Công văn 121/2003/KHXX của Toà án nhân dân tối cao về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự
CÔNG VĂN
CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 121/2003/KHXX
NGÀY 19 THÁNG 9 NĂM 2003 VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ
LIÊN QUAN ĐẾN TÀI SẢN, BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG
VỤ ÁN HÌNH SỰ
Kính gửi: – Các Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp
– Các đơn vị thuộc Toà án nhân dân tối cao
– Các đồng chí Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao
Toà án nhân dân tối cao đã có nhiều văn bản hướng dẫn việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, bồi thường thiệt hại (sau đây gọi chung là phần dân sự) trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử của các Toà án các cấp trong thời gian qua cho thấy một số Toà án giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự vẫn còn có những sai sót, lúng túng. Để thi hành đúng các quy định của pháp luật, bảo đảm sự thống nhất trong việc giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự tại các Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn như sau:
I. VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1. Phần dân sự trong vụ án hình sự được hướng dẫn trong Công văn này bao gồm: đòi trả lại tài sản bị chiếm đoạt; đòi bồi thường giá trị tài sản do tài sản bị chiếm đoạt, nhưng đã bị mất hoặc bị huỷ hoại; buộc phải sửa chữa tài sản bị hư hỏng; đòi bồi thường thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại do tài sản bị chiếm đoạt, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng; đòi bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
2. Về nguyên tắc chung phần dân sự trong vụ án hình sự phải được giải quyết cùng với xem xét về phần hình sự trong cùng vụ án hình sự. Chỉ được tách để giải quyết phần hay một phần dân sự trong vụ án hình sự bằng một vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự khi có yêu cầu, nếu phần dân sự được tách không liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, đến việc xem xét tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo và thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a. Chưa tìm được, chưa xác định được người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự;
b. Người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự chưa có yêu cầu;
c. Người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự đã có yêu cầu, nhưng không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và của Toà án nói riêng;
d. Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân dự vắng mặt tại phiên toà và sự vắng mặt của họ thật sự trở ngại cho việc giải quyết phần dân sự.
3. Cần chú ý phân biệt phần dân sự trong vụ án hình sự như sau:
a. Phần dân sự trong vụ án hình sự có liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, đến việc xem xét tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo.
Ví dụ 1: Phần dân sự có liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm
Nguyễn Văn A chưa bị xử lý kỷ luật về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện năm hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Cơ quan điều tra đã chứng minh làm rõ năm hành vi này, nhưng chưa chứng minh thiệt hại do mỗi hành vi cụ thể gây ra và tổng thiệt hại do năm hành vi này gây ra đã đến một trăm triệu đồng hay chưa mà chỉ căn cứ vào lời khai của nguyên đơn dân sự là tổng thiệt hại một trăm linh năm triệu đồng. Nguyễn Văn A khai và chứng minh rằng thiệt hại không đến bảy mươi triệu đồng. Trong trường hợp này việc xác định tổng thiệt hại thực tế do năm hành vi cố ý làm trái của Nguyễn Văn A gây ra là rất quan trọng đối với việc xác định cấu thành tội phạm, tức là để kết luận Nguyễn Văn A có phạm tội hay không.
Ví dụ 2: Phần dân sự có liên quan đến việc xem xét tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Trần N dùng vũ lực chiếm đoạt tài sản gồm 1.000 USD, một xe máy, một đồng hồ đeo tay và một số tài sản khác của anh V với tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt theo lời khai của người bị hại là 53 triệu đồng. Cơ quan điều tra chưa chứng minh lời khai của người bị hại có căn cứ hay không, giá trị chiếm đoạt của mỗi loại tài sản và tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt thực tế là bao nhiêu. Trần N bị truy tố theo điểm e khoản 2 Điều 133 Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp này việc điều tra chứng minh tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt thực tế là bao nhiêu là rất cần thiết vì đó là căn cứ để kết luận Trần N phạm tội cướp tài sản theo khoản nào của Điều 133 Bộ luật Hình sự.
b. Phần dân sự trong vụ án hình sự không có liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, đến việc xem xét tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo.
Ví dụ: Lê B cố ý gây thương tích cho chị C với tỷ lệ thương tật 40% (có kết luận giám định). Trong hồ sơ vụ án chỉ mới làm rõ chị C phải điều trị tại bệnh viện 30 ngày. Chị C yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm với tổng số tiền là 100 triệu đồng, nhưng không nêu từng khoản cụ thể, không cung cấp các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình (ngoài việc cung cấp mấy đơn thuốc). Trong trường hợp này phần dân sự không có liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, đến việc xem xét tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với Lê B.
