Thông tư 58/2015/TT-BCA áp dụng đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của lực lượng Cảnh sát cơ động do Bộ Công An ban hành. Quy định về tuần tra kiểm soát đảm bảo ANTT, an toàn xã hội của Cảnh sát cơ động kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu quy định xem Điều 15.
BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 58/2015/TT-BCA | Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2015 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH TUẦN TRA, KIỂM SOÁT BẢO ĐẢM AN NINH, TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG
Căn cứ Luật Công an nhân dân năm 2014;
Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012;
Căn cứ Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Tư lệnh Cảnh sát cơ động;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của lực lượng Cảnh sát cơ động.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định về thẩm quyền điều động và phân công trách nhiệm trong tuần tra, kiểm soát; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động trong tuần tra, kiểm soát; đối tượng, hình thức, trình tự thực hiện tuần tra, kiểm soát; xử lý vi phạm pháp luật và trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ trong tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của lực lượng Cảnh sát cơ động.
2. Việc tuần tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát cơ động trong trường hợp được huy động phối hợp với Cảnh sát giao thông tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Công an các đơn vị, địa phương và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc của hoạt động tuần tra, kiểm soát
1. Tuân thủ quy định của Thông tư này, các quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều lệnh Công an nhân dân; thực hiện đúng kế hoạch, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật; chủ động trấn áp người có hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ.
3. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phải sử dụng phù hiệu, trang phục theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
4. Nghiêm cấm lợi dụng tuần tra, kiểm soát để sách nhiễu, gây phiền hà nhân dân, xâm hại lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc thực hiện hành vi làm trái pháp luật khác.
Mục 1: THẨM QUYỀN ĐIỀU ĐỘNG VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM TUẦN TRA, KIỂM SOÁT
Điều 4. Thẩm quyền điều động
1. Bộ trưởng Bộ Công an có quyền điều động các đơn vị Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc.
2. Tư lệnh Cảnh sát cơ động có quyền điều động các đơn vị Cảnh sát cơ động đến cấp Tiểu đoàn thuộc quyền để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc và kịp thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an cấp tỉnh) phối hợp điều động lực lượng Cảnh sát cơ động tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn.
3. Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền điều động đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo kế hoạch, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi địa bàn quản lý và kịp thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an.
Điều 5. Trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động
1. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc lực lượng Cảnh sát cơ động thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc.
2. Chủ trì, phối hợp với Công an đơn vị, địa phương tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp khi cần thiết.
3. Tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an sử dụng lực lượng Cảnh sát cơ động tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội các khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc.
4. Tổ chức lực lượng của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động thực hiện độc lập hoặc chủ trì, phối hợp với Công an đơn vị, địa phương, lực lượng có liên quan thực hiện tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong phạm vi toàn quốc khi cần thiết.
Điều 6. Trách nhiệm của Công an cấp tỉnh
1. Giám đốc Công an cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát cơ động thuộc quyền tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong phạm vi địa bàn quản lý;
b) Phân công, tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát cơ động thuộc quyền.
2. Phòng Cảnh sát bảo vệ, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Công an thành phố Hà Nội, Công an thành phố Hồ Chí Minh và Phòng Cảnh sát Bảo vệ và cơ động Công an cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Tham mưu cho Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định bố trí các đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền;
b) Bố trí lực lượng, tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định;
c) Chủ trì, phối hợp với Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn phức tạp.
Mục 2: NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁN BỘ, CHIẾN SĨ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TUẦN TRA, KIỂM SOÁT
Điều 7. Nhiệm vụ
1. Chấp hành nghiêm sự chỉ huy, chỉ đạo của cấp trên và kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong phạm vi khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật.
3. Phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm và hành vi vi phạm khác thuộc khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn được phân công tuần tra, kiểm soát.
4. Báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức liên quan có biện pháp khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
5. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Điều 8. Quyền hạn
1. Kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu theo quy định của pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát.
2. Xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo thẩm quyền.
3. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.
4. Yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
5. Sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ phục vụ hoạt động tuần tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
6. Thực hiện quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Mục 3: ĐỐI TƯỢNG, HÌNH THỨC, TRÌNH TỰ TUẦN TRA, KIỂM SOÁT
Điều 9. Đối tượng tuần tra, kiểm soát
1. Đối tượng tuần tra gồm: khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn được phân công.
2. Đối tượng kiểm soát gồm: người, phương tiện, đồ vật, tài liệu.
Điều 10. Tuần tra, kiểm soát công khai
1. Tuần tra, kiểm soát công khai gồm:
a) Tuần tra, kiểm soát cơ động;
b) Kiểm soát tại điểm, chốt trong khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát.
2. Trường hợp kiểm soát tại một điểm, chốt phải có kế hoạch, phương án được người có thẩm quyền phê duyệt.
3. Khi tuần tra, kiểm soát công khai phải sử dụng phù hiệu, trang phục theo quy định; sử dụng phương tiện giao thông hoặc đi bộ để tuần tra, kiểm soát trong phạm vi khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn được phân công; sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Điều 11. Tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang
1. Tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm khi có yêu cầu;
b) Khi có diễn biến phức tạp về an ninh, trật tự.
2. Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang.
3. Việc thực hiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang phải có kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát được Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Giám đốc Công an cấp tỉnh phê duyệt.
Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí cán bộ hóa trang (mặc thường phục) để nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong phạm vi khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn được phân công. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Khảo sát địa bàn
Trước khi tiến hành tuần tra, kiểm soát, đơn vị Cảnh sát cơ động phải tiến hành công tác điều tra cơ bản nắm tình hình, đặc điểm có liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn và xây dựng kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát.
Điều 13. Xây dựng, phê duyệt kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát
1. Đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động từ cấp Tiểu đoàn trở lên thực hiện tuần tra, kiểm soát có trách nhiệm:
a) Xây dựng kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát trong phạm vi mục tiêu bảo vệ theo quy định;
b) Xây dựng kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát độc lập theo chỉ đạo của người có thẩm quyền hoặc trong trường hợp cần thiết và thông báo cho Công an địa phương trong khu vực, tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát để phối hợp;
c) Xây dựng kế hoạch, phương án phối hợp tuần tra, kiểm soát và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định khi có yêu cầu phối hợp tuần tra, kiểm soát của Công an đơn vị, địa phương trên khu vực, địa bàn đóng quân.
2. Đơn vị Cảnh sát cơ động Công an cấp tỉnh thực hiện tuần tra, kiểm soát có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát thường xuyên theo tháng, quý; kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát theo chuyên đề hoặc trong các đợt cao điểm;
3. Kế hoạch tuần tra, kiểm soát bao gồm các nội dung cơ bản sau: mục đích, yêu cầu; nhiệm vụ, biện pháp, phương pháp thực hiện; công tác chỉ đạo, phân công nhiệm vụ và phối hợp giữa các lực lượng; điều kiện đảm bảo; thời gian và địa điểm thực hiện.
Phương án tuần tra, kiểm soát bao gồm các nội dung cơ bản sau: khái quát và dự báo tình hình; phương châm, nguyên tắc; xác định khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn, dự kiến tình huống, biện pháp giải quyết và công tác tổ chức, sử dụng lực lượng; công tác chỉ huy, thông tin và bảo đảm các điều kiện cần thiết; tổ chức thực hiện.
4. Phê duyệt kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát
a) Tư lệnh Cảnh sát cơ động phê duyệt kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Giám đốc Công an cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát của Công an cấp tỉnh;
b) Thủ trưởng các đơn vị Cảnh sát cơ động phê duyệt kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát do đơn vị mình xây dựng;
c) Thủ trưởng cấp trên một cấp của cấp xây dựng kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát phê duyệt khi kế hoạch, phương án liên quan đến nhiều khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn.
Điều 14. Bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ thực hiện tuần tra, kiểm soát và nhiệm vụ của Trưởng ca, Tổ trưởng tổ tuần tra, kiểm soát
1. Căn cứ tình hình thực tế và kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát, Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động phân công Trưởng ca, Tổ trưởng, số lượng cán bộ, chiến sĩ trong mỗi tổ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ để tiến hành tuần tra, kiểm soát.
