Đối chất là biện pháp điều tra theo tố tụng hình sự được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên thực hiện dưới hình thức cho hai hay nhiều người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự đã được khởi tố, cùng một lúc tham gia tranh luận và chất vấn lẫn nhau dưới sự hướng dẫn trực tiếp của người tiến hành tố tụng nhằm làm rõ những tình tiết mâu thuẫn trong lời khai trước đó của họ.
1. Quy định về đối chất theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
Căn cứ theo Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:
“1. Trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai người hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì Điều tra viên tiến hành đối chất. Trước khi tiến hành đối chất, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc đối chất. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc đối chất. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản đối chất.
2. Nếu có người làm chứng hoặc bị hại tham gia thì trước khi đối chất Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối. Việc này phải ghi vào biên bản.
3. Khi bắt đầu đối chất, Điều tra viên hỏi về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất, sau đó hỏi họ về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Sau khi nghe đối chất, Điều tra viên có thể hỏi thêm từng người.
Trong quá trình đối chất, Điều tra viên có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan; có thể để cho những người tham gia đối chất hỏi lẫn nhau; câu hỏi và trả lời của những người này phải ghi vào biên bản.
Chỉ sau khi những người tham gia đối chất đã khai xong mới được nhắc lại những lời khai trước đó của họ.
4. Biên bản đối chất được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này. Việc đối chất có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
5. Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể tiến hành đối chất. Việc đối chất được tiến hành theo quy định tại Điều này.”
2. Bình luận quy định về đối chất theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
Đối chất là biện pháp điều tra theo tố tụng hình sự được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên thực hiện dưới hình thức cho hai hay nhiều người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự đã được khởi tố, cùng một lúc tham gia tranh luận và chất vấn lẫn nhau dưới sự hướng dẫn trực tiếp của người tiến hành tố tụng nhằm làm rõ những tình tiết mâu thuẫn trong lời khai trước đó của họ.
Đối chất là biện pháp điều tra được áp dụng trong trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người tham gia tố tụng hình sự. Căn cứ vào khoản 1, Điều 166, Bộ luật tố tụng hình sự, đối chất chỉ có thể được tiến hành giữa những người có tư cách là người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự được khởi tố và đồng thời phải là những người đã có lời khai về các tình tiết của vụ án cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Không thể có đối chất giữa những người chưa có lời khai, hoặc những người không buộc phải khai báo trước các cơ quan tiến hành tố tụng.
Mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người về những tình tiết, những vấn đề có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án là căn cứ trực tiếp để Điều tra viên, Kiểm sát viên tiến hành cho đối chất giữa những người này. Mâu thuẫn ở đây là sự trái ngược nhau, phủ định lẫn nhau giữa những lời khai mang nội dung thông tin về cùng một hoặc một số tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.
Quy định biện pháp đối chất, nhà làm luật đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trước khi nhận định lời khai của những người tham gia tố tụng phải kiểm tra kỹ tất cả các tài liệu đã có và xác định chính xác tình tiết khách quan, loại trừ những nhầm lẫn trong thu thập, đánh giá chứng cứ, nhận thức đúng sự thật khách quan của vụ án, kết luận đúng đắn, có đầy đủ căn cứ về hành vi phạm tội của bị can.
Điều luật quy định trường hợp có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người thì tiến hành đối chất. Điều đó có nghĩa là chỉ cần có mâu thuẫn lời khai của hai người là có căn cứ để tiến hành đối chất. Điều luật không quy định những người nào, nhưng quy định có sự mâu thuẫn trong lời khai, điều đó cho phép hiểu rằng chỉ đối chất giữa những người tham gia tố tụng mà những người đó đã được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên lấy lời khai từ trước. Như vậy, việc đối chất có thể tiến hành giữa bị can với bị can; giữa bị can với người bị tình nghi, người bị tạm giữ, người làm chứng, người bị hại; giữa người bị hại với người làm chứng; giữa người làm chứng với nhau…
Điều luật quy định: nếu có người làm chứng hoặc người bị hại tham gia đối chất thì trước tiên Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối.
Sở dĩ quy định điều đó là vì những người làm chứng hoặc người bị hại có thể ngại khai báo, hoặc chịu sức ép tâm lý do quan hệ gia đình hàng thuộc, hoặc sự đe dọa từ phía những người thực hiện tội phạm, sợ bị liên lụy mà trốn tránh khai báo; những người làm chứng hoặc người bị hại cũng có thể vì động cơ vụ lợi, trả thù… mà trong quá trình tham gia đối chất đưa ra những thông tin không phù hợp thực tế khách quan. Việc từ chối khai báo hoặc trốn tránh khai báo của người bị hại, người làm chứng nếu không có lý do chính đáng sẽ bị truy tố theo Điều 383 của Bộ luật hình sự. Người làm chứng khai báo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 382 của Bộ luật hình sự. Lý do được coi là chính đáng trong trường hợp từ chối khai báo về những đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật hình sự và khoản 2 Điều 383 Bộ luật hình sự.
