Cách tính bồi thường đất khi nhà nước thu hồi đất

BCách tính bồi thường đất khi nhà nước thu hồi đất. Khi Nhà nước thu hồi đất thì người có đất bị thu hồi cần quan tâm bồi thường như: Điều kiện được bồi thường, có được bồi thường về đất không, giá bồi thường, cách tính tiền bồi thường khi thu hồi đất, khi nào được bồi thường đất, khi nào bồi tiêng bằng tiền, số tiền bồi thường nhận được là bao nhiêu. 

Bồi thường đất khi nhà nước thu hồi và cách tính bồi thường đất

1. Điều kiện bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi

Khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai 2013 quy định điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với cá nhân, hộ gia đình như sau:

“1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này;…”.

Từ quy định trên, để được bồi thường về đất thì cá nhân, hộ gia đình cần đáp ứng các 2 điều kiện sau:

– Đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm. 

– Có Giấy chứng nhận QSDĐ hoặc đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận nhưng chưa được cấp.

2. Khi nào được bồi thường bằng đất, khi nào bồi thường bằng tiền?

Vấn đề này được nêu rõ tại Điều 79 Luật Đất đai 2013 và Điều 6 Nghị định 47/2014/NĐ-CP như sau: 

– Nếu thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư; trường hợp không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở thì Nhà nước bồi thường bằng tiền. 

– Khi thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân còn đất ở, nhà ở khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở. 

3. Khi nào không đủ điều kiện cấp Sổ đỏ vẫn được bồi thường?

Theo điều kiện trình bày ở trên để được bồi thường cần phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, trong đó điều kiện quan trọng nhất là phải có Sổ đỏ. Bên cạnh đó vẫn có trường hợp ngoại lệ theo quy định tại khoản 2 Điều 77 Luật Đất đai 2013, như sau:

“2. Đối với đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có Giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng, diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 129 của Luật này.”.

Từ quy định trên, mặc dù không đủ điều kiện cấp Sổ đỏ nhưng vẫn được bồi thường về đất nếu đáp ứng đủ 02 điều kiện sau:

– Đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 01/7/2004.

– Người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, người sử dụng đất cũng cần lưu ý rằng chỉ được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng và diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp.

4. Trường hợp nào không được bồi thường về đất

Theo Điều 82 Luật Đất đai 2013 quy định trường hợp không được bồi thường về đất như sau:

“1. Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 76 của Luật này;

2. Đất được Nhà nước giao để quản lý;

3. Đất thu hồi trong các trường hợp quy định tại Điều 64 và các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 của Luật này;

4. Trường hợp không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này.”.

Như vậy, các trường hợp sau đây khi Nhà nước thu hồi sẽ không được bồi thường về đất:

– Đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm; đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn tiền thuê đất, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuê do thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng.

– Đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.

– Đất nhận khoán để sản xuất nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.

5. Tiền bồi thường không tính theo giá thị trường

Người dân bị thu hồi đất đều biết quy định này, nên họ không mong muốn nếu Nhà nước thu hồi đất, do giữa giá đất bồi thường và giá đất thị trường có sự chênh lệch lớn. 

Điểm đ khoản 4 Điều 114 Luật Đất đai 2013 quy định giá đất cụ thể được sử dụng làm căn cứ tính tiền bồi thường cụ thụ khi Nhà nước thu hồi đất. Nói cách khác, giá đền bù hay giá bồi thường về đất không tính theo giá thị trường.

Giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định và so với giá đất thị trường thì giá đất cụ thể thấp hơn nhiều.

6. Cách tính tiền bồi thường khi thu hồi đất

Căn cứ điểm đ khoản 4 Điều 114 Luật Đất đai 2013, khoản 5 Điều 4 Nghị định 44/2014/NĐ-CP và khoản 4 Điều 3 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, giá đất cụ thể được xác định bằng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng đối với trường hợp tính tiền bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất được tính như sau:

Giá trị của thửa đất cần định giá (1 m2) = Giá đất trong bảng giá đất x Hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K)

Trong đó:

– Giá đất trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành ban hành áp dụng theo từng giai đoạn 05 năm. Muốn biết chính xác cần phải xem đúng địa chỉ, vị trí thửa đất (vị trí 1, vị trí 2, vị trí 3, vị trí 4).

– Hệ số điều chỉnh giá đất khi tính tiền bồi thường do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định nhưng sẽ quyết định tại thời điểm Nhà nước quyết định thu hồi.

Nói cách khác, hệ số điều chỉnh giá đất không áp dụng theo từng năm hay từng giai đoạn như đối với trường hợp tính tiền sử dụng đất khi cấp Sổ đỏ, Sổ hồng cho diện tích vượt hạn mức.

Ví dụ: Giá đất trong bảng giá đất là 20 triệu đồng, hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) là 1,30. Khi đó giá đất 1m2 được bồi thường là 26 triệu đồng.

7. Người dân được thỏa thuận về giá bồi thường không?

Tiền bồi thường về đất được tính theo giá đất cụ thể

Khoản 4 Điều 114 Luật Đất đai 2013 quy định giá đất cụ thể được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp sau: 

“… đ) Tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.”.

Như vậy, tiền bồi thường về đất do Nhà nước quyết định, người dân không có quyền thỏa thuận về giá bồi thường.

Vì sao người dân không được thỏa thuận giá bồi thường?

Khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì người có đất thu hồi không được thỏa thuận giá bồi thường vì không phải là chủ sở hữu đất đai (chỉ có quyền sử dụng đất). 

» Trình tự, thủ tục giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất

» Quy định bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất

Như vậy, người dân cần được bồi thường cần xem xét các điều kiện bồi thường, khung giá đất và hệ số bồi thường đã áp đúng chưa để bảo vệ quyền lợi cho mình.