Những kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự. Trong quá trình phân tích vụ việc, nghiên cứu hồ sơ vụ án là khâu quan trọng để đi đến những lập luận hợp pháp có lợi nhất. Có những phương pháp nghiên cứu khác nhau cho từng loại hồ sơ tuỳ theo lĩnh vực: hồ sơ của vụ việc hành chính, dân sự, hình sự…
Nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự:
1. Hồ sơ vụ án hình sự:
Hồ sơ vụ án hình sự là tổng hợp các văn bản, tài liệu được các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập hoặc lập ra trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, được sắp xếp theo một trình tự nhất định phục vụ cho việc giải quyết vụ án và lưu trữ lâu dài.
Thông thường hồ sơ vụ án hình sự được sắp xếp theo một trình tự nhất định, theo nhóm tài liệu, lấy thời gian thu thập làm căn cứ để sắp xếp theo thứ tự tài liệu thu thập trước để ở trên, tài liệu thu thập sau để ở dưới, cụ thể như sau:
– Các văn bản về khởi tố vụ án, khởi tố bị can
– Các văn bản về thủ tục trong việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn
– Các tài liệu về kết quả điều tra không thuộc lời khai của những người tham gia tố tụng
– Biên bản ghi lời khai của người tham gia tố tụng
– Tài liệu về nhân thân bị can
– Tài liệu về nhân thân người bị hại
– Các tài liệu về đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra
– Tài liệu kết thúc điều tra
– Tài liệu về truy tố
– Tài liệu trong giai đoạn xét xử
– Các tài liệu của Toà án cấp trên khi huỷ án điều tra lại hoặc xét xử lại (nếu có)
Việc nghiên cứu cách sắp xếp hồ sơ vụ án cho phép Luật sư nhìn nhận một cách tổng thể các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để có phương pháp nghiên cứu khoa học, hiệu quả và trích dẫn tài liệu, bút lục có trong hồ sơ đúng và chính xác. Mặt khác, luật sư phải nhớ thứ tự sắp xếp hồ sơ vụ án để khi kết thúc việc nghiên cứu hồ sơ, bàn giao lại hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng không bị thất lạc, mất thời gian tìm lại, đồng thời học cách sắp xếp tiểu hồ sơ của mình để tiện cho việc tra cứu, trích dẫn khi thực hiện bào chữa tại phiên toà.
2. Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự:
Nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự là tổng hợp các họat động của Luật sư: xem xét, đọc, phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, đánh giá các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nhằm nắm vững bản chất vụ án, diễn biến của hành vi phạm tội, qua đó xác định sự thật khách quan của vụ án. Trên cơ sở đó, luật sư xác định những vấn đề cần trao đổi, đề xuất với cơ quan tiến hành tố tụng cũng như chuẩn bị kế hoạch, xác định phương án bào chữa hoặc phương án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ Luật sư cần phải nghiên cứu hồ sơ một cách tòan diện và đầy đủ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, tránh tư tưởng chủ quan chỉ nghiên cứu những tài liệu mà mình cho là quan trọng, còn các tài liệu khác thì bỏ qua. Tuỳ theo hồ sơ vụ án cụ thể, Luật sư có thể nghiên cứu hồ sơ theo thứ tự thời gian diễn ra, theo trình tự tố tụng hoặc theo từng tập tài liệu liên quan đến từng người tham gia tố tụng. Yêu cầu đặt ra là phải nghiên cứu đầy đủ, ghi chép, lập được hệ thống chứng cứ của vụ án để làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch bào chữa, đề cương bào chữa hoặc luận cứ bảo vệ quyền lợi cho đương sự.