Chỉ có những người bị hại, người làm chứng mới phải giải thích trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối. Bởi vì những người tham gia tố tụng khác như người bị tình nghi, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa và họ không buộc phải chịu trách nhiệm về những hành vi quy định tại Điều 382 của Bộ luật hình sự.
Việc giải thích về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng, người bị hại tham gia đối chất phải được ghi vào biên bản.
Việc đối chất phải được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Điều luật quy định trình tự mà Điều tra viên phải tuân thủ khi tiến hành đối chất. Khi bắt đầu đối chất, Điều tra viên hỏi về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất, sau đó hỏi họ về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Điều tra viên phải hỏi từng người tham gia đối chất về mối quan hệ giữa họ với tất cả mọi người khác (người này có biết người kia không, vì sao mà biết, ai giới thiệu cho họ biết…). Sau đó, Điều tra viên hỏi về những sự việc, tình tiết cần làm sáng tỏ. Điều tra viên có thể cho từng người tự trình bày lời khai của mình; có thể hỏi xen kẽ trong quá trình đang đối chất; hỏi thêm từng người. Trong trường hợp cần thiết, Điều tra viên có thể cho hai người tham gia đối chất hỏi nhau, chất vấn nhau về các vấn đề còn mâu thuẫn. Những câu hỏi và trả lời phải được ghi đầy đủ vào biên bản.
Theo quy định tại Điều luật, chỉ sau khi những người tham gia đối chất đã trả lời những câu hỏi của Điều tra viên hoặc đã hỏi và trả lời nhau xong, Điều tra viên mới được nhắc lại những lời khai báo trước đây của họ. Điều này nhằm bảo đảm tính khách quan. Sau khi nhắc lại lời khai trước đây, Điều tra viên có thể yêu cầu họ giải thích thêm về những mâu thuẫn so với lời khai trước đây. Tất cả những điều đó phải được ghi rõ trong biên bản đối chất. Điều tra viên có thể yêu cầu những người đối chất phát biểu ý kiến, nói rõ lý do thay đổi lời khai (nếu có).
Biên bản đối chất phải lập theo qui định tại Điều 133, Điều 178 và Điều 184 của Bộ luật tố tụng hình sự.
Điều tra viên lập biên bản phải đọc lại biên bản cho những người có mặt cùng nghe và giải thích cho những người tham gia đối chất quyền của họ được bổ sung và nhận xét về biên bản. Những thủ tục này cùng với những nhận xét của người tham gia đối chất phải được ghi rõ vào biên bản. Biên bản đối chất phải được tất cả những người có mặt cùng ký. Trong trường hợp có người tham gia đối chất từ chối ký vào biên bản thì việc đó phải được ghi vào biên bản và nêu rõ lý do.
Nếu có những điểm yêu cầu sửa chữa, bổ sung thì Điều tra viên, phải ghi bổ sung và phải được người đề nghị bổ sung, sửa đổi ký xác nhận. Nếu có người đối chất không biết chữ thì Điều tra viên yêu cầu họ điểm chỉ vào biên bản ở phần dành cho chữ ký của họ.
Căn cứ vào Điều 42 Bộ luật tố tụng hình sự, Kiểm sát viên, được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra, xét xử vụ án hình sự, trong quá trình thực hiện chức năng của mình mà thấy vẫn còn những mâu thuẫn giữa các lời khai phản ánh trong hồ sơ vụ án mà xét thấy Cần phải làm sáng tỏ thì có thể tiến hành cho đối chất. Việc Kiểm sát viên tiến hành cho đối chất cũng được tiến hành theo quy định tại Điều này.
» Bị can, Bị cáo có những quyền gì?
» Người bị tạm giữ có những quyền gì?
Tổng hợp các lỗi bị trừ điểm giấy phép lái xe Bảng tổng hợp các…
Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ. Các văn bản luật…
Hình thức văn bản hành chính theo nghị định 30/2020/NĐ-CP hay còn gọi là thể…
Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành…
Nghị định 176/2024/NĐ-CP quy định quản lý, sử dụng kinh phí từ xử phạt vi…
Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ công…
» Luatsubaoho.com - Tư vấn pháp luật: 0768236248 - Chat Zalo