Các trường hợp hợp đồng vô hiệu theo Bộ luật dân sự. Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của hợp đồng. khi xác lập một hợp đồng thì các bên luôn mong hợp đồng đó được thực hiện trên thực tế. Tuy nhiên hợp đồng vô hiệu vì nhiều lý do chủ quan hoặc khách quan mà hợp đồng có thể bị vô hiệu. Để có cái nhìn đúng nhất và tránh các trường hợp vô hiệu của hợp đồng, Công ty luật Chúng tôi xin tư vấn quý khách hàng về các trường hợp hợp đồng bị vô hiệu theo pháp luật hiện hành.
Mục lục bài viết
Hợp đồng vô hiệu (Không có hiệu lực). Việc hiểu rõ các quy định dẫn đến hô hiệu của hợp đồng (hợp đồng không có giá trị một phần hoặc toàn bộ) sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng một bản hợp đồng có hiệu lực và không bị vô hiệu.
Giao dịch dân sự vô hiệu cũng được quy định tại Điều 122.
“Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.” cụ thể:
Điều 117 Bộ luật dân sự quy định các điều kiện để hợp đồng có hiệu lực bao gồm:
– Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với hợp đồng được xác lập;
– Chủ thể tham gia hợp đồng phải hoàn toàn tự nguyện;
– Mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Lưu ý: Một số hợp đồng mà pháp luật quy định về hình thức hợp đồng thì hình thức hợp đồng phải theo quy định của pháp luật là một điều kiện có hiệu lực của hợp đồng.
Theo Điều 407 Bộ luật dân sự 2015:
“Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu”.
Như vậy, hợp đồng sẽ vô hiệu trong những trường hợp sau:
– Hợp đồng vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.
– Hợp đồng giả tạo.
– Hợp đồng do người không có năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện.
– Hợp đồng vô hiệu do bị nhầm lẫn.
– Hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.
– Hợp đồng do người xác lập không nhận thức và làm chủ hành vi của mình.
– Hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức.
Hợp đồng vô hiệu là những hợp đồng không tuân thủ các điều kiện có hiệu lực do pháp luật quy định nên không có giá trị pháp lý, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Vì hợp đồng là một loại giao dịch phổ biến.
Theo đó, một hợp đồng mà không đáp ứng một trong các điều kiện trên thì bị vô hiệu, cụ thể các trường hợp hợp đồng vô hiệu tại các Điều: 123, 124, 124, 126, 127, 128, 129, 130 BLDS 2015 như sau:
Hợp đồng có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì bị vô hiệu. Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu trong trường hợp này là không bị hạn chế.
Giao dịch dân sự giả tạo được hiểu là: Khi các bên xác lập hợp đồng một cách giả tạo nhằm che giấu một hợp đồng khác thì hợp đòng đó là giả tạo và bị tuyên vô hiệu, còn hợp đồng bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp hợp đồng đó cũng bị vô hiệu theo quy định của Bộ luật dân sự hoặc luật khác có liên quan.
Lưu ý: Trường hợp xác lập hợp đồng giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với bên thứ ba thì hợp đồng đó cũng bị tuyên là vô hiệu.
Như vậy, có hai trường hợp hợp đồng bị coi là giả tạo khi hợp đồng xác lập nhằm mục địch che giấu một hợp đồng khác hoặc trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba.
Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu trong trường hợp này là không bị hạn chế.
Trường hợp này hợp đồng vô hiệu do vi phạm về chủ thể tham gia hợp đồng, cụ thể, các chủ thể được liệt kê ở trên không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ phù hợp theo hợp đồng được ký kết.
Khi hợp đồng do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố hợp đồng đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật hợp đồng này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp:
Hợp đồng của người chưa đủ 06 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;
Hợp đồng chỉ làm phát sịnh quyền hoăc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện hợp đồng với họ;
Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.
Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu trong trường hợp này là 02 năm, kể từ ngày người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện hợp đồng;
Hợp đồng bị nhầm lẫn là trường hợp hợp đồng đó được xác lập khi có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập hợp đồng.
Khi phát hiện hợp đồng bị nhầm lẫn thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng đó vô hiệu trừ trường hợp: Mục đích xác lập hợp đồng của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập hợp đồng vẫn đạt được.
Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu trong trường hợp này là 02 năm, kể từ ngày người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết hợp đồng được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;
Khi một bên tham gia hợp đồng do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng đó là vô hiệu.
Lừa dối trong hợp đồng là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập hợp đồng đó.
Đe dọa, cưỡng ép trong hợp đồng là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện hợp đồng nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.
Trường hợp hợp đồng vô hiệu này là vi phạm điều kiện chủ thể tham gia hợp đồng phải hoàn toàn tự nguyện.
Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu trong trường hợp này là 02 năm, kể từ ngày người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép.
Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập hợp đồng vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng đó là vô hiệu.
Khi yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì người yêu cầu phải chứng minh và có chứng cứ chứng minh thời gian xác lập hợp đồng vào đúng thời điểm không nhận thức được hành vi của mình.
Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu trong trường hợp này là 02 năm, kể từ ngày người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập hợp đồng.
Hợp đồng vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:
– Hợp đồng đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong hợp đồng thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của hợp đồng đó.
– Hợp đồng đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong hợp đồng thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của hợp đồng đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực nữa.
Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu trong trường hợp này là 02 năm, kể từ ngày hợp đồng được xác lập trong trường hợp hợp đồng không tuân thủ quy định về hình thức.
Lưu ý:
– Hợp đồng có thể bị vô hiệu toàn bộ hoặc chỉ bị vô hiệu một phần.
Hợp đồng vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của hợp đồng vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của hợp đồng.
– Hợp đồng vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm hợp đồng được xác lập.
– Khi hợp đồng vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
– Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
– Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Hợp đồng vô hiệu là hợp đồng đã được xác lập giữa các bên, nó đã tồn tại nhưng không đáp ứng các điều kiện của hiệu lực của hợp đồng do pháp luật quy định. Theo đó, các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng quy định tại Điều 122, 127, 129, 130, 131, 134 và Điều 410 BLDS 2005. Nếu như vi phạm tại các điều kiện được quy định trên thì hợp đồng đó không có hiệu lực.
Theo như Điều 121 BLDS 2005 thì hợp đồng dân sự cũng là một trong những giao dịch dân sự. theo đó, giao dịch dân sự vô hiệu là giao dịch không có hiệu lực pháp lý và không phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự.
1. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
Cả hai bộ luật đều quy định các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự (Tại điều 117 BLDS 2015 và điều 122 BLDS2005) bao gồm:
– Điều kiện về năng lực của chủ thể
– Điều kiện về thái độ của chủ thể (tính tự nguyện)
– Điều kiện về mục đích và nội dung của giao dịch
– Điều kiện về hình thức của giao dịch (nếu có)
Mặc dù cách diễn đạt có đôi chút khác nhau song về cơ bản tất cả các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong hai bộ luật này đều giữ nguyên, trừ điều kiện về năng lực của chủ thể. Điều kiện về năng lực chủ thể trong Bộ luật dân sự 2015 quy định có sự tiến bộ hơn so với Bộ luật dân sự 2005. Bộ luật dân sự 2005 quy định: Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự. Bộ luật dân sự 2015 quy định: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập.
Thứ nhất, Bộ luật dân sự 2015 không chỉ đề cập đến năng lực hành vi dân sự mà còn đề cập đến năng lực pháp luật của chủ thể. Quy định như vậy chặt chẽ hơn so với Bộ luật dân sự 2005 vì có những trường hợp năng lực pháp luật của chủ thể có thể bị hạn chế do đó không thể mặc nhiên cho rằng mọi chủ thể đều có năng lực pháp luật như nhau khi xác lập giao dịch dân sự.
