời giá thị trường và có thể được bồi thường bằng cách trừ dần vào lương hàng tháng.

Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

Để các bạn hiểu rõ hơn về Hậu quả pháp lý là gì?  chúng tôi xin đưa ra một ví dụ điển hình về Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu.

Về cơ bản giao dịch dân sự vô hiệu khi nó không đáp ứng được các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự sau:

+ Chủ thể phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

+ Ý chí tự nguyện của chủ thể khi tham gia giao dịch;

+ Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật;

+ Đáp ứng yếu tố về hình thức trong trường hợp pháp luật có quy định.

Theo nguyên tắc chung về hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại Điều 131 Bộ luật dân sự, giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia giao kết hợp đồng từ thời điểm giao kết.

Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, bên có lỗi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên kia.

– Không phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ;

Khi giao dịch dân sự vô hiệu, quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ không được pháp luật bảo vệ;

– Khôi phục tình trạng bạn đầu;

Tại Khoản 2 Điều 131 BLDS 2015 quy định các bên trong hợp đồng vô hiệu phải khôi phục lại tình trạng ban đầu. Xảy ra khi tài sản được hoàn trả không đúng với hiện trạng tại thời điểm xác lập hợp đồng: tài sản đã bị hư hỏng, giảm giá trị; tài sản đã được tu sửa, xây dựng, cải tạo làm tăng giá trị.

– Hoàn trả cho nhau nhưng gì đã nhận;

Ví dụ như việc bên bán tài sản hoàn trả lại số tiền đã nhận cho việc bán tài sản, bên mua tài sản hoàn trả lại tài sản đã mua, vẫn là quy định tại Khoản 2 Điều 131 nhưng thường trong trường hợp đối tượng hợp đồng còn nguyên vẹn, chưa có hoặc ít có sự biến đổi đáng kể.

– Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên có lỗi;

Bên có lỗi được xác định là bên làm cho hợp đồng vô hiệu hoặc đã ý thức trước về việc hợp đồng vô hiệu nhưng vẫn cố tình giao kết dẫn đến hậu quả gây thiệt hại.

Hợp đồng vô hiệu có thể chỉ do lỗi một bên mà cũng có thể do lỗi của hai bên và vấn đề bồi thường thiệt hại được đặt ra cả trong trường hợp mức độ lỗi của hai bên là tương đương nhau. Do đó, Tòa án phải xác định mức độ lỗi của từng bên trong việc làm cho hợp đồng vô hiệu để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

– Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó

» Lĩnh vực tư vấn luật