Kỹ năng chuẩn bị luận cứ bào chữa cho bị cáo. Dù luật sư giỏi đến đâu chăng nữa, trước khi tham dự phiên tòa đều phải chuẩn bị đề cương chi tiết bài bào chữa, trong đó đặc biệt chú ý đến luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích cho bị cáo trên cơ sở những nhận định, đánh giá, buộc tội bì cáo trong hồ sơ vụ án và các tài liệu, chứng cứ, vật chứng có liên quan đến vụ án.
Kết quả bào chữa phụ thuộc rất nhiều vào việc chuẩn bị bài bào chữa. Nó giúp cho người bào chữa tự tin, giữ được tâm lý chủ động trong quá trình tranh tụng và lịp thời bổ sung thêm những luận cứ mới phát sinh trong quá trình tranh tụng. Nếu không chuẩn bị tốt bài bào chữa, Luật sư sẽ rơi vào tình thế bị động, bào chữa tản mạn, dài dòng, lập luận không lo gic, chặt chẽ, thậm chí dùng những thuật ngữ không chính xác, bỏ sót những tình tiết có lợi cho bị cáo hoặc đương sự, không tập trung vào vấn đề mang tính bản chất nhằm gỡ tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
Để chuẩn bị bản luận cứ bào chữa tốt thì người bào chữa phải tổng hợp các tài liệu đã có trong hồ sơ, các tài liệu thu thập được sau khi nghiên cứu hồ sơ, các tài liệu do bị cáo và thân nhân của họ cung cấp; các tài liệu thu nhập được trong quá trình gặp người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi liên quan đến vụ án, các tài liệu đã xuất trình với cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị họ chấp nhận làm chứng cứ của vụ án và các văn bản quy phạm pháp luật như Hiến pháp, Luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hình sự,… mà người bào chữa sẽ sử dụng và viện dẫn khi bào chữa.
Để xây dựng được một bài bào chữa ngắn gọn, xúc tích, lập luận chặt chẽ, logic và có sức thuyết phục, Luật sư phải tập trung trí tuệ phân tích các quan điểm, nhận định, đánh giá luận cứ buộc tội của Kiểm sát viên về diễn biến vụ án, đặc điểm phạm tội, các dấu hiệu của cấu thành tội phạm và các luận cứ buộc tội. Trên cơ sở đó, so sánh với nhận định, đánh giá, quan điểm của mình sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, xem xét hiện trường, tài liệu, chứng cứ, vật chứng có liên quan, tìm hiểu nhân thân bị cáo và tham khảo ý kiến cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc biết vụ việc và đưa ra luận cứ của mình.
Thông thường nội dung của bài bào chữa gồm 3 phần: Phần mở đầu, phần nội dung và phần kết luận.
1– Phần mở đầu của bài bào chữa bao giờ cũng bắt đầu từ những lời thưa gửi xã giao, lịch thiệp: “Kính thưa Hội đồng xét xử; kính thưa vị đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố, thưa các quý vị…” thể hiện sự tôn trọng với tất cả mọi người. Sau đó, người bào chữa tự giới thiệu về bản thân mình, về tổ chức chủ quản, về lý do tham gia bào chữa, bảo vệ cho thân chủ.
Ví dụ: Kính thưa Hội đồng xét xử, kính thưa vị đại diện Viện kiểm sát, tôi là Nguyễn Văn A, trợ giúp viên pháp lý (Luật sư là cộng tác viên) của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố Hà Nội nhận nhiệm vụ bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý là bị cáo Nguyễn Văn B tại phiên toà sơ thẩm hôm nay.
Có nhiều cách để mở đầu khác nhau nhưng nhìn chung, phần mở đầu phải giới thiệu để Hội đồng xét xử, những người tham gia phiên toà biết được người bào chữa, bảo vệ là ai, lý do tham gia bào chữa và bào chữa cho ai? Yêu cầu của phần mở đầu là phải gậy được sự chú ý cho người nghe, kích thích được sự quan tâm của tất cả những người có mặt ở phiên tòa và định hướng cho họ tiếp nhận những quan điểm, ý kiến tranh luận của Luật sư. Vì vậy, phần mở đầu cần ngắn gọn, rõ ràng, khúc triết, gây chú ý cho người nghe ngay từ đầu.
