Tố tụng với Bị can, bị cáo bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi

Hoạt động tố tụng đối với Bị can, bị cáo bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Theo Điều 21 BLHS thì tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Hoạt động tố tụng đối với Bị can, bị cáo bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi

1. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

Bộ luật hình sự năm 2015 sđ, bs năm 2017 (BLHS) không quy định năng lực trách nhiệm hình sự của một cá nhân mà chỉ quy định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS). Tuy nhiên, từ khái niệm về tình trạng không có năng lực TNHS của cá nhân, chúng ta có thể đưa ra khái niệm khái quát về năng lực TNHS của cá nhân như sau: Năng lực TNHS là khả năng của một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và điều khiển được hành vi ấy. Nếu một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng trong tình trạng mất khả nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển được hành vi thì người đó không phải chịu TNHS.

Như vậy, dấu hiệu để xác định một người không có năng lực TNHS là mắc bệnh (tiêu chuẩn y học) và tâm lý (mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển). Việc mất khả năng nhận thức có thể hiểu là người đó không ý thức được hành vi của mình và mức độ nguy hiểm hành vi của mình có thể gây ra. Trường hợp mất khả năng điều khiển hành vi nghĩa là người đó vẫn có khả năng nhận thức được mức độ nguy hiểm do hành vi mình gây ra, tuy nhiên không có khả năng điều khiển được hành vi của mình. Hai dấu hiệu trên phải có mối quan hệ chặt chẽ, quan hệ nhân quả của nhau: Một người vì mắc bệnh nên họ bị mất khả năng điều khiển và người đó bị mất khả năng điều khiển do họ mắc bệnh. Bệnh lý của người thực hiện hành vi phạm tội phải được một Hội đồng giám định pháp y về tâm thần do Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 (BLTTHS) quy định tiến hành giám định, xác định và kết luận bằng một bản Kết luận giám định pháp y tâm thần. Bản kết luận giám định là căn cứ để các Cơ quan tố tụng xem xét TNHS của họ. Do đó, người thực hiện hành vi phạm tội chỉ được miễn TNHS theo quy định tại Điều 21 khi thỏa mãn đồng thời 02 điều kiện: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm các mối quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ. Tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người đó có kết luận bằng một bản Kết luận giám định pháp y tâm thần của Hội đồng giám định pháp y về tâm thần do BLTTHS quy định kết luận họ đang mắc bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Phân biệt giữa: Mắc bệnh tâm thần và Tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do chất kích thích của Điều 13 khác với Điều 21. 

“Điều 13. Phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác

Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.” Do vậy, tại Điều 13 thì Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là người phạm tội, phải chịu TNHS.

Bệnh tâm thần hoặc bệnh lý khác hay còn gọi là chứng rối loạn sức khỏe tâm thần, đề cập đến một loạt tình trạng sức khỏe tâm thần, các chứng rối loạn ảnh hưởng đến tâm trạng, suy nghĩ và hành vi của bệnh nhân. Đặc điểm chung của dạng này có nguyên nhân khách quan, tức là người bệnh hoàn toàn không mong muốn và nó diễn ra một cách tự nhiên có thể do sự tác động từ yếu tố di truyền hoặc do môi trường. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng trên không phải chịu TNHS về hành vi mà họ gây ra theo quy định tại Điều 21 BLHS. 

2. Xem xét trách nhiệm hình sự đối với người bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi

2.1. đối với việc truy cứu TNHS: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu TNHS. Bởi, về bản chất thì trước khi sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác, người phạm tội hoàn toàn có đủ khả năng nhận thức được tác hại của việc sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác có thể dẫn đến tình trạng họ mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình nhưng họ vẫn lựa chọn việc sử dụng và tự mình tước đoạt đi khả năng đó. Chính vì vậy, việc buộc họ phải chịu TNHS là hoàn toàn cần thiết và hợp lý.

2.2. khẳng định nguyên tắc nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam được vận dụng một cách đúng đắn: Theo quy định tại Điều 21 BLHS thì người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu TNHS. Điều này thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước đối với những người không may mắn mắc bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, góp phần khẳng định nguyên tắc nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam đã được vận dụng một cách đúng đắn. 

