Lịch sử nghề luật sư tại Việt Nam

Lịch sử nghề luật sư. lịch sử quy định về bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội trong xét xử vụ án hình sự trong pháp luật tố tụng hình sự từ năm 1945 đến nay.

Lịch sử phát triển nghề luật sư tại Việt Nam

Ngày 10/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL duy trì tổ chức luật sư cũ với một sơ điểm sửa đổi nghề luật sư được hoạt động trở lại và quy định điều kiện trở thành luật sư.

Vào cuối năm 1949, để bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, chính quyền cách mạng đã thiết lập chế độ bào chữa viên tạm thời thay thế vai trò của luật sư. Cụ thể, Sắc lệnh số 69/SL ngày 18/6/1949 ra đời và ngày 22/12/1949 được thay thế bởi Sắc lệnh số 144/SL (sửa đổi Điều 1 Sắc lệnh số 69/SL) mở rộng quyền bào chữa cho các bị cáo trước các tòa án. Theo đó cho phép nguyên cáo, bị can và bị cáo có thể nhờ một công dân không phải là luật sư bênh vực cho mình. Công dân đó phải được ông Chánh án thừa nhận. Người đứng ra bênh vực không được nhận thù lao của bị can hoặc của thân nhân bị can. Ngày 12/01/1950 Bộ tư pháp ban hành nghị số 01/NĐ-VY ấn định điều kiện bào chữa viên và chế độ phụ cấp.

Qua hai Sắc lệnh 69/SL và 144/SL đã cho thấy quyền bào chữa của công dân không chỉ được thực hiện ở các vụ án hình sự mà còn ở vụ án dân sự, kinh tế.

Chế độ bào chữa viên được tiếp tục thực hiện sau khi chính quyền cách mạng giành thắng lợi ở vào năm 1954 ở Bắc cho đến ngày đất nước thống nhất (năm 1975). Trong suốt thời kỳ xây dựng miền Bắc lên chủ nghĩa xã hội, đội ngũ bào chữa viên ngày càng phát triển.

Hiến pháp năm 1959 – Hiến pháp đầu tiên đưa nước ta lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa lúc bấy giờ về quyền bào chữa để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân đó là Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm

Năm 1963, Văn phòng luật sư Hà Nội được thí điểm đầu tiên ở miền Bắc. tình hình yêu cầu luật sư bào chữa và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân trước tòa án ngày càng tăng. Lúc đầu, luật sư nhận bào chữa những vụ án do Tòa án chỉ định, về sau các bị cáo, đương sự có nhu cầu mời luật sư thì trực tiếp đến Văn phòng luật sư.

Năm 1974, Tòa án nhân dân tối cao chuyển giao “văn phòng luật sư” sang Ủy ban Pháp chế của Chính phủ (được thành lập năm 1972) để quản lý theo chức năng quy định tại Nghị định số 190/CP ngày 9/10/1972.
Sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, kế thừa thực tế ở miền Bắc, tiếp tục cho thực hiện chế định bào chữa viên nhân dân ở các tỉnh miền Nam, vì các Luật sư đoàn ở miền Nam ra đời từ các chế độ cũ đều đã bị giải tán. Việc thực hiện quyền bào chữa này được triển khai trên cơ sở Điều 4 Sắc luật số 01-SL/76 ngày 18/3/1976 của Hội đồng Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và tinh thần Thông tư số 06-BTP/TT ngày 11/6/1976 của Bộ Tư pháp Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Sau khi thống nhất về mặt nhà nước và pháp luật, tháng 11/1981, Bộ Tư pháp Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tái lập trở lại. Điều 133 Hiến pháp năm 1980 nêu rõ: “Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm. Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác về mặt pháp lý”.

Ngày 31/10/1983 Bộ Tư pháp ra Thông tư số 691/QLTPK đã có tổ chức luật sư biện hộ thì tổ chức lại về tổ chức quản lý chặt chẽ hơn. Ở các tỉnh khác và đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo, nếu có đủ điều kiện về nhân sự và được Ủy ban nhân dân tỉnh, đặc khu cho phép thì thành lập “Đoàn bào chữa viên nhân dân tỉnh”.

