Kỹ năng hỏi tại phiên toà hành chính của luật sư

Khởi kiện vụ án hành chính là một phương thức mới được áp dụng ở nước ta chỉ trong khoảng thời gian gần 10 năm trở lại đây. Đây là một bước phát triển đáng khích lệ nhằm tạo điều kiện cho người dân, cơ quan, tổ chức có thêm sự lựa chọn cơ quan tiến hành giải quyết vụ việc hành chính nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch của pháp luật, đồng thời nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp và chính đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức được pháp luật bảo vệ.

Trong tố tụng hành chính dự kiến kế hoạch hỏi không chỉ đơn thuần giúp cho Luật sư có được vị thế chủ động trong phiên toà, mà còn giúp Luật sư có thể làm rõ hơn nội dung của vụ án qua việc hỏi.

Để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ,Luật sư cần xây dựng và dự kiến kế hoạch xét hỏi một cách cẩn thận, phải biết lựa chọn đối tượng hỏi, nội dung hỏi, phương pháp hỏi… Kế hoạch hỏi không chỉ thể hiện trình độ, kinh nghiệm của luật sư mà còn thể hiện các kĩ năng của Luật sư khi nghiên cứu hồ sơ vụ án.

Trong số những công việc mà luật sư cần chuẩn bị trước phiên toà thì xây dựng kế hoạch xét hỏi là một công việc vô cùng quan trọng, đánh giá sự thành công hay thất bại của Luật sư trước phiên toà. Kỹ năng hỏi tại phiên toà hành chính của luật sư là vô cùng quan trọng. Việc nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn về kỹ năng hỏi của luật sư trong phiên tòa sơ thẩm giải quyết các vụ án hành chính là rất cần thiết đối với những người làm nghề luật sư nói chung và những luật sư chọn hướng đi chủ yếu liên quan đến giải quyết các vụ án hành chính nói riêng. Bản thân tôi cũng muốn được nghiên cứu sâu về vấn đề này nên xin chọn đề tài “kỹ năng hỏi của luật sư tại phiên toà hành chính” để trình bày những gì đã được lĩnh hội trong quá trình học tập nghiên cứu.

I. KHÁI QUÁT CHUNG CÁC ĐẶC THÙ CỦA VỤ ÁN HÀNH CHÍNH CÓ ẢNH HƯỞNG TỚI KỸ NĂNG VÀ HOẠT ĐỘNG TRANH TỤNG CỦA LUẬT SƯ

A. Về đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính đã được quy định cụ thể tại điều 28 Luật tố tụng hành chính như sau:

1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.

2. Khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

3. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.

4. Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh”.

Như vậy, tranh chấp cần được giải quyết trong các vụ án hành chính là quyết định hành chính, hành vi hành chính được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực quản lý nhà nước.

B. Một trong những đặc điểm nổi bật của thủ tục tố tụng hành chính là người khởi kiện là cá nhân có thể kiện cơ quan nhà nước hoặc cá nhân đã ra quyết định hành chính hoặc đã có hành vi hành chính trái pháp luật. Đối với một vụ án hành chính, hai bên chủ thể tranh chấp là chủ thể mang tính đặc thù của quan hệ hành chính. Người khởi kiện là cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc cán bộ, công chức cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm bởi quyết định hành chính như kỷ luật buộc thôi việc, nên đã khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền. Người bị kiện là cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc bị khiếu kiện. Thực chất chủ thể này không hề giống với chủ thể trong các vụ án hình sự, khi một bên là nhà nước đứng ra buộc tội đối với bị cáo, cũng không giống như những vụ án phi hình sự khác với tư cách ngang bằng của các bên.

C. Trước đây, giai đoạn tiền tố tụng là một giai đoạn bắt buộc trong việc xác định điều kiện để khởi kiện và thụ lý cũng như đánh giá về các sự việc liên quan trong việc giải quyết một vụ án hành chính. Theo Điều 2 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính: “Trước khi khởi kiện để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức phải khiếu nại với cơ quan nhà nước, người đã ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính mà họ cho là trái pháp luật; trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại, thì họ có quyền khiếu nại lên cấp trên trực tiếp của cơ quan Nhà nước, người đã ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính mà theo quy định của pháp luật có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đó hay khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền.” Theo quy định tại điều 103 Luật tố tụng hành chính thì cá nhân, cơ quan tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỉ luật buộc thôi việc mà không cần phải trải qua giai đoạn tiền tố tụng như trước đây. Đây là một điểm mới trong quy định của pháp luật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính tại toà của mình.

