Bàn về tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy. Nguyễn Văn B đến nhà Phạm Đình H mua ma túy, H bán cho B 01 gói ma túy. Sau đó, H lấy ma túy ra sử dụng rồi cho B sử dụng chung. Đối với hành vi H cho B cùng sử dụng ma túy tại nhà mình. H có phạm tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” không?
Tình huống giả định: Nguyễn Văn B đến nhà Phạm Đình H mua ma túy, H bán cho B 01 gói ma túy. Sau đó, H lấy ma túy ra sử dụng rồi cho B sử dụng chung.
Về hành vi bán ma túy cho B, H đã bị xử khởi tố, điều tra về tội Mua bán rái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 251 Bộ luật hình sự.
Đối với hành vi H cho B cùng sử dụng ma túy tại nhà mình, có nhiều quan điểm xử lý như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hành vi của H đã phạm tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại Khoản 1 Điều 256 Bộ luật hình sự.
Khoản 1 Điều 256 Bộ luật hình sự quy định: Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Nhưng theo hướng dẫn tại điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP (Thông tư 17) ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999 (sau đây viết gọn là Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT), thì: b) Người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác cùng sử dụng trái phép chất ma túy tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy….
Tuy nhiên tại Điều 3 thông tư liên tịch 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày ngày 14 tháng 11 năm 2015 (gọi tắt là Thông tư 08) đã bãi bỏ điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT ghi rõ: “Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 12 năm 2015. Bãi bỏ các hướng dẫn tại điểm đ tiết 3.7 mục 3 Phần II; điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II; mục 8 Phần II của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT.”
Quan điểm thứ hai cho rằng: H không phạm tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”. Bởi lẽ:
Điểm đ Khoản 2 Mục II Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm Phan Tòa án nhân dân tối cao (Nghị quyết 02) quy định:
Người nào nghiện ma tuý cho người nghiện ma tuý khác cùng sử dụng trái phép chất ma tuý tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý;…
Mặc dù Thông tư 08 đã bãi bỏ quy định về nội dung được quy định tại Thông tư 17 như trên nhưng Nghị quyết 02 vẫn còn giá trị pháp lý.
Hơn nữa, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22/6/2015 quy định về thẩm quyền ban hành, nội dung quy phạm pháp luật như sau:
Điều 21. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành, nghị quyết để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử;
Điều 25. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao:
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành thông tư liên tịch để quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan này trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng.
Như vậy, việc áp dụng pháp luật trong xét xử cần nghiên cứu vận dụng theo hướng dẫn của Nghị quyết của Hội đồng Thẩm Phán.
Trên đây là vài ý kiến trao đổi, tác giả mong nhận được ý kiến đóng góp của các đồng chí nhằm có hướng giải quyết cho những vụ án về sau./.