Tư duy đặt câu hỏi pháp lý

Tư duy đặt câu hỏi pháp lý đúng

Tư duy pháp lý là nêu các câu hỏi pháp lý (legal issue) cho một vụ tranh chấp mà mình giải quyết. Chúng gồm có:

(i) Câu hỏi pháp lý mang tính kết luận (CHPLKL);

(ii) Câu hỏi pháp lý tìm tòi mấu chốt (CHTTMC); và

(iii) Các câu hỏi giải đáp (CHGĐ).

Trong thí dụ đã nêu về người bảo lãnh bằng đất thì CHPLKL là “Đất của ông Năm có bị mất không”. Và để trả lời câu hỏi đó ta đã phân tích để có CHTTMC là “việc bảo lãnh hay hợp đồng bảo lãnh có hiệu lực không?”

Khi nêu CHPLKL như thế ta đứng về phía người bảo lãnh là người đến hỏi ta; nhưng nếu đứng về phía ngân hàng, thì CHPLKL sẽ là “ngân hàng có bán đất đi được không?” Và để trả lời câu đó thì ta cũng sẽ phân tích bằng cách “liên miên đặt câu hỏi” để rồi cuối cùng cũng có CHTTMC là “việc bảo lãnh hay hợp đồng bảo lãnh có hiệu lực không?”

Cho dễ nhớ ta có thể tưởng tượng ra một ngôi nhà. Mái của nó là CHPLKL; tường là CHTTTMC và móng nhà là các CHGĐ. CHPLKL dễ thấy. Một vụ ly dị ư? Vậy CHPLKL là “bỏ nhau được không? Hay nhiều khi chính thân chủ hỏi ta. CHTTMC là phần thân nhà. Nó khó thấy hơn; nhưng phải có nó thì mới có cái mái được. Phải tìm ra nó để trả lời cho CHPLKL. Tìm được rồi, ta phải thử xem nó có chắc chắn không; có chỗ nào dễ bị đổ không. Điều này dẫn đến các CHGĐ. Chúng có càng nhiều càng tốt, cho đến khi cạn lý lẽ. Chúng là cái móng làm chắc tường nhà. Trong một vụ tranh chấp luôn luôn có đối phương. Họ tìm cách tấn công lý lẽ của ta, bác bỏ giải đáp của ta. Vậy nếu không chắc chắn trong lập luận ta sẽ bị thua. Đó là lý do tại sao khi tư duy pháp lý ta phải “liên miên đặt câu hỏi”; và CHTTMC là câu hỏi quan trọng nhất.

Nếu mọi ngôi nhà phải có kết cấu như nhau thì tư duy pháp lý về một vụ nào đó cũng sẽ phải như thế. Điều này có nghĩa là CHTTMC trong một vụ sẽ giống nhau, dù có đứng về nguyên đơn hay bị đơn. Khi ra bản án, tòa có một CHTTMC để làm nền tảng cho giải pháp của mình. Tòa có thể không nêu nó lên nhưng giải pháp của tòa có một hàm ý là giải đáp câu hỏi đó. Câu hỏi đó đúng thì giải pháp đưa ra sẽ vững khi qua các cấp tòa khác nhau.

Ở Mỹ khi đọc hay phân tích một bản án người ta đi tìm câu hỏi này trong bản án. Vì khó khăn khi đi tìm nó trong một vụ án, tòa ở Mỹ chỉ chấp nhận cho luật sư ra tranh cãi. Họ có “legal reasoning”; không cãi càn; dễ đi đến vấn đề mấu chốt. Các câu hỏi pháp lý trong một vụ thì giống nhau, nhưng tòa có thể đưa ra các cách giải quyết khác nhau, tùy chính sách tư pháp của mỗi nước. Phương pháp tư duy của luật sư, kiểm sát viên và thẩm phán đều giống nhau; nhưng mỗi bên chọn sự kiện đáp ứng sự đòi hỏi của chức năng của mình và quyết định theo quyền hạn của mình (luật sư không có quyền hạn gì!).

Đến đây ắt có bạn hỏi nếu nêu CHTTMC không đúng thì sao? Thưa lập luận sẽ sai và giải pháp đưa ra không thuyết phục các bên có liên quan và sẽ bị kháng cáo. Tòa trên xem lại sẽ có thể bác hay sửa bản án; còn nếu đúng, tòa trên sẽ tuyên bố y án.