II. VIỆC GIẢI QUYẾT TRONG TỪNG TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
1. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Theo quy định tại khoản 1 Điều 151 Bộ luật Tố tụng hình sự thì “sau khi nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ, giải quyết các khiếu nại và yêu cầu của những người tham gia tố tụng và tiến hành những việc khác cần thiết cho việc mở phiên toà”; do đó, cần phân biệt như sau:
a. Trong trường hợp phần dân sự trong vụ án hình sự thuộc điểm a mục 3 Phần I của Công văn này và xét thấy không thể bổ sung tại phiên toà được thì Thẩm phán căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 151 và điểm a khoản 2 Điều 154 Bộ luật Tố tụng hình sự ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung.
b. Trong trường hợp phần dân sự trong vụ án hình sự thuộc điểm b mục 3 Phần I của Công văn này mà vì lý do nào đó cơ quan điều tra chưa thu thập chứng cứ, chứng minh làm rõ thì Thẩm phán có quyền tiến hành những việc cần thiết cho việc mở phiên toà, như: yêu cầu đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình, có thể triệu tập người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng để lấy lời khai hoặc các việc khác theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự… Trong trường hợp này không phân biệt vào kết quả thu thập chứng cứ, chứng minh đã đủ hay chưa, thì trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 151 Bộ luật Tố tụng hình sự Thẩm phán phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Căn cứ vào kết quả xét hỏi và xem xét các chứng cứ tại phiên toà sơ thẩm mà Hội đồng xét xử sơ thẩm có quyết định tương ứng được hướng dẫn tại mục 2 Phần II này.
2. Tại phiên toà hình sự sơ thẩm
Việc giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự tại phiên toà hình sự sơ thẩm cần phân biệt như sau:
a. Trong trường hợp thuộc điểm a mục 3 Phần I của Công văn này mà trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà và các thành viên khác của Hội đồng xét xử sơ thẩm chưa phát hiện được hoặc đã phát hiện được nhưng cho rằng có thể bổ sung được thì Hội đồng xét xử sơ thẩm phải tạm dừng phiên toà và vào phòng nghị án thảo luận, thông qua quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự. Cần chú ý là nếu qua tranh luận hoặc nghị án mới phát hiện được thì phải trở lại xét hỏi rồi mới xem xét, quyết định.
b. Trong trường hợp thuộc điểm b mục 3 Phần I của Công văn này mà trong giai đoạn chuẩn bị xét xử cũng như tại phiên toà vẫn không làm được rõ hơn và xét thấy thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại mục 2 Phần I của Công văn này thì Hội đồng xét xử sơ thẩm quyết định tách phần dân sự để giải quyết bằng vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự, khi có yêu cầu. Cần chú ý là trong trường hợp này nếu người bị hại, nguyên đơn dân dự thể hiện ý chí là không có yêu cầu giải quyết phần dân sự hoặc các bên đã tự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vấn đề này và xét thấy sự thoả thuận của họ là tự nguyện, không trái pháp luật, đạo đức xã hội, thì Hội đồng xét xử sơ thẩm ghi nhận việc đương sự không có yêu cầu hoặc sự thoả thuận đó của đương sự trong bản án hình sự sơ thẩm.
3. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án hình sự
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, nếu Toà án cấp phúc thẩm xét thấy các tài liệu, chứng cứ về phần dân sự trong vụ án hình sự chưa đầy đủ, thì căn cứ vào Điều 218 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về bổ sung, xem xét chứng cứ tại Toà án cấp phúc thẩm có quyền yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ mới, tiếp nhận những chứng cứ mới do người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị nộp bổ sung. Căn cứ vào kết quả xét hỏi và xem xét chứng cứ cũ, chứng cứ mới tại phiên toà mà Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyết định tương ứng được hướng dẫn tại mục 4 Phần II này.