Thứ hai, Bộ luật dân sự 2015 quy định cụ thể về năng lực hành vi dân sự của chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự. Pháp luật quy định người không có năng lực hành vi dân sự thì không được xác lập giao dịch dân sự, người có năng lực hành vi dân sự nhưng không đầy đủ có thể thực hiện một số giao dịch nhất định (thường là giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày), người có năng lực hành vi dân sự được xác lập mọi giao dịch dân sự. Như vậy, tùy vào từng giao dịch dân sự cụ thể mà điều kiện về năng lực của chủ thể cũng có sự khác nhau. Như vậy, quy định như Bộ luật dân sự 2015 “Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập” hợp lý và chặt chẽ hơn so với quy định của Bộ luật dân sự 2005.
2. Gdds vô hiệu do người chưa thành niên, người mất nlhvds, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người hcnlhvds xác lập, thực hiện
Điều 130 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện”. Quy định này nhằm hướng tới bảo vệ quyền lợi cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, tuy nhiên chưa bảo đảm tôn trọng đầy đủ ý chí tự nguyện giao kết của các chủ thể này.
Bộ luật dân sự năm 2015, bên cạnh quy định quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu của người đại diện theo quy định của pháp luật, đã bổ sung những trường hợp giao dịch sẽ không bị vô hiệu bao gồm: (i) Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó; (ii) Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ; (iii) Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự. Quy định này vừa bảo đảm quyền lợi cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự vừa bảo đảm tôn trọng ý chí tự nguyện của các bên.
3. Giao dịch dân sự vô hiệu do nhầm lẫn
Về quy định giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn (Điều 126 Bộ luật dân sự năm 2015). Điều 131 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định, khi một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự mà xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó, nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu… Bộ luật dân sự năm 2015 vẫn giữ nguyên quy định tại Bộ luật dân sự năm 2005, tuy nhiên bổ sung thêm trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được. Quy định này là phù hợp, bảo đảm tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên vì nhiều trường hợp, việc nhầm lẫn khi xác lập giao dịch không ảnh hưởng tới kết quả cũng như việc đạt được mục đích xác lập giao dịch của các bên. Bộ luật dân sự năm 2015 đã loại trừ trường hợp một bên do lỗi cố ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2005. Quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 là không cần thiết, vì đã được Điều 132 quy định.
4. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuần thủ quy định về hình thức Điều 129
Về quy định giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 129 Bộ luật dân sự năm 2015). Điều 134 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định, trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu. Quy định này khi triển khai trên thực tế đã gặp nhiều vướng mắc và khó bảo đảm tính khả thi vì trong nhiều trường hợp, một trong các bên giao dịch không hợp tác để thực hiện quy định về hình thức của giao dịch – mặc dù giao dịch được giao kết trên cơ sở ý chí tự nguyện của các bên, dẫn tới giao dịch vô hiệu.
Đến nay, Điều 129 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, nhưng loại trừ trường hợp sau: (i) Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó; (ii) Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực. Như vậy, với quy định này, một giao dịch vi phạm quy định về hình thức nhưng các bên tham gia giao dịch tích cực, thiện chí thực hiện giao dịch (đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch) thì giao dịch không bị vô hiệu.
5. Thời hiệu yêu cầu toàn án tuyên bố gdds vô hiệu
Nếu như Bộ luật dân sự năm 2005 quy định thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu là 02 năm kể từ ngày giao dịch được xác lập thì đến Bộ luật dân sự năm 2015 quy định cụ thể hơn, theo đó thời hiệu là 02 năm kể từ ngày: (i) Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch; (ii) Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối; (iii) Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép; (iv) Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch; (v) Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức. Đồng thời Bộ luật dân sự năm 2015 cũng bổ sung quy định: Hết thời hiệu mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực.
Văn bản pháp luật cần tham khảo:
– Bộ luật dân sự năm 2005
– Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004
– Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTPTANDTC
Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên trong giao dịch kể từ thời điểm xác lập giao dịch đó.
Ngoài ra, khi hợp đồng dân sự vô hiệu các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Trường hợp mà bên có lỗi dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu mà gây ra thiệt hại thì căn cứ vào mức độ lỗi và mức độ thiệt hại để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng (Điều 137 BLDS 2005).
Trong trường hợp hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ các quy định về hình thức thì một trong các bên tham gia giao dịch dân sự yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu và thời hiệu yêu cầu là 2 năm, kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập.