D.Về thời hiệu khiếu nại, khởi kiện cũng như thời hạn để tòa án thụ lý giải quyết vụ việc tương đối ngắn.

Từ những phân tích trên có thể thấy sự đặc biệt trong việc giải quyết vụ án hành chính cũng như vai trò luật sư tham gia tranh tụng trong vụ án hành chính là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên sự thành công trong việc bảo vệ thân chủ của luật sư sẽ đạt được chỉ khi luật sư có những chuẩn bị tốt, thuần thục những kỹ năng tham gia tranh tụng ở cả giai đoạn trước và khi tham gia phiên tòa xét xử.

II. NHỮNG HOẠT ĐỘNG CẦN THIẾT, PHỤC VỤ KỸ NĂNG HỎI CỦA LUẬT SƯ TẠI PHIÊN TÒA HÀNH CHÍNH

Xét xử tại phiên toà sơ thẩm là giai đoạn quan trọng nhất, là khâu then chốt trong quá trình làm nhiệm vụ của Luật sư. Đây là khâu kết tinh các công sức của Luật sư từ việc chuẩn bị, tìm tòi các chứng cứ có lợi nhất cho người mà mình bảo vệ đến việc đứng ra bênh vực, bảo vệ quyền lợi cho họ một cách công khai. Kết quả của việc bảo vệ quyền lợi cho khách hàng sẽ được ghi nhận ở giai đoạn này. Vì vậy, Luật sư phải chuẩn bị thật tốt những công việc sau trước khi ra phiên toà.

  1. 1. Điều tra, xác minh và thu thập chứng cứ

Quá trình nghiên cứu và sử dụng chứng cứ là một quá trình rất quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị. Công việc này được tiến hành không chỉ khi thu thập đầy đủ các tài liệu chứng cứ mà luật sư cần từng bước xem xét, từ sơ bộ đến kỹ lưỡng các loại tài liệu trong hồ sơ. Việc nghiên cứu chứng cứ một  cách kỹ lưỡng giúp luật sư hệ thống được các tài liệu, sắp xếp chúng theo những tiêu chí nhất định nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất cho luật sư trong quá trình bảo vệ khách hàng tại phiên tòa. Việc điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ của luật sư là tổng thể các hoạt động tham gia tố tụng của luật sư nhằm làm rõ các tình tiết của vụ án qua đó xác lập các căn cứ cần thiết, khách quan trong việc đưa ra các đề xuất giải quyết đúng đắn vụ án hành chính.

Mục đích của việc điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ là giúp luật sư làm rõ sự thật khách quan, diến biến các tình tiết của vụ án. Trường hợp luật sư được mời tham gia sau khi vụ án đã được tòa án thụ lý, các công việc này, kết hợp vối một loạt các hoạt động khác, sẽ giúp luật sư hệ thống từ đầu các tình tiết liên quan cũng như điều tra và thu thập thêm được những chứng cứ cần thiết. Đối với các luật sư tham gia giúp đỡ khách ngay từ khi trước khi khởi kiện, những công việc này vẫn rất cần thiết vì nó là sự bổ sung chứng cứ cho luật sư trong giải quyết vụ việc, củng cố các tài liệu, lý lẽ để đạt được hiệu quả tham gia tốt nhất tại phiên tòa. Các hoạt động này thực sự thiết yếu, đảm bảo chất lượng tham gia của luật sư trong cả quá trình tố tụng nói chung cũng như trong phiên tòa xét xử vụ án nói riêng.