4. Tại phiên toà hình sự phúc thẩm
a. Trong trường hợp thuộc điểm a mục 3 Phần I của Công văn này mà Toà án cấp sơ thẩm vẫn tiến hành xét xử, nhưng trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án hình sự cũng như tại phiên toà phúc thẩm qua xét hỏi, xem xét những chứng cứ cũ, chứng cứ mới tại phiên toà vẫn không làm rõ được, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ vào khoản 3 Điều 220 và khoản 1 Điều 222 Bộ luật Tố tụng hình sự huỷ bản án sơ thẩm để tiến hành lại tố tụng từ giai đoạn điều tra. Cần chú ý là trong vụ án có nhiều bị cáo thì chỉ huỷ bản án sơ thẩm để tiến hành lại tố tụng từ giai đoạn điều tra đối với bị cáo nào mà việc điều tra bổ sung phần dân sự có liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm hoặc đến việc xem xét tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo đó. Nếu trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án hình sự cũng như tại phiên toà phúc thẩm qua xét hỏi, xem xét chứng cứ cũ, chứng cứ mới tại phiên toà và đã làm rõ được thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyết định tương ứng mà không được huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại. Cần chú ý là trong trường hợp sửa bản án sơ thẩm, thì phải tuân thủ quy định tại Điều 221 Bộ luật Tố tụng hình sự.
b. Trong trường hợp thuộc điểm b mục 3 Phần I của Công văn này mà trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án hình sự cũng như tại phiên toà phúc thẩm vẫn không làm được rõ hơn phần dân sự và đây là do việc xác minh, thu thập chứng cứ của Toà án cấp sơ thẩm không đầy đủ, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm huỷ quyết định của bản án sơ thẩm về phần dân sự trong vụ án hình sự để xét xử sơ thẩm lại với thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm khác. Nếu xét thấy Toà án cấp sơ thẩm đã thực hiện các biện pháp để xác minh, thu thập chứng cứ, song vẫn không được và thuộc một trong các trường hợp cần tách phần dân sự trong vụ án hình sự để giải quyết bằng vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự khi có yêu cầu, nhưng Toà án cấp sơ thẩm vẫn tiến hành xét xử, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm huỷ quyết định của bản án sơ thẩm về phần dân sự trong vụ án hình sự và tách phần dân sự này để giải quyết bằng vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân dự, khi có yêu cầu.
5. Tại phiên toà giám đốc thẩm hoặc tái thẩm
a. Trong trương hợp thuộc điểm a mục 3 Phần I của Công văn này mà trong giai đoạn chuẩn bị xét xử cũng như tại phiên toà sơ thẩm và phiên toà phúc thẩm vẫn không làm rõ được, nhưng vụ án vẫn được xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm căn cứ vào khoản 3 Điều 254 và Điều 256 hoặc khoản 2 Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự, huỷ bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm để tiến hành tố tụng lại từ giai đoạn điều tra. Nếu chỉ có bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị thì huỷ bản án sơ thẩm đó để tiến hành tố tụng lại từ giai đoạn điều tra.
Nếu trong giai đoạn chuẩn bị xét xử cũng như tại phiên toà sơ thẩm hoặc tại phiên toà phúc thẩm qua xét hỏi xem xét chứng cứ đã làm rõ được, nhưng Toà án cấp sơ thẩm, Toà án cấp phúc thẩm xét xử sai thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm căn cứ vào điều luật tương ứng của Bộ luật Tố tụng hình sự huỷ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm hoặc chỉ huỷ bản án phúc thẩm để xét xử lại từ cấp sơ thẩm hoặc từ cấp phúc thẩm. Nếu bản án phúc thẩm có sai lầm, nhưng bản án sơ thẩm đúng thì chỉ huỷ bản án phúc thẩm có sai lầm và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
b. Trong trường hợp thuộc điểm b mục 3 Phần I của Công văn này và xét thấy phần dân sự chưa được làm rõ và đây là do việc xác minh, thu thập chứng cứ hoặc bổ sung chứng cứ của Toà án cấp sơ thẩm hoặc Toà án cấp phúc thẩm là không đầy đủ, thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm huỷ quyết định của bản án phúc thẩm hoặc cả quyết định của bản án sơ thẩm về phần dân sự để xét xử lại từ cấp phúc thẩm hoặc từ cấp sơ thẩm.
Nếu xét thấy Toà án cấp sơ thẩm, Toà án cấp phúc thẩm đã thực hiện các biện pháp để xác minh, thu thập chứng cứ, bổ sung chứng cứ, song vẫn không được và thuộc một trong các trường hợp cần tách phần dân sự trong vụ án hình sự để giải quyết bằng vụ án dân sự, khi có yêu cầu, nhưng Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm vẫn tiến hành xét xử, thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm huỷ quyết định của bản án phúc thẩm, quyết định của bản án sơ thẩm về phần dân sự trong vụ án hình sự và tách phần dân sự để giải quyết bằng vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự, khi có yêu cầu.