3. Phương pháp nghiên cứu hồ sơ:
Phương pháp nghiên cứu hồ sơ là cách thức Luật sư có thể nghiên cứu hồ sơ vụ án theo trình tự tố tụng diễn ra theo thời gian bắt đầu từ quyết định khởi tố vụ án rồi mới nghiên cứu các tài liệu xác định về về hành vi phạm tội của bị can…Người bào chữa có thể nghiên cứu hồ sơ không theo trình tự tố tụng , phương pháp này bắt đầu từ việc nghiên cứu Cáo trạng của Viện kiểm sát tiếp đến là Kết luận điều tra và các tài liệu khác. Nghiên cứu theo phương pháp này cho phép nghiên cứu hồ sơ qua đó kiểm tra tính hợp pháp, tính có căn cứ của các quyết dịnh tố tụng. Mỗi phương pháp có thế mạnh khác nhau, tuỳ theo từng hồ sơ vụ án, tính chất phức tạp, số lượng bị can, bút lục có trong hồ sơ của vụ án, thời gian vật chất dành cho việc nghiên cứu, vị trí tham gia tố tụng của người được trợ giúp pháp lý, người bào chữa có thể sử dụng một trong các phương pháp hoặc kết hợp các phương pháp nghiên cứu thích hợp để đạt hiệu quả cao.
4. Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự:
4.1. Kỹ năng nghiên cứu bản cáo trạng:
Luật sư nghiên cứu bản cáo trạng để hiểu nội dung của vụ án, diễn biến hành vi phạm tội của bị can, yêu cầu giải quyết bồi thườngthiệt hại (nếu có) và quan điểm giải quyết vụ án của Viện kiểm sát. Khi nghiên cứu bản cáo trạng, Luật sư cần ghi chép lại đầy đủ các hành vi phạm tội của bị can; tội danh, điều khoản của Bộ luật hình sự mà Viện kiểm sát viện dẫn để truy tố; các chứng cứ được Viện kiểm sát dùng làm căn cứ xác định tội phạm , người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị hại, đương sự. Thông qua nghiên cứu cáo trạng, luật sư cần rút ra được những điểm quan trọng liên quan đến việc bào chữa, bảo vệ.
Cùng với việc nghiên cứu cáo trạng, Luật sư cần đọc biên bản giao nhận cáo trạng để tìm hiểu xem bị can có đồng ý với nội dung bản cáo trạng hay không? nếu không đồng ý thì ý kiến của bị can như thế nào, bị can có đưa ra được những chứng cứ để bác bỏ một phần hay toàn bộ nội dung quyết định truy tố hay không? Thông thường, những bị can đồng ý với nội dung bản cáo trạng thì ra phiên toà sẽ nhận tội, ít phản cung; những bị can không chấp nhận nội dung bản cáo trạng thì sẽ không nhận tội và thường thay đổi lời khai. Trường hợp bị can không đồng ý với nội dung bản cáo trạng Luật sư cần nghiên cứu kỹ các chứng cớ để xác định sự thật của vụ án và trao đổi với họ.
4.2. Kỹ năng nghiên cứu bản kết lụân điều tra:
Luật sư nghiên cứu bản kết luận điều tra để hiểu rõvề diễn biến của tội phạm, các chứng cứ mà cơ quan điều tra dùng để hiểu rõ về diễn biến của tội phạm , các chứng cứ mà Cơ quan điều tra dùng để chứng minh tội phạm và quan điểm, ý kiến đề nghị giải quyết vụ án của Cơ quan điều tra.
Trong quá trình nghiên cứu bản kết luận điều tra, Luật sư cần so sánh, đối chiếu, ghi lại những hành vi của bị cáo có nêu trong cáo trạng nhưng không được đề cập trong kết luận điều tra ; những điểm mâu thuẫn giữa bản cáo trạng và kết luận điều tra; quan điểm, ý kiến đề nghị giải quyết vụ án của cơ quan điều tra có lợi cho người được trợ giúp pháp lý mà mình bào chữa, bảo vệ.
4.3. Kỹ năng nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can:
Khi nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can, Luật sư cần làm rõ xem bị can có nhận những hành vi nêu trong cáo trạng hay không. trường hợp bị can nhận tội thì tìm hiểu tư tưởng, động cơ, mục đích, việc thực hiện hành vi phạm tội và sự ăn năn, hối cải của bị can như thế nào? Trên cơ sở đó xác định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, bị cáo như hìan cảnh phạm tội, nguyên nhân, điều kiện phạm tội, động cơ, muc đích phạm tội, nhân thân của bị can. Trong trường hợp bị can không nhận tội, Luật sư nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can để nắm được các lý lẽ, chứng cứ mà bị can đưa ra để bào chữa cho mình.
