Việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu, quản lý chất lượng, kiểm nghiệm phân bón hữu cơ, phân bón khác
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/2014/TT-BNNPTNT | Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2014 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 202/2013/NĐ-CP NGÀY 27 THÁNG 11 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ PHÂN BÓN THUỘC TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trồng trọt;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn thi hành một số nội dung thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
1. Việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu, quản lý chất lượng, kiểm nghiệm phân bón hữu cơ, phân bón khác;
2. Việc lấy mẫu phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ, phân bón khác (sau đây gọi chung là phân bón), khảo nghiệm phân bón, hạn mức sản xuất, nhập khẩu phân bón để khảo nghiệm và sử dụng phân bón.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan tới sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu, quản lý chất lượng, kiểm nghiệm phân bón hữu cơ, phân bón khác.
2. Tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan tới lấy mẫu phân bón, khảo nghiệm phân bón và sử dụng phân bón tại Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Phân hữu cơ là loại phân bón được sản xuất từ nguồn nguyên liệu hữu cơ, có các chỉ tiêu chất lượng đạt quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
2. Phân bón khác là hỗn hợp của phân hữu cơ và phân vô cơ và các loại phân bón dưới đây:
a) Phân bón hữu cơ khoáng là loại phân bón có chất hữu cơ được bổ sung ít nhất một chất dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng;
b) Phân bón khoáng hữu cơ là loại phân bón có ít nhất một chất dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng được bổ sung chất hữu cơ;
c) Phân bón hữu cơ vi sinh là loại phân bón có chất hữu cơ được bổ sung ít nhất một loại vi sinh vật có ích;
d) Phân bón hữu cơ sinh học là loại phân bón có chất hữu cơ và ít nhất một chất có nguồn gốc sinh học;
đ) Phân bón sinh học là loại phân bón được sản xuất bằng công nghệ sinh học hoặc có nguồn gốc tự nhiên có chứa ít nhất một trong các chất có nguồn gốc sinh học sau: axít humic, axít fulvic, axít amin, vitamin hoặc các chất sinh học khác;
e) Phân bón vi sinh vật là loại phân bón có ít nhất một loại vi sinh vật có ích;
g) Phân bón có chất giữ ẩm là loại phân bón hữu cơ hoặc phân bón khác quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e khoản này được phối trộn với chất giữ ẩm;
h) Phân bón có chất tăng hiệu suất sử dụng là loại phân bón hữu cơ hoặc phân bón khác quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, g khoản này được phối trộn với chất làm tăng hiệu suất sử dụng, có tác dụng tiết kiệm lượng phân bón sử dụng ít nhất là hai mươi phần trăm;
i) Phân bón có khả năng tăng miễn dịch cây trồng là loại phân bón hữu cơ hoặc phân bón khác quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, g, h khoản này có chứa chất làm tăng miễn dịch của cây trồng đối với các điều kiện ngoại cảnh bất thuận hoặc với các loại sâu bệnh hại;
k) Phân bón có chất điều hòa sinh trưởng là phân bón hữu cơ hoặc phân bón khác quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i khoản này được bổ sung một hoặc nhiều chất điều hòa sinh trưởng có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, có tổng hàm lượng các chất điều hòa sinh trưởng £ 0,5%;
l) Phân bón đất hiếm là loại phân bón trong thành phần có chứa các chất Scandium (số thứ tự 21), Yttrium (số thứ tự 39) và các nguyên tố trong dãy Lanthanides (số thứ tự từ số 57-71: Lanthanum, Cerium, Praseodymium, Neodymium, Promethium, Samarium, Europium, Gadolinium, Terbium, Dysprosium, Holmium, Erbium, Thulium, Ytterbium, Lutetium) trong bảng tuần hoàn Mendêleép;
m) Phân bón cải tạo đất là loại phân bón chứa những chất có tác dụng cải thiện tính chất lý, hóa, sinh học của đất tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển.
3. Chỉ tiêu chất lượng chính là chỉ tiêu chất lượng quyết định tính chất, công dụng của phân bón hữu cơ và phân bón khác được quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, trong thời gian quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa được ban hành thì thực hiện theo quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Phân bón rễ là các loại phân bón được bón trực tiếp vào đất hoặc vào nước để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua bộ rễ.
5. Phân bón lá là các loại phân bón được tưới hoặc phun trực tiếp vào lá hoặc thân để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua thân lá.
6. Chất giữ ẩm là những chất tự nhiên hay nhân tạo có khả năng làm tăng sức giữ ẩm của đất cho cây trồng.
7. Chất tăng hiệu suất sử dụng là chất làm tăng hiệu quả sử dụng các yếu tố dinh dưỡng cho cây trồng.
8. Yếu tố hạn chế có trong phân bón hữu cơ hoặc phân bón khác là những yếu tố có nguy cơ gây độc hại, ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường gồm:
a) Kim loại nặng: Arsen (As), cadimi (Cd), chì (Pb) và thủy ngân (Hg);
b) Vi khuẩn gây bệnh: E. coli và Salmonella.
Chương II
SẢN XUẤT, KINH DOANH, XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC
Điều 4. Hướng dẫn thực hiện một số điều kiện sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác
Điều kiện sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản 2 Điều 8 Nghị định 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón (sau đây gọi tắt là Nghị định số 202/2013/NĐ-CP) được quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác. Trong thời gian quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa được ban hành thì thực hiện theo quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 5. Cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác
1. Hồ sơ cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác
Tổ chức, cá nhân gửi một bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp cho Cục Trồng trọt, hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản sao chụp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong đó có ngành nghề sản xuất phân bón;
c) Bản sao chứng thực hoặc bản sao mang theo bản chính để đối chiếu Giấy chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác do Tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định cấp;
Trường hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác chưa được ban hành hoặc chưa có tổ chức chứng nhận được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Cục Trồng trọt chỉ định thì nộp tài liệu chứng minh việc đáp ứng các quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này;
d) Bản sao chụp Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Thông báo về việc chấp nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của cơ quan có thẩm quyền hoặc Bản cam kết bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất theo quy định tại Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường;
đ) Bản sao chụp giấy tờ, tài liệu chứng minh việc đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống cháy nổ;
e) Bản sao chụp Kế hoạch an toàn – vệ sinh lao động theo mẫu tại Phụ lục số 2 của Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 10 tháng 01 năm 2011 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác an toàn – vệ sinh lao động trong cơ sở lao động;
g) Danh sách đội ngũ quản lý, kỹ thuật, điều hành và danh sách người lao động trực tiếp sản xuất được huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức về phân bón hữu cơ, phân bón khác theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Việc huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức về phân bón hữu cơ, phân bón khác cho người lao động trực tiếp sản xuất không phải cấp chứng chỉ và do đơn vị có chức năng hoặc doanh nghiệp tổ chức theo chương trình, nội dung huấn luyện, bồi dưỡng do Cục Trồng trọt ban hành khi Thông tư này có hiệu lực.
2. Trình tự, thời gian cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác
a) Trường hợp nộp trực tiếp, Cục Trồng trọt trả lời ngay về tính hợp lệ của hồ sơ; trường hợp nộp qua đường bưu điện thì trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ, Cục Trồng trọt thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác chỉnh sửa hoặc bổ sung;
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt kiểm tra, thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện. Trường hợp không cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác, Cục Trồng trọt phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Mẫu Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác
a) Mẫu Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác có nội dung theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Cách ghi mã số Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác theo quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 6. Cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác
1. Hồ sơ cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác
Tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp cho Cục Trồng trọt, hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản chính Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác, trừ trường hợp bị mất.
2. Trình tự, thời gian cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác:
a) Trường hợp nộp trực tiếp, Cục Trồng trọt trả lời ngay về tính hợp lệ của hồ sơ; trường hợp nộp qua đường bưu điện thì trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ, Cục Trồng trọt thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác chỉnh sửa hoặc bổ sung;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Trồng trọt kiểm tra, thẩm định hồ sơ và cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện. Trường hợp không cấp lại Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác, Cục Trồng trọt phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Mẫu Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác được cấp lại theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 của Thông tư này.
Điều 7. Điều chỉnh Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác
1. Hồ sơ đề nghị điều chỉnh Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác
Tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị điều chỉnh Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp cho Cục Trồng trọt, hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị điều chỉnh Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Bản chính Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác;
c) Trường hợp đề nghị điều chỉnh nội dung về đăng ký doanh nghiệp hoặc địa điểm hoặc thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân đăng ký: nộp Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã được sửa đổi;
d) Trường hợp đề nghị điều chỉnh về điều kiện hoạt động, công suất sản xuất: nộp Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác. Trường hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa được ban hành hoặc chưa có tổ chức chứng nhận được chỉ định thì nộp tài liệu chứng minh các nội dung đề nghị điều chỉnh đáp ứng quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này;
đ) Trường hợp đề nghị điều chỉnh bổ sung về chủng loại, danh mục tên phân bón sản xuất: nộp quyết định của cơ sở có phân bón hữu cơ và phân bón khác về việc đưa phân bón hữu cơ và phân bón khác đã qua khảo nghiệm vào sản xuất hoặc Bản sao chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc chuyển giao phân bón hữu cơ và phân bón khác từ tổ chức, cá nhân khác;
e) Trường hợp đề nghị đổi tên phân bón sản xuất khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu phân bón từ tổ chức, cá nhân khác: nộp bản sao chứng thực hợp đồng chuyển nhượng phân bón từ tổ chức, cá nhân khác;
g) Trường hợp phân bón bị loại bỏ trên thị trường: nộp bản sao chứng thực quyết định loại bỏ phân bón hữu cơ hoặc phân bón khác trên thị trường của cơ quan có thẩm quyền;
h) Trường hợp tổ chức, cá nhân tự đề nghị loại bỏ: nộp đơn đề nghị loại bỏ đối với loại phân bón hữu cơ và phân bón khác không tiếp tục sản xuất.
2. Đối với các giấy tờ quy định tại điểm c, d, đ, e, g Khoản 1 Điều này nếu nộp bản sao chụp thì phải mang theo bản chính để đối chiếu.
3. Trình tự, thời gian điều chỉnh Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Thông tư này.
4. Mẫu Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác sau khi điều chỉnh theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 của Thông tư này.
Điều 8. Hướng dẫn thực hiện điều kiện kinh doanh phân bón hữu cơ và phân bón khác
Các quy định tại Khoản 2, 3, 4, 5 Điều 15 Nghị định 202/2013/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh phân bón hữu cơ và phân bón khác được hướng dẫn thực hiện như sau:
1. Cửa hàng hoặc địa điểm kinh doanh, nơi bày bán phân bón hữu cơ, phân bón khác phải có biển hiệu, có bảng giá bán công khai niêm yết tại nơi dễ thấy, dễ đọc. Phân bón hữu cơ, phân bón khác bày bán phải được xếp đặt riêng, không để lẫn với các loại hàng hóa khác, phải được bảo quản ở nơi khô ráo, đảm bảo giữ được chất lượng và điều kiện vệ sinh môi trường.
2. Bao bì, các dụng cụ, thiết bị chứa đựng, lưu giữ và phương tiện vận chuyển bảo đảm được chất lượng; không rò rỉ, phát tán ra ngoài ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Phải có biện pháp xử lý bao bì, vỏ chai, lọ phân bón hữu cơ, phân bón khác đã quá hạn sử dụng.
3. Có kho chứa hoặc hợp đồng thuê kho chứa phân bón hữu cơ, phân bón khác thành phẩm đảm bảo các yêu cầu về vị trí xây dựng, thiết kế phù hợp với phân bón đang kinh doanh, yêu cầu về bảo vệ môi trường, về phòng chống cháy nổ; trong kho chứa phân bón hữu cơ, phân bón khác phải được xếp đặt tách biệt với các hàng hóa khác, không bị ảnh hưởng trực tiếp của mưa, nắng, gió, bảo đảm vệ sinh môi trường, không rò rỉ, gây mùi làm ô nhiễm khu vực lân cận.
4. Đối với các cửa hàng bán lẻ phân bón hữu cơ và phân bón khác, trường hợp không có kho chứa thì các công cụ, thiết bị chứa đựng phải đảm bảo được chất lượng và điều kiện vệ sinh môi trường.
5. Có chứng từ, hóa đơn hợp pháp về nguồn gốc nơi sản xuất, nơi nhập khẩu hoặc nơi cung cấp đối với từng loại phân bón hữu cơ, phân bón khác.
Điều 9. Giấy tờ, tài liệu để xuất khẩu phân bón hữu cơ và phân bón khác
Ngoài các giấy tờ, tài liệu theo quy định của pháp luật về xuất khẩu hàng hóa, tổ chức, cá nhân xuất khẩu phân bón hữu cơ, phân bón khác phải xuất trình cho Cơ quan Hải quan giấy tờ, tài liệu sau:
1. Bản sao chứng thực hoặc bản sao mang theo bản chính để đối chiếu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong đó có ngành nghề phân bón do cơ quan có thẩm quyền cấp.
2. Bản sao chứng thực hoặc bản sao mang theo bản chính để đối chiếu Giấy phép sản xuất phân bón, trong đó có tên loại phân bón xuất khẩu, chỉ xuất trình khi xuất khẩu lần đầu, đối với tổ chức, cá nhân xuất khẩu phân bón hữu cơ và phân bón khác do đơn vị sản xuất.
3. Trường hợp có yêu cầu kiểm tra chất lượng của tổ chức, cá nhân nước nhập khẩu: nộp phiếu kết quả thử nghiệm chất lượng lô phân bón xuất khẩu phù hợp với quy định của hợp đồng xuất khẩu do Phòng thử nghiệm phân bón được chỉ định cấp hoặc Phiếu kết quả thử nghiệm/Giấy chứng nhận do một tổ chức thử nghiệm hoặc tổ chức chứng nhận phân bón của nước ký kết Hiệp định/Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (Mutual Recognition Arrangements/Agreements-MRA) với Việt Nam cấp.
Điều 10. Giấy tờ, tài liệu để nhập khẩu phân bón hữu cơ và phân bón khác
1. Trường hợp nhập khẩu để kinh doanh
Ngoài các giấy tờ, tài liệu theo quy định của pháp luật về nhập khẩu hàng hóa, tổ chức, cá nhân khi nhập khẩu phân bón hữu cơ, phân bón khác phải xuất trình cho Cơ quan Hải quan giấy tờ, tài liệu sau:
a) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong đó có ngành nghề phân bón do cơ quan có thẩm quyền cấp;
b) Bản sao chứng thực hoặc bản sao mang theo bản chính để đối chiếu Giấy chứng nhận hợp quy hoặc phiếu kết quả thử nghiệm lô phân bón nhập khẩu do Phòng thử nghiệm phân bón được chỉ định cấp hoặc Phiếu kết quả thử nghiệm/Giấy chứng nhận do một tổ chức thử nghiệm hoặc tổ chức chứng nhận phân bón của nước ký kết Hiệp định/Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) với Việt Nam cấp.
2. Trường hợp nhập khẩu để nghiên cứu, khảo nghiệm, làm hàng mẫu, nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón khác và các trường hợp khác thực hiện theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.
Chương III
QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC
Điều 11. Công bố hợp quy phân bón hữu cơ và phân bón khác
1. Các loại phân bón hữu cơ và phân bón khác được công bố hợp quy
Trước khi đưa phân bón hữu cơ và phân bón khác vào lưu thông trên thị trường, tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu phải thực hiện công bố hợp quy các loại phân bón dưới đây:
a) Phân bón có tên trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành từ ngày 09 tháng 8 năm 2008 đến ngày 27 tháng 11 năm 2013, tổ chức, cá nhân công bố hợp quy theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định 202/2013/NĐ-CP;
b) Phân bón của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hoặc phân bón là kết quả của đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, cấp Bộ đạt yêu cầu theo quy phạm khảo nghiệm phân bón. Trong thời gian quy phạm khảo nghiệm phân bón chưa được ban hành thì theo quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Trình tự và nội dung công bố hợp quy phân bón hữu cơ và phân bón khác
a) Trình tự và nội dung công bố hợp quy thực hiện theo Thông tư số 55/2012/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thủ tục chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây gọi tắt là Thông tư số 55/2012/TT-BNNPTNT).
b) Mỗi loại phân bón hữu cơ hoặc phân bón khác chỉ công bố hợp quy một lần. Khi có sự thay đổi về nội dung của bản công bố hợp quy đối với loại phân bón hữu cơ hoặc phân bón khác đã đăng ký thì phải công bố lại.
3. Căn cứ đánh giá, chứng nhận công bố hợp quy phân bón hữu cơ và phân bón khác:
a) Các chỉ tiêu và phương thức đánh giá, chứng nhận hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
b) Trong thời gian quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa được ban hành thì chỉ tiêu đánh giá thực hiện theo quy định tại Mục I Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này đối với phân bón rễ hoặc theo Mục II Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này đối với phân bón lá; áp dụng đánh giá theo phương thức 5 đối với phân bón hữu cơ hoặc phân bón khác sản xuất trong nước và phương thức 7 đối với phân bón hữu cơ hoặc phân bón khác nhập khẩu.
4. Công bố Danh sách phân bón hữu cơ và phân bón khác đã công bố hợp quy
a) Trong thời hạn không quá 3 tháng sau khi ban hành Thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi một bản Thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy về Cục Trồng trọt.
b) Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản Thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy, Cục Trồng trọt tổng hợp và công bố trên Website của Cục Trồng trọt Danh sách các loại phân bón hữu cơ và phân bón khác đã công bố hợp quy của từng tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phân bón hữu cơ và phân bón khác.
5. Dấu hợp quy và sử dụng dấu hợp quy theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 55/2012/TT-BNNPTNT.
Điều 12. Công bố tiêu chuẩn áp dụng phân bón hữu cơ và phân bón khác
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phân bón hữu cơ và phân bón khác tự công bố các chỉ tiêu chất lượng, yếu tố hạn chế, các đặc tính cơ bản, thông tin cảnh báo, số hiệu tiêu chuẩn của loại phân bón hữu cơ và phân bón khác do mình sản xuất, nhập khẩu trên một trong các phương tiện sau đây: bao bì chứa phân bón, nhãn phân bón, tài liệu kèm theo phân bón.
2. Nội dung công bố tiêu chuẩn áp dụng không được trái với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trong thời gian quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa được ban hành thì không được trái với quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 13. Lấy mẫu phân bón, kiểm nghiệm phân bón hữu cơ và phân bón khác
1. Lấy mẫu phân bón
a) Việc lấy mẫu phân bón để đánh giá chứng nhận hợp quy hoặc phục vụ quản lý nhà nước phải do người có chứng chỉ lấy mẫu phân bón thực hiện theo quy định;
b) Việc tổ chức đào tạo, cấp Giấy chứng chỉ đào tạo người lấy mẫu phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ và phân bón khác được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 17/2011/TT-BNNPTNTngày 06 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực trồng trọt theo Nghị quyết số 57/NQ-CPngày 15 tháng 12 năm 2010;
c) Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi cấp chứng chỉ lấy mẫu phân bón, Cục Trồng trọt tổng hợp và công bố Danh sách tên và mã số người lấy mẫu phân bón được cấp chứng chỉ lấy mẫu trên Website của Cục Trồng trọt.
2. Kiểm nghiệm phân bón hữu cơ và phân bón khác
a) Việc chỉ định và quản lý hoạt động của các phòng kiểm nghiệm, tổ chức chứng nhận phân bón hữu cơ và phân bón khác được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 16/2011/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về đánh giá, chỉ định và quản lý phòng thử nghiệm ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (sau đây gọi tắt là Thông tư số 16/2011/TT-BNNPTNT) Thông tư số 52/2012/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2011/TT-BNNPTNT và Thông tư số 55/2012/TT-BNNPTNT;
b) Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi phòng kiểm nghiệm phân bón hữu cơ và phân bón khác được chỉ định, Cục Trồng trọt tổng hợp và công bố Danh sách các phòng kiểm nghiệm phân bón hữu cơ và phân bón khác được chỉ định trên Website của Cục Trồng trọt;
c) Các chỉ tiêu chất lượng phải kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đối với từng loại phân bón hữu cơ và phân bón khác;
d) Dung sai được chấp nhận giữa kết quả phân tích của phòng kiểm nghiệm so với hàm lượng của từng chỉ tiêu chất lượng được công bố áp dụng đối với phân bón hữu cơ và phân bón khác được quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 14. Giải quyết khiếu nại về kết quả kiểm nghiệm phân bón hữu cơ và phân bón khác
Việc giải quyết khiếu nại về kết quả kiểm nghiệm phân bón hữu cơ và phân bón khác thực hiện theo quy định của Phòng thử nghiệm kiểm chứng được chỉ định. Trường hợp chưa có phòng thử nghiệm kiểm chứng chất lượng phân bón hữu cơ và phân bón khác được chỉ định thì thực hiện theo quy định sau đây:
1. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được kết quả, tổ chức, cá nhân có mẫu được kiểm tra nếu không nhất trí với kết quả kiểm nghiệm phải có văn bản khiếu nại với cơ quan thanh tra, kiểm tra và cơ quan thanh tra, kiểm tra phải có văn bản đề nghị kiểm tra lại gửi đến phòng kiểm nghiệm nơi thực hiện kiểm nghiệm mẫu lần đầu.
2. Phòng kiểm nghiệm tiến hành kiểm tra lại quá trình kiểm nghiệm và thực hiện kiểm nghiệm lại trên mẫu lưu tại phòng; thông báo kết quả cho cơ quan thanh tra, kiểm tra và tổ chức, cá nhân có mẫu được kiểm tra.
3. Trường hợp tổ chức, cá nhân có mẫu được kiểm tra vẫn không nhất trí với kết quả kiểm nghiệm lại thì cơ quan thanh tra, kiểm tra gửi 02 mẫu: 01 mẫu lưu tại địa điểm lấy mẫu và 01 mẫu lưu tại cơ quan thanh tra, kiểm tra tới phòng kiểm nghiệm quy định tại Khoản 5 Điều này để kiểm nghiệm lại. Kết quả kiểm nghiệm lại lần này là căn cứ để cơ quan thanh tra, kiểm tra xử lý giải quyết khiếu nại.
4. Trường hợp kết quả kiểm nghiệm lại vẫn tương đương với kết quả kiểm nghiệm lần đầu thì tổ chức, cá nhân có yêu cầu kiểm nghiệm lại phải trả chi phí cho phòng kiểm nghiệm.
5. Điều kiện phòng kiểm nghiệm được chọn làm phòng kiểm nghiệm lại kết quả kiểm nghiệm để giải quyết khiếu nại:
a) Được Văn phòng Công nhận Chất lượng Việt Nam (BoA) của Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Cục Trồng trọt chỉ định;
b) Có ít nhất 02 lần liên tục nằm trong nhóm 05 phòng kiểm nghiệm có kết quả thử nghiệm liên phòng hoặc thử nghiệm thành thạo tốt nhất đối với chỉ tiêu thử nghiệm liên quan đến giải quyết khiếu nại;
c) Được Cục Trồng trọt công bố danh sách trên Website của Cục Trồng trọt.
6. Dung sai được chấp nhận về kết quả thử nghiệm trên cùng một mẫu, đối với cùng một chỉ tiêu, theo cùng một phương pháp giữa các phòng kiểm nghiệm khác nhau theo quy định tại tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp phân tích đối với chỉ tiêu đó, trường hợp chưa quy định trong tiêu chuẩn quốc gia thì mức tối đa trong phạm vi ±5%.
Chương IV
KHẢO NGHIỆM PHÂN BÓN
Điều 15. Loại phân bón phải khảo nghiệm
Các loại phân bón dưới đây bao gồm cả phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ và phân bón khác phải được khảo nghiệm trước khi công bố hợp quy để đưa vào sản xuất, kinh doanh, lưu thông trên thị trường:
1. Phân bón mới tạo ra trong nước.
2. Phân bón nhập khẩu lần đầu có bằng độc quyền sáng chế (Patent) hoặc có Giấy chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of Free Sell-CFS) hoặc tương đương.
Điều 16. Điều kiện để được thực hiện khảo nghiệm phân bón
Tổ chức, cá nhân (sau đây gọi chung là cơ sở) có đủ các điều kiện dưới đây được quyền thực hiện khảo nghiệm phân bón:
1. Cơ sở khảo nghiệm phân bón:
a) Có chức năng, nhiệm vụ khảo nghiệm phân bón và/hoặc nghiên cứu phân bón trong quyết định thành lập do cơ quan có thẩm quyền cấp;
b) Về nhân lực: có ít nhất 03 cán bộ kỹ thuật là biên chế chính thức hoặc hợp đồng từ 01 năm trở lên, có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành: nông hóa thổ nhưỡng, nông học, trồng trọt hoặc các ngành có liên quan như: hóa học, sinh học, môi trường và có ít nhất 02 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực khảo nghiệm hoặc nghiên cứu về phân bón.
2. Cơ sở sản xuất hoặc nhập khẩu phân bón tự khảo nghiệm:
a) Có Giấy phép sản xuất phân bón (đối với cơ sở sản xuất phân bón) hoặc có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong đó có ngành nghề phân bón (đối với cơ sở chuyên nhập khẩu phân bón để kinh doanh);
b) Về nhân lực: theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều này.
Điều 17. Đề cương khảo nghiệm phân bón
1. Trước khi thực hiện khảo nghiệm, cơ sở khảo nghiệm hoặc cơ sở có phân bón tự khảo nghiệm phải lập và phê duyệt đề cương khảo nghiệm phân bón theo quy định tại quy phạm khảo nghiệm phân bón, trong thời gian quy phạm khảo nghiệm phân bón chưa được ban hành thì thực hiện theo quy định tại Mục III Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Cơ sở khảo nghiệm hoặc cơ sở có phân bón tự khảo nghiệm gửi đề cương khảo nghiệm phân bón được phê duyệt cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi khảo nghiệm để có căn cứ kiểm tra việc thực hiện khảo nghiệm phân bón.
Điều 18. Đánh giá kết quả khảo nghiệm phân bón
1. Kết thúc khảo nghiệm phân bón, cơ sở có phân bón khảo nghiệm phải tổ chức đánh giá kết quả khảo nghiệm. Việc đánh giá kết quả khảo nghiệm theo quy phạm khảo nghiệm phân bón, trong thời gian quy phạm khảo nghiệm phân bón chưa được ban hành thì thực hiện theo Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Cơ sở có phân bón khảo nghiệm tự chịu trách nhiệm về kết quả khảo nghiệm, ban hành quyết định về việc đưa phân bón đã qua khảo nghiệm vào sản xuất hoặc nhập khẩu và thực hiện công bố hợp quy theo quy định; lưu giữ hồ sơ khảo nghiệm phân bón phục vụ việc thanh tra, kiểm tra.
Điều 19. Hạn mức sản xuất, nhập khẩu phân bón để khảo nghiệm
Lượng phân bón được phép sản xuất, nhập khẩu để khảo nghiệm cho một loại phân bón dựa trên liều lượng bón được xác định cho từng loại cây trồng và diện tích khảo nghiệm thực tế, nhưng không được vượt quá 30 héc ta đối với khảo nghiệm cây trồng hàng năm và không quá 50 héc ta đối với khảo nghiệm cây trồng lâu năm.
Chương V.
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN LIÊN QUAN
Điều 20. Trách nhiệm của Cục Trồng trọt
1. Soạn thảo, trình Bộ trưởng các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón hữu cơ và phân bón khác; về lấy mẫu, khảo nghiệm, sử dụng phân bón.
2. Thực hiện quản lý việc sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, chất lượng, đặt tên phân bón hữu cơ và phân bón khác; việc lấy mẫu, khảo nghiệm và sử dụng phân bón.
3. Tổ chức đánh giá, chỉ định và quản lý hoạt động của các phòng kiểm nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy phân bón hữu cơ và phân bón khác.
4. Tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ đào tạo người lấy mẫu phân bón.
5. Tổng hợp và công bố danh sách tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác; danh sách phân bón hữu cơ và phân bón khác đã công bố hợp quy; danh sách các tổ chức chứng nhận, các phòng kiểm nghiệm phân bón hữu cơ và phân bón khác; danh sách người lấy mẫu phân bón trên phạm vi toàn quốc trên trang Website của Cục Trồng trọt.
6. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện khuyến nông, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm và hướng dẫn việc sử dụng phân bón.
7. Chủ trì đặt hàng các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; thu thập và quản lý các thông tin, tư liệu; đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phân bón hữu cơ và phân bón khác.
8. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, chất lượng phân bón hữu cơ và phân bón khác; về người lấy mẫu, khảo nghiệm, sử dụng phân bón trên địa bàn cả nước theo quy định của pháp luật.
Điều 21. Trách nhiệm của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
1. Chủ trì thẩm tra các dự thảo tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón hữu cơ và phân bón khác; về lấy mẫu, khảo nghiệm, sử dụng phân bón.
2. Phối hợp với Cục Trồng trọt trình Bộ trưởng ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón hữu cơ và phân bón khác; về lấy mẫu, khảo nghiệm, sử dụng phân bón.
Điều 22. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi về sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ, phân bón khác và sử dụng phân bón ở địa phương.
2. Thẩm định nội dung và cho phép tổ chức hội nghị, hội thảo khuyến nông, khuyến cáo sử dụng phân bón hiệu quả, hạn chế ô nhiễm môi trường ở địa phương.