III. THỦ TỤC THỤ LÝ GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÌNH SỰ VỀ
PHẦN DÂN SỰ TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
1. Trong trường hợp Toà án cấp sơ thẩm, Toà án cấp phúc thẩm, Toà án cấp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm quyết định tách phần dân sự trong vụ án hình sự để giải quyết bằng vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự, khi có yêu cầu theo hướng dẫn tại các điểm, mục tương ứng Phần II của Công văn này, thì Toà án chỉ thụ lý để giải quyết phần dân sự khi đương sự có yêu cầu (có đơn yêu cầu hoặc đơn khởi kiện). Việc thụ lý và giải quyết vụ án được tiến hành theo thủ tục chung theo quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự.
2. Trong trường hợp Toà án cấp sơ thẩm quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc Toà án cấp phúc thẩm, Toà án cấp giám đốc hoặc tái thẩm quyết định tiến hành tố tụng lại từ giai đoạn điều tra theo hướng dẫn tại các điểm, mục tương ứng Phần II của Công văn này, thì sau khi nhận được hồ sơ do Viện kiểm sát chuyển đến Toà án cấp sơ thẩm thụ lý và chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục chung theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
3. Trong trường hợp Toà án cấp phúc thẩm huỷ quyết định của bản án sơ thẩm về phần dân sự để xét xử sơ thẩm lại; Toà án cấp giám đốc huỷ quyết định của bản án phúc thẩm hoặc cả quyết định của bản án sơ thẩm về phần dân sự để xét xử lại từ cấp phúc thẩm hoặc từ cấp sơ thẩm thì việc thụ lý, giải quyết như sau:
a. Theo quy định của pháp luật tố tụng thì Toà án quân sự không có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự. Mặt khác khi phần dân sự bị huỷ để xét xử lại từ cấp phúc thẩm hoặc từ cấp sơ thẩm, thì quyết định về trách nhiệm hình sự đã có hiệu lực pháp luật, trong một số trường hợp người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt. Để bảo đảm sự thống nhất và do đây là vụ án hình sự, nhưng chỉ bị huỷ phần dân sự để xét xử lại từ cấp phúc thẩm hoặc từ cấp sơ thẩm, cho nên Toà án đã xét xử phúc thẩm hoặc sơ thẩm vụ án đó khi nhận lại hồ sơ vụ án phải vào sổ thụ lý loại vụ án hình sự, phân công Thẩm phán chủ toạ phiên toà và chuẩn bị việc xét xử. Để bảo đảm cho việc xét xử phần dân sự đúng pháp luật, Toà án có quyền tiến hành những việc cần thiết theo quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự để xác minh, thu thập chứng cứ và quyết định việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
b. Tuy Toà án mở phiên toà xét xử vụ án hình sự, nhưng chỉ xử về phần dân sự, đồng thời khi xét xử lại vụ án hình sự về phần dân sự nếu bị đơn là người phạm tội thì họ đã bị kết án cho nên không thể buộc họ đứng trước vành móng ngựa một lần nữa (nơi chỉ dành cho bị cáo) và trong một số trường hợp bị đơn không phải là người phạm tội; do đó, để bảo đảm sự thống nhất trong các trường hợp và sự bình đẳng giữa các đương sự, mặc dù mở phiên toà xét xử vụ án hình sự, nhưng được tiến hành như phiên toà dân sự theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
c. Việc tuyên bố khi khai mạc phiên toà và ghi trong phần mở đầu của bản án, ngoài những vấn đề theo quy định chung, cần chú ý thêm cách tuyên bố và ghi như sau:
Hôm nay, ngày……… tháng……… năm………, Toà án……………………. mở phiên toà để xét xử vụ án hình sự về phần dân sự giữa:
Nguyên đơn dân sự:……………………. là bị hại hoặc là người đại diện hợp pháp của người bị hại và địa chỉ; nếu là cá nhân không phải là người bị hại hoặc cơ quan, tổ chức thì ghi rõ họ, tên cá nhân hoặc tên cơ quan, tổ chức đó và địa chỉ.
Bị đơn dân sự:……………………….. là người bị kết án trong vụ án và địa chỉ; nếu là cá nhân không phải là người đã bị kết án hoặc cơ quan, tổ chức, thì ghi họ, tên cá nhân hoặc tên cơ quan, tổ chức đó và địa chỉ.
Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề gì vướng mắc cần được giải thích, hướng dẫn thì đề nghị phản ánh cho Toà án nhân dân tối cao biết để có giải thích, hướng dẫn bổ sung kịp thời.
» Tư vấn luật hình sự
» Nghị quyết 03/ 2006/ NQ-HĐTP bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng