Kỹ năng viết bài bảo vệ cho người bị hại trong vụ án hình sự. Bài viết bảo vệ người bị hại là quá trình nghiên cứu, kết tinh của luật sư thông các các hoạt động từ trước giai đoạn khởi tố, qua quá trình điều tra, truy tố của viện kiểm sát (nếu có) đến giai đoạn xét xử vụ án hình sự, luật sư trình bày bản bảo vệ cho người bị hại trước phiên toà.
Trong nội dung của bài tiểu luận này, chúng ta sẽ chỉ đề cập đến “Bài bảo vệ cho người bị hại” của Luật sư trong vụ án hình sự mà thôi. Để làm rõ những nội dung có liên quan trong bài bảo vệ, chúng ta cùng nghiên cứu các khái niệm cũng như các vấn đề sau đây:
I/ NGƯỜI BỊ HẠI – NGƯỜI ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP CỦA NGƯỜI BỊ HẠI (NĐDHPCNBH):
Điều 51 BLTTHS đã định nghĩa về “Người bị hại” như sau:
1. Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra.
2. Người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền:
a) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
b) Được thông báo về kết quả điều tra;
c) Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này;
d) Đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường;
đ) Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
e) Khiếu nại quyết định; hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về phần bồi thường cũng như hình phạt đối với bị cáo.
3. Trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại quy định tại Điều 105 của Bộ luật này thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa.
4. Người bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án; nếu từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật hình sự.
5. Trong trường hợp người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của họ có những quyền quy định tại điều này. Theo thói quen đôi khi chúng ta thường hay sử dụng thuật ngữ “Phía Người Bị Hại” để chỉ “Người Đại Diện Hợp Pháp Của Người Bị Hại” trong trường hợp người bị hại đã chết trong vụ án.
II/- NHỮNG YÊU CẦU BỒI THƯỜNG TỪ NGƯỜI BỊ HẠI VÀ NĐDHPCNBH
Trong một vụ án hình sự, người bị hại là người đã có thiệt hại:
– Về mặt thể chất: có nghĩa rằng họ có thể đã bị mất đi mạng sống của mình, tổn thương sức khỏe do bị thương tật một cách tạm thời hay vĩnh viễn;
– Về mặt tinh thần: có nghĩa rằng họ đã có sự tổn thất về danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc suy sụp về tâm lý, tình cảm của cá nhân;
– Về tài sản: có nghĩa rằng họ đã bị chiếm đoạt, bị mất mát, các vật có giá trị bằng tiền và là đối tượng của quyền tài sản và các lợi ích vật chất khác. (Khái niệm về tài sản là một khái niệm rất rộng, chúng ta cũng cần phải hiểu rõ khái niệm đó dưới góc độ pháp lý để nắm bắt vấn đề một cách chính xác). Những thiệt hại nói trên là do tội phạm gây ra. Luật cũng đã quy định, người bị hại được quyền đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm cho việc bồi thường. Thông thường trong vụ án hình sự, người bị hại hoặc người đại diện HPCNBH yêu cầu được bồi thường về tài sản, về thể chất và về mặt tinh thần, mà họ đã bị thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra. Thiệt hại về mặt thể chất, thiệt hại về mặt tài sản là có thể xác định dễ dàng thông qua việc giám định thương tật của các cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng như thông qua việc xác định và đánh giá thực tế. Thiệt hại về mặt tinh thần là không đơn giản để xác định mức độ thiệt hại và đánh giá trị để bồi thường, bởi vì trên thực tế không có tiêu chí chung về mặt tinh thần để xác định cho mỗi cá nhân bởi điều kiện, hoàn cảnh của từng cá nhân là khác nhau. Bên cạnh các yêu cầu đó, các biện pháp bảo đảm cho việc bồi thường cũng là rất cần thiết và có ý nghĩa đối với người bị hại nhất là trong trường hợp việc bồi thường có tính lâu dài trong một thời gian nhất định. Cũng cần nói thêm rằng, việc yêu cầu được bồi thường của người bị hại là quyền chứ không phải là nghĩa vụ. Cho nên trong nhiều trường hợp người bị hại cũng có thể từ chối quyền của mình bằng hành vi không yêu cầu và không đề nghị mức bồi thường. Tất nhiên, ngoại trừ những yêu cầu mang tính không tưởng, phi thực tế và thiếu căn cứ sẽ không được chấp thuận, thì không phải bất cứ yêu cầu yêu cầu bồi thường nào, với mức độ nào, biện pháp bảo đảm nào, của người bị hại cũng đều được Hội đồng xét xử chấp thuận. Bên cạnh đó các Luật sư bào chữa của bị cáo ngay tại phiên tòa cũng luôn có xu hướng đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ TNDS của bị cáo trong vụ án. Vì vậy, việc bảo vệ quyền lợi của người bị hại trong vụ án hình sự là một nhiệm vụ không dễ dàng và là một hoạt động nghề nghiệp có tính kỹ năng cao của Luật sư.
III/- KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ TRONG VIỆC CHUẨN BỊ BÀI BẢO VỆ CHO NGƯỜI BỊ HẠI:
1/ Mục đích, yêu cầu của việc viết bài bảo vệ:
a) Mục đích:
Mục đích viết bài bảo vệ là giúp cho Luật sư có điều kiện xem lại các tài liệu đã thu thập, ghi chép được, nhờ đó mà hiểu thấu đáo hơn về nội dung vụ án. Khi viết cũng là lúc Luật sư cân nhắc đáng giá từng tài liệu, tình tiết, so sánh, đối chiếu và tổng hợp các chứng cứ, để phát hiện và sử dụng được các chứng cứ có lợi, bác bỏ những chứng cứ bất lợi cho thân chủ.
Trên cơ sở phân tích và tổng hợp các chứng cứ, Luật sư đưa ra các quan điểm bảo vệ sẽ toàn diện và không bỏ sót những vấn đề quan trọng. Bài bảo vệ được chuẩn bị kỹ lưỡng, sắp xếp các luận cứ một cách lô gíc, khoa học, là tài liệu cần thiết để Luật sư sử dụng trong lúc bảo vệ. Nhờ có dàn ý đã được chuẩn bị, Luật sư trình bày các vấn đề có trọng tâm, không bị bỏ sót và cũng không mang tính dàn trãi tràn lan. Nếu Luật sư chỉ tin vào trí nhớ và tài hùng biện của mình mà không chuẩn bị bài bảo vệ, thì có nhiều trường hợp vì quá say sưa trình bày về một vấn đề nào đó mà quên mất các vấn đề quan trọng khác cần phải được trình bày. Sau khi bảo vệ xong mới phát hiện ra là còn thiếu thì rất nuối tiếc. Trong thực trạng xét xử hiện nay, vấn đề thư ký phiên tòa ghi chép lại toàn bộ diễn biến của phiên tòa cũng chỉ mang tính thủ tục là chính. Nếu sau khi trình bày bài bảo vệ Luật sư gửi tài liệu đó luôn cho thư ký phiên tòa sẽ là một hành động khôn ngoan và là một kỹ năng nghề nghiệp của Luật sư. Vì vậy trong mọi trường hợp Luật sư cần thiết phải chuẩn bị bài bảo vệ.