  1. 2. Nghiên cứu hồ sơ vụ án hành chính

Việc nghiên cứu hồ sơ là một quá trình rất quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị phiên tòa xét xử. Công việc này được tiến hành không chỉ khi thu thập đầy đủ các tài liệu chứng cứ mà luật sư cần từng bước xem xét, từ sơ bộ đến kỹ lưỡng các loại tài liệu trong hồ sơ. Việc nghiên cứu hồ sơ một cách kỹ lưỡng tổng thể khi đã thu thập đầy đủ các tài liệu cần thiết giúp luật sư hệ thống được các tài liệu, sắp xếp chúng theo những tiêu chí nhất định nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất cho luật sư trong quá trình bảo vệ khách hàng tại phiên tòa. Luật sư phải có những kỹ năng cần thiết như vừa đọc và vừa phải ghi lại những kết quả thu thập được vào tờ cứu. Trên cơ sở đó chọn ra những căn cứ bảo đảm cho tính hợp pháp và tính bất hợp pháp của người khởi kiện để phục vụ cho yêu cầu hợp pháp của người khởi kiện Hơn nữa, trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, luật sư có thể phát hiện các thiếu sót để bổ sung kịp thời đảm bảo có lợi nhất cho thân chủ của mình.

Luật sư trong quá trình nghiên cứu hồ sơ phải có sự nhận định, đánh giá bước đầu về diễn biến vụ án, xác định tính đúng sai và ý nghĩa của các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đồng thời phát hiện những ưu, khuyết điểm, sai phậm của các hoạt động tố tụng trong giai đoạn trước (nếu có)

Việc đánh giá chứng cứ một cách toàn diện và đầy đủ thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử song trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, luật sư cần có những đánh giá bước đầu nhằm có được những nhận xét, kết luận nhất định, tạo tiền đề, định hướng cho những phương án bảo vệ thân chủ của mình. tạo cơ sở cho việc xây dựng luận cứ bảo vệ có đầy đủ những căn cứ, lập luận xác đáng mang tính thuyết phục cao để bảo vệ cho thân chủ của mình.

  1. 3. Lập đề cương bản hỏi, chuẩn bị bài luận cứ bảo vệ và các văn bản, tài liệu  sử dụng tại phiên tòa hành chính sơ thẩm

A .Lập đề cương bản hỏi:

Trước khi ra phiên toà, Luật sư phải dự kiến kế hoạch xét hỏi. Việc xây dựng kế hoạch xét hỏi giúp Luật sư hỏi có trọng tâm, xác định được những vấn đề cần làm rõ, không bỏ sót, không có những câu hỏi thừa hoặc vô nghĩa, không bị lúng túng trước sự trả lời của người bị hỏi. Tuỳ vào nội dung vụ án, các tình tiết được thể hiện trong hồ sơ, Luật sư dự kiến những người cần xét hỏi, thứ tự xét hỏi hỏi ai trước, ai sau; Dự kiến cách đặt câu hỏi; Nhất thiết những câu hỏi phải làm rõ các tình tiết của vụ án sao cho có lợi cho người mình bảo vệ. Câu hỏi phải rõ ràng, ngắn gọn, chính xác và không làm cho người được hỏi hiểu theo nhiều nghĩa. Tránh việc đặt câu hỏi quá chung chung, dài dòng hoặc không rõ đó là câu hỏi hay câu giải thích, vì hỏi như thế sẽ làm cho người bị hỏi không biết phải trả lời như thế nào. Nếu muốn yêu cầu người bị hỏi giải thích một số điểm trong lời khai đã khai tại cơ quan điều tra của họ, Luật sư chuẩn bị sẵn lời khai này, đánh dấu những điểm cần hỏi để luôn luôn chủ động khi xét hỏi.

Trong phần xét hỏi, luật sư cần chú ý xây dựng trước hệ thống các câu hỏi nhằm làm rõ thêm tính chất của vụ việc theo hướng bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình tại phiên tòa. Các câu hỏi cần tập trung vào những vấn đề có lợi nhất cho việc bảo vệ khách hàng hơn nữa luật sư cần chuẩn bị cả những tình huống thay đổi có thể xảy ra để có được những câu hỏi phù hợp diễn biến phiên tòa, ghi chép và tận dụng những câu trả lời của đối phương nếu thấy có lợi cho thân chủ của mình để chuẩn bị lấy đó làm lợi thế cho phần hỏi, đảm bảo có thể bảo vệ tốt nhất cho thân chủ.

B. Lập đề cương bản luận cứ bảo vệ:

Khi lập đề cương luận cứ bảo vệ cho đương sự, luật sư cần thể hiện được các nội dung chính mà mình sẽ đề cập đến trong phần tranh luận về vụ việc. Trong trường hợp này, không chỉ chuẩn bị luận điểm về diễn biến sự việc, tính hợp pháp, tính có căn cứ hay không của các quyết định, hành vi hành chính bị kiện,đưa ra các yêu cầu, luật sư cũng cần lường trước được các tình huống thay đổi tại phiên tòa để tránh bị bất ngờ tại phiên tòa gây ra hậu quả bất lợi cho khách hàng.

