Bài bào chữa tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 Bộ Luật hình sự (BLHS).
Phần quan điểm pháp lý đối với vụ án như sau:
I. Nội dung điều tra vụ án
Khoảng 11 giờ 30 phút ngày 17-9-2010, Trần Thị X là giáo viên Trường mầm non HL, X phụ trách cho 23 bé nam ăn trưa. Cháu Lê Quang V (sinh ngày 19-12-2006) không ăn, X nhắc nhở nhiều lần, cháu V không nghe. X bế cháu V mở cửa đưa cháu V vào thang máy ở tầng một, bấm nút vận hành di chuyển xuống tầng trệt. X đi nhanh xuống tầng trệt, mở cửa thang máy thấy cháu V nằm trên sàn thang máy, máu chảy ra nhiều. Sẵn có một phụ huynh đến đón con em về, X nhờ chở X và cháu V đến bệnh viện cấp cứu.
X bị truy tố và xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” (theo khoản 3 Điều 104 BLHS).
» Tư vấn về tội cố ý gây thương tích
II. Quan điểm của người bào chữa về vụ án
A. Nhận định về tội danh và khung hình phạt mà bị cáo Trần Thị X bị truy tố, xét xử
Quá trình điều tra vụ án, quan điểm xử lý hành vi phạm tội của Trần Thị X thiếu nhất quán. Ban đầu Trần Thị X bị khởi tố điều tra về tội “hành hạ người khác” (Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 435 ngày 03-11-2010 của Cơ quan CSĐT Công an quận TP). Sau đó lại thay đổi tội danh từ tội “hành hạ người khác” thành tội “cố ý gây thương tích” (quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự số 05, quyết định khởi tố bị can số 52 ngày 20-01-2011).
Có thể nói, cơ quan CSĐT Công an quận TP lúng túng, bị động trong việc xử lý vụ án. Thật vậy, việc thay đổi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can từ hành vi “hành hạ người khác” sang hành vi “cố ý gây thương tích” đều do VKSND quận TP yêu cầu, cơ quan CSĐT chỉ chấp hành thay vì đưa ra quan điểm của cơ quan CSĐT đối với vụ án.
Theo tôi, cả hai tội danh mà VKSND quận TP “chỉ đạo” cơ quan CSĐT thực hiện đều khập khiễng, thiếu khách quan và không thuyết phục. Bởi vì:
– Đối với tội “hành hạ người khác” phải thể hiện hành vi “đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình…”. Tàn ác được hiểu là hành vi gây ra sự đau đớn về thể xác (và tinh thần) đối với nạn nhân dưới các hình thức như đánh đập, bỏ đói… có hoặc không kèm theo việc chửi mắng thậm tệ, việc đối xử tàn ác thông thường phải lặp đi lặp lại.
– Đối với tội “Cố ý gây thương tích” được thể hiện qua hành vi dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác tác động lên cơ thể gây tổn thương (như ép nạn nhân tự gây thương tích, xô đẩy làm cho nạn nhân ngã va vào vật cứng…)
Hành vi của X có chăng chỉ là “vô ý gây thương tích” (theo khoản 1 Điều 108 BLHS) mà thôi.
Khái niệm vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được hiểu là hành vi vi phạm các quy tắc thông thường trong cuộc sống về đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe vì quá tự tin hoặc vì cẩu thả đã làm người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe.
B. Nhận định về tỷ lệ thương tật của cháu Lê Quang V
Trong giai đoạn điều tra vụ án, cơ quan CSĐT Công an quận TP đã hai lần trưng cầu giám định thương tật của cháu V theo yêu cầu của đại diện giám hộ:
– Lần 1: Tỷ lệ thương tật toàn bộ: 27% (hai mươi bảy phần trăm).
– Lần 2: Tỷ lệ thương tật do thương tích gây nên hiện tại là 41% (bốn mươi mốt phần trăm).
Tỷ lệ thương tật của nạn nhân ảnh hưởng tới việc định khung hình phạt trong việc truy tố, xét xử bị can, bị cáo. Quá ngỡ ngàng trước kết quả giám định chênh lệch giữa lần 1 với lần 2: kết quả giám định thương tật lần 2 tăng 14% so với kết quả giám định thương tật lần 1. Trong quá trình điều tra và trước khi xét xử, Trần Thị X đã đề nghị VKSND quận TP, rồi TAND quận TP tiến hành thủ tục trưng cầu giám định lại thương tật của cháu Lê Quang V. Tuy trước đó đã hai lần giám định nhưng đều do đại diện giám hộ bị hại yêu cầu. Yêu cầu vừa nêu là chính đáng, đề nghị Quý Tòa cho hoãn xử để trưng cầu giám định lại thương tật của cháu V.
