Các trường hợp phải bồi thường chi phí đào tạo

Các trường hợp phải bồi thường chi phí đào tạo và mức bồi thường.

Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, nhất là trong thời đại công nghệ hiện đại, mỗi cá nhân, dù là người lao động hay cán bộ, công chức, viên chức cũng cần phải rèn luyện, nâng cao kiến thức và kĩ năng nghề để có thể phát huy tối đa khả năng của bản thân trong việc thực hiện công việc. Vì lẽ đó, mà các cơ quan, tổ chức, và các doanh nghiệp luôn chú trọng đầu tư nhân tố con người, thể hiện qua việc hỗ trợ hoặc trực tiếp thực hiện việc đào tạo, nâng cao kỹ năng cho nhân viên, người lao động của cơ quan, đơn vị mình với mong muốn phát triển chất lượng nguồn nhân lực, gắn kết lâu dài giữa người lao động và cơ quan, đơn vị mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào người lao động, viên chức, sau khi được đào tạo vẫn tiếp tục gắn bó với cơ quan, đơn vị, hay doanh nghiệp đã hỗ trợ, hay đào tạo họ, vì nhiều lý do như thay đổi công việc, thay đổi chỗ ở, mong muốn tìm công việc khác… Tình trạng này dẫn đến việc xác định các trường hợp phải bồi thường chi phí đào tạo, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, doanh nghiệp đã hỗ trợ hoặc trực tiếp đào tạo những người lao động hay viên chức này. Để hiểu rõ về nội dung này, trong phạm vi bài viết, đội ngũ luật sư và chuyên viên Luật Dương gia sẽ đề cập đến các trường hợp phải bồi thường và mức bồi thường chi phí đào tạo theo quy định của pháp luật hiện hành

Hiện nay, trong quy định của pháp luật hiện hành, vấn đề bồi thường chi phí đào tạo được quy định chung trong Bộ luật lao động năm 2012 và còn được quy định tại Nghị định 101/2017/NĐ-CP. Cụ thể:

Mặc dù hiện nay trong quy định của pháp luật hiện hành không có định nghĩa cụ thể về khái niệm “đào tạo”, tuy nhiên có thể hiểu, “đào tạo” là khái niệm để chỉ quá trình truyền dạy, giảng dạy các kỹ năng thực hành cũng như kiến thức  nghề nghiệp nhằm mục đích để người học có thể lĩnh hội, nắm vững nội dung được truyền dạy từ đó nâng cao và cải thiện kiến thức chuyên môn, cũng như kỹ năng nghề nghiệp của mình để nâng cao chất lượng công việc. Việc đào tạo thường được giao kết thông qua hợp đồng đào tạo hoặc quyết định cử đi đào tạo. Còn chi phí đào tạo được hiểu là những chi phí được hiểu là tất cả những khoản chi phí để thực hiện việc đào tạo người học. Hiện nay, trong thực tế đối tượng được đào tạo rất đa dạng, tuy nhiên trên cơ sở pháp luật hiện hành thì xem xét việc đào tạo cũng như bồi thường chi phí đào tạo thông qua hai nhóm đối tượng chính là người lao động và cán bộ công chức viên chức. Cụ thể:

Thứ nhất, các trường hợp và mức bồi thường chi phí đào tạo đối với người lao động.

Căn cứ theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012 thì người lao động được lựa chọn nghề, học nghề tại nơi làm việc phù hợp với nhu cầu việc làm của mình. Nhà nước cũng khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình hoặc hỗ trợ việc học nghề cho người lao động với mục tiêu làm việc lâu dài cho mình. Việc học nghề, tập nghề có thể được thực hiện thông qua việc ký kết hợp đồng đào tạo.

Đối với việc bồi thường, đền bù chi phí đào tạo thì hiện nay mặc dù trong quy định của Bộ luật lao động năm 2012, chỉ quy định về việc người lao động phải nghĩa vụ hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động khi có hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Bộ luật lao động năm 2012. Tuy nhiên, khi quy định về hợp đồng đào tạo nghề giữa người lao động và người sử dụng lao động thì pháp luật vẫn tạo điều kiện để cho người lao động và người sử dụng lao động được tự thỏa thuận về các trường hợp bồi thường chi phí đào tạo thông qua quy định về trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo nghề trong hợp đồng đào tạo nghề đã ký kết.

Trên cơ sở nội dung phân tích ở trên, có thể xác định, người lao động sẽ phải bồi thường chi phí đào tạo nếu thuộc vào một trong các trường hợp sau:

  • Trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (theo Điều 43 Bộ luật lao động năm 2012).
  • Trường hợp hai bên có thỏa thuận về các trường hợp hoàn trả chi phí đào tạo theo nội dung của hợp đồng đào tạo nghề (nếu có).

Trong đó, chi phí đào tạo sẽ được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Bộ luật lao động năm 2012, cụ thể gồm: các khoản chi có giấy tờ, chứng từ, hóa đơn hợp lệ về các chi phí chi trả cho người dạy, chi phí tài liệu, giáo trình học tập, chi phí cho việc thuê mướn trường, lớp, máy móc, vật dụng, thiết bị thực hành phục vụ quá trình đào tạo người lao động. Đồng thời chi phí đào tạo cũng có thể bao gồm tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để đóng cho người học trong thời gian đi học và các khoản hỗ trợ khác cho người học theo sự thỏa thuận của các bên. 

Thứ hai, các trường hợp và mức bồi thường chi phí đào tạo đối với đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức.

