Chức năng xã hội của Luật sư

Chức năng xã hội của Luật sư trong hoạt động tố tụng chính là thiên chức và sứ mệnh của Luật sư trong việc khẳng định những giá trị cơ bản làm nền tảng cho sự phát triển của xã hội. Chức năng này không phải tự nhiên mà có, bởi lẽ về bản chất, hoạt động hành nghề Luật sư trước hết phản ánh nhu cầu của các chủ thể về trợ giúp pháp lý nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Qua quá trình phát triển của nghề Luật sư, điều dễ nhận thấy là nghề Luật sư được hình thành từ cuộc đấu tranh chống áp bức, bất công xã hội. Chính từ hành động chống lại những bất công trong xã hội có giai cấp mà hình ảnh Luật sư xuất hiện như sự hiện diện của một đấng cứu thế, phản ánh ước vọng khát khao của các tầng lớp nhân dân về công bằng, dân chủ. Do đó, hoạt động của Luật sư không thể tách rời với các điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và mô hình tố tụng hình sự của mỗi quốc gia. Từ đó có thể thấy, các quan hệ pháp luật điều chỉnh chính là những tiền đề để nghề Luật sư tồn tại và phát triển.

Chức năng xã hội được quy định tại Điều của Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012 như sau:
Điều 3. Chức năng xã hội của luật sư [3]
Hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.”

Vì vậy, chức năng xã hội của Luật sư được thể hiện thông qua khả năng đáp ứng nhu cầu pháp lý của các chủ thể trong xã hội một cách minh bạch, giúp những chủ thể này nhận biết chân thực và chính xác các nhu cầu chính đáng của mình. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với Luật sư khi tham gia tố tụng là phải tuân thủ pháp luật, có kỹ năng, kỷ luật, có trình độ chuyên môn, tận tâm với khách hàng và còn phải là người có tấm lòng yêu thương con người, một lòng vì chính nghĩa, tin tưởng vào công bằng xã hội. Khi tham gia tố tụng, Luật sư được xem như người soi đường chỉ lối giúp phân định tính đúng sai trong xử sự của chủ thể nhằm đáp ứng mục tiêu phân xử công bằng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Với định hướng, xây dựng phát triển Việt Nam trở thành Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thông qua Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW chính là điều khẳng định nghề Luật sư trong tiến trình cải cách tư pháp hiện nay như một đòi hỏi tự thân của nền công lý và dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Khi nói tới chức năng xã hội của Luật sư nói chung và hoạt động tư pháp nói riêng, cần đặt vị trí Luật sư trong các mối quan hệ chi phối đến hoạt động nghề nghiệp và xem xét các yếu tố này trong tổng thể các giá trị của sự phát triển dân chủ, quan niệm về sự công bằng, văn minh cũng như các thành tố khác tạo nên xã một xã hội dân chủ. Hoạt động của Luật sư trong tố tụng thời gian qua đã góp phần mang đến cho xã hội nói chung và hoạt động tố tụng nói riêng những giá trị dân chủ, thông qua sự bình đẳng trong tranh tụng, đề xuất yêu cầu, đại diện hoặc bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Chức năng xã hội của Luật sư còn được thể hiện thông qua hoạt động hành nghề trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng chính sách, công dân nơi vùng xa, vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn hay hoạt động trợ giúp pháp lý theo chỉ định của cơ quan tố tụng.

Như vậy, có thể khẳng định yếu tố tín nhiệm đối với nghề Luật sư luôn là điều kiện tiên quyết, đòi hỏi quá trình phấn đấu không ngừng trong tiến trình hoạt động hành nghề. Luật sư luôn phải ý thức được trách nhiệm xã hội của nghề nghiệp, luôn đảm bảo lấy việc phụng sự công lý và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng làm tôn chỉ thực hiện hoạt động nghề nghiệp, thực hiện trên cơ sở pháp luật, lấy uy tín làm gốc. Đây chính là yêu cầu nội tại, xuyên suốt trong toàn bộ quá trình và hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ Luật sư.

nguồn luatsu5.com

» Luật Luật sư 2006 sửa đổi 2012