Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10/10

Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10/10. Ở Việt Nam so với các nước phát triển trên thế giới thì nghề luật sư ra đời khá muộn và định hình chậm, việc ra đời của nghề luật sư gắn liền với sự thiết lập bộ máy cai trị của người Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Thời gian này, vai trò của luật sư bị hạn chế rất nhiều bởi ý đồ chính trị của chính quyền thực dân Pháp.

Ngay sau khi cách mạng tháng tám năm 1945 thành công, cùng với việc nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời ngày 02/9/1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945, quy định về luật sư và tổ chức luật sư đầu tiên ở nước Việt Nam độc lập cho dù lúc đó Chủ tịch Hồ Chí Minh bận bộn bề với việc chống thù trong giặc ngoài. Điều đó đủ cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành sự quan tâm cho luật sư và hoạt động luật sư như thế nào. Vậy, nguyên nhân gì mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lại quan đến đến luật sư như vậy?. Lục tìm các nguồn tài liệu hiện nay, tác giả chưa thấy có công trình nào nghiên cứu một cách đầy đủ để lý giải nguyên nhân dẫn đến sự kiện lịch sử đó.

Qua tìm hiểu thân thế, sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta có thể phần nào hiểu được một số nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ban hành Sắc lệnh số 46/SL.

Lần lại hành trình đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rằng, thời gian ở Pháp, Nguyễn Tất Thành đã gặp nhà yêu nước Phan Văn Trường – một Tiến sỹ luật và là luật sư đầu tiên của Việt Nam tại Pháp, trong thời gian này, Nguyễn Tất Thành đã cùng nhà yêu nước Phan Chu Trinh ở nhà của luật sư Phan Văn Trường ở số 6 Village des Goblins và cùng tích cực nghiên cứu những luận thuyết của Mác, Ănghen và Lênin. Trong đó, luận cương của Lênin về các vấn đề thuộc địa đặc biệt được Nguyễn Tất Thành quan tâm.

Là một nhà yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu tư tưởng lớn được thể hiện trong tuyên ngôn của cách mạng Tư sản dân quyền Pháp là: “Tự do, bình đẳng, bác ái” do đó Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi tự do của con người là quyền cơ bản, con người sinh ra phải được bình đẳng, phải được quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc và đó chính là quyền con người cơ bản hay còn gọi là nhân quyền, mà luật sư là một trong những nhân tố phản ánh và thể hiện xã hội dân chủ và đảm bảo quyền con người.

Việc ra đời sự kiện lịch sử đó, phải chăng có một phần ảnh hưởng không nhỏ của việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được luật sư Lô Dơ Bai và người phó của ông là luật sư J.C. Jenkin bảo vệ, giúp đỡ thoát khỏi nhà tù của thực dân Anh và âm mưu bắt cóc của thực dân Pháp trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và hoạt động tại Hồng Kông với bí danh là Tống Văn Sơ. Qua việc tiếp xúc và nhận được sự giúp đỡ của luật sư Lô Dơ Bai Chủ tịch Hồ Chí Minh càng nhận thấy vai trò quan trọng của luật sư trong đời sống xã hội.

Hiện nay, một số học giả cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh còn xuất phát từ tư tưởng cao cả là giành độc lập và mưu cầu tự do, hạnh phúc cho nhân dân và dựa trên cơ sở là mối quan hệ sâu sắc giữa Người với luật sư Phan Văn Trường và luật sư Lô Dơ Bai, từ đó Người đã quan tâm đến luật sư và nghề luật sư ở Việt Nam.

Ngoài Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945 về tổ chức luật sư, Sắc lệnh số 163/SL ngày 23/3/1946 về tổ chức Tòa án binh cũng có quy định cho phép các bị cáo có quyền nhờ luật sư bào chữa. Tuy nhiên, trong một thời gian dài do hoàn cảnh chiến tranh mà vai trò của luật sư còn mờ nhạt trong đời sống xã hội. Nghề luật sư mới chỉ thực sự phát triển với sự ra đời Pháp lệnh luật sư 2001 và sau đó được thay thế bằng Luật luật sư 2006.

Việc ghi nhận về luật sư và tổ chức luật sư và được luật hóa bằng Sắc lệnh số 46-SL ngày 10/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các văn bản pháp luật tiếp theo đã khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước nhằm dân chủ hoá hoạt động tư pháp, đảm bảo công bằng xã hội là đúng đắn. Có thể nói sự hiện diện và phát triển của thiết chế luật sư được coi như là một tiêu chí quan trọng để khẳng định giá trị dân chủ trong xã hội nhất là trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay.

Cho dù vì những nguyên nhân hay lý do gì dẫn đến việc Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945 thì giới luật sư Việt Nam vẫn có thể nhận thấy rằng ngày 10/10/1945 đáng được ghi nhận là ngày truyền thống của luật sư Việt Nam.

theo luatsuvietnam.org.vn

Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam mùng 10 tháng 10.
Chúc các luật sư đồng nghiệp luôn vững vàng, trí tuệ, mạnh khỏe, tâm sáng, lòng trong để tiếp tục trên con đường bảo vệ lẽ phải, xây dựng một xã hội văn minh, dân chủ.

» Trở thành luật sư như thế nào?

» Luật sư tư vấn pháp luật