Bảo vệ người thứ ba ngay tình theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đều tham gia vào các quan hệ dân sự. Đó là căn cứ làm phát sinh, thay đổi chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của chủ thể tham gia giao dịch. Thông qua các giao dịch đó, các chủ thể trao đổi, tìm kiếm cơ hội để đạt được mục đích chính của mình. Tuy nhiên, đối tượng của giao dịch dân sự không chỉ dừng lại ở một giao dịch mà nó tham gia vào rất nhiều giao dịch khác với nhiều chủ thể khác nhau. Bộ luật dân sự đã có quy định cơ chế bảo vệ người thứ ba ngay tình. So với các Bộ luật Dân sự trước đây, Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định chặt chẽ hơn, chi tiết hơn và theo hướng bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người thứ ba ngay tình có thiện chí khi giao dịch dân sự vô hiệu.
Mục lục bài viết
Theo Điều 180 BLDS năm 2015 có quy định về việc chiếm hữu ngay tình là “việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu”. Đồng thời, Từ điển Luật học có giải thích rằng: “Người thứ ba ngay tình khi tham gia giao dịch dân sự vô hiệu là người được chuyển giao tài sản thông qua giao dịch mà họ không biết, không buộc phải biết tài sản đó do người chuyển giao cho họ thu được từ một giao dịch dân sự vô hiệu”
Như vậy, có thể hiểu người thứ ba ngay tình là người chiếm hữu tài sản ngay tình thông qua một giao dịch dân sự vô hiệu, nhưng bản thân họ hoàn toàn trung thực khi tham gia giao dịch mà không hề biết rằng người giao dịch với họ không có quyền chuyển giao tài sản đó. Việc giao dịch dân sự đó vô hiệu không phải lỗi của họ.
Các điều kiện để người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi khi giao dịch dân sự vô hiệu theo Điều 133 BLDS 2015 đó là:
Thứ nhất, trước khi người thứ ba tham gia vào giao dịch dân sự thì đã có một giao dịch dân sự trước được xác lập, thực hiện nhưng giao dịch dân sự trước đó đã bị vô hiệu.
Ví dụ: vợ chồng ông A chết lập di chúc để lại di sản là 500m2 đất vườn và căn nhà trên đất cho anh B (con duy nhất của vợ chồng ông A). Sau đó anh B chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) và căn nhà trên đất trên cho bà C. Thời gian sau có anh D (người chưa thành niên) là con riêng của ông A yêu cầu chia di sản. Như vậy, di chúc của vợ chồng ông A bị vô hiệu một phần. Lúc này, bà C là người thứ ba ngay tình trong giao dịch nhận chuyển nhượng QSDĐ với anh B.
Thứ hai, người thứ ba xác lập giao dịch dân sự phải ngay tình. Nghĩa là, người thứ ba không biết hoặc không thể biết những giao dịch trước đó bị vô hiệu bởi bất cứ lý do nào, họ có căn cứ tin rằng đối tượng và chủ thể giao dịch với mình đủ điều kiện mà pháp luật quy định. Thường những trường hợp như thế này xảy ra đối với tài sản là động sản không phải đăng ký như: Gia súc, gia cầm, vàng, điện thoại di động…
Thứ ba, tài sản đưa ra giao dịch phải được phép giao dịch. BLDS không quy định về tài sản được phép giao dịch nhưng căn cứ khoản 10 Điều 3 Nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định về giao dịch đảm bảo có nêu “tài sản được phép giao dịch là tài sản không bị cấm giao dịch theo quy định của pháp luật tại thời điểm xác lập giao dịch đảm bảo”. Qua quy định này có thể hiểu “tài sản được phép giao dịch là tài sản không bị cấm giao dịch theo quy định của pháp luật”. Đối với các loại tài sản mà pháp luật quy định cấm lưu thông (ma túy, động vật hoang dã quý hiếm…) thì người thứ ba buộc phải biết và việc xác lập giao dịch đối với loại tài sản này đều bất hợp pháp, không được pháp luật bảo vệ. Còn đối với loại tài sản mà pháp luật quy định hạn chế lưu thông (ngoại tệ, vũ khí) thì chỉ khi đảm bảo các điều kiện ràng buộc kèm theo thì giao dịch dân sự đó mới có hiệu lực pháp luật.
