Những người có quyền thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, , mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp.
Thành lập và góp vốn vào doanh nghiệp là một trong những biểu hiện của quyền tự do kinh doanh được ghi nhận trong Hiến pháp. Xuất phát từ mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền, chiến lược phát triển kinh tế bền vững, nhà nước luôn tạo cơ hội cho các chủ thể được phép thành lập và góp vốn vào doanh nghiệp. Không phải bất kì chủ thể nào cũng được phép thành lập và góp vốn vào doanh nghiệp mà phải đáp ứng được những quy định của pháp luật.
Vậy thì những chủ thể nào được phép thành lập và góp vốn vào doanh nghiệp?
1. Đối tượng có quyền thành lập doanh nghiệp
Theo khoản 1 Điều 18 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định:
“ Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.”
Chúng ta có thể chia đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp làm 3 nhóm:
* Nhóm các đối tượng đã và đang tham gia vào hoạt động quản lý bộ máy nhà nước muốn thành lập doanh nghiệp:
– Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
– Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
– Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
– Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
* Nhóm các đối tượng chưa đủ điều kiện chịu trách nhiệm pháp lý độc lập muốn thành lập doanh nghiệp:
– Người chưa thành niên;
– Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
* Nhóm các đối tượng đang gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi muốn thành lập doanh nghiệp:
Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
2. Đối tượng có quyền góp vốn vào doanh nghiệp
Theo khoản 3 Điều 18 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định:
“ Tổ chức cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của luật này, trừ các trường hợp sau đây:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.”
Ngoài ra, vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con của những người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lí nhà nước (Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng năm 2005).
Các quy định về thành lập doanh nghiệp một mặt nhằm bảo đảm quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư, mặt khác phải đáp ứng yêu cầu của quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Vì thế các chủ thể muốn thành lập, góp vốn doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện mà pháp luật thương mại nói chung và pháp luật doanh nghiệp nói riêng.