Categories: Doanh nghiệp

Bị áp thuế xuất khẩu, Doanh nghiệp xi măng than khó

Năm 2017 được dự báo là năm các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu, do dư thừa nguồn cung và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất mặt hàng này.

Việc áp thuế xuất khẩu 5% đối với sản phẩm xi măng cũng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp ngành này càng thêm khó khăn.

Ảnh: Lê Nam – Xuất khẩu xi măng sụt giảm cả về khối lượng và giá cả.

Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp

Theo quy định tại Nghị định 100/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 và Nghị định 122/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/9/2016 thì sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản, cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên phải chịu thuế suất 5%.

Với quy định này, theo tính toán, chi phí xuất khẩu của các doanh nghiệp xi măng trong nước đã tăng thêm khoảng 4,5 USD/tấn clinker và 7,5 USD/tấn xi măng. Trong năm 2016, ngành xi măng xuất khẩu khoảng 15 triệu tấn sản phẩm, bao gồm xi măng và clinker. Ước tính giá trị xuất khẩu thu về 556 triệu USD. Với thuế suất 5% làm giảm khả năng cạnh tranh của xi măng Việt Nam dẫn tới giảm doanh số xuất khẩu, khiến tăng chi phí cho DN.

Thực tế, xuất khẩu xi măng của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn do chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ. Theo tính toán, năm 2016, Trung Quốc dư thừa khoảng 670 triệu tấn xi măng. Chỉ riêng mức dư thừa này đã gấp 9 lần tổng công suất thiết kế của Việt Nam. Với chính sách giá rẻ của Trung Quốc, xi măng Việt Nam đã “bật bãi” tại nhiều thị trường xuất khẩu truyền thống.

Không chỉ bị “loại” bởi xi măng Trung Quốc, xi măng Việt Nam cũng khó lòng cạnh tranh với xi măng của Ấn Độ, Thái Lan và Nhật Bản. Bằng chứng là lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam sụt giảm trầm trọng qua các năm. Năm 2014, Việt Nam xuất 20 triệu tấn, năm 2015 là 16,5 triệu tấn, năm 2016 là 15 triệu tấn và 6 tháng đầu năm 2017 là 9,5 triệu tấn.

Sự sụt giảm không chỉ về khối lượng mà còn cả giá xuất khẩu. Nếu năm 2014, giá xuất khẩu clinker dao động từ 38 – 40 USD/tấn, xi măng vào khoảng 55 USD/tấn, thì đến năm 2017, giá xuất khẩu clinker chỉ khoảng 30 USD/tấn, giảm 20 – 25% so với năm 2014.

Trước thực trạng thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã đề nghị Singapore nhập xi măng của các nước trong Hiệp hội Xi măng Đông Nam Á, tuy nhiên không được chấp thuận.

Áp thuế suất, doanh nghiệp từ lãi thành lỗ

Ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Tổng giám đốc Xi măng The Vissai cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, đơn vị này xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn sản phẩm, trị giá 120 triệu USD và bị thu ngay thuế khoảng 6 triệu USD. Riêng năm 2016, với lượng xi măng đã xuất khẩu, tiền thuế mà The Vissai dự kiến phải nộp là khoảng 300 tỷ đồng. Mức nộp thuế này sẽ biến doanh nghiệp từ lãi sang lỗ.

Không riêng gì Xi măng The Vissai, Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) cũng chịu áp lực lớn từ thuế. Ông Trần Việt Thắng – Tổng giám đốc VICEM cho biết, đối với doanh nghiệp sản xuất xi măng, kiểu gì cũng phải bán sản phẩm, xuất khẩu. Xuất khẩu lãi rất ít nhưng bù được chi phí cố định. Thị trường trong nước đã tiêu thụ chậm lại, xuất khẩu lại gánh thuế thì khó chồng khó.

Việc áp thuế xuất khẩu 5% đối với sản phẩm xi măng cũng đang gây tranh cãi bởi cách hiểu của ngành hải quan và các cơ quan khác không đồng nhất. Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng: “Việc đánh thuế xuất khẩu xi măng do cách hiểu về quy định tại Nghị định 122 còn khác nhau, nhưng nếu soi lại Nghị định 100 thì rõ ràng xi măng không phải chịu loại thuế này”.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW – Hà Nội cho rằng, theo biểu thuế xuất khẩu quy định tại Nghị định số 122/2016/NĐ-CP, việc khai báo mã số xi măng đang thiếu cơ sở pháp lý, bởi chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xác định vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm. Ngoài ra, việc kiểm tra tỷ lệ giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng so với giá thành sản phẩm cũng chưa quy định rõ do DN tự xác định hay các cơ quan chuyên môn thực hiện.

Mới đây, trong Báo cáo rà soát kế hoạch phát triển từng ngành công nghiệp trong quý II/2017 và năm 2017 trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng cho rằng, với thuế suất thuế xuất khẩu 5%, xi măng Việt Nam khó cạnh tranh với xi măng của Trung Quốc và các nước trong khu vực. Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Tài chính, Chính phủ và Quốc hội giảm thuế để tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy xi măng trong nước.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà có phần trả lời – theo Trung Kiên baodauthau.vn

» Tư vấn luật thuế

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo thông tư 24/2023/TT-BCA

Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ công…

Kế toán trong lĩnh vực họat động của văn phòng luật sư, công ty luật

Kế toán trong lĩnh vực văn phòng luật sư, công ty luật. Lĩnh tư vấn…

Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ

Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ. Các văn bản luật…

Một luật sư có được tham gia hai tổ chức hành nghề luật sư cùng lúc không?

Một luật sư có được tham gia 2 (hai) tổ chức hành nghề luật sư…

Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng

Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng. Khi có tranh chấp về…

» Luatsubaoho.com - Tư vấn pháp luật: 0768236248 - Chat Zalo