Ví dụ: anh C mua 1 gói ma túy của anh B. Dù anh C không biết gói ma túy đó do anh B trộm cắp mà có thì giao dịch của anh C và anh B là bất hợp pháp và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự do hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ tư, người thứ ba có được tài sản thông qua giao dịch dân sự có đền bù. Đó là những giao dịch mà trong đó một bên sau khi thực hiện nghĩa vụ của mình đối với bên kia thì sẽ nhận được những lợi ích vật chất từ phía bên kia. Khi đó, giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực. Tuy nhiên, với những loại tài sản bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu và chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản đó.
Ví dụ: anh A trộm được 01 cái laptop của anh B. Sau đó, anh A đem bán cho anh C với giá 20.000.000 đồng. Nhưng C không biết A có được tài sản đó do trộm cắp mà có. Nên khi B phát hiện C đang dùng tài sản của mình thì báo với cơ quan cảnh sát điều tra. Do đó, C phải trả lại chiếc laptop cho anh A. Nghĩa là giao dịch giữa A và C bị vô hiệu, B có quyền đòi lại tài sản.
Trái lại, trường hợp người thứ ba có được tài sản thông qua giao dịch dân sự không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản như: tặng cho, thừa kế…thì quyền lợi của người thứ ba sẽ không được pháp luật bảo vệ. Khi đó chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản.
Tùy vào đặc thù của từng loại tài sản nên có những tài sản là đối tượng của giao dịch dân sự phải đăng ký thì giao dịch dân sự với người thứ ba mới phát sinh hiệu lực pháp luật. Do vậy, tài sản chưa được đăng ký thì người thứ ba mặc dù ngay tình nhưng cũng không được pháp luật bảo vệ quyền lợi và phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Điều này, đảm bảo cho các quy định của pháp luật về việc đăng ký tài sản được áp dụng nghiêm minh, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài sản của Nhà nước mà chủ yếu là bất động sản. Cũng có những trường hợp, giao dịch với người thứ ba chưa đăng ký nhưng pháp luật vẫn bảo vệ người thứ ba khi công nhận giao dịch đó có hiệu lực pháp luật, cụ thể: Người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa (khoản 2 Điều 133 BLDS 2015).
Ví dụ: Chị C căn cứ vào Bản án hôn nhân và gia đình giữa anh A và chị B để xác lập giao dịch chuyển nhượng QSDĐ đối với phần tài sản mà anh A được nhận. Trong thời gian chị C làm thủ tục đăng ký theo Luật đất đai thì Bản án bị sửa theo Quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao. Theo đó tài sản mà anh A đã chuyển nhượng cho chị C nay thuộc về chị B. Như vậy giao dịch giữa anh A và chị C lẽ ra bị vô hiệu do anh A không có quyền định đoạt đối với tài sản này. Tuy nhiên, pháp luật vẫn công nhận giao dịch với chị C có hiệu lực pháp luật.
Tại Điều 133. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu
“Điều 133. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu
Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.
Quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình theo Điều 167 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu”.
Theo các quy định nêu trên, người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự vô hiệu được xác định như sau:
– Thứ nhất, đã có một giao dịch dân sự được xác lập và thực hiện hoàn thành trước đó. Giao dịch dân sự này bị xác định là vô hiệu, tất nhiên thời điểm xác định giao dịch sự vô hiệu là sau khi giao dịch với người thứ ba diễn ra.
– Thứ hai, giao dịch với người thứ ba phải đáp ứng các điều kiện của giao dịch dân sự có hiệu lực tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định (trong trường hợp này cần ngoại trừ nguyên nhân dẫn đến giao dịch dân sự lần thứ nhất bị vô hiệu do người thứ ba không hề biết về vấn đề này).
– Thứ ba, người thứ ba xác lập giao dịch phải ngay tình. Trong trường hợp này, người thứ ba không biết hoặc không thể biết rằng mình tham gia giao dịch dân sự có yếu tố dẫn đến giao dịch vô hiệu liên quan đến giao dịch trước đó. Người thứ ba ngay tình phải chứng minh yếu tố “ngay tình” khi tham gia giao dịch dân sự này.
