Những ngày gần đây, thông tin tòa nhà Landmark 72 của Tập đoàn Keangnam bị rao bán khiến người dân cũng như khách hàng thuê mặt bằng tại đây lo lắng về quyền lợi liên quan. Phóng viên ANTĐ đã liên hệ với công ty quản lý tài sản và là chủ sở hữu tòa nhà Keangnam tại Việt Nam để làm rõ vấn đề.
Rao bán với mức giá gần 800 triệu USD
Theo thông tin từ báo chí Hàn Quốc, tòa án nước này vừa gửi văn bản tới quỹ đầu tư Qatar Investment Authority (QIA), thông báo về việc định giá tòa nhà Landmark 72 tại Việt Nam ở mức 830 tỷ won (tương đương 770 triệu USD). Thông báo được nhà chức trách gửi tới các nhà đầu tư quan tâm thông qua công ty quản lý bất động sản Colliers International.
Nguyên nhân rao bán là Tập đoàn Keangnam tại Hàn Quốc đang lâm vào tình trạng nợ nần và vướng vào nghi án hối lộ. Chủ nợ của tập đoàn xây dựng này là các ngân hàng lớn tại Hàn Quốc, gồm Shinhan Bank, Ngân hàng xuất nhập khẩu (Korea Eximbank), Woori Bank và Ngân hàng Nông nghiệp.
Thông tin được Công ty TNHH MTV Keangnam Vina công bố cho biết, Landmark 72 là khu phức hợp nằm ngay trung tâm khu đô thị mới của Hà Nội (sát mặt đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm) với hai tòa nhà chung cư 50 tầng, một tòa tháp 72 tầng, tổng diện tích 609.673m2 và là tòa nhà cao nhất Việt Nam (350m). Khu chung cư bao gồm 922 căn hộ cao cấp với nhiều tiện ích như phòng tập, bể bơi, khu mua sắm. Tại tòa nhà nối giữa tòa 72 tầng và tòa chung cư căn hộ là khu thương mại với khu mua sắm, rạp chiếu phim. Ngoài ra còn có khu vực văn phòng hạng A, khách sạn, hội trường lớn với sức chứa 2.000 người…
Khi được hỏi thông tin xung quanh việc tòa nhà bị rao bán, ông V.A – một người dân tại khu chung cư này chia sẻ: “Hiện chưa có thông tin một cách chính thức nhưng là người sở hữu căn hộ tại đây tôi cũng băn khoăn. Nếu tòa nhà bị chuyển nhượng thì mức phí dịch vụ có bị thay đổi hay không. Các khoản phí bảo trì đã nộp sẽ thế nào…”.
Trong khi đó, bà B.L.H, chủ một doanh nghiệp đang thuê mặt bằng kinh doanh, đồng thời cũng là chủ sở hữu căn hộ chung cư cho rằng: “Các quyền lợi đều đã được đưa vào hợp đồng, do đó khi tòa nhà được bán thì đơn vị mới vẫn phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng nên tôi không lo lắng nhiều. Tuy nhiên, nhiều người thuê mặt bằng lo ngại về việc phải thay đổi hợp đồng, giá dịch vụ sẽ tăng khi chủ đầu tư mới tiếp nhận”.
Quyền lợi và tài sản của khách hàng được bảo vệ
Xung quanh vấn đề quyền lợi của người sở hữu căn hộ, cá nhân, tổ chức thuê mặt bằng tại tòa nhà, luật sư Nguyễn Đức Toàn – Công ty luật Vimax Asia nhìn nhận: “Bản chất của vụ việc là chuyển nhượng phần vốn tại công ty mẹ chứ không phải chuyển nhượng vốn ở công ty con tại Việt Nam, như vậy chỉ là thay đổi cổ đông mới. Việc thay đổi cổ đông không làm ảnh hưởng và không xâm hại tới quyền sở hữu căn hộ chung cư cũng như quyền lợi của các đơn vị thuê mặt bằng tại khu tổ hợp dịch vụ. Người dân sở hữu căn hộ cũng không phải lo về mức phí dịch vụ thay đổi bởi các mức phí này được thực hiện theo các quy định pháp luật tại Việt Nam”.
Để giải đáp những thắc mắc của người dân, doanh nghiệp có liên quan, chúng tôi cũng đã liên hệ với Công ty TNHH MTV Keangnam Vina – công ty quản lý tài sản và là chủ sở hữu tòa nhà Keangnam Landmark 72 (Hà Nội). Ông Lee Hyo Jong – Chủ tịch Keangnam Vina cho biết: “Chúng tôi có tư cách pháp nhân độc lập ở Việt Nam. Do đó, hoạt động kinh doanh và vận hành của dự án sẽ không bị ảnh hưởng bởi khó khăn của tập đoàn tại Hàn Quốc”.
Ông Lee Hyo Jong cũng khẳng định, việc vận hành tòa tháp Keangnam Landmark 72 cũng không phụ thuộc vào tập đoàn Keangnam Enterprises. Do đó, tất cả các quyền lợi và tài sản của khách hàng mua chung cư, thuê văn phòng, các đối tác kinh doanh cũng được bảo vệ theo quy định của Việt Nam, kể cả đội ngũ nhân viên đang làm việc tại công ty.
Được biết, thông tin rao bán cũng như thương vụ chuyển đổi chủ tòa nhà không phải là câu chuyện xảy ra sau khi có những thông tin lùm xùm tại Hàn Quốc liên quan tới Tập đoàn Keangnam mà đã xuất hiện từ năm ngoái. Việc mua bán, chuyển nhượng này cũng diễn ra như đối với các tòa nhà bình thường khác khi đã khai thác đủ thời gian hoặc kêu gọi đầu tư thêm. Đặc biệt, việc rao bán chỉ liên quan tới tòa nhà trung tâm thương mại, dịch vụ 72 tầng, không liên quan tới phần căn hộ.
Việc thay đổi công năng, thiết kế của tòa nhà (nếu có) cần phải xin phép cơ quan quản lý về xây dựng. Còn việc thay đổi các điều khoản đã ký kết với khách hàng thuê hoặc mua, chủ đầu tư phải tuân thủ hợp đồng đã ký. Bên cạnh đó, dù tòa nhà được bán (thực chất là thay đổi chủ sở hữu) song các hợp đồng đã ký kết trước đó phải được tôn trọng.
Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ công…
Kế toán trong lĩnh vực văn phòng luật sư, công ty luật. Lĩnh tư vấn…
Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ. Các văn bản luật…
Đăng ký đất đai lần đầu là rất quan trọng. Việc không đăng ký đất…
Một luật sư có được tham gia 2 (hai) tổ chức hành nghề luật sư…
Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng. Khi có tranh chấp về…
» Luatsubaoho.com - Tư vấn pháp luật: 0768236248 - Chat Zalo