* Tính chất hành vi phạm tội
Hành vi phạm tội của Trần Thị X do lỗi vô ý, cẩu thả và không lường trước được hậu quả xấu có thể xảy ra đối với cháu Lê Quang V. Thường thì cơ quan tiến hành tố tụng lập luận là bị can, bị cáo buộc phải biết hành vi sai trái và phải chịu trách nhiệm hậu quả xảy ra. Đối với vụ án này, cũng cần xem xét tính đặc thù của nghề chăm sóc, nuôi dạy trẻ của Trần Thị X. X là giáo viên nhà trẻ chưa được đào tạo kỹ năng nuôi dạy trẻ một cách thành thạo, nên không lường trước “nghịch cảnh” do đứa trẻ gây ra (do cháu Lê Quang V không chịu ăn). Việc đưa cháu V vào thang máy, X tưởng như vô hại chỉ nhằm mục đích để cháu V ngoan ngoãn tiếp tục ăn uống, không ngờ cháu V lại va chạm vào thang máy gây ra thương tích đáng tiếc!
Hành vi phạm tội của Trần Thị X do nông nổi, mang tính nhất thời, không hề mong muốn thương tích xảy ra cho cháu V.
* Thái độ khai báo của Trần Thị X
– Tại bản tường trình ngày 29-9-2010 (Bút lục số 293), Trần Thị X khai nhận: “Trong lúc nóng giận, không kiềm chế được mình, tôi đã bế bé V vào thang máy rồi đóng cửa lại và nhấn nút cho thang máy chạy xuống tầng trệt. Rồi tôi chạy xuống tầng trệt mở cửa ra, lúc đó tôi thấy bé bị chảy máu ở đầu, tôi hoảng sợ đã bế bé ra kêu cứu và đưa bé đi cấp cứu. Tôi không ngờ đã xảy ra thương tích cho bé như vậy. Tôi chỉ muốn hù cho bé sợ để muốn bé tốt hơn, tôi nghĩ thang máy giống với thang máy bình thường như những thang máy khác nên tôi đã làm như vậy nhưng không ngờ gây thương tích cho bé như vậy…”
– Tương tự, tại bản tự khai ngày 27-9-2010 (Bút lục số 215), Trần Thị X trình bày: “Tôi nghĩ thang máy rất an toàn, tôi chỉ muốn hù cho bé sợ để tôi có cách giúp bé tốt hơn nhưng không ngờ khi tôi chạy xuống tầng trệt mở cửa thang ra, tôi thấy bé tôi thật sự hoảng sợ và bế bé chạy đi cấp cứu. Tôi không ngờ những hành động kém suy nghĩ của tôi đã gây cho bé và nhà trường, những người thân những thiệt hại quá lớn, tôi thật sự hối hận về những hành động của mình. Tôi nói ra mong cho tâm hồn tôi được nhẹ nhàng và tinh thần tôi bình ổn một chút. Tôi xin các anh hãy hiểu. Tôi không dám cầu xin tha thứ. Tôi chỉ mong các anh hiểu là những hành động của tôi chỉ muốn giúp bé và giúp mẹ bé để mỗi sáng mẹ khỏi đi làm trễ mà thôi. Tôi xin chấp nhận những hình phạt mà pháp luật định cho tôi”…
– Tại biên bản hỏi cung bị can ngày 17-2-2011 (Bút lục số 302), Trần Thị X nhận trách nhiệm: do tôi (X) có hành vi bế cháu Lê Quang V bỏ vào thang máy vận chuyển thức ăn rồi nhấn nút để thang máy vận hành gây thương tích nặng cho bé V nên Cơ quan CSĐT Công an quận TP khởi tố đối với tôi về tội “Cố ý gây thương tích”… vào khoảng 11 giờ ngày 17-9-2010, sau khi chuẩn bị bửa ăn cho các bé học lớp chồi xong, tôi và cô giáo Ng chia lớp chồi ra thành 2 nhóm… tôi phụ trách cho nhóm các bé Nam gồm 23 người ăn. Khi đó, tôi thấy bé Lê Quang V không tự giác cầm muỗng xúc cơm ăn nên tôi có nhắc nhở bé V nhiều lần nhưng cháu V vẫn không chịu xúc ăn. Tôi đến gần xúc cơm đút cho bé V ăn nhưng bé V nhả ra 2 lần. Tức giận bé V, tôi dùng hai tay xốc nách bé V lên đưa đến cửa thang máy vận chuyển thức ăn ở tầng 1 cách nơi bé V ăn khoảng 03 – 