C. Lập đề cương các văn bản liên quan đến quá trình tố tụng:

Để có thể đảm bảo tốt nhất kết quả tại phiên tòa cũng như đảm bảo được đầy đủ hồ sơ tố tụng, Căn cứ vào nội dung vụ án và đề cương luận cứ đã viết, Luật sư chuẩn bị các tài liệu có liên quan để viện dẫn tại phiên toà…. Luật sư cũng cần đọc kỹ các văn bản, tài liệu này, đánh dấu những đoạn cần viện dẫn trích đọc để khi cần thì có thể sử dụng được ngay mà không phải mất thời gian tìm kiếm.

III. KỸ NĂNG THAM GIA XÉT HỎI TRONG PHIÊN TÒA

Xét xử tại phiên toà sơ thẩm là giai đoạn quan trọng, kết quả của việc bảo vệ quyền lợi cho đương sự sẽ được ghi nhận chủ yếu ở giai đoạn này. Các kỹ năng và ứng dụng trong quá trình hỏi tại phiên tòa hành chính là điều cần thiết đối với các luật sư tham gia trong vụ án. Có nắm vững các kỹ năng thì luật sư mới có thể ứng dụng được linh hoạt và mềm dẻo vào các tình huống trong quá trình hỏi để có thể bảo vệ được tốt nhất cho thân chủ mà mình đại diện.

1. khái niệm hỏi và sự tham gia của luật sư trong xét hỏi

a. Khái niệm:

Xét hỏi tại phiên tòa hành chính là một hành vi tố tụng quan trọng, được thực hiện tại phiên toà nhằm phát hiện, củng cố và kiểm tra các chứng cứ có ý nghĩa đối với việc giải quyết đúng vụ án. Xuất phát từ yêu cầu xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ. Khác với các Toà án thường, khi xét xử về dân sự thì xác định các quyền dân sự của công dân; khi xét xử về hình sự thì xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo. Toà án hành chính không làm những việc đó, mà chỉ phán quyết về tính hợp pháp của quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của cơ quan nhà nước hoặc nhân viên nhà nước dựa trên việc xem xét thẩm định đánh giá hồ sơ, chứng cứ. Do đó, việc xét hỏi đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của những người này, người làm chứng, người giám định ngay tại phiên toà là thủ tục cần thiết và luôn luôn có vị trí quan trọng trong quá trình xét xử vụ án. Điều 46, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính quy định thủ tục xét hỏi tại phiên toà. Thủ tục này cho phép việc xét hỏi được thuận tiện, khách quan và khoa học. Đối với người được hỏi thì ngoài cơ hội cung cấp trực tiếp cho hội đồng xét xử những chứng cứ có ý nghĩa để giải quyết đúng đắn vụ án, đây còn là dịp để họ trình bày ý kiến, bảo vệ những lợi ích thiết thực của mình hoặc của những người mà mình quan tâm.

b. Luật sư tham gia xét hỏi:

Giai đoạn xét hỏi tại phiên toà là giai đoạn điều tra công khai có sự tham gia của tất cả những người tham gia tố tụng. Trong giai đoạn này các chứng cứ được lần lượt công bố, phân tích, so sánh, nghiên cứu và tự thân nó bộc lộ giá trị chứng minh của chúng.

Luật sư cần phải có mặt tại phiên toà trong suốt thời gian xét xử, trừ trường hợp đặc biệt. Luật sư cần phải chú ý theo dõi quá trình Hội đồng xét xử tiến hành thủ tục xét hỏi tại phiên toà.

Về mặt thủ tục, Luật sư có quyền được đặt các câu hỏi để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình bằng cách thông qua các câu trả lời để khẳng định công khai những vấn đề cần phải làm sáng tỏ trong vụ án.