Ngày 24/11/1984, Đại hội thành lập Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã diễn ra, với 16 luật sư thành viên sáng lập đầu tiên. Trong khi đó, ở thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh khác và đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo thì lập Đoàn bào chữa viên nhân dân. Đoàn bào chữa viên nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra được thành lập với 28 người.

Thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, ngày 18/12/1987, Hội đồng Nhà nước đã thông qua Pháp lệnh Tổ chức luật sư. Từ đó, các tổ chức luật sư chuyên nghiệp ra đời thay thế các hình thức bào chữa viên nhân dân đã được thiết lập từ 38 năm trước ở miền Bắc (1949), hơn 10 năm sau ngày giải phóng miền Nam (1975), thống nhất đất nước (1976).

Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987 đánh đấu bước ngoặc quan trọng biến những người bào chữa viên nhân dân thành đội ngũ luật sư chuyên nghiệp. Tuy nhiên, vì mới được tái lập lại trong hoàn cảnh vừa thoát ra khỏi cơ chế tập trung – quan liêu – bao cấp, nên nghề luật sư lúc bấy giờ vẫn còn tồn tại đặc điểm của cơ chế cũ, không phù hợp với sự chuyển biến đổi mới của xã hội. Quy chế luật sư được tiếp tục hoàn thiện vào các năm 2001, 2006 và 2012.

Ngày 25/7/2001, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Luật sư, đưa chế định luật sư ở nước ta xích gần với thông lệ quốc tế. Pháp lệnh Luật sư năm 2001 đã phân định rõ tổ chức hành nghề với tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư; thể hiện theo hướng vừa bảo đảm sự quản lý của Nhà nước đối với tổ chức và hành nghề luật sư, vừa phát huy tính tự quản, tự chịu trách nhiệm của các Đoàn luật sư.

Trước yêu cầu Việt Nam trong việc sớm gia nhập WTO, ngày 29/6/2006, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XI đã thông qua Luật Luật sư năm 2006 và Sửa đổi, bổ sung ngày 20/11/2012 như chuyển giao cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam một số nhiệm vụ quản lý nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng luật sư, chất lượng hành nghề luật sư, tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư hành nghề.

Ngày 10-12/5/2009 Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất đã diễn ra với sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Như vậy, kể từ tháng 5/2009 nghề luật sư ở Việt Nam đã chính thức có một tổ chức xã hội nghề nghiệp thống nhất trong toàn quốc. Liên đoàn đã tổ chức các lớp bồi dưỡng luật sư để nâng cao trình độ.

Theo báo cáo của các Đoàn luật sư, từ tháng 5/2009 đến tháng 4/2015 số lượng vụ việc luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, cung cấp dịch vụ pháp lý khác cho các cá nhân, tổ chức được 77.129 vụ án hình sự (trong đó có 34.635 vụ án hình sự được mời, 42.494 vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng); 65.263 vụ án dân sự; 5.486 vụ án kinh tế; 5.575 vụ án hành chính; 724 vụ án lao động; 272.365 vụ tư vấn trong các vụ việc khác; 9.133 đại diện ngoài tố tụng; 89.491 dịch vụ pháp lý khác; 37.827 vụ việc trợ giúp pháp lý miễn phí… Trong những năm gần đây đội ngũ luật sư đã đảm nhận 100% việc bào chữa trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu với chất lượng ngày càng được nâng cao;

Trải qua 70 năm hình thành, hoạt động với sứ mệnh bảo vệ công lý, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày nay đội ngũ luật sư Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng; cung cấp các dịch vụ pháp lý cho cộng đồng xã hội ngày càng chất lượng, trở thành một trong những yếu tố không thể thiếu được của việc phát triển kinh tế tri thức và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

» Luật sư bào chữa hình sự