3. Tiếp nhận công bố hợp quy về điều kiện sản xuất và chất lượng phân bón của các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phân bón hữu cơ và phân bón khác; gửi Thông báo tiếp nhận bản công bố hợp quy về Cục Trồng trọt theo quy định.
4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật, cung cấp thông tin về sản xuất, chất lượng phân bón cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người sử dụng.
5. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, chất lượng phân bón hữu cơ và phân bón khác; về người lấy mẫu, khảo nghiệm, sử dụng phân bón trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
6. Định kỳ vào tuần cuối tháng 6 và tuần cuối tháng 12 hàng năm báo cáo kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm gửi về Cục Trồng trọt theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 23. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu
1. Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu phân bón hữu cơ và phân bón khác:
a) Thực hiện các quy định của Thông tư này và các văn bản pháp luật khác có liên quan về sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu, quản lý chất lượng, kiểm nghiệm phân bón hữu cơ và phân bón khác;
b) Thực hiện trách nhiệm quy định tại Khoản 2 Điều này;
c) Định kỳ vào tuần cuối tháng 5 và tuần cuối tháng 11 hàng năm hoặc khi có yêu cầu đột xuất của cơ quan có thẩm quyền, lập báo cáo tình hình sản xuất, nhập khẩu phân bón hữu cơ và phân bón khác gửi về Cục Trồng trọt và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi đặt trụ sở chính theo mẫu tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu phân bón:
a) Thực hiện các quy định của Thông tư này và các văn bản pháp luật khác có liên quan về lấy mẫu, khảo nghiệm, sử dụng phân bón;
b) Khi tổ chức các hội nghị, hội thảo khuyến nông, khuyến cáo sử dụng phân bón phải báo cáo kế hoạch, nội dung và được sự đồng ý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi tổ chức hội nghị, hội thảo.
c) Lưu giữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến khảo nghiệm phân bón để phục vụ việc kiểm tra, thanh tra.
Điều 24. Trách nhiệm của cơ sở khảo nghiệm phân bón
Thực hiện đầy đủ các quy định về khảo nghiệm phân bón tại Thông tư này và chịu trách nhiệm về kết quả khảo nghiệm.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 25. Điều khoản chuyển tiếp
1. Tổ chức, cá nhân đã sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ và phân bón khác trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành phải bổ sung đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh trong thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 202/2013/NĐ-CP và làm các thủ tục cấp phép theo quy định tại Thông tư này.
2. Đối với các loại phân bón đã khảo nghiệm trước khi Nghị định 202/2013/NĐ-CP có hiệu lực, nhưng chưa thông qua hội đồng khoa học do Cục Trồng trọt thành lập thì cơ sở có phân bón khảo nghiệm hợp đồng với cơ sở khảo nghiệm thực hiện khảo nghiệm bổ sung các nội dung chưa phù hợp theo quy phạm khảo nghiệm phân bón, trong thời gian quy phạm khảo nghiệm phân bón chưa được ban hành thì theo quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 26. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29 tháng 12 năm 2014.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 36/2010/TT-BNNPTNT ngày 24 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy định sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón; Thông tư số 52/2010/TT-BNNPTNT ngày 09 tháng 9 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn khảo nghiệm, công nhận, đặt tên phân bón mới.
3. Trường hợp các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, tài liệu viện dẫn trong Thông tư này có sự thay đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo văn bản mới.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu giải quyết./.
Nơi nhận: – Văn phòng Tổng Bí thư; – Văn phòng Chủ tịch nước; – Văn phòng Quốc hội; – Văn phòng Chính phủ; – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; – HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; – Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; – Tòa án nhân dân tối cao; – VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng; – Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT; – Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; – Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp; – Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương các tỉnh, TP trực thuộc TW; – Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; – Cổng TTĐT, Công báo, Website Chính phủ, – Website Bộ Nông nghiệp & PTNT; – Lưu: Văn thư, TT. | KT. BỘ TRƯỞNG Lê Quốc Doanh |
PHỤ LỤC I
MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP SẢN XUẤT PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP/CẤP LẠI/ĐIỀU CHỈNH GIẤY PHÉP SẢN XUẤT PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC
Kính gửi: Cục Trồng trọt
1. Tên cơ sở sản xuất:
Tên tiếng Việt (ghi bằng chữ in hoa): ……………………………………………………………….
Tên tiếng nước ngoài (nếu có): ……………………………………………………………………….
Tên viết tắt (nếu có): Mã số doanh nghiệp (nếu có):
2. Địa chỉ trụ sở chính:
Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………………………..
Điện thoại: ……………………………………………… Fax: ………………………………….
E-mail: ………………………………………………….. Website: ……………………………
3. Người đại diện pháp lý của cơ sở sản xuất phân bón:
Họ và tên (ghi họ tên bằng chữ in hoa): …………………………… Giới tính: …………
Chức danh: ………………………………………………………………………………………………….
Sinh ngày: …../ ……/ ……. Dân tộc: ……………………………….. Quốc tịch: ……….
Chứng minh nhân dân số: ……………………………………………………………………………..
Ngày cấp: ……/ …../ ……… Nơi cấp: ………………………………………………………………
Giấy tờ chứng thực cá nhân khác (nếu không có CMND): …………………………………
Số giấy chứng thực cá nhân: …………………………………………………………………………
Ngày cấp: ……/ …../ …… Ngày hết hạn: ………./ …../ ……. Nơi cấp: ………………..
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú:
Chỗ ở hiện tại: ……………………………………………………………………………………………..
Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………………………….
Điện thoại (Tel): ………………………………………………….. Fax:……………………..
Email: ……………………………………………………………… Website: ……………..
4. Tình trạng đăng ký cấp Giấy phép sản xuất phân bón (đánh dấu x vào ô thích hợp)
4.1. Đăng ký cấp Giấy phép sản xuất lần đầu | |
4.2. Đăng ký cấp lại Giấy phép sản xuất: | |
– Do sai sót: nêu rõ điểm sai sót và lý do | |
– Do hư hỏng: nêu rõ lý do | |
– Do bị mất: nêu rõ lý do và thời gian mất | |
4.3. Đăng ký điều chỉnh Giấy phép sản xuất: | |
– Thay đổi đăng ký doanh nghiệp hoặc địa điểm hoặc thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân đăng ký | |
– Thay đổi về điều kiện hoạt động, công suất sản xuất | |
– Thay đổi về loại phân bón | |
– Thay đổi về tên phân bón: nêu rõ tên phân bón cũ, tên phân bón mới và lý do thay đổi | |
– Loại bỏ tên phân bón khỏi Giấy phép sản xuất phân bón: nêu rõ lý do loại bỏ |
5. Địa điểm và danh mục phân bón đăng ký sản xuất:
Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………………………..
Điện thoại: …………………………………………………………….. Fax: ………………..
E-mail: …………………………………………………………………. Website: …………
Danh mục phân bón sản xuất (thống kê theo từng địa điểm sản xuất phân bón): Các loại phân bón đăng ký sản xuất là những loại phân bón được quy định tại Khoản 1 Điều 11 của Thông tư này.
Loại phân bón | Tên phân bón | Công suất sản xuất | Phương thức bón (rễ/lá) | Màu sắc, mùi, dạng phân bón | Tiêu chuẩn công bố áp dụng (thành phần, hàm lượng) | Cảnh báo an toàn (nếu có) |
6. Cam kết: Cơ sở sản xuất phân bón cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác và trung thực của nội dung xin cấp Giấy phép sản xuất phân bón nêu trên.
……., ngày tháng năm |
PHỤ LỤC II
DANH SÁCH VỀ NHÂN LỰC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Tên cơ sở sản xuất | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
DANH SÁCH VỀ NHÂN LỰC
1. Danh sách đội ngũ quản lý, kỹ thuật, điều hành sản xuất
STT | Họ và tên | Chức vụ | Chuyên ngành | Văn bằng*) | Ghi chú |
Ghi chú: *) Kèm theo bản sao chứng thực các văn bằng, chứng chỉ của từng người chứng minh giám đốc hoặc phó giám đốc kỹ thuật có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành về hóa, lý, sinh học;
2. Danh sách người lao động trực tiếp sản xuất được huấn luyện, bồi dưỡng
STT | Họ và tên | Năm sinh | Công việc được giao | Nơi làm việc | Huấn luyện từ ngày…. đến ngày…. | Kết quảhuấn luyện | Ghi chú |
Thủ trưởng | Người lập danh sách |
PHỤ LỤC III
MẪU GIẤY PHÉP SẢN XUẤT PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
GIẤY PHÉP SẢN XUẤT
PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC
(License for organic and other fertilizer production)
Mã số Giấy phép (license code):…………….
(do Cục Trồng trọt cấp-issued by Department of Crop Production)
Cấp lần đầu (first issue): ngày(date)… tháng (month)… năm(year)…
Cấp lại (reissue), điều chỉnh (adjustment) lần (No.) ……: ngày(date)… tháng…..(month)… năm(year)…
1. Tên cơ sở sản xuất (name of organization/individual)
Tên bằng tiếng Việt (in Vietnamese):
Tên bằng tiếng nước ngoài (in foreign language):
Tên viết tắt (Name in abbriviation):
Mã số doanh nghiệp-company code (nếu có-if having):
2. Người đại diện theo pháp luật của cơ sở sản xuất (Iegal representative of organization/ individuaI)
Chức danh (Title):
Họ và tên (Full name): Giới tính (Male/female):
Sinh ngày (Date of birth): Dân tộc (Ethnic group):
Quốc tịch (Nationality):
Loại giấy chứng thực cá nhân (ID card):
Số (No.): Ngày cấp (Date of issue): Nơi cấp (Place of issue):
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (Permanent place of residence):
Chỗ ở hiện tại (Present residence):
3. Địa chỉ trụ sở chính (head quarter)
Địa chỉ (Address):
Điện thoại (Tel): Fax:
E-mail: Website:
4. Danh mục phân bón được phép sản xuất (List of permited fertilizer produce)
Địa điểm sản xuất (Address) | Loại phân bón (Kind of fertilizer) | Tên phân bón Name of fertilizer) | Công suất sản xuất (Capacity) | Phương thức bón- applied method (rễ-for root/lá- forlia) | Màu sắc (color), mùi (odour), dạng phân bón (form) | Tiêu chuẩn công bố áp dụng (thành phần -substance, hàm lượng- content) | Cảnh báo an toàn- Safety notice (nếu có- if having) |
5. Nghĩa vụ của cơ sở sản xuất phân bón được cấp Giấy phép (Responsibility for organization/individuaI)
Cơ sở sản xuất phân bón (Organization/individual) … phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm được quy định tại Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón; Thông tư số ……../2014/TT-BNNPTNT ngày …. tháng ……. năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác có liên quan (must take responsibility stipulated in Decree No. 202/NĐ-CP on 27/11/2013 of Government on fertilizer control; in Regulation No. ……/2014/TT-BNNPTNT guiline for Decree No. 202/NĐ-CP and other related regulation issue)./.