2. Những nguyên tắc khi tham gia xét hỏi của Luật sư

Trong giai đoạn xét hỏi, Luật sư phải nắm được trình tự tham gia xét hỏi, theo dõi những nội dung mà những người tiến hành tố tụng đã hỏi trước đó để xác định mình cần hỏi thêm những gì. Nguyên tắc chung, Luật sư hỏi về những vấn đề cần thiết mà những người xét hỏi trước đó chưa hỏi đến hoặc hỏi chưa rõ để làm lợi cho thân chủ của mình.

a. Ghi chép diễn biến của phiên toà

Khi theo dõi thủ tục xét hỏi tại phiên toà, Luật sư cần phải ghi chép đầy đủ lời trình bày của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người đại diện của đương sự, người đại diện của tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích chung. Khi nghe và ghi chép, Luật sư phải hết sức nhanh nhạy để phát hiện trong các lời khai của những người được hỏi những tình tiết có lợi cho thân chủ, những tình tiết có mâu thuẫn không phù hợp với thực tế khách quan hoặc các chứng cứ khác của vụ án, những tình tiết chưa được làm rõ để điều chỉnh nội dung, kế hoạch xét hỏi đã dự kiến và chuẩn bị các câu hỏi mới đối với những người tham gia tố tụng.

Qua các lời trình bày nếu thấy có sự mâu thuẫn hoặc có những tình tiết khác mà trước đó chưa được thể hiện trong hồ sơ nếu có lợi hoặc bất lợi cho thân chủ của mình hoặc cho bất kỳ một ngươời tham gia tố tụng nào thì Luật sư cũng phải lưu ý đến điểm mới đó để có cách phản bác lại hoặc sử dụng chúng nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình. Việc ghi chép phải bảo đảm nguyên tắc ngắn gọn, đầy đủ và làm nổi bật được những ý chính. Đối với những tình tiết đặc biệt cần phải ghi chép riêng biệt hoặc phải nhấn mạnh để dễ lưu ý khi xem xét lại. Bản ghi chép này là tiền đề để Luật sư đặt các câu hỏi cho thân chủ của mình hoặc cho những ngươời tham gia tố tụng khác để họ tự mình khẳng định công khai trước Toà những vấn đề cần được làm rõ.

Trong quá trình ghi chép cũng cần lưu ý chú ý phân tích cả những câu hỏi và câu trả lời của Hội đồng xét xử cũng như của những người tham gia tố tụng khác. Thông qua đó Luật sư có thể nắm được một phần về quan điểm của họ để có thể điều chỉnh bản luận cứ của mình hướng vào việc làm sáng tỏ các quan điểm của Hội đồng xét xử mà Luật sư đã dự đoán theo hướng có lợi cho thân chủ của mình. Ghi chép các quá trình xét hỏi tại phiên toà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc dùng chính những quan điểm đó để làm cơ sở phản bác của mình trong trường hợp cần thiết. Nếu có điều kiện, khi ghi chép Luật sư cần sử dụng các loại mực khác nhau để dễ ghi nhớ khi xem xét lại.

Cần bổ sung kịp thời những câu hỏi cần thiết sau khi đã nghe xét hỏi (ngoài những câu hỏi đã chuẩn bị trước khi mở phiên toà).

b. Luật sư tích cực tham gia thẩm vấn tại Tòa để làm rõ các điểm có lợi của khách hàng.

Luật sư cần xác định quan hệ pháp lý giữa người khởi kiện và người bị kiện. Khi chủ tọa dành cho quyền hỏi, Luật sư phải đặt những câu hỏi sắc bén, ngắn gọn, tập trung vào những vấn đề quan trọng của vụ án nhưng chưa được làm rõ sao cho sự trả lời của người được hỏi sẽ có lợi nhất cho người mà mình bảo vệ. Khi xét hỏi cần hỏi dứt khoát và xoáy sâu vào những mâu thuẫn nhằm đảm bảo có lợi cho thân chủ mình.