b) Yêu cầu bài bảo vệ người bị hại:
Để có một bài bảo vệ đạt chất lượng, khi chuẩn bị viết, Luật sư cần phải quán triệt các yêu cầu sau:
– Bài bảo vệ phải có bố cục chặt chẽ, được viết ngắn gọn, rõ ràng, súc tích;
– Những vấn đề cần bảo vệ phải được ghi thành đề mục và sắp xếp chúng theo một thứ tự hợp lý;
– Các tài liệu, số liệu được sử dụng phải chính xác, bảo đảm độ tin cậy;
– Các quan điểm đề xuất phải rõ ràng, không lập lờ nước đôi, không đổ lỗi, đổ tội cho người khác để có lợi cho người mình bảo vệ, không bênh vực quyền lợi cho thân chủ của mình mà làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
2/ Những công việc chuẩn bị để viết bài bảo vệ:
a) Tổng hợp các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được:
Để viết bài bảo vệ, Luật sư phải chuẩn bị các loại tài liệu. Những loại tài liệu này gồm:
– Tài liệu, chứng cứ thu thập được từ việc nghiên cứu hồ sơ vụ án:
+ Các lời khai nhận tội của bị cáo;
+ Những lời khai chối tội của bị cáo nhưng rất mâu thuẫn với các chứng cứ khác của vụ án;
+ Những lời khai buộc tội bị cáo của những người làm chứng, người bị hại;
+ Các tài liệu xác định vật chứng của vụ án;
+ Các tài liệu về chứng thương, giám định;
+ Các tài liệu chứng minh yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại như chứng từ, hóa đơn, biên nhận…
– Các tài liệu, chứng cứ mới được thu thập bổ sung:
+ Các tài liệu ghi chép được khi Luật sư gặp bị can, bị cáo;
+ Các tài liệu Luật sư thu thập được từ việc tiếp xúc với thân nhân gia đình người bị hại…
– Các tài liệu và văn bản pháp luật có liên quan:
+ Bộ luật hình sự;
+ Bộ luật tố tụng hình sự;
+ Nghị quyết của HĐTP TANDTC, Nghị định chính phủ, Thông tư liên tịch, và các văn bản dưới luật khác có liên quan đến việc bảo vệ của Luật sư.
b) Đánh giá phân tích tài liệu, chứng cứ:
Là người bảo vệ cho quyền lợi của người bị hại, Luật sư phải nghiên cứu các tài liệu và chứng cứ nói trên, để đánh giá và phân tích, từ đó đưa ra những kết luận về những nội dung, tình tiết có lợi cho thân chủ của mình, như là:
– Xác định hành vi phạm tội của bị cáo, xác định tội danh và khung hình phạt cho bị cáo
– Xác định những thiệt hại thực tế đã xảy ra;
– Xác định những tình tiết thể hiện việc yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của người bị hại hoặc người ĐDHPCNBH là hợp lý, đúng đắn, chính xác và có căn cứ.
3/ Xác định định hướng viết bài bảo vệ:
a) Xác định hình thức viết:
Tùy thuộc vào tính chất của vụ án là phức tạp hay đơn giản, số lượng bị cáo nhiều hay ít, các tài liệu chứng cứ trong vụ án là đầy đủ hay con thiếu, phù hợp hay có mâu thuẫn với nhau, bị cáo nhận tội hay không nhận tội… mà bài bảo vệ của Luật sư cần được viết chi tiết hay chỉ ở dạng dàn ý và nó được gửi đến Tòa án để Tòa án có điều kiện xem xét kỹ từng tình tiết nội dung yêu cầu của người bị hại mà Luật sư nêu ra hay chỉ là tài liệu mà Luật sư sẽ sử dụng tại tòa. Trong trường hợp cần gửi trước cho HĐXX thì Luật sư bắt buộc phải viết hoàn chỉnh bài bảo vệ.
b) Xác định định hướng bảo vệ:
Đây là công việc khá phức tạp của Luật sư, là một bài toán quan trọng mà Luật sư phải có một lời giải hợp lý đúng đắn khẳng định sự thành công hay thất bại của Luật sư trong vụ án. Tùy thuộc vào chứng cứ của vụ án và việc Luật sư phải bảo vệ cho đương sự nào trong vụ án mà Luật sư xác định định hướng bảo vệ cho phù hợp. Nếu bảo vệ cho người bị hại, Luật sư phải xác định định hướng bảo vệ theo hướng làm rõ TNHS của bị cáo, trên cơ sở đó mới yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại một cách chính xác đầy đủ cho thân chủ của mình. Việc làm rõ TNHS của bị cáo có thể theo hướng đề nghị tăng nặng TNHS như yêu cầu xem xét khung hình phạt khác nặng hơn, trả hồ sơ điều tra bổ sung để truy tố theo tội danh khác nặng hơn, nếu thấy cáo trạng truy tố không đúng. Trong nhiều trường hợp, định hướng bảo vệ sẽ theo hướng công nhận cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội, nên buộc bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà bị cáo đã gây ra cho người bị hại. Định hướng bảo vệ phải dứt khoát rõ ràng thống nhất từ đầu đến cuối không lưng chừng khập khểnh nước đôi.