CỤC TRƯỞNG (Director) |
PHỤ LỤC IV
CÁCH GHI MÃ SỐ GIẤY PHÉP SẢN XUẤT PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
CÁCH GHI MÃ SỐ GIẤY PHÉP SẢN XUẤT PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC
Mã số Giấp phép sản xuất phân bón do cơ quan cấp phép ghi, được quy định như sau:
1) Các số đầu là mã tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp có trụ sở chính (ví dụ: 08 là mã số của Thành phố Hồ Chí Minh);
2) Các số tiếp theo là thứ tự các doanh nghiệp được cấp Giấy phép sản xuất phân bón được đánh số thứ tự từ 01 trở đi (ví dụ 01 là số thứ tự doanh nghiệp đầu tiên được cấp);
3) Các số tiếp theo là tháng và năm cấp Giấy phép sản xuất phân bón (ví dụ: 0214: tháng 2 năm 2014).
Ví dụ: 08010214 là mã số của một cơ sở sản xuất phân bón tại Thành phố Hồ Chí Minh, thứ tự thứ nhất, được cấp tháng 2 năm 2014.
PHỤ LỤC V
MẪU BÁO CÁO KẾT QUẢ KIỂM TRA, THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM VỀ PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
UBND TỈNH …….. | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /BC-SNN | ……………., ngày tháng năm |
BÁO CÁO KẾT QUẢ KIỂM TRA, THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM VỀ PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC
1. Số lần/thời điểm tiến hành/hình thức kiểm tra, thanh tra:
……………………………………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………………………………
2. Nội dung và đối tượng kiểm tra, thanh tra
2.1. Điều kiện sản xuất:
Số cơ sở được kiểm tra, thanh tra: …. cơ sở
Trong đó:
Số cơ sở đạt điều kiện sản xuất: ….. cơ sở (%)
Số cơ sở không đạt: ….. cơ sở (%)
Các vi phạm về điều kiện sản xuất:
……………………………………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………………………………
Hình thức xử lý/số tiền phạt:
……………………………………………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………………………………
2.2. Điều kiện kinh doanh
Số cơ sở được kiểm tra, thanh tra: …. cơ sở
Trong đó:
Số cơ sở đạt điều kiện sản xuất: ….. cơ sở (%)
Số cơ sở không đạt: ….. cơ sở (%)
Các vi phạm về điều kiện kinh doanh:
…………………………………………………………………………………………………………………….
…………………………………………………………………………………………………………………….
Hình thức xử lý/số tiền phạt:
…………………………………………………………………………………………………………………….
…………………………………………………………………………………………………………………….
2.3. Chất lượng phân bón:
Số mẫu kiểm tra: …..mẫu
Trong đó:
Số mẫu đạt chất lượng: …..mẫu (%)
Số mẫu không đạt chất lượng: …..mẫu (%)
Các vi phạm về chất lượng:
……………………………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………………..
Hình thức xử lý/số tiền phạt:
3. Những khó khăn trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm:
……………………………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………………..
4. Các kiến nghị và đề xuất:
……………………………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………………………..
GIÁM ĐỐC |
PHỤ LỤC VI
MẪU BÁO CÁO KẾT QUẢ SẢN XUẤT, NHẬP KHẨU PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Cơ sở sản xuất/nhập khẩu | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /BC-PB | ………….., ngày tháng năm |
BÁO CÁO KẾT QUẢ SẢN XUẤT/NHẬP KHẨU PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC
1. Tên cơ sở
Tên bằng tiếng Việt:
Tên bằng tiếng nước ngoài:
Tên viết tắt:
Mã số Giấy phép sản xuất: Mã số doanh nghiệp:
2. Người đại diện theo pháp luật
Chức danh:
Họ và Tên:
3. Địa chỉ trụ sở chính
Điện thoại: Fax:
E-mail: Website:
4. Kết quả sản xuất, nhập khẩu
STT | Tên phân bón sản xuất, nhập khẩu | Kết quả sản xuất, nhập khẩu (nghìn tấn) | Nơi sản xuất/nhập khẩu | Thời gian sản xuất/nhập khẩu |
5. Các thay đổi về điều kiện sản xuất
5.1. Địa chỉ nơi sản xuất:
5.2. Cơ sở vật chất kỹ thuật:
5.3. Nhân sự:
5.4. Công nghệ sản xuất:
6. Các thay đổi về chủng loại, loại phân bón sản xuất, nguyên liệu sản xuất, loại phân bón không còn sản xuất/nhập khẩu, lý do
7. Số lần được các cơ quan kiểm tra, thanh tra về điều kiện sản xuất và chất lượng phân bón/cơ quan kiểm tra, thanh tra:
8. Những khó khăn trong sản xuất, nhập khẩu:
9. Các kiến nghị và đề xuất đối với cơ quan quản lý nhà nước:
Người đại diện theo pháp luật của cơ sở sản xuất, nhập khẩu phân bón |
PHỤ LỤC VII
HƯỚNG DẪN VỀ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
HƯỚNG DẪN VỀ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC
I. Địa điểm sản xuất
Địa điểm sản xuất phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phải được Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh chấp thuận bằng văn bản đối với các dự án nhóm A hoặc có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về quy hoạch đối với các dự án nhóm B, C theo quy định tại Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
II. Công suất sản xuất
Công suất sản xuất phân bón phải phù hợp với dây chuyền, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ sản xuất.
III. Diện tích phục vụ sản xuất
1. Có hoặc thuê nhà xưởng, kho/bãi chứa nguyên liệu, kho chứa thành phẩm với diện tích phù hợp với công suất sản xuất.
2. Có hoặc thuê diện tích mặt bằng đáp ứng yêu cầu về giao thông nội bộ, nhà điều hành, phòng kiểm nghiệm hoặc các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật.
IV. Kho chứa thành phẩm và kho chứa nguyên liệu
1. Có kho chứa hoặc có hợp đồng thuê kho chứa phù hợp với công suất sản xuất hoặc kế hoạch sản xuất.
2. Kho chứa có mái che, tường bao chắc chắn, có nền chống thấm và có các phương tiện bảo quản, trừ kho chứa nguyên liệu hữu cơ.
3. Có nội quy kho chứa đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn lao động.
V. Máy móc, thiết bị sản xuất
1. Có dây chuyền, máy móc, thiết bị sản xuất từ khâu xử lý nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng đáp ứng được công suất sản xuất và quy trình công nghệ. Các công đoạn, hệ thống bắt buộc phải sử dụng máy móc, thiết bị được cơ giới hóa hoặc tự động hóa:
a) Xúc, đảo trộn nguyên liệu, khi sản xuất phân bón rễ;
b) Nghiền sàng đối với phân bón dạng rắn, dạng bột;
c) Khuấy trộn, lọc đối với phân bón dạng lỏng;
d) Dây chuyền vận chuyển;
đ) Hệ thống sấy, tạo hạt đối với phân bón dạng hạt, viên hoặc hệ thống sấy khi có yêu cầu phải sấy đối với dạng bột;
e) Hệ thống cân, đóng gói thành phẩm.
2. Trường hợp tự sản xuất chủng men giống để sản xuất phân hữu cơ vi sinh hoặc phân vi sinh vật, các thiết bị tạo môi trường và nuôi cấy vi sinh vật gồm: cân kỹ thuật, máy lắc, nồi hấp tiệt trùng, tủ ấm, tủ sấy, máy lắc nhu động, lò vi sóng, tủ cấy vi sinh vật, tủ lạnh, nồi lên men hoặc thiết bị lên men đối với sản xuất phân bón vi sinh vật và phân hữu cơ vi sinh.
3. Trường hợp tự lên men để sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, phân sinh học phải có hệ thống thiết bị lên men thủy phân theo dây chuyền từ nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng.
VI. Quy trình công nghệ sản xuất
Có quy trình công nghệ sản xuất đối với từng loại phân bón phù hợp với máy móc thiết bị và công suất sản xuất.
VII. Quản lý chất lượng
Có chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 trở lên hoặc tương đương; đối với cơ sở mới thành lập, muộn nhất sau một năm kể từ ngày thành lập.
VIII. Nguyên liệu, phụ gia sản xuất phân bón
1. Có bản kê khai loại nguyên liệu, phụ gia đầu vào tương ứng với từng loại phân bón sản xuất, phù hợp với công nghệ sản xuất.
2. Có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng về nguyên liệu và phụ gia.
IX. Phòng kiểm nghiệm
1. Có phòng kiểm nghiệm phân tích được các chỉ tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn đã công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng hoặc có hợp đồng với phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc công nhận để kiểm soát chất lượng cho từng lô phân bón được sản xuất.
2. Trường hợp có phòng kiểm nghiệm để tự kiểm nghiệm, các máy móc, thiết bị đo lường kiểm nghiệm phải có giấy kiểm định hiệu chuẩn định kỳ theo quy định.