Khi đặt các câu hỏi Luật sư cần lưu ý chỉ nên đặt các câu hỏi đúng vào trọng tâm, ngắn gọn, dễ trả lời. Tránh đặt những câu hỏi quá dài, không đi vào trọng tâm hoặc vừa đặt câu hỏi vừa phân tích, bình luận làm lẫn lộn với phần tranh luận để Chủ toạ phiên toà phải nhắc nhở. Tuỳ từng trường hợp có thể sử dụng những loại câu hỏi thích hợp. Không bao giờ Luật sư vừa đặt các câu hỏi vừa tự mình giải thích các câu hỏi đó cũng như vừa gợi ý trả lời các câu hỏi đó. Trong những trường hợp khi các câu hỏi của Luật sư được các đương sự trả lời mà Luật sư thấy cần thiết phải nhấn mạnh thì đề nghị Hội đồng xét xử lưu ý và đề nghị thư ký phiên toà ghi nhận điều đó vào biên bản phiên toà. Những câu hỏi và câu trả lời mà Luật sư đã đặt ra và đươợc nghe trả lời trong quá trình thẩm vấn tại phiên toà đều có thể được Luật sư sử dụng để cập nhật và bổ sung cho bản luận cứ của mình. Trong trường hợp trong bản luận cứ Luật sư nhắc lại những câu trả lời của đương sự ngay tại phiên toà thì Luật sư cũng phải nhấn mạnh là điều đó đã được chính các đương sự tự mình khẳng định tại phiên toà hôm nay

c. Trợ giúp đương sự trong phần xét hỏi:

Trong phần xét hỏi này, Luật sư lưu ý đương sự (thân chủ) khi được hỏi cần phải trả lời rõ ràng, chuẩn xác đúng yêu cầu câu hỏi của chủ toạ, đặc biệt là trình bày một cách có hệ thống các ý kiến của mình có sự giải thích rõ ràng những vấn đề có liên quan đến yêu cầu khởi kiện, đến việc giải quyết vụ án. Luật sư cũng cần lưu ý thân chủ của mình khi đưa ra lời trình bày, các ý kiến, các tài liệu chứng cứ… cơ bản phải thống nhất với những ý kiến thống nhất trong các lần làm việc trước đó giữa luật sư và khách hàng.

3. Đặt câu hỏi trong phần xét hỏi tại phiên tòa

Luật sư có quyền đặt các câu hỏi để yêu cầu thân chủ của mình hoặc những ngơười tham gia tố tụng khác trả lời cho Toà án nhằm làm rõ những tình tiết quan trọng.

a. Đặt câu hỏi với đương sự là khách hàng:

Đối với thân chủ của mình, Luật sư nên đặt ra những câu hỏi rõ ràng để họ có cơ hội trình bày, lý giải trước Hội đồng xét xử.

Đối với các câu hỏi dành cho thân chủ của mình, Luật sư không nên đặt ra Luật sư không đặt câu hỏi phức tạp, về những vấn đề hóc búa mà trước đó Luật sư chưa có điều kiện trao đổi với thân chủ. Chỉ nên đặt những câu hỏi mà trước đó Luật sư đã trao đổi với thân chủ của mình, hai bên đã thống nhất về câu hỏi và câu trả lời. Thân chủ cũng đã được thông báo trước về ý định của Luật sư khi muốn mình trả lời những câu hỏi đó. Thực tiễn hành nghề của các Luật sư cho thấy Luật sư không nên hỏi thân chủ của mình quá nhiều. Tránh tình trạng Luật sư đặt câu hỏi quá khó làm cho người được Luật sư bảo vệ không biết trả lời thế nào hoặc trả lời lại không có lợi cho họ. Tránh làm cho thân chủ mất bình tĩnh, thiếu lòng tin vào mục đích bảo vệ của luật sư.

b. Đặt câu hỏi đối với đối thủ và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác:

Căn cứ vào bản kế hoạch hỏi đã chuẩn bị và sửa đổi bổ sung ngay tại phiên tòa, luật sư đặt câu hỏi cho những người tham gia tố tụng khác nhằm mục đích bảo vệ thân chủ của mình. Để có thể đặt được những câu hỏi có hiệu quả cao, luật sư cần xác định rõ mục đích của câu hỏi mình đưa ra (mục đích: thu nhận, xác nhận thông tin, chứng minh khách hàng của mình là đúng…)

Luật sư phải đặt những câu hỏi sắc bén, ngắn gọn, tập trung vào những vấn đề quan trọng của vụ án nhưng chưa được làm rõ sao cho sự trả lời của người được hỏi sẽ có lợi nhất cho người mà mình bảo vệ. Ngoài những câu hỏi trực tiếp, trong trường hợp đối tượng được hỏi chuẩn bị trước nội dung trả lời, Luật sư cần đặt ra câu hỏi từ xa, có tác dụng dẫn dắt, định hướng đến mục đích cuối cùng của việc hỏi.

c. Những điểm lưu ý, cần tránh khi tham gia đặt câu hỏi:

– Không đặt các câu hỏi có thể bị hiểu lầm.