Khi nghiên cứu các biên bản hỏi cung, Luật sư cần ghi lại theo trình tự thời gian: các hình vi bị can nhận như trong cáo trạng (có trích dẫn bút lục); hành vi nào cáo trạng nêu nhưng bị can không thừa nhận, các lý lẽ bị can đưa ra để bào chữa, chứng minh cho mình không có những hành vi đó? Hành vi nào ban đầu bị can nhận tội nhưng sau đó không thừa nhận nữa (ghi rõ tội nhận tội ở biên bản hỏi cung nào, bút lục nào?).
Khi nghiên cứu các biên bản hỏi cung, Luật sư cần kiểm tra về thủ tục tố tụng: xem biên bản hỏi cung đầu tiên có ghi phần giải thích quyền và nghĩa vụ của bị can hay không; biên bản hỏi cung có bị tẩy xóa, sửa chữa hay viết thêm hay không? Nếu bị sửa chữa thì có chữ ký xác nhận của bị can hay không? Trong trường hợp biên bản hỏi cung ghi cả thái độ, cử chỉ của bị can trong lúc trả lời như bị can cúi đầu, im lặng, không trả lời, lý do bị can không ký vào biên bản…thì Luật sư cần ghi lại và lưu ý làm rõ nguyên nhân, trong nhiều trường hợp những cử chỉ, hành vi này thể hiện diễn biến tâm lý, đấu tranh tư tưởng của bị can khi khai báo hoặc bị can phản ứng việc làm sai trái của Điều tra viên.
4.4. Kỹ năng nghiên cứu biên bản ghi lời khai của người làm chứng:
Luật sư nghiên cứu biên bản ghi lời khai của người làm chứng để hiểu rõ sự việc phạm tội xảy ra có những người nào biết, nghiên cứu những xác nhận của họ về các tình tiết của sự việc như thế nào. Trên cơ sở đó, Luật sư sử dụng lời khai của những người làm chứng để bảo vệ cho bị cáo hoặc đương sự. Khi nghiên cứu bản ghi lời khai của người làm chứng trực tiếp hay gián tiếp biết về tình tiết của vụ án; mối quan hệ của người làm chứng với bị can, bị cáo, người bị hại như thế nào? Khi người làm chứng tiếp nhận các thông tin về tội phạm thì các điều kiện chủ quan (tinh thần, tuổi tác, nghề nghiệp, khả năng tiếp thu thông tin, nhận thức của người làm chứng…) và điều kiện khách quan ( không gian , thời gian, thời tiết, ánh sáng, âm thanh..nơi xảy ra vụ án) tác động ra sao? Những tình tiết trong lời khai của người làm chứng cần được sử dụng để bảo vệ cho bị can , bị cáo (ghi rõ số bút lục). Trong trường hợp có mâu thuẫn giữa các lời khai của một người làm chứng teong các lần khai khác nhau hoặc mâu thuẫn giữa các lời khai của những người làm chứng thì phải tìm ra nguyên nhân, kiểm tra tính xác thực, trong trường hợp cần thiết phải đối chiếu với các lời khai, chứng cứ khác.
4.5. Kỹ năng nghiên cứu biên bản ghi lời khai của người bị hại
Luật sư nghiên cứu biên bản ghi lời khai của người bị hại để nắm vững diễn biến của tội phạm, các hành vi phạm tội của bị can, bị cáo đã thực hiện như thế nào? mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, quan điểm của người bị hại hoặc nhân thân của họ về việc giải quyết vụ án và yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Khi nghiên cứu biên bản ghi lời khai của người bị hại, cần chú ý so sánh, đối chiếu các lời khai của người bị hãi trong các lần khác nhau xem có phù hợp hay mâu thuẫn với nhau; đối chiếu giữa lời khai của người bị hại với lời khai của bị can, bị cáo thì Luật sư cần làm rõ mâu thuẫn trong lời khai của người bị hại với thực tế khách quan và với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Nếu bảo vệ cho người bị hại, Luật sư cần nghiên cứu và ghi lại những tình tiết xac định hành vi phạm tội của bị can, bị cáo và các chứng cứ xác định về việc bồi thường thiệt hại là có cơ sở.