2. Trưởng ca tuần tra, kiểm soát là chỉ huy cấp Đại đội và tương đương trở lên, thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 7 Thông tư này và có trách nhiệm:
a) Phân công, kiểm tra quân số, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ trong ca tuần tra;
b) Kiểm tra công tác chuẩn bị trước khi làm nhiệm vụ; ra lệnh hành quân đến địa bàn làm nhiệm vụ theo đúng kế hoạch, phương án;
c) Tiếp nhận, xử lý thông tin của tổ tuần tra, kiểm soát về các tình huống xảy ra trong tuần tra, kiểm soát; báo cáo cấp có thẩm quyền khi có tình huống phức tạp xảy ra.
2. Tổ trưởng tổ tuần tra, kiểm soát là sĩ quan nghiệp vụ Công an nhân dân, thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 7 Thông tư này và có trách nhiệm:
a) Quán triệt kế hoạch, phương án tuần tra, kiểm soát, tư thế, lễ tiết, tác phong đến cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát;
b) Đôn đốc cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác chuẩn bị phục vụ cho ca tuần tra, kiểm soát, chuẩn bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và tập trung theo lệnh của Trưởng ca;
c) Nắm tình hình, chỉ huy, điều hành công việc của tổ tuần tra, kiểm soát, thực hiện nhiệm vụ đúng khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn và phân công vị trí, nhiệm vụ cho từng cán bộ, chiến sĩ; kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền;
d) Thực hiện chế độ thông tin liên lạc với cán bộ, chiến sĩ, Trưởng ca tuần tra, kiểm soát và các cơ quan liên quan khi cần thiết; báo cáo kịp thời cho Trưởng ca khi có vụ việc đột xuất, phức tạp;
đ) Tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả thực hiện ca tuần tra, kiểm soát.
Điều 15. Kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu
1. Việc kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu được tiến hành trong các trường hợp sau:
a) Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự;
b) Khi có căn cứ để cho rằng trong người, phương tiện có cất giấu đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, nếu không khám ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện đó bị tẩu tán, tiêu hủy;
c) Khi phát hiện người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, bị truy tìm.
2. Khi phát hiện các trường hợp thuộc khoản 1 Điều này thì cán bộ, chiến sĩ đang thi hành nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tiến hành xử lý theo quy định tại Điều 18, Điều 19 Thông tư này.
Điều 16. Hiệu lệnh thực hiện kiểm soát
Hiệu lệnh thực hiện kiểm soát của Cảnh sát cơ động được thực hiện bằng các hình thức sau:
1. Bằng tay, gậy chỉ huy được sử dụng khi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động tuần tra, kiểm soát công khai cơ động bằng phương tiện giao thông hoặc đi bộ.
2. Còi, loa pin cầm tay, loa điện gắn trên phương tiện tuần tra được sử dụng khi tuần tra, kiểm soát ban ngày trên phương tiện giao thông.
3. Đèn tín hiệu, biển báo hiệu, Barie hoặc rào chắn được sử dụng khi tuần tra, kiểm soát trên khu vực, địa bàn, tuyến mục tiêu phức tạp về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Điều 17. Kết thúc tuần tra, kiểm soát
1. Kết thúc tuần tra, kiểm soát, Tổ trưởng tổ tuần tra phải tổng hợp báo cáo kết quả công tác và kết quả xử lý vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong ca tuần tra, kiểm soát.
2. Tổ trưởng tổ tuần tra kiểm tra toàn bộ tài liệu, phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ bàn giao cho đơn vị theo quy định.
3. Tổng hợp tình hình có liên quan để bổ sung tài liệu liên quan đến khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn vào hồ sơ điều tra cơ bản của lực lượng Cảnh sát cơ động.
Mục 4: XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 18. Xử lý vi phạm trong tuần tra, kiểm soát
1. Khi phát hiện vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cán bộ, chiến sĩ tuần tra, kiểm soát phải ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm và nói rõ hành vi vi phạm cho người vi phạm biết.