Để chứng minh cho điều trên, tôi xin nêu một vụ có thật lấy từ báo Pháp Luật TP.HCM, nội vụ là một câu đố. Các bạn xem các giám khảo đã nêu CHPL như thế nào. Tường thuật là của tờ báo, cho mục đích ở đây, các lý lẽ, hay câu hỏi của các giám khảo được in chữ nghiêng.

I/- Nội vụ

Chó nhà ông Anh cắn bà Ba. Ông Anh liền đưa bà Ba đến trung tâm y tế rửa vết thương và tiêm ngừa ngay lập tức. Ông Anh đã trả mọi chi phí và đưa thêm tiền xe, tiền thuốc đủ để bà Ba tiếp tục đi tiêm phòng thêm 5 mũi nữa, theo lời căn dặn của bác sĩ. Chồng bà Ba thấy vậy liền nói: “Chỗ bà con lối xóm mà chi ly tiền bạc làm chi. Vả lại, việc chó cắn cũng là ngoài ý muốn. Thôi để tôi chở bà ấy đi cho. Đừng có lo”.

Rồi chồng bà Ba có lẽ vì công việc lu bu, vả lại họ cũng không quan tâm đến việc này, nên bà Ba không đi chích ngừa như lời dặn của bác sĩ. Ba tháng sau, bà Ba lên cơn dại và chết sau đó ít hôm, để lại hai đứa con thơ. Chồng bà Ba đòi ông Anh phải bồi thường chi phí chôn cất bà Ba và trợ cấp nuôi hai đứa con cho tới khi chúng đủ 18 tuổi.

Hỏi: Trong vụ này, theo pháp luật, thì ông Anh có phải bồi thường, trợ cấp khoản tiền nào cho phía gia đình bà Ba không? Tại sao? Đây là CHPLKL.

II/- Các lý lẽ và và kết luận

Cái rắc rối đã không xảy ra tức thời. Sau khi con chó chơi miếng “cẩu xực đàn bà” thì ông Anh, chủ sở hữu vật nuôi, đã nhanh nhẹn đưa nạn nhân đi rửa vết thương, chích ngừa, thanh toán mọi chi phí tiền bạc. Chồng bà Ba vì tình nghĩa xóm giềng nhận trách nhiệm đưa vợ đi chích thuốc. Rồi cả anh và chị lơ là… ba tháng sau, hậu quả nghiêm trọng xảy ra: Bà Ba chết vì lên cơn dại, chồng bà đòi bồi thường.

Hội đồng thẩm định làm việc có 6 giám khảo. Và các vị đã thảo luận như sau.

+ Chết vì không tiêm phòng hay vì… chó cắn?

GK.A. đặt ngay vấn đề theo chiều hướng dễ gây tranh cãi: “Đầu tiên là bị chó cắn, sau đó đi tiêm phòng. Tiêm phòng không đầy đủ nên chết. Như vậy phải xét theo nguyên nhân nào là chủ yếu?

Theo tôi, bà Ba chết là do không đi tiêm phòng đầy đủ. Căn cứ theo đề, ông Anh đã thấy trước hậu quả sẽ xảy ra, bằng chứng là ông đã lập tức rửa vết thương, đưa bà Ba đi tiêm phòng và trả mọi chi phí (có đưa thêm tiền thuốc, tiền xe để bà Ba tiêm phòng đủ liều). Nhưng cũng theo đề, chồng bà Ba nói để ông lo việc đó. Ông này lại lơ là, không chở vợ đi tiêm cho đủ liều, và bà Ba chết. Vậy nguyên nhân dẫn đến cái chết là do hành vi hoàn toàn có lỗi của vợ chồng bà Ba. Vụ này nên áp dụng điều 621 BLDS (người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi) và điều 629 BLDS (người bị thiệt hại cũng hoàn toàn có lỗi gây thiệt hại cho mình)”.

Vào hướng này, không khí tranh luận “nóng” hẳn lên. GK.B: “Nói như vậy thì ông Anh chỉ có lỗi khi để con chó cắn bà Ba và không có lỗi khi bà Ba chết, tức là ông Anh không phải bồi thường thiệt hại ?”