4.6. Kỹ năng nghiên cứu biên bản đối chất
Trong hồ sơ vụ án có thể có nhiều biên bản đối chất giữa các bị can, bị cáo với nhau; biên bản đối chất giữa bị can và người làm chứng…Khi tham gia tố tụng, Luật sư cần nghiên cứu các biên bản này để có cơ sở đánh giá những lời khai còn mâu thuẫn. Nếu lời khai trong biên bản đối chất có lợi cho người được trợ giúp pháp lý thì cần ghi lại để sử dụng trong quá trình bảo vệ, bào chữa.
4.7. Kỹ năng nghiên cứu các biên bản khám xét, khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, biên bản thực nghiệm điều tra …
Nghiên cứu các biên bản khám xét, khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, biên bản thực nghiệm điều tra… nhằm kiểm tra xem các loại biên bản này có được thực hiện theo đúng trình tự và thủ tục tố tụng mà pháp luật quy định hay không như có ghi trong thành phần người tham gia, ý kiến người chứng kiến hay không; những đồ vật cần niêm phong có chữ ký của chủ quản đồ vật hay không. Đối với hoạt động điều tra, thu thập vật chứng, Luật sư cần chú ý địa điểm và cách thức thu thập vật chứng, các đặc điểm riêng của vật chứng, quá trình thu thập vật chứng. Luật sư cần so sánh vật chứng với các chứng cứ khác xem có phù hợp hay không để xác định giá trị chứng minh nguồn chứng cứ này.
4.8. Kỹ năng nghiên cứu kết luận giám định:
Nghiên cứu kết luận giám định nhằm kiểm tra các điều kiện để đưa ra kết luận giám định có được bảo đảm hay không (vật chứng, số lượng, chất lượng đồ vật, tài liệu gửi đi giám định, thủ tục yêu cầu giám định…); các phương pháp được áp dụng để thực hiện giám định có cơ sở khoa học hay không. Luật sư cần so sánh kết luận giám định với các chứng cứ khác của vụ án để đánh giá độ chính xác của kết luận giám định. Nếu thấy kết quả giám định không có cơ sở tin cậy (thiếu cơ sở khoa học, không phù hợp với thực tiễn khách quan…) thì ghi lại và đề nghị với Tòa án yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại.
4.9. Kỹ năng nghiên cứu giấy tờ về lý lịch của bị can, bị cáo và các biên bản, tài liệu khác.
Luật sư cần nghiên cứu giấy tờ về lý lịch của bị can, bị cáo để hiểu rõ về nhân thân của họ; cần ghi tóm ắtt hoàn cảnh gia đình, điều kiện sống của bị can, bị cáo. Đặc biệt khi bào chữ cho bị can, bị cáo phải chú ý ghi lại những điểm về nhân thân bị can, bị cáo là những tình tiết giảm nhẹ hình phạt để làm cơ sở đề nghị Toà án xem xét quyết định hình phạt. trường hợp luật sư bảo vệ cho người bị hại thì cần ghi lại những đặc điểm nhân thân bất lợi cho bị cáo như bị cáo có tiền án, tiền sự, những lần vi phạm pháp luật của bị cáo…
Khi tham gia tố tụng, Luật sư cần nghiên cứu các biên bản, tài liệu khác như biên bản giao nhận cáo trạng, các biên bản xác minh của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; các nhận xét và đề nghị của các cơ quan đoàn thể; các đơn từ khiếu nại và yêu cầu của những người tham gia tố tụng. Luật sư cần nghiên cứu kỹ các tài liệu này nhằm tìm ra những chứng cứ có lợi cho thân chủ mà mình bảo vệ, bác bỏ những điểm mâu thuẫn, bất hợp lý để đề nghị Toà án bác bỏ, bảo vệ quyền lợi cho thân chủ.
» Những lưu ý khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự
Tổng hợp các lỗi bị trừ điểm giấy phép lái xe Bảng tổng hợp các…
Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ. Các văn bản luật…
Hình thức văn bản hành chính theo nghị định 30/2020/NĐ-CP hay còn gọi là thể…
Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành…
Nghị định 176/2024/NĐ-CP quy định quản lý, sử dụng kinh phí từ xử phạt vi…
Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ công…
» Luatsubaoho.com - Tư vấn pháp luật: 0768236248 - Chat Zalo