Quy tắc viện dẫn, trích dẫn văn bản pháp luật. Viện dẫn được sử dụng ở rất nhiều lĩnh vực như văn học, toán học khoa học hoặc luật pháp. Đối với sinh viên Luật, người làm Luật thì thường xuyên phải viện dẫn điều luật trong quá trình học tập, làm việc. Bởi các bạn không thể nói suông mà buộc phải dẫn căn cứ pháp lý cho người khác được biết.
Căn cứ pháp lý:
– Nghị định 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực từ 1/1/2021.
Mục lục bài viết
Quy tắc viện dẫn, trích dẫn văn bản pháp luật
1. Viện dẫn là gì?
Viện dẫn được hiểu là đưa ra, dẫn ra để làm căn cứ chứng minh, minh hoạ hoặc làm chỗ dựa cho lập luận theo định nghĩa của từ điển tiếng Việt, khi chúng ta đưa ra một quan điểm, ý kiến nào đó chúng ta cần có dẫn chứng để bảo vệ cho luận điểm của mình, lúc này, người đưa ra quan điểm cần viện dẫn các chứng cứ, số liệu để làm căn cứ chứng minh cho luận điểm của mình là đúng và có tính thực tế, có tính khả thi.
Viện dẫn được dịch sang tiếng Anh có nghĩa là Quote.
2. Yêu cầu đối với hoạt động viện dẫn
Hoạt động viện dẫn cần đảm bảo tính chính xác của tài liệu được viện dẫn. Đây là nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất trong việc viện dẫn tài liệu, số liệu chứng minh.
+ Cần có tính chính xác để sử dụng làm căn cứ chứng minh cho luận điểm nào đó điều này giúp người nghe có tính thuyết phục cao.
+ Tài liệu được viện dẫn phải liên quan đến nội dung cần được chứng minh, làm sáng tỏ.
3. Quy tắc khi viện dẫn, trích dẫn văn bản pháp luật
– Theo nội dung tại Nghị định 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực từ 1/1/2021.
Theo đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 75 về kỹ thuật viện dẫn văn bản của Nghị định 34 như sau:
– “Khi viện dẫn lần đầu văn bản có liên quan, phải ghi đầy đủ tên loại văn bản, số, ký hiệu văn bản; ngày, tháng, năm thông qua hoặc ký ban hành văn bản; tên cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản và tên gọi văn bản. Trong lần viện dẫn tiếp theo, đối với luật, pháp lệnh, ghi đầy đủ tên loại văn bản, tên gọi của văn bản; đối với các văn bản khác, ghi tên loại, số, ký hiệu của văn bản đó.”.
Theo quy định trước đây: Khi viện dẫn văn bản có liên quan, phải ghi đầy đủ tên loại văn bản, số, ký hiệu văn bản; ngày, tháng, năm thông qua hoặc ký ban hành văn bản; tên cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản và tên gọi văn bản.
Một số nội dung khác về kỹ thuật viện dẫn văn bản theo Điều 75 Nghị định 34 gồm:
– Trường hợp viện dẫn phần, chương, mục, tiểu mục của một văn bản quy phạm pháp luật thì phải xác định cụ thể phần, chương, mục, tiểu mục của văn bản đó.
– Trường hợp viện dẫn đến điều, khoản, điểm thì không phải xác định rõ đơn vị bố cục phần, chương, mục, tiểu mục có chứa điều, khoản, điểm đó.
– Trường hợp viện dẫn đến phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của một văn bản thì phải viện dẫn theo thứ tự từ nhỏ đến lớn và tên của văn bản; nếu viện dẫn từ khoản, điểm này đến khoản, điểm khác trong cùng một điều hoặc từ mục, điều này đến mục, điều khác trong cùng một chương của cùng một văn bản thì không phải xác định tên của văn bản nhưng phải viện dẫn cụ thể.
3.1. Viện dẫn văn bản pháp luật trong văn bản hành chính
Trước khi tìm hiểu cách thức viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật đúng quy chuẩn, chúng ta cần hiểu thế nào là văn bản hành chính.
Văn bản hành chính được hiểu là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước ban hành để thực hiện, triển khai chủ trương, chính sách pháp luật trên thực tế, công văn, thông báo lưu hành trong nội bộ cơ quan hành chính nhà nước.
Văn bản hành chính gồm các loại văn bản sau: Nghị quyết (cá biệt), quyết định (cá biệt), chỉ thị, quy chế, quy định, thông cáo, thông báo, hướng dẫn, chương trình, kế hoạch, phương án, đề án, dự án, báo cáo, biên bản, tờ trình, hợp đồng, công văn, công điện, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận, giấy ủy quyền, giấy mời, giấy giới thiệu, giấy nghỉ phép, phiếu gửi, phiếu chuyển, phiếu báo, thư công.
3.2. Viện dẫn văn bản
Tại phần nội dung văn bản hành chính:
+ Khi viện dẫn lần đầu văn bản có liên quan, phải ghi đầy đủ tên loại, số, ký hiệu của văn bản, thời gian ban hành văn bản, tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản và trích yếu nội dung văn bản (đối với Luật và Pháp lệnh chỉ ghi tên loại và tên của Luật, Pháp lệnh);
Ví dụ: …. được quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 03 năm 2020 của Chính phủ về công tác văn thư.