Cũng giống như người lao động, nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình phát triển kinh tế xã hội, cũng như được đảm bảo hiệu quả trong việc thực hiện các hoạt động nghề nghiệp (đối với viên chức) hay được đảm bảo các điều kiện thi hành công vụ (đối với cán bộ, công chức) thì căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật viên chức năm 2010, khoản 4 Điều 11 Luật cán bộ công chức năm 2008, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng cần được đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ chính trị. Hiện nay, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cũng như việc đền bù chi phí đào tạo được thực hiện theo quy định tại Nghị định 101/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 101/2017/NĐ-CP thì cán bộ, công chức, viên chức khi được cử đi đào tạo bằng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước hoặc kinh phí trích từ nguồn tiền của cơ quan, đơn vị đang quản lý, sử dụng công chức, viên chức, cán bộ sẽ phải có trách nhiệm bồi thường chi phí đào tạo nếu thuộc một trong các trường hợp:

  • Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo nhưng có hành vi tự ý nghỉ ngang quá trình học, hoặc nghỉ việc, thực hiện hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đang được đào tạo.
  • Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo nhưng không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp khóa học mặc dù đã hoàn thành quá trình học.
  • Cán bộ, công chức, viên chức sau khi đã hoàn thành chương trình học và được cấp văn bằng/chứng chỉ tốt nghiệp khóa học nhưng chưa phục vụ đủ thời gian cam kết làm việc, thực hiện công vụ, nhiệm vụ tại cơ quan đơn vị sau quá trình đào tạo mà lại có hành vi tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.

Về mức bồi thường chi phí đào tạo:

Khác với người lao động, khi thuộc một trong các trường hợp phải bồi thường chi phí đào tạo, thì chi phí mà người cán bộ, công chức viên chức phải đền bù cho quá trình đào tạo sẽ không bao gồm tiền lương và các khoản phụ cấp (nếu có) của họ mà chỉ bao gồm học phí và những khoản chi phí khác phục vụ cho khóa học, quá trình đào tạo. Trong đó, mức đền bù chi phí đào tạo của cán bộ, công chức, viên chức thì cũng được xác định cụ thể tùy thuộc vào từng trường hợp, cụ thể:

– Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo do tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo hoặc đã hoàn thành khóa học nhưng không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp thì sẽ phải hoàn trả 100% chi phí đền bù chi phí đào tạo.

– Trường hợp phải đền bù chi phí đào tạo do tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian làm việc đã cam kết mặc dù đã hoàn thành được khóa học và được cấp chứng chỉ tốt nghiệp khóa học thì trường hợp này mức bồi hoàn chi phí đào tạo được xác định theo như sau:

S =F/T1 x (T1 – T2)

Trong đó:

  • S là chi phí đền bù đào tạo (mức bồi thường chi phí đào tạo)
  • F là tổng chi phí đào tạo mà cơ quan, đơn vị đã chi trả theo thực tế cho 01 người (cán bộ, công chức, viên chức) tham gia khóa học khi thực hiện việc cử người này đi học, đi đào tạo để nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp.
  • T1 là thời gian mà cơ quan, đơn vị yêu cầu người được cử đi đào tạo phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) và được tính bằng số tháng làm tròn;
  • T2 là thời gian mà người được cử đi đào tạo đã phục vụ, làm việc cho cơ quan đơn vị sau quá trình đào tạo. Thời gian này được tính bằng số tháng làm tròn.

Ngoài việc quy định công thức tính mức đền bù chi phí đào tạo được xác định như trên thì khi xem xét việc đền bù chi phí đào tạo, khi người cán bộ, công chức, viên chức có thời gian công tác tại cơ quan đơn vị thì họ có thể được xem xét giảm mức đền bù theo quy định tại Điều 9 Nghị định 101/2017/NĐ-CP. Theo đó, cứ mỗi năm công tác tại cơ quan đơn vị thì sẽ được tính giảm 1% chi phí đền bù.

Trường hợp người cán bộ, công chức viên chức phải bồi thường chi phí đào tạo là người dân tộc thiểu số hoặc là nữ giới thì mỗi năm công tác của họ sẽ được tính giảm tối đa 1,5% mức chi phí đền bù.

Tuy nhiên, cần lưu ý, thời gian công tác của cán bộ, công chức, viên chức khi xem xét điều kiện giảm mức đền bù chi phí đào tạo là thời gian công tác tại cơ quan, đơn vị nhưng không tính thời gian họ tập sự hay thời gian họ công tác sau khi được đào tạo.

Như vậy, qua phân tích ở trên, có thể thấy, việc được cử đi đào tạo, được hỗ trợ hay được trực tiếp đào tạo là một trong những cơ hội để người lao động hoặc cán bộ, công chức, viên chức được hoàn thiện mình không chỉ về kiến thức chuyên môn mà còn về kỹ năng nghề nghiệp, tạo cơ sở để họ có thể hoàn thành tốt công việc và có những bước tiến xa hơn trong cơ hội nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, khi tạo điều kiện cho người lao động, hoặc cán bộ, công chức, viên chức được đi đào tạo thì để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng lao động (cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp) nơi người được cử đi đào tạo đang làm việc, việc quy định các trường hợp phải bồi hoàn chi phí đào tạo (đền bù chi phí đào tạo) là một trong những nội dung cần thiết. Chính bởi vậy, xác định được trường hợp nào phải bồi thường chi phí đào tạo, mức bồi thường chi phí đào tạo thực sự hữu ích trong việc đảm bảo quyền lợi của người được cử đi học nhưng cũng đảm bảo quyền lợi của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đào tạo/ hoặc hỗ trợ đào tạo.

» Luật sư giải quyết tranh chấp lao động

» Tư vấn luật Lao động