PHỤ LỤC VIII
QUY ĐỊNH CHỈ TIÊU CHẤT LƯỢNG CHÍNH VÀ YẾU TỐ HẠN CHẾ TRONG PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
QUY ĐỊNH CHỈ TIÊU CHẤT LƯỢNG CHÍNH VÀ YẾU TỐ HẠN CHẾ TRONG PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC
I. ĐỐI VỚI PHÂN BÓN RỄ
1. Chỉ tiêu chất lượng chính
1.1. Phân bón hữu cơ
STT | Chỉ tiêu chất lượng chính | Đơn vị tính | Hàm lượng | Phương pháp thử | ||
1 | HC | % | ≥ 20,0 | TCVN 9294:2012 | ||
2 | N | % | ≥ 2,0 | TCVN 8557:2010 | ||
3 | Tỷ lệ C/N | < 12,0 | Các bon hữu cơ | |||
Nitơ tổng số |
1.2. Phân bón hữu cơ khoáng
STT | Chỉ tiêu chất lượng chính | Đơn vị tính | Hàm lượng | Phương pháp thử |
1 | HC | % | ≥ 15,0 | TCVN 9294:2012 |
N, P2O5, K2O riêng rẽ hoặc N+P2O5 hoặc | % % | từ ≥ 8,0 trong đó: | TCVN 8557:2010 | |
2 | N + K2O hoặc | % | N ≥ 2,0 | TCVN 8559:2010 |
P2O5 + K2O hoặc | % | P2O5 ≥ 2,0 | TCVN 8560:2010 | |
N + P2O5 + K2O | % | K2O ≥ 2,0 |
1.3. Phân bón khoáng hữu cơ
STT | Chỉ tiêu chất | Đơn vị tính | Hàm lượng | Phương pháp thử |
1 | N + P2O5 + K2O, | % | ≥ 18,0 trong đó: | |
hoặc N + P2O5, | % | N ≥ 3,0 | TCVN 8557:2010 | |
hoặc N + K2O, | % | P2O5 ≥ 3,0 | TCVN 8559:2010 | |
hoặc P2O5 + K2O, | % | K2O ≥ 3,0 | TCVN 8560:2010 | |
hoặc N, P2O5, K2O riêng rẽ, | % | |||
2 | HC | % | <15,0 | TCVN 9294:2012 |
1.4. Phân bón hữu cơ vi sinh
STT | Chỉ tiêu chất lượng chính | Đơn vị tính | Hàm lượng | Phương pháp thử |
1 | HC | % | ≥ 15,0 | TCVN 9294:2012 |
2 | ít nhất có một loại vi sinh vật có ích | CFU/g hoặc CFU/ml | ≥ 1,0 x 106 | TCVN 6167:1996 TCVN 6166:2002 TCVN 6168:2002 TCVN 7185:2002 TCVN 4884:2005 TCVN 8564:2010 |
hoặc Azotobacter/Lipomyces | CFU/g hoặc CFU/ml | ≥ 1,0 x 105 | TCVN 6166:2002 TCVN 4884:2005 |
1.5. Phân bón hữu cơ sinh học
STT | Chỉ tiêu chất lượng chính | Đơn vịtính | Hàm lượng | Phương pháp thử |
1 | HC | % | ≥ 20,0 | TCVN 9294:2012 |
Axit humic, axit fulvic | % | ≥ 2,0 | TCVN 8561:2010 | |
2 | hoặc Chất sinh học khác | % | Theo tiêu chuẩn công bố áp dụng | Theo tiêu chuẩn |
1.6. Phân bón sinh học
STT | Chỉ tiêu chất lượng chính | Đơn vị tính | Hàm lượng | Phương pháp thử |
1 | Axit humic, axit fulvic, | % | ≥ 2,0 | TCVN 8561:2010 |
hoặc Chất sinh học khác | % | Theo tiêu chuẩn công bố áp dụng | Theo tiêu chuẩn |
1.7. Phân bón vi sinh vật
STT | Chỉ tiêu chất lượng chính | Đơn vị tính | Hàm lượng | Phương pháp thử |
1 | Ít nhất có một loại vi | CFU/g
| ≥ 1,0 x 108
| TCVN 6167:1996 TCVN 6166:2002 TCVN 6168:2002 TCVN 7185:2002 TCVN 4884:2005 |
hoặc | CFU/g | ≥ 1,0 x 107 | TCVN 6166:2002 TCVN 4884:2005 |
1.8. Phân bón quy định tại các điểm g, h, i, k khoản 2 Điều 3 của Thông tư này yêu cầu các chỉ tiêu chất lượng chính gồm:
a) Đáp ứng quy định tại mục 1.1, 1.2, 1.3, 1.4, 1.5, 1.6, 1.7 tại Phụ lục này
b) Đối với chất giữ ẩm, chất tăng hiệu suất sử dụng, chất tăng miễn dịch cây trồng, chất điều hòa sinh trưởng: hàm lượng và phương pháp thử theo tiêu chuẩn công bố áp dụng của tổ chức, cá nhân có phân bón.
1.9. Phân bón quy định tại các điểm 1, m khoản 2 Điều 3 của Thông tư này: Hàm lượng và phương pháp thử đối với chất đất hiếm hoặc chất cải tạo đất theo tiêu chuẩn công bố áp dụng của tổ chức, cá nhân có phân bón.
CHÚ THÍCH 1: Đơn vị tính (%) các chất theo khối lượng thương phẩm ở dạng rắn hoặc theo thể tích ở dạng lỏng. Đối với phân bón dạng lỏng phải công bố chỉ tiêu pHH2O và khối lượng riêng, đối với phân bón dạng rắn phải công bố độ ẩm.
CHÚ THÍCH 2: Các loại phân bón tại mục 1.1 được phép có hoặc không có các chất dinh dưỡng đa lượng: P2O5, K2O, các chất dinh dưỡng trung lượng: Ca/CaO, Mg/MgO, S, SiO2, và/hoặc vi lượng: B, Co, Cu/CuO, Fe, Mn, Mo, Zn, đất hiếm và tự công bố hàm lượng.
CHÚ THÍCH 3: Các loại phân bón tại mục 1.2 và 1.3 được phép có hoặc không có các chất dinh dưỡng trung lượng: Ca/CaO, Mg/MgO, S, SiO2, các chất dinh dưỡng vi lượng: B, Co, Cu/CuO, Fe, Mn, Mo, Zn, đất hiếm và tự công bố hàm lượng;
CHÚ THÍCH 4: Các loại phân bón tại mục 1.4, 1.5, 1.6, 1.7, 1.9 được phép có hoặc không có các chất dinh dưỡng đa lượng: N, P2O5, K2O, các chất dinh dưỡng trung lượng: Ca/CaO, Mg/MgO, S, SiO2, và/hoặc vi lượng: B, Co, Cu/CuO, Fe, Mn, Mo, Zn, đất hiếm và tự công bố hàm lượng. Các loại phân bón mục 1.6, 1.7, 1.8, 1.9 có hoặc không có chất hữu cơ và tự công bố hàm lượng.
CHÚ THÍCH 5: Các chữ viết tắt: HC: Hữu cơ; N: Ni tơ tổng số; P2O5: Lân hữu hiệu; K2O: Kali hữu hiệu; Ca/CaO: Canxi; Mg/MgO: Magie; S: Lưu huỳnh; SiO2: Silic; B: Bo, Co: Côban; Cu/CuO: Đồng; Fe: sắt; Mn: Mangan; Mo: Molipđen; Zn: Kẽm.
2. Yếu tố hạn chế
STT | Chỉ tiêu | Đơn vị tính | Giới hạn | Phương pháp thử |
1 | Arsen (As) | mg/kg hoặc mg/l hoặc ppm | < 10,0 | TCVN 8467:2010 |
2 | Cadimi (Cd) | mg/kg hoặc mg/l hoặc ppm | < 5,0 | TCVN 9291:2012 |
3 | Chì (Pb) | mg/kg hoặc mg/l hoặc ppm | < 200,0 | TCVN 9290:2012 |
4 | Thủy ngân (Hg) | mg/kg hoặc mg/l hoặc ppm | < 2,0 | AOAC Official |
5 | Vi khuẩn Salmonella | CFU/g hoặc | KPH | TCVN 4829:2005 |
6 | Vi khuẩn E. coli | CFU/g hoặc | < 1,1 x 103 | TCVN 6846-2007 |
CHÚ THÍCH 5: Các chỉ tiêu hạn chế 5, 6 chỉ áp dụng đối với các loại phân bón hữu cơ sản xuất từ nguyên liệu là rác thải đô thị, phế thải công nghiệp chế biến từ nông sản, thực phẩm, phế thải chăn nuôi.
II. ĐỐI VỚI PHÂN BÓN LÁ
1. Các chỉ tiêu chất lượng chính
1.1. Đối với các chất dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng, chất hữu cơ, Axit humic, axit fulvic, vi sinh vật: hàm lượng theo tiêu chuẩn công bố áp dụng và phương pháp thử tương ứng theo Mục I Phụ lục này.
1.2. Đối với chất giữ ẩm, chất tăng hiệu suất sử dụng, chất tăng miễn dịch cây trồng, chất điều hòa sinh trưởng, chất đất hiếm, axít amin, vitamin và các chất sinh học khác: hàm lượng và phương pháp thử theo tiêu chuẩn công bố áp dụng của tổ chức, cá nhân có phân bón.
2. Yếu tố hạn chế:
Theo quy định tại khoản 2 Mục I của Phụ lục này.
PHỤ LỤC IX
QUY PHẠM KHẢO NGHIỆM PHÂN BÓN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
QUY PHẠM KHẢO NGHIỆM PHÂN BÓN
I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
Trong quy phạm này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Cây hàng năm là loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá một năm, bao gồm cả cây lưu gốc trồng một lần cho thu hoạch trong một vài năm;
2. Cây lâu năm là loại cây trồng một lần nhưng cho thu hoạch trong nhiều năm và phải trải qua một thời kỳ xây dựng cơ bản mới cho thu hoạch gồm nhóm cây công nghiệp (ví dụ: cao su, chè, cà phê, điều…), nhóm cây ăn quả (ví dụ: cam, quýt, vải, nhãn…).
II. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP KHẢO NGHIỆM
1. Hình thức khảo nghiệm
1.1. Phân bón mới tại Khoản 1 Điều 15 phải được khảo nghiệm diện hẹp và khảo nghiệm diện rộng; khảo nghiệm diện hẹp được thực hiện trước hoặc đồng thời với khảo nghiệm diện rộng.
1.2. Phân bón mới tại Khoản 2 Điều 15 chỉ cần khảo nghiệm diện rộng.
1.3. Khảo nghiệm diện hẹp: diện tích ô khảo nghiệm tối thiểu theo quy định tại mục 4.1, có công thức đối chứng, bố trí theo các phương pháp thí nghiệm hiện hành, ít nhất có ba lần lặp lại.
1.4. Khảo nghiệm diện rộng: diện tích ô khảo nghiệm tối thiểu theo quy định tại mục 4.2, có công thức đối chứng.
2. Công thức khảo nghiệm
2.1. Công thức khảo nghiệm: căn cứ đặc tính của phân bón, tình hình sử dụng phân bón tại địa phương nơi khảo nghiệm để xác định các công thức khảo nghiệm về liều lượng bón, thời kỳ bón, kỹ thuật bón hoặc kết hợp các yếu tố này.
2.2. Công thức đối chứng:
a) Đối với phân bón rễ: sử dụng loại phân bón cùng chủng loại với phân bón khảo nghiệm, với liều lượng bón, thời kỳ bón, kỹ thuật bón đang phổ biến tại địa phương nơi khảo nghiệm. Trường hợp loại phân bón lần đầu tiên mới có ở Việt Nam, công thức đối chứng là công thức phân bón thông dụng đang phổ biến tại địa phương nơi khảo nghiệm.
b) Đối với phân bón lá: phun nước lã với lượng phun, thời kỳ phun và kỹ thuật phun tương đương với công thức phân bón khảo nghiệm.
2.3. Một loại phân bón ít nhất có hai công thức khảo nghiệm; tổng số loại phân bón khác nhau cho một lần khảo nghiệm không vượt quá bốn. Công thức khảo nghiệm và số lượng phân bón khảo nghiệm được nêu rõ trong đề cương khảo nghiệm.
3. Cây trồng, loại đất, thời gian khảo nghiệm
3.1. Đối với phân bón dùng cho nhiều loại cây trồng:
3.1.1. Bố trí khảo nghiệm trên cây lúa và ít nhất một cây trồng đại diện cho mỗi nhóm: cây màu, cây rau, cây hoa, cây cỏ làm thức ăn xanh cho gia súc, cây công nghiệp, cây ăn quả, nếu phân bón khảo nghiệm được khuyến cáo sử dụng trên cây trồng, nhóm cây trồng đó.
3.1.2. Các khảo nghiệm thực hiện tối thiểu trên hai loại đất, là loại đất cây trồng khảo nghiệm có diện tích gieo trồng lớn nhất, trừ phân bón chuyên dùng cho một loại đất đặc thù.
3.1.3. Thời gian khảo nghiệm:
3.1.3.1. Đối với cây hàng năm: Thực hiện khảo nghiệm ít nhất hai vụ; cây lưu gốc cho thu hoạch một lần /năm (ví dụ cây mía) ít nhất một năm.
3.1.3.2. Đối với cây lâu năm: Thực hiện khảo nghiệm ít nhất một năm; trường hợp phân bón sử dụng cho cả giai đoạn kiến thiết cơ bản và giai đoạn kinh doanh thì phải khảo nghiệm tối thiểu hai điểm, mỗi điểm cho một giai đoạn.
3.2. Đối với phân bón dùng cho một loại cây trồng (chuyên cây):
3.2.1. Các khảo nghiệm thực hiện tối thiểu trên hai loại đất khác nhau, trừ loại cây chủ yếu trồng trên một loại đất (ví dụ cà phê trồng trên đất ba zan) thì khảo nghiệm ở hai địa điểm khác nhau.
3.2.2. Thời gian khảo nghiệm: áp dụng như quy định tại mục 3.1.3.
4. Diện tích ô khảo nghiệm
4.1. Khảo nghiệm diện hẹp:
4.1.1. Đối với cây hàng năm: diện tích ô tối thiểu là 20 m2.
4.1.2. Đối với cây lâu năm: diện tích ô tối thiểu là 100 m2 hoặc diện tích quy đổi tương đương với diện tích cho tối thiểu 10 cây đối với các loại cây có mật độ trồng dưới 1.000 cây/ha hoặc cho tối thiểu 50 cây đối với các loại cây có mật độ trồng trên 1.000 cây/ha (như chè, cà phê).
4.1.3. Khảo nghiệm phân bón rễ cho lúa và cây trồng nước phải đắp bờ hoặc sử dụng tấm ngăn giữa các công thức khảo nghiệm, tránh nước tràn từ công thức này sang công thức khác.
4.2. Khảo nghiệm diện rộng:
4.2.1. Khảo nghiệm diện rộng có thể tiến hành trên một thửa ruộng, vườn cây (nếu diện tích đủ lớn) hoặc nhiều thửa ruộng, vườn cây trên cùng địa điểm, loại đất. Trên mỗi thửa ruộng hoặc vườn cây được chia thành các ô (băng), số ô bằng số công thức khảo nghiệm, không cần nhắc lại.
4.2.2. Đối với cây hàng năm: diện tích ô tối thiểu là 1.000 m2, riêng cây hoa ít nhất 200 m2; tổng diện tích khảo nghiệm không được vượt quá 30 ha/01 loại cây trồng/01 loại phân bón.
4.2.3. Đối với cây lâu năm: diện tích ô tối thiểu là 3.000 m2; tổng diện tích tối đa không quá 50 ha/01 loại cây trồng/01 loại phân bón.
4.3. Khảo nghiệm phân bón rễ cho lúa và cây trồng nước phải đắp bờ hoặc sử dụng tấm ngăn giữa các công thức khảo nghiệm, tránh nước tràn từ công thức này sang công thức khác.
5. Các biện pháp kỹ thuật
Các biện pháp kỹ thuật như mật độ gieo trồng, tưới nước, bảo vệ thực vật và các biện pháp kỹ thuật khác áp dụng theo quy trình phổ biến tại địa phương nơi khảo nghiệm và thống nhất cho các công thức khảo nghiệm.
6. Chỉ tiêu và phương pháp theo dõi
6.1. Chỉ tiêu theo dõi
6.1.1. Năng suất thực thu.
6.1.2. Chất lượng sản phẩm: nhận xét, đánh giá cảm quan về chất lượng sản phẩm; đối với loại phân bón có tác dụng chính là làm tăng chất lượng sản phẩm thì phân tích một số chỉ tiêu chất lượng chủ yếu để so sánh.
6.1.3. Đánh giá về tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng khảo nghiệm; mức độ nhiễm sâu bệnh, khả năng chống chịu điều kiện ngoại cảnh bất lợi của cây trồng.
6.1.4. Tính toán bội thu năng suất, hiệu suất sử dụng phân bón (áp dụng cho khảo nghiệm diện hẹp); bội thu năng suất, hiệu quả kinh tế (áp dụng cho khảo nghiệm diện rộng).
6.1.5. Đánh giá khả năng tăng độ ẩm đất đối với phân bón bổ sung chất giữ ẩm; lượng phân bón sử dụng tiết kiệm đối với phân bón có bổ sung chất tăng hiệu suất sử dụng; khả năng tăng miễn dịch của cây trồng đối với các điều kiện ngoại cảnh bất thuận hoặc với sâu bệnh hại đối với phân bón bổ sung chất tăng miễn dịch cây trồng.
6.2. Phương pháp theo dõi:
6.2.1. Năng suất: Đối với khảo nghiệm diện hẹp thu hoạch toàn ô; đối với khảo nghiệm diện rộng thu hoạch theo phương pháp thống kê đường chéo năm điểm trên ô ứng với mỗi công thức khảo nghiệm; diện tích mỗi điểm là 10 m2/điểm đối với cây ngắn ngày, 10 cây/điểm đối với cây lâu năm có mật độ trồng dưới 1.000 cây/ha, 20 cây/điểm đối với cây lâu năm có mật độ trồng trên 1.000 cây/ha.
6.2.2. Chỉ tiêu về chất lượng và các chỉ tiêu đặc thù tại mục 6.1.5 thực hiện theo phương pháp quy định tại tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với từng cây trồng hoặc tiêu chuẩn cơ sở, nếu chưa quy định trong tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
6.2.3. Tính toán hiệu lực của phân bón:
– Bội thu năng suất (tạ/ha) = Năng suất công thức phân bón khảo nghiệm – Năng suất công thức đối chứng;
– Hiệu suất sử dụng phân bón = Bội thu năng suất/số kg (lít) phân bón khảo nghiệm đã sử dụng;
– Hiệu quả kinh tế: Lợi nhuận (1.000 đồng) = (Năng suất x giá nông sản) – Tổng chi phí.
7. Căn cứ đánh giá phân bón khảo nghiệm
Loại phân bón khảo nghiệm được chấp nhận đưa vào sản xuất hoặc nhập khẩu khi có hiệu lực làm tăng năng suất hoặc tăng hiệu quả kinh tế ít nhất 10% so với đối chứng; đối với phân bón có bổ sung chất tăng hiệu suất sử dụng phải có tác dụng tiết kiệm lượng phân bón sử dụng ít nhất là 20%; đối với phân bón có bổ sung chất tăng miễn dịch cây trồng hoặc chất giữ ẩm hoặc chất điều hòa sinh trưởng phải có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về năng suất hoặc hiệu quả kinh tế so với đối chứng.