– Thứ tư, người thứ ba đã thực hiện nghĩa vụ và đã hưởng những quyền dân sự trong giao dịch do họ xác lập, mục đích của giao dịch đã đạt được.
Theo quy định tại Điều 133 và Điều 167 Bộ luật dân sự 2015, phân thành 2 trường hợp:
+ Giao dịch ngay tình của người thứ ba bị vô hiệu;
+ Giao dịch ngay tình của người thứ ba có hiệu lực.
a) Giao dịch ngay tình của người thứ ba bị vô hiệu
– Thứ nhất, theo quy định tại Điều 167 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể: Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.
– Thứ hai, trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu (trừ trường hợp có hiệu lực được phân tích tại điểm b này).
b) Giao dịch ngay tình của người thứ ba có hiệu lực
– Thứ nhất, trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật Dân sự như đã phân tích tại điểm a nêu trên.
– Thứ hai, Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
– Thứ ba, trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa thì giao dịch không bị vô hiệu.
Quy định tại khoản 2, Điều 133
“Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.”
là hợp lý và rất cần thiết để bảo đảm an toàn, ổn định pháp lý cho các giao dịch dân sự, tránh rủi ro “bất khả kháng” ngoài khả năng kiểm soát, giúp doanh nghiệp và người dân yên tâm khi giao dịch đối với các tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình nói trên, nhưng lại sẽ có nguy cơ gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu. Trong trường hợp này, thì vấn đề tiếp theo sẽ được giải quyết theo cơ chế kiện bồi thường thiệt hại đối với người có lỗi. Cái khó nhất trong trường hợp này là, phần lớn toàn bộ hoặc một phần lỗi thuộc về các cơ quan nhà nước, nhưng lại rất khó đòi bồi thường thiệt hại từ cơ quan nhà nước.
4.1. Quy định của pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự liên quan đến động sản hoặc là động sản phải đăng ký.
Tại Khoản 2 Điều 133 BLDS 2015 quy định về “ Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tàu sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đóa mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu. Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa”.
4.2. Bảo vệ người thứ ba ngay tình trong các giao dịch liên quan đến tài khoản ngân hàng và động sản khác mà không phải đăng ký quyền sở hữu và quyền sử dụng là tài sản chung vợ chồng
Giao dịch dân sự chính là công cụ hữu hiệu để các chủ thể tìm kiếm và trao đổi lợi ích với nhau. Nhưng thực tế cho thấy, đôi khi chủ thể đã xác lập, thực hiện một giao dịch dân sự nhưng lại không đạt được lợi ích mà mình mong muốn mặc dù họ hoàn toàn thiện chí và ngay thẳng khi tham gia vào giao dịch đó. Và pháp luật xem những chủ thể này là người thứ ba ngay tình.
Theo Điều 180 BLDS 2015, chiếm hữu ngay tình là “việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu”. Như vậy hiểu một cách chung nhất, người thứ ba ngay tình là người chiếm hữu tài sản nhưng không biết hoặc không thể biết rằng việc chiếm hữu tài sản của mình là không có căn cứ pháp luật. Họ không biết rằng họ đang thực hiện giao dịch với một người không có quyền định đoạt đối với tài sản đang được giao dịch.
Theo quy định tại Điều 32 Luật HNGĐ 2014, nếu vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, chiếm hữu động sản không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó. Cũng theo quy định tại Điều 35 Luật HNGĐ, việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng có trường hợp là: “Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình”. Vậy, giả sử, gia đình đó có một khoản tiền lớn gửi trong ngân hàng, đứng tên một bên vợ hoặc chồng, lãi từ tiền gửi hiện đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình. Người đứng tên trên tài khoản tự mình xác lập giao dịch được coi là trường hợp giao dịch với người thứ ba ngay tình (hợp đồng mua bán vẫn có hiệu lực) hay trường hợp phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng (khi đó, hợp đồng mua bán sẽ bị vô hiệu).