– Không đặt các câu hỏi thiếu khiêm tốn, ngạo mạn, gây căng thẳng giữa# Luật sư của hai bên, giữa hai bên với nhau, với Toà án và với Viện kiểm sát, với những người tham gia tố tụng khác.

– Không dùng những lời lẽ quá nặng nề để chỉ trích nhau công khai tại phiên tòa mà luôn luôn đặt mục tiêu trong giai đoạn xét hỏi là tìm ra các căn cứ, lý giải các căn cứ đó để làm rõ các tình tiết của vụ án.

– Nên dùng những lời lẽ nhẹ nhàng, lịch sự khi đặt câu hỏi. Ví dụ: Cho phép tôi…, Tôi đề nghị… Xin được hỏi…

– Dùng các thuật ngữ luật học một cách chính xác. Không sử dụng các# thuật ngữ đời thường thay thế các thuật ngữ luật học. Các thuật ngữ luật học chính xác và chuẩn được xem là các thuật ngữ đã được các văn bản pháp luật sử dụng. Tuy nhiên ngôn ngữ diễn đạt phải dễ hiểu.

4. Kỹ năng đặt câu hỏi của luật sư

a. Nguyên tắc đặt câu hỏi:

Cách đặt câu hỏi (đưa ra câu hỏi) đối với người được hỏi cũng quan trọng như nội dung câu hỏi. Nghệ thuật sử dụng câu hỏi sẽ quyết định luật sư có thành công hay thất bại trong phần xét hỏi tại phiên tòa hành chính:

  • Đưa ra những câu hỏi mở trước, tạo ra sự chủ động cho người trả được hỏi.
  • Giữ cho câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng và dễ hiểu.
  • Một câu hỏi chỉ đề cập đến một vấn đề.
  • Kiểm tra xem người nghe có hiểu đúng  nội dung câu hỏi.
  • Kiên nhẫn trong quá trình hỏi.

Trong quá trình đặt câu hỏi, luật sư cũng cần chú ý đến tư thế, phong thái của mình, sao cho gây ấn tượng tốt với người được hỏi, với những người tiến hành tố tụng. Tránh có những cử chỉ không được thiện cảm như khoa trương cánh tay, đi lại mất trật tự khi chưa được phép của chủ tọa phiên tòa, chỉ tay vào người này, người khác khi nói, kể cả chỉ tay vào thân chủ của Luật sư. Điều này chỉ làm trò cười cho phòng xử án và không có hiệu quả.

– Phải bình tĩnh và nhẹ nhàng. Giọng nói cũng phải ung dung: nói đủ to để có thể nghe được. Phải tạo điều kiện dễ dàng để mọi người có thể nghe được, tất nhiên khi cần có thể điều chuyển giọng nói của mình để nhấn mạnh khi cần thiết, ngoài ra giọng nói còn có thể trở nên cương quyết, phẫn nộ, nghi ngờ, v.v… nếu nó cần phải như vậy.

– Để sự truyền đạt thông tin, đạt mục đích quá trình xét hỏi, không chỉ thể hiện chỉ là trên giấy tờ và lời nói, mà còn chủ yếu thể hiện ở cử chỉ và điệu bộ.

– Cần tránh bị lôi cuốn đặt mình vào vị trí của thân chủ dễ bị kích động sẽ không có lợi cho mình và chính thân chủ của mình

b. Các loại câu hỏi được luật sư sử dụng:

Tùy từng trường hợp cụ thể, luật sư sử dụng câu hỏi phù hợp sao cho đạt được hiệu quả tối đa của quá trình xét hỏi. Xin đưa ra một vài loại câu hỏi mà luật sư có thể sử dụng khi đặt câu hỏi:

* Câu hỏi bổ sung lời khai

Mục đích sử dụng câu hỏi này để làm rõ hơn về các tình tiết của vụ án đã được người tham gia tố tụng khai báo tại phiên toà nhưng chưa rõ. Câu hỏi này được dùng trong trường hợp thân chủ của mình đã trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử nhưng chưa làm rõ được các tình tiết của vụ án có lợi cho họ. Nguyên nhân có thể do họ mất bình tĩnh mà khai sai. Luật sư cần đặt câu hỏi để người này khai bổ sung những điểm chưa rõ hoặc còn sót. Cũng có thể đặt câu hỏi này với những người tham gia tố tụng khác khi thấy lời khai bổ sung của họ sẽ có lợi cho thân chủ của mình.