2. Trường hợp hành vi vi phạm pháp luật là vi phạm hành chính thì cán bộ, chiến sĩ đang thi hành nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của mình; trường hợp không thuộc thẩm quyền xử phạt của mình thì lập biên bản, áp dụng các biện pháp ngăn chặn khi cần thiết và chuyển ngay cho người có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
3. Trường hợp phát hiện người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, bị truy tìm thì cán bộ, chiến sĩ đang thi hành nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phải ngăn chặn, bắt giữ, vô hiệu hóa hành vi vi phạm và báo cáo ngay người có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Điều 19. Áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự
1. Trường hợp cần ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc để bảo đảm cho việc xử lý vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cán bộ, chiến sĩ đang thi hành nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát có trách nhiệm áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật. Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn phải đảm bảo đúng thẩm quyền, đối tượng, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp người vi phạm có hành vi chống người thi hành công vụ thì áp dụng các biện pháp ngăn chặn quy định tại Điều 14 Nghị định số 208/2013/NĐ-CP ngày 17/12/2013 của Chính phủ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.
Mục 5: TRANG BỊ PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT, ĐỘNG VẬT NGHIỆP VỤ, VŨ KHÍ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ TRONG TUẦN TRA, KIỂM SOÁT
Điều 20. Trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ trong tuần tra, kiểm soát
1. Phương tiện giao thông gồm: ô tô, mô tô, tàu, xuồng và các loại phương tiện khác được lắp đặt đèn, còi phát tín hiệu ưu tiên được quyền ưu tiên theo quy định của pháp luật. Hai bên thành ô tô, tàu, xuồng tuần tra có in phù hiệu Cảnh sát cơ động phản quang; hai bên bình xăng hoặc ở sườn hai bên thùng phía sau mô tô hai bánh tuần tra có phù hiệu Cảnh sát cơ động phản quang;
2. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật gồm:
a) Máy quay camera; máy chụp ảnh, ghi âm;
b) Đèn pin chiếu sáng;
c) Phương tiện, thiết bị kỹ thuật và phương tiện khác.
3. Phương tiện thông tin liên lạc: Máy bộ đàm.
4. Động vật nghiệp vụ.
5. Vũ khí, công cụ hỗ trợ trang bị cho Cảnh sát cơ động.
6. Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác theo quy định của Bộ Công an.
Điều 21. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ
1. Đèn phát tín hiệu ưu tiên được sử dụng liên tục trong các trường hợp sau:
a) Tuần tra, kiểm soát công khai cơ động;
b) Kiểm soát tại một điểm, chốt trong khu vực, tuyến, mục tiêu, địa bàn.
2. Khi sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ quy định tại Điều 20 Thông tư này phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân trong hoạt động tuần tra, kiểm soát và pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/12/2015.
Quyết định số 910/2006/QĐ-BCA(C11) ngày 02/8/2006 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành quy trình tuần tra kiểm soát đảm bảo an ninh, trật tự của lực lượng Cảnh sát cơ động hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
1. Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động có trách nhiệm:
a) Ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể các nội dung Thông tư này và chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Thông tư và văn bản hướng dẫn cho các đơn vị có liên quan;
b) Biên soạn tài liệu tập huấn nghiệp vụ công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội cho lực lượng Cảnh sát cơ động;
c) Tổ chức tập huấn, kiểm tra, đánh giá kết quả tập huấn nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội cho các đơn vị trực thuộc và lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị Cảnh sát cơ động trong toàn quốc.
2. Giám đốc Công an cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động thuộc địa phương mình theo nội dung tài liệu tập huấn do Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động biên soạn;
b) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật và Thông tư này.
3. Các Tổng cục trưởng, Tư lệnh, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) để có hướng dẫn kịp thời./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
» Người gây ra thiệt hại nhưng không có khả năng bồi thường
Tổng hợp các lỗi bị trừ điểm giấy phép lái xe Bảng tổng hợp các…
Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ. Các văn bản luật…
Hình thức văn bản hành chính theo nghị định 30/2020/NĐ-CP hay còn gọi là thể…
Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành…
Nghị định 176/2024/NĐ-CP quy định quản lý, sử dụng kinh phí từ xử phạt vi…
Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ công…
» Luatsubaoho.com - Tư vấn pháp luật: 0768236248 - Chat Zalo