2– Phần nội dung của bài bào chữa cần tập trung phân tích những nhận định, đánh giá, luận cứ buộc tội của cáo trạng và đưa ra những chứng cứ pháp lý chứng minh sự không đầy đủ, mâu thuẫn, không phù hợp với sự thật khách quan của vụ án để phủ nhận lời cáo buộc của Viện kiểm sát và gỡ tội cho bị cáo. Trong phần này phải nêu ra được các chứng cứ, phân tích được các tình tiết có lợi cho thân chủ, phải viện dẫn các căn cứ pháp luật theo hướng có lợi cho thân chủ để từ đó chứng minh cho định hướng bào chữa của mình. Trong trường hợp có tình tiết mới Luật sư thu thập được chứng cứ gỡ tội, giảm nhẹ tội thì sử dụng để bác bỏ luận cứ buộc tội của Viện kiểm sát. Để có luận cứ gỡ tội hoặc đề nghị giảm nhẹ tội, Luật sư phải nêu lên được điều kiện (nguyên nhân phạm tội), phân tích đặc điểm nhân cách của thân chủ lúc phạm tội dẫn đến động cơ phạm tội, làm rõ nguyên nhân dẫn đến bị cáo thực hiện hành vi phạm tội và cấu trúc của hành vi phạm tội. Trong nhiều trường hợp, động cơ phạm tội quyết định hình thức lỗi là tình tiết định tội, định khung hình phạt, nhưng đồng thời cũng là những tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm trách nhiệm hình sự. Vì vậy, Luật sư cần chú ý đề cập đến những vấn đề trên khi nó có tác dụng gỡ tội hoặc là tình tiết giảm nhẹ tội.
3– Phần kết luận của bài bào chữa cần ngắn gọn và biểu cảm, trong đó khẳng định quan điểm, nhận định cuối cùng của người bào chữa với những chứng cứ pháp lý rõ ràng và đưa ra những đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các điểm, khoản, điều của các luật tương ứng để từ đó đưa ra những kết luận có lợi cho người được trợ giúp pháp lý cũng như việc giải quyết vần đề khác của vụ án. Cuối cùng, Luật sư thể hiện sự tin tưởng vào phán quyết công minh, bình đẳng, khách quan và đúng pháp luật của Hội đồng xét xử và chân thành cảm ơn.
Một số điểm cần lưu ý khi bào chữa:
1. Khi chuẩn bị luận cứ bào chữa, sau mỗi ý phải để khoảng trống, cách dòng để có thể bổ sung thêm được những nội dung mới phát sinh tại Toà án, tránh phải sửa chữa, tẩy xoá trong bản bào chữa. Đây là kinh nghiệm thực tiễn có nhiều tiện ích nên người bào chữa cần lưu ý.
2. Bài bào chữa dù soạn thảo cẩn thận đến đâu cũng không phải là hoàn hảo nhất vì nó được chuẩn bị trên cơ sở những gì đã có trong hồ sơ vụ án và những chứng cứ, tài liệu thu thập được. Nó có thể chưa đầy đủ hoặc thừa, vô dụng khi tại phiên toà phát sinh những tình tiết mới, sự kiện mới, chứng cứ mới hoặc bên buộc tội tự rút bỏ hoặc bổ sung thêm những chứng cứ buộc tội của mình. Vì vậy, luật sư cần phải tập trung cao độ chú ý lắng nghe khi Kiểm sát viên đọc bản luận tội, và những câu hỏi, trả lời, ý kiến tranh luận của những nhười tham gia phiên toà để kịp thời điều chỉnh quan điểm, nhận xét, đánh giá và đưa ra luận cứ gỡ tội phù hợp;
3. Khi tranh tụng tại Toà án, Luật sư nên sử dụng đề cương chi tiết của bài bào chữa mà không nên đọc bài bào chữa chuẩn bị sẵn. Như vậy sẽ giúp cho luật sư tự tin và tự nhiên hơn, tự do, thoải mái hơn mà không phụ thuộc nhiều vào bài bào chữa. Đương nhiên là Luật sư phải thuộc bài bào chữa đã được chuẩn bị.
4. Trước khi tham dự phiên toà, người bào chữa phải kiểm tra bản bào chũa, bài bảo vệ bằng cách đọc lại và rà soát lại nội dung, luận cứ bào chữa, đồng thời chuẩn bị tài liệu, chứng cứ cần thiết phục vụ bào chữa. Tài liệu, chứng cứ phục vụ bào chũa phải được sắp xếp khoa học, thuận tiện cho việc sử dụng tại phiên toà bắng cách tài liệu nào cần sử dụng trước thì để lên trên, cái nào sử dụng sau thì để xuống dưới, tráng trường hợp khi cần viện dẫn thì tìm mãi không thấy.
» Cách xây dựng bản luận cứ bào chữa
Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ. Các văn bản luật…
Hình thức văn bản hành chính theo nghị định 30/2020/NĐ-CP hay còn gọi là thể…
Theo quy định tại Thông tư 73/2024/TT-BCA thì từ ngày 01/01/2025, người dân đã có thể tra…
Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành…
Nghị định 176/2024/NĐ-CP quy định quản lý, sử dụng kinh phí từ xử phạt vi…
Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ công…
» Luatsubaoho.com - Tư vấn pháp luật: 0768236248 - Chat Zalo