04m, bé V không khóc hay phản ứng gì cả. Đến trước cửa thang máy, tay trái của tôi bế bé V còn tay phải tôi đưa ra nắm tay cầm mở cửa thang máy ra, bé V vẫn không khóc. Vừa mở cửa thang máy ra, tôi dùng hai tay bế bé V vào đứng trong thang máy… lúc này bé V không khóc và thang máy không có đồ vật gì khác. Sau đó, tôi dùng tay phải đóng cửa thang máy lại, rồi dùng tay phải nhấn nút vận hành thang máy di chuyển xuống đất. Khi thang máy vận chuyển thì tôi quay đi xuống tầng trệt để đón bé V nên không nghe thấy trong thang máy có tiếng bé V khóc hay tiếng va đập gì không. Tôi chỉ đi bộ hơi nhanh chứ không chạy. Khi tôi đi xuống đất, cửa thang máy ở tầng trệt thì thang máy đã xuống đến trước, tôi liền dùng hai tay kéo mở cửa thang máy ra thì thấy cháu V khóc thét lớn, bé V đang nằm trên sàn thang máy, trên người bé V có máu chảy ra nhiều, tôi liền dùng hai tay bế bé V ra khỏi thang máy thì thấy đầu bé V bị tét da đầu, tôi không kịp quan sát mà tri hô kêu cứu rồi bế bé V ra cổng trường. Vừa lúc đó có một phụ huynh đi rước con đang chờ con ở cổng trường đã chở tôi bế bé V đến Bệnh viện Phú Thọ cấp cứu. …
Thái độ khai báo của Trần Thị X là thật thà, trung thực, thành khẩn chứ không quanh co chối tội.
Đây là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS.
III. Vấn đề khắc phục hậu quả xảy ra
Ngay sau khi xảy ra vụ án, mặc dù bản thân và gia đình Trần Thị X rất khó khăn, nhờ sự giúp đỡ của nhà trường và một số phụ huynh, Trần Thị X đã chuyển giao 50.000.000 đồng cho phụ huynh cháu Lê Quang V để góp phần chi phí chữa trị cho cháu. Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, nhà trường và gia đình của Trần Thị X đã chuyển giao cho ông Lê Anh H là cha của bé Lê Quang V số tiền 90.000.000 đồng, nâng tổng số tiền mà gia đình của bé V đã nhận từ phía Trần Thị X lên 140.000.000 đồng. Cùng ngày 10-7-2011, cha mẹ của bé V là ông Lê Anh H và bà Dư Thị T là giám hộ của bé V có làm đơn xin giảm án cho Trần Thị X và xác nhận: về mặt dân sự đã thỏa thuận xong. Kính xin tòa giảm án cho cô Trần Thị X để cô sớm hòa nhập cộng đồng.
VII. Đề nghị hướng xử lý
Qua phân tích và nhận định trên, tôi đề nghị HĐXX:
– Trả hồ sơ để Viện kiểm sát xem xét chuyển tội danh từ “Cố ý gây thương tích” thành “vô ý gây thương tích”.
– Chấp nhận đơn yêu cầu của Trần Thị X xin tái giám định thương tật của cháu Lê Quang V, vì tỷ lệ thương tật của bị hại ảnh hưởng tới khung hình phạt, từ đó ảnh hưởng mức hình phạt đối với Trần Thị X, một cô gái quê lần đầu phạm tội do lỗi vô ý.
Trân trọng.
theo dragon law
» Tư vấn Tố tụng hình sự vụ án cố ý gây thương tích
» Luật sư tranh tụng các vụ án hình sự
Luật sư bào chữa tội cố ý gây thương tích:
Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ công…
Kế toán trong lĩnh vực văn phòng luật sư, công ty luật. Lĩnh tư vấn…
Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ. Các văn bản luật…
Đăng ký đất đai lần đầu là rất quan trọng. Việc không đăng ký đất…
Một luật sư có được tham gia 2 (hai) tổ chức hành nghề luật sư…
Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng. Khi có tranh chấp về…
» Luatsubaoho.com - Tư vấn pháp luật: 0768236248 - Chat Zalo