+ Trong các lần viện dẫn tiếp theo, chỉ ghi tên loại và số, ký hiệu của văn bản đó.
– Cách viết khi viện dẫn
Trường hợp viện dẫn phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của một văn bản cụ thể thì viết hoa chữ cái đầu của phần, chương, mục, tiểu mục, điều.
Ví dụ:
– Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 103 Mục 5 Chương XII Phần I của Bộ luật Hình sự.
– Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Tiểu mục 1 Mục 1 Chương III của Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14.
Trước đây, theo hướng dẫn tại Thông tư 01/2011/TT-BNV thì “Trường hợp viện dẫn các điều, khoản, điểm của một văn bản cụ thể thì viết hoa chữ cái đầu của điều, khoản, điểm”. Có nghĩa, theo quy định mới, khi viện dẫn thì không viết hoa chữ cái đầu của “điểm, khoản” nữa
3.3. Viện dẫn Phần, Chương
Trường hợp viện dẫn đến chương nằm trong phần, mục nằm trong chương, tiểu mục nằm trong mục thì phải nêu đầy đủ tiểu mục, mục, chương, phần của văn bản đó.
Ví dụ: Chương II Phần thứ hai Bộ luật Lao động 2019
3.4. Viện dẫn Điều luật
Trường hợp viện dẫn đến điều, khoản, điểm thì không phải xác định rõ phần, chương, mục, tiểu mục có chứa điều, khoản, điểm đó.
Trường hợp viện dẫn đến khoản, điểm thì phải xác định rõ khoản, điểm thuộc điều cần viện dẫn của văn bản đó.
Trường hợp viện dẫn các điều, khoản, điểm của một văn bản cụ thể thì viết hoa chữ cái đầu của điều, khoản, điểm.
Ví dụ: Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 9 Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QHQ12
Lưu ý thêm: Trường hợp viện dẫn đến phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của một văn bản thì phải viện dẫn theo thứ tự từ nhỏ đến lớn và tên của văn bản; nếu viện dẫn đến khoản, điểm khác trong cùng một điều hoặc từ mục, tiểu mục, điều này đến mục, tiểu mục, điều khác trong cùng một chương của cùng một văn bản thì không phải xác định tên của văn bản nhưng phải viện dẫn cụ thể.
3.5. Viện dẫn văn bản trong trường hợp sửa đổi, bổ sung
Hiện tại chưa có quy đinh cụ thể cho trường hợp này, tuy nhiên để thuận tiện cho việc tra cứu thì các bạn nên thực hiện theo hướng dẫn sau đây:
Ví dụ: Đối với hành vi “sử dụng hàng hóa trong hạn ngạch thuế quan không đúng quy định” trước đây được quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 8 Nghị định 127/2013/NĐ-CP; tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 127/2013/NĐ-CP thì hành vi nêu trên được quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 8 được sửa đổi tại Khoản 5, Điều 1 Nghị định 45/2016/NĐ-CP.
Theo đó, khi viện dẫn văn bản sẽ ghi: “Hành vi: “Sử dụng hàng hóa trong hạn ngạch thuế quan không đúng quy định” được quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 8 Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013, đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5, Điều 1 Nghị định 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016”..
Theo quy định tại Nghị định 30/2020/NĐ-CP thì khi viện dẫn lần đầu văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, cần trình bày đủ tên loại, số, ký hiệu của văn bản, thời gian ban hành, cơ quan ban hành, trích yếu nội dung phần văn bản cần viện dẫn. (Riêng đối với Luật và Pháp lệnh chỉ ghi tên loại và tên của Luật, Pháp lệnh).
Từ lần viện dẫn thứ hai trở đi, chỉ cần ghi tên loại và số, ký hiệu của văn bản đó.
Cách viết Phần, Chương,Mục, tiểu mục, Điều, Khoản, điểm khi viện dẫn quy phạm pháp luật: Trong khi soạn thảo văn bản hành chính, nếu người soạn thảo cần viện dẫn cụ thể một phần quy phạm pháp luật cần phải viết hoa chữ cái đầu của phần, chương, mục, tiểu mục, điều.
3.6. Viện dẫn án lệ trong quá trình xét xử vụ án
Mục đích của việc viện dẫn là đưa ra dẫn chứng để chứng minh, bảo vệ cho quan điểm của người trình bày, do đó trong quá trình xét xử vụ án, người tham gia tố tụng, hội đồng xét xử được quyền viện dẫn án lệ như là căn cứ chứng minh cho luận điểm của mình.
Hoạt động viện dẫn án lệ cần tuân thủ quy định của pháp luật về việc sử dụng, áp dụng án lệ để đảm bảo những vụ án có tình tiết tương tự nhau sẽ được giải quyết như nhau.
Chúng ta có thể thấy rằng, hoạt động viện dẫn có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Nó là một hoạt động thiết yếu cần thiết cho quá trình vận hành và phát triển của xã hội loài người. Viện dẫn là việc sử dụng các tài liệu, con số để chứng minh cho những luận điểm chưa được chứng minh trước đó hoặc những luận điểm sai trái đã tồn tại trước đó. Đây là hoạt động cần thiết trong quá trình học tập và phát triển của nhân loại. Nó đã được áp dụng từ rất lâu và sẽ tiếp tục được áp dụng cùng với sự tiến hóa của xã hội.