Quy trình hòa giải, đối thoại của hòa giải viên tại Tòa án. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án chính thức có hiệu lực. Theo đó, khi tham gia hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính các bên rất cần phải biết và hiểu được quy trình hòa giải, đối thoại tại trung tâm hòa giải đối thoại tại Tòa án.
Quy trình hòa giải, đối thoại tại Tòa án
1. Sơ đồ tóm tắt quy trình hòa giải đối thoại tiền tố tụng
2. Các giai đoạn Hòa giải, đối thoại tại Trung tâm hòa giải
Giai đoạn 1: Nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, đơn khiếu kiện hành chính và Tòa án thụ lý đơn.
Người khởi kiện, người yêu cầu gửi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính kèm theo tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết bằng các hình thức: Nộp trực tiếp, nộp thông qua dịch vụ bưu chính hoặc thông qua hình thức nộp trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Sau khi nhận đơn Tòa án tiến hành xem xét đơn trong 02 ngày làm việc ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, đơn khiếu kiện hành chính. Nếu đơn thuộc thẩm quyền của Tòa án và không thuộc các trường hợp không hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định tại khoản 3, Điều 16 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì Tòa án thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện, người yêu cầu biết về quyền được lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên.
Giai đoạn 2: Thực hiện lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên của người khởi kiện, người yêu cầu.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án, người khởi kiện, người yêu cầu gửi câu trả lời đồng ý hoặc không đồng ý cho Tòa án, trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu trực tiếp đến Tòa án trình bày ý kiến thì Tòa án lập biên bản ghi nhận ý kiến; biên bản có chữ ký hoặc điểm chỉ của họ. Hết thời hạn này Tòa án xử lý như sau:
Thứ nhất, đồng ý: Tòa án phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại thực hiện hòa giải, đối thoại. Trong 03 ngày làm việc, Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại chỉ định Hòa giải viên.
Thứ hai, không đồng ý: Tòa án chuyển đơn để xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng.
Thứ ba, hết thời hạn 3 ngày nhưng người khởi kiện, người yêu cầu chưa trả lời: Thông báo lại lần thứ hai cho người khởi kiện, người yêu cầu biết để thực hiện quyền lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên. Người khởi kiện, người yêu cầu có thêm ba ngày để tiếp tục trả lời: Nếu đồng ý hoặc hết thời hạn này vẫn chưa trả lời thì Tòa án phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại và trong vòng 03 ngày Thẩm phán phụ trách chỉ định Hòa giải viên tiến hành hòa giải. Sau đó, Tòa án thông báo bằng văn bản về việc chuyển vụ việc sang hòa giải, đối thoại và văn bản chỉ định Hòa giải viên cho Hòa giải viên, người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Tòa án nhân dân cấp huyện khác nếu Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác.
Giai đoạn 3: Thực hiện quyền lựa chọn hòa giải, đối thoại tại Tòa án và lựa chọn Hòa giải viên của người bị kiện:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án người bị kiện phải trả lời Tòa án đồng ý hoặc không đồng ý, hết thời hạn này sẽ xử lý như sau:
Thứ nhất, người bị kiện đồng ý hoặc không trả lời Tòa án: Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại.
Thứ hai, người bị kiện không đồng ý: Tòa án chuyển đơn để xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng.
Thứ ba, người bị kiện đề nghị thay đổi Hòa giải viên: Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại chỉ định Hòa giải viên khác nếu người bị kiện đề nghị thay đổi Hòa giải viên.
Giai đoạn 4: Hòa giải viên tiến hành hòa giải và lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Thời hạn hòa giải, đối thoại là 20 ngày kể từ ngày Hòa giải viên được chỉ định; đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày. Các bên có thể thống nhất kéo dài thời hạn hòa giải, đối thoại, nhưng không quá 02 tháng.
Chậm nhất là 05 ngày trước ngày mở phiên hòa giải, đối thoại Hòa giải viên ấn định thời gian, địa điểm tiến hành phiên hòa giải, đối thoại và thông báo cho các bên, người đại diện, người phiên dịch. Việc thông báo có thể thực hiện bằng văn bản hoặc hình thức khác thuận tiện cho các bên. Khi đến thời hạn ấn định, Hòa giải viên tiến hành tổ chức phiên họp và lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Khi các bên đạt được sự thỏa thuận, thống nhất với nhau về việc giải quyết toàn bộ hoặc một phần vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, Hòa giải viên ấn định thời gian, địa điểm mở phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại. Phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại có thể được tổ chức ngay sau phiên hòa giải, đối thoại hoặc vào thời gian phù hợp khác. Trường hợp hoãn phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì thời hạn tối đa là 07 ngày, sau đó Hòa giải viên tiếp tục mở lại phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Sau khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại, Hòa giải viên chuyển biên bản cùng tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong trường hợp các bên có yêu cầu.
Giai đoạn 5: Quyết định công nhận hoặc không công nhận công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.
Thời hạn chuẩn bị ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành là 15 ngày kể từ ngày Tòa án nhận được biên bản và tài liệu kèm theo. Trong thời hạn này, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công xem xét ra quyết định có các quyền sau đây: Yêu cầu một hoặc các bên trình bày ý kiến về kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đã được ghi tại biên bản; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp cho Tòa án tài liệu làm cơ sở cho việc ra quyết định, nếu xét thấy cần thiết. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được Tòa án yêu cầu có trách nhiệm trả lời Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án. Hết thời hạn 15 ngày chuẩn bị, Thẩm phán ra Quyết định:
– Trường hợp có đủ điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành. Sau khi có quyết định các bên, người đại diện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định của Tòa án có quyền đề nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định.
– Trường hợp không có đủ điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì Thẩm phán ra quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành và nêu rõ lý do. Thẩm phán chuyển quyết định, biên bản và tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật về tố tụng.
» Mẫu đơn đề nghị không hoà giải, đối thoại tại Trung tâm hoà giải