GK.A tiếp tục suy luận theo quan hệ nhân quả này để chứng minh cho ý mình là ông Anh không phải bồi thường.

+ Người nuôi chó phải bồi thường do chó đã cắn người

Tiếp theo đó, GK.D bày tỏ dứt khoát: “Người nuôi chó phải bồi thường do chó đã cắn người khác. Luật dân sự truyền thống và hiện đại đều thống nhất về nguyên tắc: bất cứ việc gì gây thiệt hại cho người khác đều phải bồi thường. Nếu dựa vào điều 629 thì chỉ xét tình tiết lỗi hoàn toàn của người bị chó cắn để miễn trách nhiệm bồi thường của người chủ sở hữu chó khi nào người bị chó cắn đã trêu chọc chó. Lúc đó, ông Anh không phải bồi thường gì cả. Nhưng nếu không phải vậy thì người nuôi chó chỉ cần có lỗi 1% cũng phải bồi thường. Nếu chẻ vấn đề ra để bàn thì có khối cái để giả sử: Chắc gì con chó của ông Anh bị dại? Nếu nó mắc bệnh dại thì lỡ bà Ba bị cắn nặng quá, biết đâu tiêm đủ năm mũi thuốc ngừa rồi cũng chết? Trong thời gian ba tháng đó, chắc gì bà Ba không bị một con chó khác cắn? Cái chết của bà Ba có chắc là nguyên nhân do bệnh dại hay không?… Đi sâu vào giả sử thì sẽ vô cùng rắc rối. Căn cứ vào đề thi, tôi xác định nguyên nhân cái chết là do chó cắn. Ông Anh dứt khoát phải bồi thường”.

Cuộc đối thoại giữa GK.A và GK.D bắt đầu gây cấn:

– Xét về nguyên nhân (như trong đề) thì tôi khẳng định bà Ba chết là do không tiêm chủng đủ liều!

– Nếu nói vậy tức là người bị thiệt hại có lỗi 100%?

– Tôi cho do chồng bà Ba quên nên cũng có lỗi.

– Tòa tôi mà xử thì sẽ không chấp nhận chuyện đó.

– Ông Anh đến bảo bà Ba đi chích mà bà Ba không đi thì chịu trách nhiệm. Bác sĩ dặn mà không đi, người ta trả tiền rồi cũng không đi – chết, là do lỗi hoàn toàn của nạn nhân.

Thấy tình hình hơi căng, GK.B tìm cách dung hòa: “GK.D nói bà Ba chết do chó cắn, GK.A nói bà Ba chết là do chích thuốc không đúng liều. Giả định nếu bà Ba chích đủ liều thì trách nhiệm được xác định ra sao?”

GK.A trả lời ngay: “Thì cả bệnh viện và ông Anh sẽ liên đới chịu trách nhiệm. Giả sử có một người bị đâm chưa đến mức chết nhưng bệnh viện không nhiệt tình nên nạn nhân chết thì bệnh viện cũng phải liên đới chịu trách nhiệm. Tôi bảo lưu quan điểm: Nguyên nhân chết là do không tiêm đủ liều, nếu bảo rằng tiêm đủ cũng chết thì bên thú y họ kiện mình”.

Nghe vậy, GK.E liền xen vào: “Khoa học, mà cụ thể là y học, chưa bao giờ tiến tới tuyệt đối. Bác sĩ khó mà đảm bảo chắc chắn trị hết bệnh, cũng như luật sư không thể nào đảm bảo là sẽ cãi thắng kiện, trắng tội cho thân chủ mình”.

GK.A: “Lẽ ra phải mời thêm bác sĩ thú y. Tôi vẫn xác định nạn nhân chết là do tiêm phòng không đủ. Nói rằng nếu tiêm phòng đủ mà cũng có thể chết là suy đoán. Về nguyên tắc xét xử thì không thể suy đoán như vậy được”.

GK.D: “Nhưng ngay khi chó cắn thì virus đã vào trong người rồi. Chết là do chó cắn!”

GK.E đồng tình: “Xét về quan hệ nhân quả thì rõ ràng do chó cắn mà bà Ba chết”.

GK.A: “Tôi bảo lưu ý kiến…”

+ Chuyển nghĩa vụ”cho chồng bà Ba?

