Các loại hợp đồng dân sự cơ bản theo quy định pháp luật

Các loại hợp đồng dân sự cơ bản theo quy định pháp luật. Khái niệm hợp đồng theo quy định bộ luật dân sự? Nội dung của hợp đồng được pháp luật quy định như thế nào? Những vấn đề về hợp đồng theo Bộ luật dân sự 2015 như sau:

Các loại hợp đồng dân sự cơ bản theo quy định pháp luật hiện hành

  • Nội dung:
    • Khái niệm hợp đồng
    • Các loại hợp đồng cơ bản chủ yếu

I. Khái niệm hợp đồng

Theo Điều 385 Bộ luật dân sự 2015:

“Điều 385. Khái niệm hợp đồng
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”

So với định nghĩa về hợp đồng trong Bộ luật dân sự 2005 có thể nhận thấy định nghĩa về hợp đồng trong Bộ luật dân sự năm 2015 có một sự tiến bộ đáng kể: Nếu Điều 394 Bộ luật dân sự 2005 sử dụng thuật ngữ “Khái niệm hợp đồng dân sự” thì Điều 385 Bộ luật dân sự 2015 đã bỏ đi cụm từ “dân sự” và chỉ để “Khái niệm hợp đồng”. Định nghĩa này thể hiện sự tiến bộ và hợp lý bởi lẽ khái niệm hợp đồng vừa thể hiện sự ngắn gọn, súc tích vừa mang tính khái quát cao được hiểu là bao gồm tất cả các loại hợp đồng theo nghĩa rộng (hợp đồng dân sự, hợp đồng lao động, hợp đồng kinh tế, hợp đồng chuyển giao công nghệ…) chứ không chỉ là các hợp đồng dân sự theo nghĩa hẹp đơn thuần.

II. Các loại hợp đồng cơ bản

Các loại hợp đồng chủ yếu được quy định Điều 402 của Bộ luật Dân sự 2015, luật quy định hợp đồng gồm có 6 loại chủ yếu sau đây:

  1. Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau.
  2. Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ.
  3. Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ.
  4. Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính.
  5. Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó.
  6. Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định.

Mỗi loại hợp đồng có những đặc trưng cơ bản, riêng biệt khác nhau. Từ đó, pháp luật phân chia theo các nhóm hợp đồng. Dựa vào mối liên hệ trong hợp đồng giữa các chủ thể, có các loại hợp đồng sau:

Dựa vào mối liên hệ về quyền, nghĩa vụ giữa các bên

Để xác định một hợp đồng có tính chất đơn vụ hay song vụ thì dựa vào mối liên hệ giữa quyền và nghĩa vụ của các bên tại thời điểm hợp đồng dân sự có hiệu lực.

1. Hợp đồng song vụ

Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà các bên chủ thể đều có nghĩa vụ phải hoàn thành. Trong nội dung hợp đồng, mỗi bên chủ thể vừa là người có quyền vừa là người có nghĩa vụ. Quyền lợi của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Vì vậy, trên thực tế, khi ghi nhận các điều khoản trong hợp đồng thường ghi quyền, nghĩa vụ của một bên hoặc nghĩa vụ của hai bên. Nếu hình thức của hợp đồng khi giao kết là văn bản, hợp đồng phải lập thành nhiều bản để mỗi bên giữ một bản và nếu có chủ thể liên quan thì bên liên quan cũng giữ một bản hợp đồng.

Ví dụ: Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất thì bên thuê có nghĩa vụ trả tiền thuê đúng kì hạn và bên cho thuê có nghĩa vụ giao đất để bên thuê sử dụng trong khoảng thời gian thuê đó. Đối với hợp đồng thuê quyền sử dụng đất thì phải lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực.

2. Hợp đồng đơn vụ

Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ phải hoàn thành để bảo đảm quyền lợi cho bên còn lại. Bên còn lại không phải thực hiện nghĩa vụ nào cả.

Việc xác định quyền, nghĩa vụ giữa các chủ thể được bắt đầu từ thời điểm hợp đồng dân sự có hiệu lực. Vì vậy, có những hợp đồng các bên đều có nghĩa vụ đối với nhau nhưng do thời điểm phát sinh hiệu lực hợp đồng là khi một bên đã hoàn thành nghĩa vụ của mình nên hợp đồng đó vẫn được coi là hợp đồng đơn vụ. Nếu hình thức của hợp đồng được giao kết là văn bản thì các bên chỉ cần lập một bản hợp đồng giao cho bên có quyền lợi giữ.

Ví dụ: Hợp đồng vay tài sản mà các bên xác định sau khi bên cho vay đưa đủ tiền vay cho bên vay thì hợp đồng vay tài sản phát sinh hiệu lực. Khi đó, chỉ bên vay có nghĩa vụ trả tiền vay.

Dựa vào sự phụ thuộc về hiệu lực giữa các hợp đồng

3. Hợp đồng chính

Khoản 3 Điều 402 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“3. Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ;”

Theo đó, hợp đồng chính khi tuân thủ đầy đủ các điều kiện mà pháp luật quy định thì đương nhiên có hiệu lực và có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên kể từ thời điểm giao kết. Hợp đồng tồn tại độc lập không lệ thuộc vào hợp đồng nào khác.