III. ĐỀ CƯƠNG KHẢO NGHIỆM PHÂN BÓN
Nội dung chủ yếu của đề cương khảo nghiệm:
1. Tên, địa chỉ của cơ sở có phân bón và cơ sở khảo nghiệm;
2. Chủng loại, tên phân bón, các chỉ tiêu chất lượng, yếu tố hạn chế, đặc tính chủ yếu của phân bón khảo nghiệm;
3. Nguồn gốc xuất xứ phân bón: kết quả nghiên cứu, nhập khẩu, chuyển nhượng, chuyển giao…;
4. Cây trồng khảo nghiệm;
5. Loại đất khảo nghiệm (theo bảng phân loại đất Việt Nam);
6. Công thức khảo nghiệm và công thức đối chứng;
7. Địa điểm, thời gian khảo nghiệm diện hẹp, diện rộng;
8. Chỉ tiêu, phương pháp theo dõi số liệu, phương pháp xử lý số liệu;
9. Các biện pháp kỹ thuật áp dụng;
10. Đối với các loại phân bón là chất cải tạo đất, phân bón có chứa chất giữ ẩm, chất tăng hiệu suất sử dụng phân bón, chất tăng khả năng miễn dịch cây trồng hoặc các trường hợp khác trong đề cương khảo nghiệm phải nêu rõ phương pháp bố trí thí nghiệm, phân bón đối chứng, chỉ tiêu và phương pháp theo dõi đặc thù và các nội dung khác có liên quan.
IV. BÁO CÁO KẾT QUẢ KHẢO NGHIỆM
1. Trình bày trang bìa:
1.1. Tên cơ sở có phân bón khảo nghiệm;
1.2. Tên cơ sở khảo nghiệm;
1.3. Tên báo cáo kết quả khảo nghiệm (ghi rõ chủng loại, tên của các loại phân bón khảo nghiệm);
1.4. Địa điểm, thời gian báo cáo kết quả.
2. Phần nội dung, phương pháp khảo nghiệm
2.1. Mục đích, yêu cầu của khảo nghiệm.
2.2. Điều kiện và phương pháp khảo nghiệm:
2.2.1. Tên loại đất;
2.2.2. Nhận xét về tính chất đất khảo nghiệm;
2.2.3. Địa điểm, thời gian khảo nghiệm;
2.2.4. Chế độ canh tác: cây trồng vụ trước, phân bón sử dụng ở vụ trước;
2.2.5. Nhận xét về tình hình thời tiết, khí hậu;
2.2.6. Phương pháp bố trí khảo nghiệm (công thức khảo nghiệm, công thức đối chứng, diện tích ô, số lần nhắc lại…);
2.2.7. Các biện pháp kỹ thuật đã áp dụng;
2.2.8. Chỉ tiêu, phương pháp theo dõi số liệu;
2.2.9. Phương pháp xử lý số liệu.
3. Kết quả khảo nghiệm
3.1. Kết quả khảo nghiệm diện hẹp:
3.1.1. Năng suất thực thu;
3.1.2. Bội thu năng suất so với đối chứng;
3.1.3. Nhận xét về chất lượng nông sản, chỉ tiêu chất lượng được phân tích (nếu có);
3.1.4. Nhận xét về tình hình sinh trưởng, phát triển, sâu bệnh, khả năng chống chịu điều kiện bất lợi của cây trồng khảo nghiệm;
3.1.5. Hiệu suất sử dụng phân bón;
3.1.6. Đánh giá khả năng tăng độ ẩm đất đối với phân bón bổ sung chất giữ ẩm; lượng phân bón sử dụng tiết kiệm đối với phân bón có bổ sung chất tăng hiệu suất sử dụng; đánh giá khả năng tăng miễn dịch của cây trồng đối với các điều kiện ngoại cảnh bất thuận hoặc với sâu bệnh hại đối với phân bón bổ sung chất tăng miễn dịch cây trồng;
3.2. Kết quả khảo nghiệm diện rộng:
3.2.1. Năng suất thực thu;
3.2.2. Bội thu năng suất so với đối chứng;
3.2.3. Nhận xét về chất lượng nông sản, chỉ tiêu chất lượng được phân tích (nếu có);
3.2.4. Nhận xét về tình hình sinh trưởng, phát triển, sâu bệnh, khả năng chống chịu điều kiện bất lợi của cây trồng khảo nghiệm;
3.2.5. Hiệu quả kinh tế của sử dụng phân bón khảo nghiệm;
3.2.6. Đánh giá khả năng tăng độ ẩm đất đối với phân bón bổ sung chất giữ ẩm; lượng phân bón sử dụng tiết kiệm đối với phân bón có bổ sung chất tăng hiệu suất sử dụng; đánh giá khả năng tăng miễn dịch của cây trồng đối với các điều kiện ngoại cảnh bất thuận hoặc với sâu bệnh hại đối với phân bón bổ sung chất tăng miễn dịch cây trồng.
4. Kết luận, kiến nghị, hướng dẫn sử dụng phân bón
4.1. Kết luận, kiến nghị rút ra từ khảo nghiệm phân bón.
4.2. Hướng dẫn sử dụng phân bón.
5. Phần xác nhận
Tổ chức, cá nhân tự khảo nghiệm hoặc đơn vị khảo nghiệm, ký tên, đóng dấu.
6. Phụ lục kèm theo báo cáo
6.1. Bản sao Phiếu kết quả phân tích các chỉ tiêu chất lượng, yếu tố hạn chế của phân bón do phòng kiểm nghiệm được công nhận hoặc chỉ định cấp;
6.2. Bản sao Biên bản kiểm tra, đánh giá khảo nghiệm phân bón của Sở Nông nghiệp và PTNT nơi tiến hành khảo nghiệm hoặc của Cục Trồng trọt (nếu có);
6.3. Bản sao hợp đồng khảo nghiệm phân bón với tổ chức, cá nhân tại nơi làm khảo nghiệm phân bón.
V. Hồ sơ khảo nghiệm phân bón
Thành phần hồ sơ khảo nghiệm phân bón lưu giữ tại cơ sở có phân bón khảo nghiệm gồm:
1. Đề cương khảo nghiệm phân bón theo quy định tại mục III phụ lục này;
2. Báo cáo kết quả khảo nghiệm phân bón theo quy định tại mục IV phụ lục này;
3. Quyết định của cơ sở có phân bón khảo nghiệm về việc đưa phân bón đã qua khảo nghiệm vào sản xuất hoặc nhập khẩu;
4. Nhật ký khảo nghiệm phân bón ghi chép chi tiết quá trình khảo nghiệm; số liệu gốc của các khảo nghiệm.
PHỤ LỤC X
DUNG SAI ĐƯỢC CHẤP NHẬN GIỮA KẾT QUẢ PHÂN TÍCH SO VỚI CÔNG BỐ ÁP DỤNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
DUNG SAI ĐƯỢC CHẤP NHẬN GIỮA KẾT QUẢ PHÂN TÍCH SO VỚI CÔNG BỐ ÁP DỤNG ĐỐI VỚI PHÂN BÓN HỮU CƠ VÀ PHÂN BÓN KHÁC
STT | Chỉ tiêu | Hàm lượng công bố | Kết quả phân tích so vớihàm lượng công bố không thấp hơn (%) | |
1 | HC | ≥ 15% | ≥ 150 g/L | 95 |
2 | HC | <15% | < 150 g/L | 93 |
3 | Tổng axit humix, fulvic hoặc tổng axit amin hoặc tổng vitamin hoặc tổng các chất có nguồn gốc sinh học khác | ≥ 5% | ≥ 50 g/L | 93 |
4 | Tổng axit humix, fulvic hoặc tổng axit amin hoặc tổng vitamin hoặc tổng các chất có nguồn gốc sinh học khác | < 5-1% | < 50-10 g/L | 90 |
5 | Tổng axit humix, fulvic hoặc tổng axit amin hoặc tổng vitamin hoặc tổng các chất có nguồn gốc sinh học khác | < 1% | < 10 g/L | 85 |
6 | N, P2O5, K2O | ≥ 10% | ≥ 100 g/L | 97 |
7 | Ca, Mg, S, SiO2 | ≥ 10% | ≥ 100 g/L | 96 |
8 | N, P2O5, K2O | ≥ 5 – < 10% | ≥ 50 – < 100 g/L | 93 |
9 | Ca, Mg, S, SiO2 | ≥ 5 – <10% | ≥ 50 – < 100 g/L | 92 |
10 | N, P2O5, K2O | < 5% | < 50 g/L | 90 |
11 | Ca, Mg, S, SiO2 | ≥ 1 – < 5 % | ≥ 10 – 50 g/L | 89 |
12 | B, Co, Cu, Fe, Mn, Mo, Zn, | ≥ 1 – 5% | ≥ 10 – 50 g/L | 87 |
13 | Ca, Mg, S, SiO2 | < 1% | < 10 g/L | 87 |
14 | B, Co, Cu, Fe, Mn, Mo, Zn, | < 1% | < 10g/L | 85 |
* CHÚ THÍCH: Các chữ viết tắt: HC: Hữu cơ; N: Ni tơ tổng số; P2O5: Lân hữu hiệu; K2O: Kali hữu hiệu; Ca: Canxi; Mg: Magie; S: Lưu huỳnh; SiO2: Silic; B: Bo, Co: Côban; Cu: Đồng; Fe: Sắt; Mn: Mangan; Mo: Molipđen; Zn: Kẽm.
Thủ tục, giấy tờ mua bán xe cũ theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ công…
Kế toán trong lĩnh vực văn phòng luật sư, công ty luật. Lĩnh tư vấn…
Tổng hợp văn bản liên quan đến giao thông đường bộ. Các văn bản luật…
Đăng ký đất đai lần đầu là rất quan trọng. Việc không đăng ký đất…
Một luật sư có được tham gia 2 (hai) tổ chức hành nghề luật sư…
Luật sư giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng. Khi có tranh chấp về…
» Luatsubaoho.com - Tư vấn pháp luật: 0768236248 - Chat Zalo