Giải quyết lãi suất trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng

Giải quyết yêu cầu về lãi suất trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan đến lãi suất trong Hợp đồng tín dụng. 

Giải quyết lãi suất trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng

1. Về lãi suất trong Hợp đồng đồng tín dụng

Trong vụ án tranh chấp Hợp đồng tín dụng, nội dung thỏa thuận về lãi suất là rất quan trọng, việc xác định đúng lãi suất điều chỉnh sẽ là căn cứ để bên vay vốn và bên thế chấp tài sản hoặc bên bảo lãnh tài sản phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. 

Những thỏa thuận cụ thể về lãi suất được các bên ghi nhận trong Hợp đồng tín dụng hoặc trong các khế ước nhận nợ là cơ sở để xác định thỏa  thuận đó có phù hợp với quy định pháp luật không và là căn cứ để giải  quyết các yêu cầu, đồng thời xác định nghĩa vụ của các đương sự trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng.

Thực tế xét xử các vụ án tranh chấp Hợp đồng tín dụng trong thời gian gần đây, tác giả thấy rằng Tòa án và Viện kiểm sát đôi khi chưa chú trọng đến cách tính lãi suất trong hạn và lãi suất quá hạn; thiếu kiểm tra việc có hay không có thỏa thuận điều chỉnh lãi suất; không đối chiếu kiểm tra số liệu về lãi suất. Cấp sơ thẩm thường chấp nhận số liệu tính lãi do Ngân hàng cung cấp, dẫn đến việc tại cấp phúc thẩm, những vi phạm này trở thành một trong những nguyên nhân án sửa, hủy án. 

Thấy rằng, quá trình nghiên cứu yêu cầu khởi kiện, yêu cầu độc lập hay yêu cầu phản tố liên quan đến lãi suất, mức lãi suất áp dụng, việc điều chỉnh lãi suất, cần được xem xét toàn diện trên cơ sở những thỏa thuận cụ thể, và thỏa thuận này phải phù hợp với quy định pháp luật được quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng: “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”.

Tham gia phiên tòa cần lưu ý những vấn đề sau:

Trường hợp tại phiên tòa; qua giải thích, các đương sự không có ý kiến xem xét về lãi suất thì cần tôn trọng; trường hợp có đương sự đề nghị xem xét về lãi suất, người nghiên cứu hồ sơ cần thu thập các tài liệu về cách tính lãi của Ngân hàng, đối chiếu các văn bản Luật về lãi suất để đưa ra đề xuất giải quyết phù hợp. Căn cứ quy định của Ngân hàng Nhà nước, căn cứ nội dung thỏa thuận của Hợp đồng tín dụng, các khế ước nhận nợ về lãi suất cho vay mà Ngân hàng cấp cho người vay, người nghiên cứu có thể xác định mức lãi suất, mức điều chỉnh lãi suất có phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước hay không? Trường hợp thấy lãi suất thỏa thuận cao hơn quy định, cần yêu cầu Ngân hàng tính lại trên cơ sở quy định của các Quyết định, Thông tư do Ngân hàng Nhà nước ban hành. 

2. Những vi phạm điển hình liên quan đến lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất khi giải quyết tranh chấp Hợp đồng tín dụng tại Tòa án cấp sơ thẩm

– Tòa án không thu thập tài liệu về lãi suất hoặc không đánh giá tài liệu về lãi suất, chấp nhận yêu cầu số liệu tính lãi Ngân hàng cung cấp.