4/ Cơ cấu bài bảo vệ cho người bị hại:
Bài bảo vệ phải có cơ cấu thống nhất với nhau và gồm ba phần: Phần mở đầu; Phần nội dung và Phần kết luận.
a) Phần mở đầu:
– Giới thiệu: Luật sư tự giới thiệu về mình, về cơ sở hành nghề luật sư, về Đoàn luật sư mà mình đăng ký hoạt động nghề nghiệp luật sư.
– Lý do tham dự phiên tòa: Luật sư nêu lý do và căn cứ mà mình tham gia phiên tòa.
b) Phần nội dung:
– Phân tích TNHS của bị cáo:
+ Nếu VKS truy tố đúng người đúng tội, đúng với nhận định phân tích của Luật sư thì Luật sư cũng cần phải nêu ý kiến, đề nghị HĐXX chấp nhận việc truy tố của VKS.
+ Nếu VKS truy tố chưa đúng người đúng tội, chưa đúng với phân tích của Luật sư thì Luật sư cũng phải nêu quan điểm của mình, nếu cần thiết thì đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
– Phân tích TNDS của bị cáo:
+ Phân tích chứng minh thiệt hại của thân chủ là có thật, do chính hành vi của bị cáo gây ra, hành vi của bị cáo là hành vi trái pháp luật.
+ Việc yêu cầu bồi thường của người bị hại là có căn cứ.
c) Phần kết luận:
– Tóm tắt lại những nội dung chính đã trình bày, không cần thiết phải lập lại toàn bộ nội dung, nội dung lập lại phải không mâu thuẫn với nội dung đã trình bày;
– Đưa ra những đề xuất cụ thể về cách giải quyết vụ án theo hướng có lợi nhất cho thân chủ của mình với Hội đồng xét xử.
KẾT LUẬN
Tóm lại, “Bài bảo vệ cho người bị hại” của Luật sư trong vụ án hình sự là một văn bản được sử dụng trong phần tranh luận tại phiên tòa với mục đích nhằm bảo vệ quyền lợi của người bị hại trong chính vụ án hình sự đó. Bài bảo vệ là một tài liệu quan trọng kết tinh công sức của Luật sư. Thể hiện kết quả của một quá trình tích cự nghiên cứu, khai thác, đánh giá, phân tích hồ sơ tài liệu của vụ án, để tìm ra những những tình tiết, những chứng cứ quan trọng cần thiết phục vụ cho việc bảo vệ quyền lợi của người bị hại là thân chủ của Luật sư trong vụ án.Với nội dung và tính chất quan trọng như vậy, Luật sư cần phải có sự đầu tư đúng mức và chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nội dung và hình thức cho bài bảo vệ. Việc chuẩn bị bài bảo vệ và thực hiện nó một cách hoàn chỉnh, hiệu quả, cũng chính là một phần trong hệ thống kỹ năng trong hoạt động nghề nghiệp của Luật sư. Cuối cùng, do thời gian để viết bài tiểu luận này là không nhiều, bên cạnh đó lịch học, lịch thi, lịch diễn án của Học viện tư pháp là khá dầy đặt cho lớp đào tạo nghề luật sư tại HVTP, cho nên những nội dung mang tính kỹ năng viết bài bảo vệ cho người bị hại, của Luật sư trong vụ án hình sự mà tôi vừa nêu ở trên, chỉ mang tính mô tả là chủ yếu.
» Luật sư bào chữa vụ án hình sự
» Luận cứ bảo vệ cho người bị hại trong vụ án cố ý gây thương tích
Tổng hợp các lỗi bị trừ điểm giấy phép lái xe Bảng tổng hợp các…
Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ. Các văn bản luật…
Hình thức văn bản hành chính theo nghị định 30/2020/NĐ-CP hay còn gọi là thể…
Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành…
Nghị định 176/2024/NĐ-CP quy định quản lý, sử dụng kinh phí từ xử phạt vi…
Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ công…
» Luatsubaoho.com - Tư vấn pháp luật: 0768236248 - Chat Zalo