Hay như trong trường hợp động sản có đăng ký quyền sở hữu khi định đoạt phải có sự đồng ý bằng văn bản của vợ, chồng. Nhưng, một gia đình có nhiều vàng, đá quý có giá trị lớn, phát sinh trong thời kỳ hôn nhân. Một bên đưa ra giao dịch với bên thứ ba, thì căn cứ theo quy định của Điều 32 nêu trên, giao dịch đó có hiệu lực. Vậy, vấn đề bảo đảm quyền và lợi ích của bên kia sẽ như thế nào? Điều này pháp luật cũng chưa thể dự liệu được.
Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 hay là Luật Đất đai năm 2013 thì trong phần ghi tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác đều quy định: “Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng” (Khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013), “trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng thì ghi tên của cả vợ và chồng” (Luật Nhà ở năm 2014). Vậy là xét ở góc độ bình đẳng giới, thì pháp luật đã bảo vệ tối đa quyền của người phụ nữ trong lĩnh vực đăng ký quyền sở hữu tài sản đối với nhà ở và quyền sử dụng đất, bảo vệ quyền đối với tài sản của phụ nữ và nam giới trong gia đình và nhằm hạn chế những tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng trong quá trình chung sống. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn.
Các phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ nên pháp luật đòi hỏi phải đăng kí quyền sở hữu phục vụ cho công tác quản lý nhà nước đồng thời xác định trách nhiệm dân sự của chủ sở hữu đối với các phương tiện cơ giới. Là tài sản chung của vợ chồng, các phương tiện giao thông khi đăng ký quyền sở hữu, pháp luật quy định phải ghi tên cả hai vợ chồng. Mặc dù thực tế không phức tạp như giấy chứng nhận quyền quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác song hiện tại còn rất nhiều tài sản chung của vợ chồng là phương tiện giao thông nhưng khi đăng ký sở hữu chung của vợ chồng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng mà chủ yếu là ghi tên của người chồng. Điều này phản ánh một thực tế, mặc dù Luật HNGĐ 2014 và các văn bản luật có liên quan đã quy định rất rõ là đối với tài sản chung của vợ chồng cần phải đăng kí quyền sở hữu phải ghi tên hai vợ chồng nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau việc đăng kí này đối với phương tiện giao thông cũng chưa được triệt để áp dụng. Thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của vợ chồng cũng như quyền lợi của bên thứ ba khi thiết lập giao dịch dân sự với vợ chồng nhất là đối với những phương tiện giao thông có giá trị rất lớn như ô tô, tàu thủy, máy bay…và khi có tranh chấp xảy ra, bên không có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu sẽ không có căn cứ hoặc khó chứng minh tài sản đó là của mình.
Ngoài ra, đối với một số tài sản khác như quyền sở hữu trí tuệ, cổ phiếu, trái phiếu, thẻ tiết kiệm, theo quy định của pháp luật cũng đòi hỏi phải ghi tên vợ chồng, nhưng trong trong nhiều trường hợp chỉ đứng tên có một bên.
Nhìn chung quy định trong BLDS 2015 quy định rõ ràng hơn và đã cố gắng bảo vệ người thứ ba ngay tình nhiều hơn so với BLDS năm 2005. Tuy nhiên, để các quy định về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình trong BLDS mới được hoàn thiện hơn nhằm góp phần bảo đảm sự ổn định của các giao dịch dân sự thì tác giả xin đưa ra một số ý kiến như sau:
“Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại” (Khoản 3 Điều 133).
Như vậy, quy định của Điều 133 BLDS 2015 chỉ hạn chế đối với “chủ sở hữu” của các tài sản có đăng ký quyền sở hữu Còn đối với các chủ thể có quyền sử dụng tài sản, chẳng hạn như quyền sử dụng đất thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của điều này trong khi đây là một tài sản quan trọng mà Điều 133 hướng tới.
» Giải quyết khi hợp đồng vô hiệu
» Dịch vụ giải quyết tranh chấp hợp đồng
Tổng hợp các lỗi bị trừ điểm giấy phép lái xe Bảng tổng hợp các…
Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ. Các văn bản luật…
Hình thức văn bản hành chính theo nghị định 30/2020/NĐ-CP hay còn gọi là thể…
Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành…
Nghị định 176/2024/NĐ-CP quy định quản lý, sử dụng kinh phí từ xử phạt vi…
Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ công…
» Luatsubaoho.com - Tư vấn pháp luật: 0768236248 - Chat Zalo