Khi nghiên cứu tranh chấp Hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng và người vay thấy tại Hợp đồng tín dụng hai bên đã thỏa thuận về lãi suất khi giải ngân; lãi suất quá hạn và lãi suất sẽ được điều chỉnh thời hạn cụ thể. Tuy nhiên, khi khởi kiện, nguyên đơn chỉ cung cấp duy nhất 1 bảng chung về lãi tính đến ngày xét xử sơ thẩm; không có tài liệu nào khác giải trình việc tính lãi. Tòa án không yêu cầu Ngân hàng cung cấp tài liệu cụ thể về bảng tính lãi suất trong hạn và quá hạn. Vì vậy, không có căn cứ để xác định số tiền nợ lãi (trong hạn và quá hạn) Viện kiểm sát phải đề nghị tạm ngừng phiên tòa để thu thập thêm tài liệu, chứng cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

– Tòa án có yêu cầu Ngân hàng cung cấp bảng tính lãi của Hợp đồng tín dụng mà hai bên đã ký kết nhưng không đối chiếu thỏa thuận điều chỉnh lãi và cách tính lãi điều chỉnh của Ngân hàng. 

– Tòa án đã yêu cầu Ngân hàng cung cấp bảng tính lãi cụ thể, nhưng Ngân hàng cung cấp không đầy đủ, không thể hiện rõ quá trình điều chỉnh lãi và cách áp dụng lãi suất cụ thể. Đối với những trường hợp tương tự, người nghiên cứu hồ sơ phải xác định rõ những vấn đề sau:

+ Giữa Ngân hàng và người vay đã giao kết Hợp đồng tín dụng, khi người vay vi phạm nghĩa vụ thanh toán thì phải có trách nhiệm trả nợ gốc, nợ lãi trong hạn, lãi quá hạn như đã thỏa thuận; 

 + Khi tranh chấp xảy ra, các bên yêu cầu Tòa án giải quyết thì phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ hoặc yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ theo quy định tại Chương VII Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Về nguyên tắc, trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập để giải quyết vụ việc dân sự (khoản 1 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). 

Trong trường hợp này, nếu Ngân hàng không cung cấp bảng tính lãi, không cung cấp các quyết định áp dụng lãi suất trong hệ thống Ngân hàng…, Tòa án không thể có cơ sở xác định tính chính xác số liệu lãi trong hạn và lãi quá hạn có phù hợp với quy định pháp luật không. Tòa án có quyền tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện về nợ gốc, xác định rõ trong bản án do Ngân hàng không cung cấp chứng cứ nên dành cho Ngân hàng quyền khởi kiện vụ án khác về lãi suất. 

Các dạng vi phạm cơ bản được nêu ở phần trên là những sai sót mang tính phổ biến khi giải quyết tại Tòa án cấp sơ thẩm.

Một số vụ án khi xét xử sơ thẩm, tại phiên tòa – sau khi được Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên giải thích và hướng dẫn về lãi suất theo quy định, nguyên đơn đã có điều chỉnh lại lãi suất cho phù hợp với quy định pháp luật hoặc rút yêu cầu đối với nội dung tính lãi suất. 

Việc nghiên cứu và xem xét toàn diện những vấn đề liên quan đến lãi suất không chỉ có giá trị trong việc áp dụng Luật chuyên ngành được thống nhất, đúng luật định mà còn có ý nghĩa đảm bảo tính chính xác làm cơ sở tính toán nghĩa vụ khi phát mại tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, còn là cơ sở để Cơ quan pháp luật tạo điều kiện cho các đương sự có thể đưa ra được các phương án giải quyết tranh chấp có lợi cho các bên.

Nguồn tin: VKSND huyện Thoại Sơn – Tác giả: Dáng Hương

» Luật sư giải quyết tranh chấp bảo lãnh vay vốn Ngân hàng

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tổng hợp các lỗi bị trừ điểm giấy phép lái xe

Tổng hợp các lỗi bị trừ điểm giấy phép lái xe Bảng tổng hợp các…

Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ

Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ. Các văn bản luật…

Hình thức văn bản hành chính

Hình thức văn bản hành chính theo nghị định 30/2020/NĐ-CP hay còn gọi là thể…

Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành…

Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo thông tư 24/2023/TT-BCA

Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ công…

» Luatsubaoho.com - Tư vấn pháp luật: 0768236248 - Chat Zalo