Khi các bên có yêu cầu, thì Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định buộc các bên phải hoàn thành, bổ sung các điều kiện về hình thức của hợp đồng để hợp đồng có hiệu lực, nếu quá 01 tháng mà các bên không hoàn thành các nghĩa vụ trên thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.
Khi giao dịch dân sự vô hiệu, nếu các bên có yêu cầu giải quyết bồi thường thì Tòa án có trách nhiệm xác định thiệt hại. về nguyên tắc, một bên chỉ phải bồi thường cho bên kia khi có thiệt hại xảy ra, không có thiệt hại thì không có trách nhiệm bồi thường.
Bộ luật dân sự năm 2005 tuy có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi hợp đồng vô hiệu, tuy nhiên không cho biết thiệt hại là gì và thiệt nào được bồi thường. Một số văn bản của nước ta cũng có quy định, tuy nhiên nó lại mang tính chất cụ thể theo vụ việc. theo nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTPTANDTC về hợp đồng mua bán nhà như sau: “Khoản tiền mà bên bán phải bỏ ra để sửa chữa, khôi phục lại tình trạng ban đầu của nhà ở do bên mua đã tháo dỡ hoặc làm hư hỏng; khoản tiền mà bên mua đã đầu tư để cải tạo, sửa chữa nhà làm tăng giá trị nhà gắn liền với giá trị quyền sử dụng đất. Trong trường hợp hợp đồng mua bán nhà ở không có đặt cọc và các bên không có thoả thuận khác về việc áp dụng biện pháp phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 379 BLDS để bảo đảm thực hiện hợp đồng, thì thiệt hại còn bao gồm khoản tiền chênh lệch giữa giá nhà gắn liền với giá trị quyền sử dụng đất do các bên thoả thuận với giá nhà gắn liền với giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm xét xử sơ thẩm hoặc các thiệt hại khác, nếu có“
Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 liên quan đến chuyển quyền sử dụng đất cũng có quy định: “Khi tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu thì Toà án cần xác định thiệt hại gồm:
Khoản tiền mà bên chuyển nhượng phải bỏ ra để khôi phục lại tình trạng ban đầu của diện tích đất do bên nhận chuyển nhượng đã làm huỷ hoại đất; khoản tiền mà bên nhận chuyển nhượng đã đầu tư để cải tạo làm tăng giá trị quyền sử dụng đất, giá trị công trình, tài sản, cây lâu năm… trên đất. Trong trường hợp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có thoả thuận khác về việc áp dụng biện pháp phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 379 Bộ luật Dân sự để bảo đảm thực hiện hợp đồng thì thiệt hại còn bao gồm khoản tiền chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất do các bên thoả thuận với giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm xét xử sơ thẩm hoặc các thiệt hại khác, nếu có”
Việc xác định giá của tài sản trong giao dịch cũng là một vấn đề đáng lưu ý để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Cuối cùng là xác định lỗi của các bên trong hợp đồng. về nguyên tắc, người có lỗi gây ra thiệt hại phải bồi thường. trong đó, có thể tồn tại lỗi của một bên hoặc lỗi của hai bên. Trong trường hợp tồn tại lỗi của hai bên làm cho hợp đồng vô hiệu thì phải xác định mức độ lỗi của các bên để thấy được thiệt hại cụ thể để quy trách nhiệm bồi thường tương ứng theo lỗi của mỗi bên.
» Giải quyết khi hợp đồng vô hiệu
» Dịch vụ giải quyết tranh chấp hợp đồng
Tư vấn tranh chấp hợp đồng, giải quyết hợp đồng vô hiệu:
Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ công…
Kế toán trong lĩnh vực văn phòng luật sư, công ty luật. Lĩnh tư vấn…
Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ. Các văn bản luật…
Đăng ký đất đai lần đầu là rất quan trọng. Việc không đăng ký đất…
Một luật sư có được tham gia 2 (hai) tổ chức hành nghề luật sư…
Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng. Khi có tranh chấp về…
» Luatsubaoho.com - Tư vấn pháp luật: 0768236248 - Chat Zalo