3. Giải quyết các vụ việc có yếu tố mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của người thực hiện hành vi phạm tội

Để đảm bảo công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố, kiểm sát điều tra, truy tố, thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự có đối tượng, bị can, bị cáo bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi đòi hỏi Kiểm sát viên phải thận trọng, tỉ mỉ, thực hiện tốt kỹ năng kiểm sát như:

3.1. ngay từ khi kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, Kiểm sát viên cần yêu cầu lấy mẫu máu của đối tượng để xác định nồng độ cồn, tìm chất kích thích; yêu cầu kiểm tra, thu thập các vật chứng, vật phẩm nghi có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia, chất kích thích của đối tượng; yêu cầu hỏi, lấy lời khai của những người làm chứng xác định sơ bộ về việc nhân thân đối tượng có tiền sử bệnh lý về thần kinh hay bệnh gì không, có biểu hiện sử dụng rượu, bia hay chất kích thích không… để từ đó đề ra phương hướng điều tra, xác minh phù hợp, nhanh chóng, kịp thời, không để mất những chứng cứ, tài liệu quan trọng dẫn đến sau này không thể lấy lại được.

3.2. Quá trình lấy lời khai, kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam đối tượng, bị can, bị cáo, Kiểm sát viên cần yêu cầu Cơ quan điều tra cũng như tự mình hỏi rõ nhân thân, tiền sự bệnh lý của đối tượng, bị can, bị cáo; kịp thời phát hiện, đánh giá các biểu hiện bất thường của  đối tượng đối tượng, bị can, bị cáo để  xem xét đưa đối tượng đi giám định tâm thần nhằm xác định năng lực trách nhiệm hình sự của đối tượng, bị can, bị cáo theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

3.3. Kiểm sát viên cần có mối quan hệ phối hợp tốt với Điều tra viên, Thẩm phán trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Kiểm sát viên cần bám sát hồ sơ, nghiên cứu kĩ, kịp thời phát hiện những nghi vấn, khó khăn, vướng mắc để trao đổi, báo cáo Lãnh đạo Viện giải quyết triệt để các vấn đề liên quan.

3.4. khi các đối tượng được xem xét đưa đi giám định pháp y tâm thần, Kiểm sát viên cần kiểm sát chặt chẽ hồ sơ đưa đi giám định, việc đưa đối tượng đi giám định và thời gian giám định. Trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, cần nhận định đối tượng có năng lực trách nhiệm hình sự hay không, được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 BLHS hay chỉ thuộc trường hợp hạn chế khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi từ đó ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hình sự hay tạm đình chỉ vụ án, áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bị can, bị cáo. Đối với các đối tượng, bị can, bị cáo bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, Kiểm sát viên cần kiểm sát chặt chẽ việc đưa đối tượng đi chữa bệnh của Cơ quan điều tra, thời gian chữa bệnh bắt buộc. Khi bị can, bị cáo đã khỏi bệnh, cần xem xét, yêu cầu Cơ quan điều tra phục hồi giải quyết vụ án đảm bảo theo quy định của pháp luật.

3.5. trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu đã thu thập được, Kiểm sát viên cần đánh giá tính chất, mức độ tội phạm, nhân thân người phạm tội, yếu tố mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người phạm tội để đề xuất mức hình phạt phù hợp, tương xứng, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, răn đe, giáo dục, phòng ngừa tội phạm. 

» Luật sư bào chữa vụ án hình sự

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tổng hợp các lỗi bị trừ điểm giấy phép lái xe

Tổng hợp các lỗi bị trừ điểm giấy phép lái xe Bảng tổng hợp các…

Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ

Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ. Các văn bản luật…

Thuê Luật sư hòa giải đối thoại tại Tòa án

Thuê Luật sư hòa giải đối thoại tại Tòa án. Đây là một giai đoạn…

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2024/BGTVT Báo hiệu đường bộ

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2024/BGTVT Báo hiệu đường bộ. CỘNG HOÀ XÃ…

Thông tư 51/2024/TT-BGTVT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ

Thông tư 51/2024/TT-BGTVT thay thế Thông tư 54/2019/TT-BGTVT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia…

» Luatsubaoho.com - Tư vấn pháp luật: 0768236248 - Chat Zalo