GK.A: “Khi ông Anh đưa đủ tiền thuốc, việc chở đi chở về phải là nghĩa vụ, chồng bà Ba đã hứa làm việc đó (theo đề cho). Ở đây, người vợ không nói tức mặc nhiên đồng ý. Nếu xác định việc chuyển nghĩa vụ xảy ra thì có thể giải quyết lỗi ở chồng bà Ba”.

GK.B: “Ý chị đặt ra vấn đề là ông Anh có nghĩa vụ chở bà Ba đi tiêm thuốc phải không?”

GK.A: “Nhưng nếu chắc chắn rằng ông ấy đã đưa tiền thì đó là chuyển nghĩa vụ”.

GK.K tỏ ý băn khoăn: “Tôi nghĩ phần chuyển nghĩa vụ dân sự này liệu có đăng ký với pháp luật chưa, vì chỉ mới là ý kiến của chồng bà Ba và việc chuyển nghĩa vụ dân sự áp dụng được không trong trường hợp này?”.

GK.D: “Đây là một lỗi xuất phát từ một hành vi trái pháp luật. Không thể chuyển một lỗi do vi phạm sang cho người khác thành một nghĩa vụ được.”…

+ Chó cắn người ta thì phải bồi thường

GK.E trở về vị trí của người ra đề, vừa cười vừa nói: “Đề đã cố đẩy hết các tình tiết có lỗi về phía bà Ba: không đi chích ngừa, chích ngừa không đủ liều… là cố ý gài cái bẫy thôi! Về mặt pháp luật, BLDS quy định rõ: Chủ sở hữu nuôi súc vật mà không bảo quản, để cắn người ta là đương nhiên có lỗi rồi, phải bồi thường thôi. Kế bên Điiều 629 (về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra) là Điều 630 (bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra): Chó cắn thì phải bồi thường, cũng như cây của anh ngã trúng người ta thì anh phải bồi thường. Ở đây cũng không cần đặt vấn đề lỗi hay không lỗi của người chủ cây. Ông Anh làm mọi việc (chích thuốc, rửa ráy…) chính là để khắc phục hậu quả của hành vi trái pháp luật của mình (nuôi chó để chó cắn người khác gây hậu quả chết người). Việc khắc phục hậu quả chỉ làm giảm bớt trách nhiệm bồi thường chứ không thể làm miễn hết trách nhiệm bồi thường của ông Anh. Dù cho ông Anh đích thân chở bà Ba đi chích ngừa đủ theo lời dặn của bác sĩ mà vẫn chết thì ông Anh cũng vẫn phải bồi thường. Trừ trường hợp người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại (như GK.D nói: chọc phá chó) thì người chủ súc vật mới không phải bồi thường, chứ đây là lỗi của vợ chồng bà Ba sau khi bà Ba đã bị chó cắn rồi”.

GK.B và GK.K nhất trí với sự dứt khoát của GK.E và GK.D. Riêng GK.A vẫn bảo lưu quan điểm.

Nhận xét

Các vị giám khảo không sử dụng 7 bước của tư duy pháp lý.

Họ không phân tích các sự kiện để tìm các câu hỏi pháp lý mà chỉ ghi nhận rồi đặt câu hỏi theo thứ tự sau: Đầu tiên là bị chó cắn- Sau đó tiêm phòng. Tiêm phòng không đầy đủ nên chết. Như vậy phải xét nguyên nhân nào là chủ yếu?

Câu hỏi nêu lên lúc đầu để xem xét cũng không đúng. Câu hỏi của nội vụ (tức là CHPLKL) là “ông Anh có phải bồi thường không và bồi thường bao nhiêu?”. Hỏi như thế thì không thể trả lời bằng cách hỏi lại rằng “bà Ba chết vì nguyên nhân gì”. Đó là hai vấn đề khác nhau: bồi thường – nguyên nhân chết. Mỗi câu hỏi có một chủ thể khác nhau: ông Anh và bà Ba. Hỏi ông Anh mà lại nêu lên bà Ba vậy là không hợp luận lý (logique).

Các lập luận đã xoáy vào cơ sở “tiêm không đủ – chết” coi đó là một quan hệ nhân quả. Từ đó dẫn đến cả bệnh viện, bác sĩ, thú y. Kết luận cuối cùng buộc ông Anh có trách nhiệm theo luật. Tất nhiên kết luận không làm hài lòng toàn thể hội đồng.