Ví dụ: Hợp đồng thuê nhà đơn giản kèm với hợp đồng đặt cọc tiền để đảm bảo bên thuê sẽ thuê hết khoảng thời gian thỏa thuận. Nếu bên thuê vi phạm hợp đồng thì tiền cọc sẽ thuộc về bên cho thuê. Khi đó, hợp đồng thuê nhà đơn giản là hợp đồng chính.

4. Hợp đồng phụ

Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực của nó phụ thuộc vào hợp đồng chính. Đầu tiên, hợp đồng phụ vẫn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định về chủ thể, nội dung, hình thức,…Thêm vào đó, tùy thuộc vào hợp đồng chính là có hiệu lực pháp luật thì hợp đồng phụ có hiệu lực. Hoặc hợp đồng chính không có hiệu lực thì hợp đồng phụ cũng bị coi là không có hiệu lực pháp lực. Hợp đồng phụ có chức năng dự bị, hỗ trợ hay bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng chính. Hợp đồng phụ sẽ được thực hiện nếu hợp đồng chính không được thực hiện hoặc chỉ thực hiện được một phần khi đến hạn.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đặc biệt hợp đồng phụ vẫn có hiệu lực không phụ thuộc vào hiệu lực của hợp đồng chính. Ví dụ như hợp đồng vay tài sản kèm với hợp đồng thế chấp tài sản để đảm bảo việc trả tài sản vay đúng hạn. Thì hợp đồng thế chấp tài sản là hợp đồng phụ. Trong trường hợp hợp đồng cho vay đó vô hiệu nhưng bên cho vay đã đưa tài sản thế chấp cho bên vay rồi thì bên vay vẫn phải trả tài sản vay. Nếu không thực hiện nghĩa vụ thì hợp đồng thế chấp vẫn có hiệu lực và tài sản thế chấp thuộc quyền sở hữu của bên cho vay.

5. Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba

Đây là loại hợp đồng có sự xuất hiện của bên thứ ba nhưng bên thứ ba không có bất kì nghĩa vụ nào với hai bên hợp đồng cả. Các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba là người được hưởng lợi từ việc thực hiện nghĩa vụ đó.

Nếu ngươi thứ ba từ chối lợi ích của mình trước khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ đó thì bên có nghĩa vụ không phải thực hiện nghĩa vụ nhưng phải thông báo cho bên có quyền và hợp đồng bị hủy bỏ. Còn nếu khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện nghĩa vụ mà người thứ ba mới từ chối lợi ích thì bên có nghĩa vụ được coi là hoàn thành hợp đồng. Bên có quyền phải thực hiện thỏa thuận với bên có nghĩa vụ. Và nếu có thiệt hại xảy ra khi thực hiện nghĩa vụ với người thứ ba thì bên có quyền phải bồi thường thiệt hại đó.

VD: Hợp đồng gia công bức tượng thạch và yêu cầu bên gia công giao đến cho một người khác thì bên đặt gia công sẽ thánh toán chi phí hợp đồng. Nếu bên thứ ba biết về hợp đồng gia công và từ chối trước khi hoàn thành bức tượng thì coi như bị hủy hợp đồng nhưng bên đặt gia công phải bồi thường thiệt hại toàn bộ khoảng thời gian và công sức gia công đó. Nếu gia công hoàn tất bức tượng thì dù người thứ ba không nhận thì vẫn được coi là hoàn thành hợp đồng và bên đặt gia công phải thanh toán chi phí theo thỏa thuận.

6. Hợp đồng có điều kiện

Khoản 6 Điều 402 Bộ luật Dân sự quy định thì:

“Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định.”

Theo đó, các bên thỏa thuận việc có thực hiện hợp đồng hay không sẽ phụ thuộc vào một sự kiện thực tế có phát sinh, thay đổi hay chấm dứt không. Điều kiện thực hiện hợp đồng được hiểu là các sự kiện mang tính khách quan, xuất hiện trong tương lại sau khi đã giao kết hợp đồng, sự kiện này phải phù hợp với quy định pháp luật. Nếu điều kiện là một công việc thì công việc đó phải thực hiện được.

VD: Hợp đồng hợp tác đầu tư mà các bên có thỏa thuận nếu đến tháng sau mà giá bất động sản giảm từ 30% trở lên thì sẽ hợp tác đầu tư vào ngành bất động sản. Thì sự kiện giá bất động sản tăng giảm sẽ dẫn đến việc hợp đồng hợp tác đầu tư được thực hiện hoặc không.

Như vậy, tùy từng hợp đồng cụ thể mà người lập sẽ xác định được loại hợp đồng của nó. Việc phân loại các loại hợp đồng nhằm có cái nhìn tổng quát. Giúp việc tư duy nhanh, xác định quyền, nghĩa vụ cơ bản của các bên trong hợp đồng, từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn nhất.

» Những hợp đồng bắt buộc phải lập thành văn bản

» Dịch vụ tư vấn hợp đồng

Trên đây là các loại hợp đồng dân sự cơ bản, chủ yếu theo quy định pháp luật hiện hành.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tổng hợp các lỗi bị trừ điểm giấy phép lái xe

Tổng hợp các lỗi bị trừ điểm giấy phép lái xe Bảng tổng hợp các…

Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ

Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ. Các văn bản luật…

Hình thức văn bản hành chính

Hình thức văn bản hành chính theo nghị định 30/2020/NĐ-CP hay còn gọi là thể…

Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành…

Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo thông tư 24/2023/TT-BCA

Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ công…

» Luatsubaoho.com - Tư vấn pháp luật: 0768236248 - Chat Zalo