* Câu hỏi gợi mở

Mục đích của câu hỏi này để phục hồi trí nhớ, khơi dậy trong trí nhớ của người được hỏi mối liên tưởng về thời gian, sự việc nhờ đó họ có thể khai báo được chính xác tình tiết của vụ án.

* Câu hỏi vạch rõ sự gian dối

Câu hỏi này nhằm mục đích chỉ ra sự gian dối, tính không hợp lý trong lời khai của những người có quyền lợi đối lập với thân chủ của mình hoặc của người làm chứng. Câu hỏi này thường có hai phần: phần một nêu những chứng cứ hoặc sự việc đã được kiểm tra và xác định là đúng; phần hai nêu nội dung lời khai của người được hỏi có mâu thuẫn với các chứng cứ, sự việc đã đưa ra ở phần một và yêu cầu người này giải thích về sự mâu thuẫn đó để vạch rõ sự gian dối của lời khai.

Chú ý khi đặt câu hỏi gợi mở không được gợi ý cho người được hỏi trả lời mà chỉ nhằm giúp họ nhớ lại những gì đã biết nhưng do lâu ngày bị lãng quên.

PHẦN III: KẾT LUẬN

Các kỹ năng tham gia tố tụng hành chính của luật sư nói chung và kỹ năng hỏi của Luật sư trong phiên tòa hành chính sơ thẩm nói riêng trong vụ án hành chính có ý nghĩa thực tiễn rất lớn trong việc ngày càng hoàn thiện khả năng nghiệp vụ của luật sư; không chỉ trong việc tham gia các vụ án hành chính nói chung mà còn tham gia vào nhiều các hoạt động khác trong sự nghiệp hành nghề của luật sư. Để có được kỹ năng hỏi nói riêng và hầu hết các kỹ năng nói chung, Luật sư phải tham gia vào những khóa đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ để thu thập được các kỹ năng đó từ những người truyền đạt. Ngoài những luồng kiến thức về kỹ năng của Luật sư thu nạp từ trên, Luật sư cũng cần phải tự mình trau dồi những kiến thức ấy cho chính bản thân mình thông qua việc tham gia thực tế các phiên tòa hành chính. Không đơn thuần khi trở thành Luật sư là đã có thể có đầy đủ các kỹ năng để có thể trọ giúp pháp lý cho khách hàng của mình, Luật sư cần luôn luôn học tập các kinh nghiệm thực tế kết hợp với các kiến thức chuẩn về pháp lý.

Việc rèn luyện thành thạo kỹ năng ứng dụng vào trong quá trình hỏi tại phiên tòa hành chính là điều cần thiết đối với các luật sư tham gia trong vụ án. Có nắm vững các kỹ năng thì luật sư mới có thể ứng dụng được linh hoạt và mềm dẻo vào các tình huống trong quá trình hỏi để có thể bảo vệ được tốt nhất cho thân chủ mà mình đại diện.

Trong sự hội nhập hiện nay, việc nâng cao kỹ năng của luật sư trong các vụ án hành chính, đặc biệt đối với các luật sư trẻ không chỉ ở góc độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề mà còn phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của luật sư với thân chủ của mình, được thể hiênh ngay từ khi tiếp xúc khách hàng, nghiên cứu hồ sơ và cả khi đã hoàn thành công việc của luật sư đằng sau phiên toà. Điều này chỉ có thể đạt được trên cơ sở tôn trọng truyền thống đạo đức của con người Việt Nam.

Sưu tầm

» Thủ tục giải quyết tranh chấp hành chính

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tổng hợp các lỗi bị trừ điểm giấy phép lái xe

Tổng hợp các lỗi bị trừ điểm giấy phép lái xe Bảng tổng hợp các…

Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ

Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ. Các văn bản luật…

Hình thức văn bản hành chính

Hình thức văn bản hành chính theo nghị định 30/2020/NĐ-CP hay còn gọi là thể…

Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành…

Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo thông tư 24/2023/TT-BCA

Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ công…

» Luatsubaoho.com - Tư vấn pháp luật: 0768236248 - Chat Zalo