Nếu phân tích nội vụ theo cách tư duy pháp lý thì sau khi nêu CHPLKL ta sẽ phân tích nội vụ; loại bỏ các chi tiết không liên can; khái quát hóa nội vụ; các sự kiện sẽ còn lại như sau:

i) Bà Ba bị con chó của ông Anh cắn – Ông Anh đã trả đủ chi phí để bà Ba tiêm 5 mũi theo đúng như bác sĩ yêu cầu;

ii) Chồng bà Ba nói với ông Anh đại ý là để tôi chở bà ấy đi cho, đừng có lo.

iii) Bà Ba không đi chích đủ và bị chết.

Trong sự kiện (i) ta thấy ông Anh nhận trách nhiệm đầy đủ của chủ vật nuôi theo luật. Nếu ông ta nhận không đủ (khiến bà Ba chết) là vì có sự kiện (ii); lời nói “đừng có lo” của chồng bà Ba. Vậy cái chết của bà Ba (iii) có liên quan đến sự kiện (ii)

Từ các sự kiện trên, CHTTMC để trả lời cho CHPLKL là: “Câu nói của ông Ba giải trừ trách nhiệm bồi thường cho ông Anh đến mức nào, tất cả hay đa phần hay một phần?” Hỏi như thế ta không phải dẫn ra bệnh viện hay bác sĩ như các giám khảo đã nêu. Ông Ba thưa ông Anh đòi bồi thường; chứ không hỏi tại sao bà Ba chết. Ta cũng có thể đặt CHTTMC khác: ”Ông Ba đã giải trừ trách nhiệm cho ông Anh đến một mức độ nào khi nói “đừng có lo”. Tuy nhiên câu sau không hay bằng câu trước vì sẽ phải có một CHGĐ là “Chịu một phần, hay nhiều phần, hay tất cả.” Từ CHTTMC này ta sẽ có các CHGĐ như “phải bồi thường 90%, 80% hay 50% …”; dựa vào cơ sở nào, tiền lệ, hay quy định y tế …

Giải đáp mà GK.E đưa ra có tính khiên cưỡng và không đúng vì đã bỏ sót sự kiện (ii). GK.A có suy tư về mặt pháp lý, (legal sense) nhưng không đưa ra được CHTTMC để thuyết phục các vị khác! Vì thế chỉ còn bảo lưu quan điểm của mình trước kết luận của các vị kia.

Nếu giả sử bà B tiêm đủ mà chết thì sao? Đấy là một CHPLKL khác. Nó sẽ đặt ra trách nhiệm của bệnh viện chứ không phải của ông Anh.

Đến đây hẳn bạn thấy tầm quan trọng của CHTTMC và cách đặt câu hỏi cho nó trong một vụ tranh chấp.

Cũng xin nói thêm rằng, tư duy pháp lý theo bảy bước thì cần thiết cho các vụ tranh chấp, nhất là các vụ dân sự và thương mại. Nếu bạn phụ trách trả lời pháp luật hay tư vấn cho một giao dịch mà thân chủ định làm thì cách tư duy trên không cần thiết. Tuy nhiên theo lịch sử nghề nghiêp, luật sư xuất hiện khi có tranh chấp. Khi có tư duy pháp lý thì bạn có khả năng phân tích rất cao so với người thường và có cách nhìn khác họ. Cho nên dù không dùng đến nó nhưng vẫn phải có nó như là một công cụ của mình. Chiến sĩ có súng, nông dân có cuốc, luật sư có tư duy pháp lý dẫu …

Theo Nguyễn Ngọc Bích (Công ty Luật Hợp danh DC) – hcmcbar.org

» Sự kiện pháp lý

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo thông tư 24/2023/TT-BCA

Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ công…

Kế toán trong lĩnh vực họat động của văn phòng luật sư, công ty luật

Kế toán trong lĩnh vực văn phòng luật sư, công ty luật. Lĩnh tư vấn…

Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ

Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ. Các văn bản luật…

Một luật sư có được tham gia hai tổ chức hành nghề luật sư cùng lúc không?

Một luật sư có được tham gia 2 (hai) tổ chức hành nghề luật sư…

Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng

Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng. Khi có tranh chấp về…

» Luatsubaoho.com - Tư vấn pháp luật: 0768236248 - Chat Zalo